Lễ hội Lebaran

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: “Ảnh hưởng của Islam giáo đến đời sống văn hóa – xã hội Cộng hòa Indonesia” (Trang 40 - 41)

Lebaran (còn gọi là Idul Fitri) là lễ hội quan trọng nhất ở Indonesia, được tổ chức vào ngày 20 tháng 9 hàng năm tức là vào cuối tháng ăn chay, theo quy định của luật đạo Islam. Thực ra, lễ Lebaran là ngày lễ quan trọng của tất cả người

Islam giáo trên toàn thế giới nhưng đối với Indonesia, nó trở thành ngày tết truyền thống sâu rộng và nhất là đối với người Java, họ xem nó như là một ngày lễ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân.

Theo lịch Hồi giáo Arập, tháng 9 là Ramadan và tháng 10 là Syawal. Người Hồi giáo ăn chay và chấp hành nhiều giới cấm nghiêm khắc trong suốt tháng Ramadan nhằm trong sạch hóa bản thân để trở lại cái bản tính thiện ban sơ gọi là Fitrah.Sau khi phấn đấu vượt qua tháng trường chay Ramadan, họ cử hành lễ Idul Fitri ngày 1 tháng Syawal. Trong tháng trước lễ Lebaran tức là tháng Ramadan, tất cả các tin đồ đạo Islam, cả người lớn lẫn trẻ em, đều nhịn ăn từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn, để thử thách những giá trị tinh thần của họ và rèn luyện bản thân. Vào cuối tháng ăn chay này, lễ hội Lebaran huyên náo sẽ được tổ chức trên khắp quần đảo để ăn mừng chiến thắng tín đồ Islam giáo vượt qua tháng trường chay khổ hạnh. Lễ hội Lebaran có thể kéo dài từ một tuần cho đến một tháng. Để chuẩn bị cho ngày lễ này, người ta sửa sang trang hoàng nhà của, mọi người mặc quần áo mới, đốt pháo và làm các món ăn cầu kỳ ở nhà. Trên đường phố thì đầy nghẹt những người bán rong những chiếc bánh ngọt sặc sỡ và món bánh ketupat truyền thống, là món gạo được gói bằng lá cọ rồi hấp chín. Đặc biệt, trong ngày lễ này người ta còn gửi cho nhau những tấm thiệp, với những lời chúc cho nhau như: Selamat Idul Fitri, Minal Aidin Wal Faid’Zin, Mohon Maaf Lahir dan Batin. Người Java thường dùng từ Lebaran thay cho từ Idul Fitri trong khi chúc nhau nhưng trong các thiệp, người ta thường dùng từ Idul Fitri vì sự trang trọng và chính danh của ngày lễ. Vào sáng ngày 1 Syawal, sau khi làm lễ Idul Fitri với cộng đồng xong, thường là tại các giáo đường lớn, các sân vận động hay những bải đất rộng. Sau đó người ta trở về nhà quây quần vui Lebaran trong gia đình và thăm viếng các gia đình lân cận, tặng nhau những chiếc bánh ngọt và các món ăn được làm một cách đặc biệt. Trong nhiều gia đình Java, truyền thống chúc Lebaran của con cháu đối với ông bà cha mẹ được thực hiện với lệ Sungkem. Vào thời gian này, thanh thiếu niên cũng xin người lớn tha thứ cho những việc lầm lỗi mà họ phạm phải trong năm. Lời chúc Selamat Idul Fitri: Ma’ân Lahir Batin (Chúc lễ Lebaran hạnh phúc và tha thứ cho những lỗi lầm của chúng tôi) được nói trong mọi ngôi nhà. Lễ hội này cũng là dịp bày tỏ lòng kính trọng với tổ tiên. Những người Indonesia theo đạo Islam đi thăm phần mộ của gia đình, cầu nguyện và tưởng nhớ đến người thân đã mất.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: “Ảnh hưởng của Islam giáo đến đời sống văn hóa – xã hội Cộng hòa Indonesia” (Trang 40 - 41)