Yếu tố Islam giáo trong văn hóa bản địa

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: “Ảnh hưởng của Islam giáo đến đời sống văn hóa – xã hội Cộng hòa Indonesia” (Trang 30 - 34)

Khi xâm nhập vào đời sống văn hóa Indonesia, Islam giáo đã không loại bỏ hoàn toàn những yếu tố văn hóa bản địa, cũng như những yếu tố văn hóa Ấn Độ, mà ngược lại đã để cho những dấu ấn văn hóa bản địa Indonesia in đậm và song song tồn tại hoặc đan xen vào các yếu tố văn hóa và lễ nghi của mình. Vì vậy, nền văn hóa Islam giáo đã có những yếu tố văn hóa và tính chất khác biệt so với văn hóa Islam ở Trung Đông. Một trong những yếu tố đó là nhân tố tôn giáo nguyên thủy hiện tồn tại trong hình thức biểu hiện của xã hội Islam giáo ở Indonesia là tôn giáo mang tính tâm linh, sùng bái tổ tiên và sùng bái thần linh. Ngoài tín ngưỡng thờ Thánh Allah ra ở khu vực này cũng có tín ngưỡng thờ các vị thần tự nhiên hay thờ các vị thần của Ấn Độ giáo như: thờ thần thời gian, thần chết, thần lúa đồng thời cũng sùng bái các thần bản mệnh và các thế lực ma thuật.

2.1.1. Tín ngưỡng sùng bái tổ tiên

Do có một nền văn hóa bản địa vững chắc nên khi Islam giáo du nhập vào Indonesia thì bên cạnh việc tiếp nhận tôn giáo mới, các dân tộc Indonesia vẫn bảo tồn tín ngưỡng cổ truyền của họ, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đó là sự tồn tại song song và đan xen giữa việc thờ cúng tổ tiên và thờ Thánh Allah.

Trong không gian văn hóa chung Đông Nam Á, cùng sinh ra và lớn lên trong một khu vực địa lý, cùng có chung một cơ tầng văn hóa là nông nghiệp lúa nước, cư dân Indonesia cũng mang trong mình những yếu tố tín ngưỡng bản địa như nhau. Xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh” họ cho rằng mỗi người sinh ra và lớn lên đều có một số nhóm hồn nhất định. Hồn, theo họ có quan hệ mật thiết với cuộc đời mỗi người. Nếu hồn thoát khỏi xác thì con người sẽ chết. Nhưng chết không có nghĩa là hết. Quan niệm này là cơ sở của sự ra đời của tín ngưỡng thờ cúng người đã mất, mà trước hết quan trọng nhất là thờ cúng ông bà, tổ tiên gia đình, dòng họ. Việc thờ cúng tổ tiên vừa có ý nghĩa nhớ về cội nguồn, biết ơn cội nguồn, vừa thể hiện lòng ước muốn sự phù hộ độ trì của tổ tiên cho người còn sống.

Theo người Batak thì mỗi người đều có linh hồn được gọi là Tondi. Tondi bỏ đi lâu thì thể xác bị ốm đau. Bởi vậy, chỉ các thầy phù thủy mới chữa được bệnh cho người ta khỏi ốm bằng cách gọi hồn về. Người Batak quan niệm có ba loại linh hồn tổ tiên: linh hồn bảo hộ được gọi là Xombeon, các linh hồn tốt gọi là Xuman – got của những tổ tiên đã chết lâu và các hồn dữ của những người mới chết gọi là Begu. Ngoài ra, còn có các hồn ma (Hantu) của mọi vật như ma nhà, ma đất, ma nước… Do vậy mà khi Islam giáo thâm nhập vào đời sống tinh thần của người Bugi và Makasara từ giữa thế kỉ XVI, tục lệ thờ cúng tổ tiên, thờ các ma vẫn còn tồn tại ở Indonesia.

Thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng những bậc tiền bối trong gia đình, thị tộc… thể hiện mối quan hệ tâm linh giữa những người đang sống và những người đã khuất. Đó là sợi dây bền vững xuất phát từ tình cảm cộng đồng, nối quá khứ với hiện tại và tương lai, tạo nên tính liên tục trong sự đứt đoạn của các cộng đồng tộc người từ gia đình – họ hàng – làng nước… Vì thế, thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng phổ biến trong nhiều dân tộc trên thế giới. Theo X.A.Toocarev, sự thờ cúng tổ tiên là hình thức tôn giáo, từ lâu đã được thừa nhận trong khoa học. Ông đưa ra định nghĩa khái niệm thờ cúng tổ tiên như sau: “Đó là sự thờ cúng ông bà cha mẹ và những người đồng tộc đã chết và trước hết là các hình thức gia đình – thị tộc của sự thờ cúng đó, tức là lòng tin rằng, tổ tiên đã chết che chở cho con cháu đang sống và những nghi lễ cầu xin do các thành viên thị tộc hay gia đình tiến hành để nhằm thờ phụng tổ tiên” [2;121]. Biểu tượng của thờ cúng tổ tiên là những hình ảnh đẹp đẽ mà con cháu nghĩ về tổ tiên và tiến hành nghi lễ linh thiêng để nói lên sự ngưỡng mộ tôn vinh của con cháu.

Đối với người Indonesia thì họ đều tin vào thế giới của các linh hồn và cho rằng mọi vật đều có sức mạnh bên trong. Quan niệm này có mặt ở tất cả mọi nơi trên đất nước Indonesia, nơi mà niềm tin tôn giáo của dân chúng chịu ảnh hưởng của các thần linh hiện diện trong những thứ như lúa gạo, cây cối, sông hò, núi non, mặt trăng,… Nhiều người tin rằng linh hồn của các tổ tiên đã chết của họ vẫn còn đang sống. Các nhà nghiên cứu gọi chung đó là tín ngưỡng đa thần giáo.

Phần lớn người Toratgia theo tín ngưỡng vật linh luận. Người Toratgia cho rằng mỗi người đều có hai hồn: hồn sống (tanoan) và hồn chết (angga). Khi chết, tanoana lên trời, còn angga xuống âm phủ. Các linh hồn đều có hình dáng các con vật như: rắn, chuột, sóc, chim,… Đối với họ, thờ cúng tổ tiên rất được coi trọng và gắn liền với tục săn đầu người và tục chôn cất hai lần. Quan tài người chết được đặt trên bệ đặc biệt ở ngoài làng hay trong rừng. Cho đến ngày tang lễ (được tỏ chức một lần trong năm sau khi gặt hái), xương cốt được cào rửa sạch rồi đem gói lại bằng vải như hình con rối gắn vào mặt người chết. Hình nhân đó được đặt vào một ngôi nhà đặc biệt. Họ hàng quây quần quanh nhà mồ múa hát. Tang lễ kéo dài trong nhiều ngày và mỗi gia đình phải giết một số trâu tương đương với số người chết để được làm lễ tang. Một phù thủy gọi hồn người chết rồi đưa họ về quê hương của tổ tiên. Sau tang lễ, hài cốt được cho vào hòm rồi đem đi bỏ vào trong hang núi. Theo tôn giáo của người Niasa là vật linh giáo. Tục thờ tổ tiên và tà thuật của tộc người Niasa cũng rất phát triển. Cho đến nay, họ vẫn còn giữ lại truyền thống cự thạch, đó là hình các tổ tiên hoặc các công trình bằng đá có những hình khắc phục vụ cho việc thờ phụng tổ tiên. Tục săn đầu người dùng trong các buổi tế lễ tổ tiên cũng rất phổ biến, các nghi thức tang ma gần với nghi thức cùng loại của người Batak và Daiak.

Trong quá trình tiếp diễn văn hóa diễn ra liên tục thì những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ hay Arập, hay sự thâm nhập của Islam giáo vào Indonesia đã tạo ra tác động mạnh mẽ lên nhiều mặt của các thành tố văn hóa bản địa. Mặc dù vậy, dưới những tác động này, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không những không bị phai nhạt, lãng quên mà còn hết sức phong phú đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung

mà còn gắn liền với các tôn giáo khác nhau. Cùng tồn tại song song và hòa quyện vào nhau để tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa mang một nền văn hóa tôn giáo đặc trưng.

