2.5.1. Vị thế người phụ nữ trong xã hội Islam
Cùng với các quốc gia châu Á, các quốc gia Đông Nam Á có truyền thống theo gia đình lớn – tức là gia đình nhiều thế hệ và phần lớn là không quá nhấn mạnh chế độ phụ quyền. Ở đây có tập tục thịnh hành là song hệ thân thuộc, tức là cả hai họ hàng đều có vai trò và quyền bình đẳng ngang nhau. Điều này có nghĩa là nam nữ hai bên cha mẹ đều bình đẳng trong quan hệ, không có phân biệt nội ngoại thân sơ. Vì thế, vợ chồng mới cưới cùng có thể ở bên nhà bố mẹ chồng hay
bố mẹ vợ. Quan trọng là cần phải xem xét xem nhà nào bố mẹ có thể giúp đỡ và có lợi nhiều hơn cho con cái mà thôi. Tại Indonesia, không những thịnh hành truyền thống về ở cùng gia đình vợ, mà còn thậm chí ở một số nơi như Aceh còn bảo lưu được tập tục chế độ mẫu hệ. Vị trí người phụ nữ trong xã hội là tương đối cao. Trong gia đình thì quyền lực nam nữ bình đẳng ngang nhau, đôi khi các vấn đề trong gia đình vẫn là do phụ nữ quyết định. Có thể nói vị thế người phụ nữ trong xã hội Islam ở đây tương đối khác biệt với vị thế người phụ nữ trong xã hội Islam ở Trung Đông. Trong những gia đình Muslim trong xã hội không có sự phân biệt việc sinh con trai hay con gái, thậm chí nếu sinh con trai mà chưa sinh được con gái nhiều khi họ cố gắng cố sinh nữa để mong có được con gái, đến nỗi những người Hoa sinh sống ở đây sinh được con gái thì thường đưa cho những gia đình Mislum nuôi dưỡng. Chính truyền thống trọng nam khinh nữ của xã hội truyền thống Nam Dương đã ảnh hưởng và làm thay đổi quan niệm về vị thế của người phụ nữ trong xã hội Islam truyền thống.
Đặc biệt, tại Indonesia người phụ nữ là có những đóng góp rất quan trọng trong quá trình phát triển Indonesia. Theo cách nhìn truyền thống của người Islam giáo, phụ nữ ra đường phải đeo mạng che mặt vì một quan niệm rất phổ biến trong thế giới Islam giáo lúc bấy giờ là người phụ nữ chỉ được phép tiếp xúc với người thân trong gia đình và không được phép để người lạ thấy mặt mình, họ luôn bị ràng buộc với gia đình, lệ thuộc vào cha, em và anh trai chồng, mặc dù họ có những đóng góp lướn trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế gia đình. Trong thời kỳ hiện đại, luật lệ này đã được thay đổi, phụ nữ Islam giáo ở Indonesia đã hoàn toàn thoát khỏi những luật tục khắt khe này của Islam giáo truyền thống. Và hơn nữa hiện nay, trước nhu cầu phát triển của đất nước, người phụ nữ Indonesia đã bước ra khỏi ngôi nhà nhỏ bé của mình để được học tập, đào tạo nghề nghiệp và tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước, có thể sánh vai cùng nam giới. Trong lịch sử đã chứng minh phụ nữ Indonesia đã có những đóng góp rất to lớn đối với Inđônêsia, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và chính trị ở thời kỳ đầu dựng nước. Một tấm bia được tìm thấy ở miền Trung Java có niên đại 732 SCN đã kể rằng, mẹ và dì của vua San Jaya đã trị vì đất nước trước khi ông lên ngôi [28;63]. Trong các thế kỉ sau, ngay cả khi Islam giáo trở thành tôn giáo thống trị, một số khu vực trên quần đảo Indonesia vẫn còn nằm dưới quyền cai trị của nữ hoàng. Vào thế kỷ XVII Sultanah Tajul Alam Sajiatuddin Johan Berdaulat đã trị vì Aceh trong suốt thời gian dài khoảng 30 năm, việc bà được bổ nhiệm làm nữ hoàng chứng tỏ các quan chức chính phủ cũng như các chức sắc Islam giáo đã thừa nhận bà có khả năng hoàn thành sứ mệnh của người đứng đầu đất nước.
Trong thời kỳ thực dân Hà Lan chiếm đóng, khi ý thức dân tộc trỗi dậy, phong trào cách tân Islam giáo và ý tưởng giải phóng phụ nữ lan khắp cả nước và đặc biệt khi phong trào phụ nữ xuất hiện thì người phụ nữ Indonesia càng khẳng định vị thế của mình hơn trong xã hội, nhiều tổ chức, phân hội phụ nữ Islam giáo đã được thành lập như Putri MardiKa, Ai Syiyah, Nahdatul, Wanodya Utomo. Sự ra đời các tổ chức đó đã tạo điều kiện cho phụ nữ Indonesia có thể học tập, làm việc cho mình để có thể đóng góp sức lực và trí tuệ của mình cho đất nước. Điều
đáng lưu ý là phong trào phụ nữ Indonesia vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi phong trào cải cách Islam giáo ở trong nước, đặc biệt là trào lưu cải cách nền giáo dục Islam giáo truyền thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển về khoa học và kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân [52;54,64]. Những tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa cách tân Islam giáo đã được tổ chức Islam giáo Muhammadiyah tuyên truyền và thực hiện rộng rãi trong cả nước. Để góp phần cải thiện và hiện đại hóa đời sống phụ nữ Islam giáo ở Indonesia, người sáng lập ra tổ chức này đã lập ra phân hội phụ nữ gọi là Ai Siyiyah. Tổ chức này đã có những hoạt động hiệu quả và góp phần to lớn trong phong trào phụ nữ ở Indonesia nói chung và phụ nữ Islam giáo nói riêng.
Ngày nay, vị thế của người phụ nữ trong xã hội Islam ở Indonesia đã được cải thiện rất nhiều so với phụ nữ Islam ở Trung Đông, họ đã có thể tham gia vào cuộc sống xã hội một cách bình đẳng như đàn ông.