Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: “Ảnh hưởng của Islam giáo đến đời sống văn hóa – xã hội Cộng hòa Indonesia” (Trang 34 - 35)

Trong cuộc sống hằng ngày của con người nói chung và đặc biệt là việc sản xuất nông nghiệp nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện tự nhiên, là một nước nông nghiệp, do đó việc sùng bái tự nhiên là điều tất yếu đối với cư dân Indonesia. Không phải bây giờ con người hiện đại mới phát hiện ra tầm quan trọng của năng lượng mặt trời đối với cuộc sống của nhân loại mà ngay từ thời xa xưa cư dân Indonesia đã cảm nhận được điều đó, vì vậy, ở đây đã có tục thờ mặt trời. Người ta thờ thần Mặt Trời, người ta khắc hình mặt trời vào các trống đồng. Ngoài ra, người ta còn thờ các vị thần khác như: thần núi, thần đá, thần lửa,… Trong đó, gắn liền trực tiếp với công việc đống án của cư dân nông nghiệp là đất và nước. Vì thế, hai vị thần này cũng được thờ ở khắp mọi nơi. Người Indonesia cũng còn có nhiều tập tục thờ cúng các loại cỏ cây, hoa lá ở trong rừng, trên cánh đồng. Tại đây, người ta dùng những tảng đá lớn làm bàn tế lễ. Họ tin vào sức mạnh thần bí của tự nhiên, tin vào sự tồn tại của hồn nên họ đã làm tất cả mọi việc để tỏ lòng kính trọng các lực lượng thần bí.

Đối với cư dân nông nghiệp Indonesia, cây lúa là tất cả cuộc sống của họ. Thần lúa, vì vậy, là vị thần thiêng liêng nhất. Ở Java người ta coi thần lúa là hiện thân của nữ thần Dewi Sri. Người dân có niềm tin mãnh liệt vào hồn lúa, trong con mắt người dân hồn lúa rất đẹp, vì vậy họ phải luôn luôn cầu khấn để hồn lúa ở lại với cây lúa, ở lại xóm làng của họ. Thần lúa có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống người dân, vì vậy có thể nói việc sản xuất gạo lúa, thu hoạch mùa màng là một điều quan trọng được duy trì trong cuộc sống hằng ngày. Vì thế, người dân thường cử hành những nghi thức tế tự thần lúa. Những nghi thức này giúp họ giải quyết vấn đế nên quyết định loại lúa vào thời gian nào là thích hợp với việc thu hoạch mùa màng. Trước khi trồng họ cử hành những nghi lễ đó là để xua đuổi những thế lực xấu. Sau đó họ mới bắt đầu trồng lúa, khi mà hạt lúa đến mùa gặt họ lại tiếp tục cử hành nghi thức tế lễ nhằm chọn ra những hạt lúa tốt để gieo cấy cho vụ sau. Trong thời gian thu hoạch, người dân phải cử hành các nghi thức tế tự và cung phụng những lễ vật cho các thần để biểu thị sự cảm tạ.

Ngoài ra, liên quan đến sùng bái tự nhiên còn có việc sùng bái một số động vật gắn liền với cuộc sống cư dân Indonesia. Người dân ở miền Đông Sumatra, ngay cả khi đã theo đạo Islam vẫn thờ hổ và cá sấu, và coi đó là những vị thần có vai trò không nhỏ trong đời sống của họ.

Như vậy, đây là một đặc trưng khác biệt của nền văn hóa Islam giáo Indonesia khác với các quốc gia ở Trung Đông. Sự khác biệt đó được thể hiện trong sự tồn tại song song của việc tôn thờ Thánh Allah và thờ các tín ngưỡng bản địa, khác với Islam giáo truyền thống chỉ tôn thờ Thánh Allah tối cao như ở các nước Trung Đông. Sống trong một khu vực châu Á gió mùa với nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước là chính, cuộc sống của người dân gần gũi với thiên nhiên, họ quan niệm mọi vật đều có linh hồn, thế giới xung quanh đầy rẫy những thần linh ở những bậc cấp khác nhau. Vì thế, họ không chỉ hướng vào một Đấng tối cao duy nhất mà còn hướng niềm tin vào các nhiên thần và nhân thần. Họ mang ơn các vị thần, cầu mong các vị thần cho một lời khuyên, giúp làm một việc thiện, mong

có một cuộc sống êm ấm, tránh mọi đều dữ, mong mọi điều tốt lành, mong cho tai qua nạn khỏi, thậm chí cầu mong một cuộc sống tốt đẹp ở thế giới bên kia với người thân. Thậm chí, ngay cả khi cả các Islam giáo tràn vào và dù có phát huy ảnh hưởng to lớn đến đâu đối với đời sống tâm linh của cư dân thì việc thờ cúng tổ tiên hay thờ cúng các vị thần tự nhiên cũng không vì thế mà không bị lãng quên [26;59]. Cư dân Indonesia mặc dù tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của thánh Allah nhưng họ vẫn tin vào mối liên hệ, ràng buộc giữa người chết với người đang sống.

Do đó, các tín đồ Islam giáo ở Indonesia vẫn lập bàn thờ cúng tổ tiên và tiến hành những nghi lễ tế các vị thần trong tự nhiên. Điều này cũng chứng tỏ rằng, Islam giáo đến Indonesia muốn cắm rễ được ở nơi đây đã phải chịu một sự tiếp biến mạnh mẽ của những tín ngưỡng, tôn giáo bản địa, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ các vị thần trong thiên nhiên.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: “Ảnh hưởng của Islam giáo đến đời sống văn hóa – xã hội Cộng hòa Indonesia” (Trang 34 - 35)