Như vậy, có thể thấy cơ sở cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của các tộc người ở Indonesia là quan niệm về sự tiếp tục sống của linh hồn người chết, niềm tin vào sự phù hộ, che chở của người đã mất cho cuộc sống trên trần thế. Nó cũng là một trong những nguyên nhân lý giải cho sự tồn tại lâu bền của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở đây.

2.1.2. Tín ngưỡng phồn thực

Trong một không gian sinh tồn rộng lớn, cư dân Đông Nam Á cũng như dân tộc Indonesia đã xây dựng cho mình một nền văn hóa riêng biệt vừa có tính chất khu biệt, vừa mang nhiều nét mang tính tương đồng tạo nên một nền văn hóa đa dạng, phong phú. Trong đó tín ngưỡng là một bộ phận quan trọng thể hiện thức nhận về thế giới tâm linh của các cư dân Đông Nam Á vẫn biết đến như những chủ nhân đích thực của nền văn minh “lúa nước” – một nền văn minh độc đáo trong số 36 nền văn minh rực rỡ trên thế giới. Văn minh lúa nước đã ảnh hưởng trực tiếp và mãnh liệt đến lối sống, tư duy, tình cảm của những người dân Đông Nam Á nói chung và của Indonesia nói riêng. Chính đời sống, nếp sinh hoạt của những cư dân làm nông nghiệp đặc thù đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của họ. Và có thể nói, tín ngưỡng phồn thực chính là một phần trong các ý niệm tâm linh đó. Đặc biệt, tín ngưỡng phồn thực mang một nét riêng biệt của văn hóa các cư dân nông nghiệp, mang khát vọng về cuộc sống sinh sôi nảy nở, và nó sẽ trường tồn trong nền văn hóa của cư dân nông nghiệp nói chung cũng như nền văn hóa nói riêng.

Đó là một trong những cội rễ xưa nhất, đồng thời độc lập với các tín ngưỡng và lễ nghi tôn giáo khác, gắn liền với thời kỳ nguyên thủy và với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là tín ngưỡng nông nghiệp với lễ nghi phồn thực điển hình. Các nghi lễ thờ cúng thần nông nghiệp, các ma thuật phục vụ mùa màng, các hình thức khác nhau của tục hèm, kiêng cấm trong trồng trọt, những dị đoan về mối liên hệ giữa tình dục con người với sự mắn đẻ và sinh sôi của vật nuôi và cây trồng đều gắn liền với tín ngưỡng phồn thực. Nói đến tín ngưỡng phồn thực, chúng ta đều hiểu rằng đó là nói đến tiếng vang nào đó của tín ngưỡng nông nghiệp thời cổ về mối liên hệ siêu nhiên giữa con người và đất đai, cây trồng với vật nuôi mà chủ yếu trong đó chính là “sự thông linh, ảnh hưởng của quan hệ tình dục giữa nam

nữ con người với sự sinh sôi nảy nở trong tự nhiên được thể hiện bằng rất nhiều nhũng nghi lễ hoặc những hành động ma thuật dục tình được tiến hành trong những chu kì nông lịch nhất định hoặc liên quan đến mùa vụ” [44;66].

Cũng như quan niệm của các nước có nền văn hóa nông nghiệp khác, ngay từ đầu ở Indonesia, việc sinh sôi nảy sinh hoa màu mà chủ yếu là lúa gạo để duy trì cuộc sống và việc sinh sản của con người để duy trì nòi giống là hai vấn đề được đặt lên hàng đầu. Người ta cũng dần nhận ra rằng hai hình thái sinh sản này có cùng một bản chất, cùng cần đến sự hòa hợp của hai yếu tố cha ( trời – dương) và mẹ (đất – âm). Chính sự liên tưởng giữa Trời – Đất, Dương – Âm và Đực –

Cái, nguồn gốc sinh sản ra con người và vạn vật của vũ trụ luôn tồn tại trong tâm thức người nông dân phương Đông là sự khái quát hóa đầu tiên đưa đến một triết lý cơ bản người phương Đông, triết lý âm dương.triết lý âm dương này được chi phối trong mọi hành vi, ứng sử và hoạt động của người phương Đông, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, trước mùa gieo cấy bao giờ người nông dân cũng thờ cúng và tái hiện việc giao hòa Âm – Dương, Đực – Cái dưới dạng thức khác nhau để mong rằng cây cối sẽ thấy vậy mà bắt chước theo và sẽ sinh sôi nảy nở nhanh chóng. Bên cạnh đó, trong điều kiện xã hội cổ truyền còn lạc hậu, thiếu những trang bị sản xuất cộng thêm những khó khăn trắc trở như hạn hán, lũ lụt, và thiên tai mà thiên nhiên gây ra, những người nông dân đành bất lực và mùa màng vì thế mà thất thường, nạn thiếu ăn xảy ra. Chính vì vậy, nhu cầu về việc cầu mong sự sinh sôi nảy nở cây trồng của họ rất lớn, điều này dẫn tới việc hình thành nên các nghi thức, tín ngưỡng tôn thờ lực lượng siêu nhiên quyết định sự sinh sôi nảy nở, từ đó xuất hiện các lễ nghi ma thuật gắn với nông nghiệp và tín ngưỡng phồn thực xuất hiện. Tín ngưỡng này tồn tại dưới hai loại biểu hiện của nó là thờ sinh thực khí nam và nữ, và thờ cả hành vi giao phối. Với người nông dân Indonesia, cuộc sống trên hết là sự kế tiếp của các thế hệ, là sự sinh soi nảy nở, là sự lưu truyền giống nòi. Ước vọng mãnh liệt ấy được họ thể hiện bằng những hình vẽ tượng trưng Linga và Yoni làm bằng hình trang trí khắp nơi, bằng việc tạc những tượng người với bộ phận sinh dục có kích thước to khác thường, bằng các hình vẽ mô tả lại cảnh giao phối giữa một đực một cái ở mọi nơi, trong hang đá, trên các công cụ sản xuất… Có thể nói, hiện tượng thờ các hình sinh thực khí nam nữ, thờ hành vi giao phối của cả con người và động vật là một xạ ảnh, một hình ảnh luôn luôn thường trực trong đầu óc của cư dân nông nghiệp, những người luôn mong ước có được sự sinh sôi nảy nở của cây trồng, có được một vụ mùa bội thu. Khi Islam giáo được truyền vào Indonesia thì tín ngưỡng phồn thực ở Indonesia đã có sự thay đổi bằng cách tôn giáo này đã pha trộn tôn giáo mình với tín ngưỡng bản địa nhằm mục đích dung hòa tôn giáo mình với văn hóa bản địa để có thể tồn tại ở khu vực này. Tại miền trung bán đảo Java có ngọn đồi tên là Kemukus, cách Solo khoảng 28 cây số về phía Đông Bắc. Trên đồi có một ngôi mộ của một hoàng tủ Islam tên là Samadra sùng kính. Sau khi cầu nguyện trước ngôi mộ xong, đến nửa đêm ngày thứ 6 hay gọi là “pon”, theo lịch của người Java cứ 35 ngày thì lặp lại, người đến viếng lùi vào các căn phòng nhỏ để làm tình với nhau [33]. Đa số tin rằng trong dịp này làm tình với một người lạ và cần có bảy lần như vậy thì lời nguyện của họ mới linh nghiệm. Tập quán này tồn tại được là vì những người theo đã pha trộn tôn giáo mình với tín ngưỡng phồn thực bản địa. Có thể nói rằng khi Islam giáo du nhập vào Indonesia thì tôn giáo này đã tạo nên một hình thức biểu hiện mới cho tín ngưỡng phồn thực ở Indonesia, tạo nên sự đa dạng hơn trong văn hóa bản địa dân tộc, gắn liền với tôn giáo mình. Như vậy, ở đây yếu tố Islam giáo đã có sự đan xen và pha trộn giữa yếu tố văn hóa bản địa với lễ nghi của mình.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI: “Ảnh hưởng của Islam giáo đến đời sống văn hóa – xã hội Cộng hòa Indonesia” (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(72 trang)
w