Các quá trình và hiện tượng địa chất động lực công trình

Một phần của tài liệu Xây dựng sơ đồ địa chất công trình tỷ lệ 1 10.000 khu vực thành phố Long Xuyên, An Giang (Trang 126 - 128)

Trong vùng hình thành các quá trình và hiện tượng địa chất động lực công trình đáng chú ý:

4.4.4.1.Hoạt động xâm thực bờ

Quá trình này thường xuất hiện không liên tục, xảy ra ở các sông, kênh, rạch trong vùng do bờ sông được cấu tạo bởi các loại đất đá có tính chất cơ lý kém bền vững như: bùn sét, bùn sét pha, sét dẻo mềm, cát bở rời.... nên tác động xâm thực của dòng chảy dễ xảy ra.

Trên sông Hậu: khu vực phía đông cầu Cái Dung đến rạch Cái Sao, kéo dài khoảng 1km, tốc độ xâm thực 2-3m/năm. Tây bắc cầu Cái Dung dài 500m, bờ phía Nam cảng Mỹ Thới, tốc độ xâm thực 1m/năm và rải rác ở một số khu vực nơi sông, kênh rạch chảy ra sông Hậu.

Trên rạch Long Xuyên: xảy ra ở những khu vực cục bộ, thay đổi hướng dòng chảy thuộc phường Bình Khánh, phường Mỹ Xuyên, kéo dài 300-500m, tốc độ xâm thực 1-2m/năm.

Nguyên nhân của hiện tượng xâm thực bờ sông chủ yếu do ảnh hưởng của thủy triều và dòng lũ hàng năm làm vận tốc dòng chảy tăng lên, bờ sông ở trong vùng nghiên cứu chủ yếu được cấu tạo bởi các lớp đất đá có tính chất cơ lý kém bền vững.

Ngoài ra việc xây dựng nhà ở và các công trình xây dựng khác trên sông rạch làm thu hẹp dòng chảy, tăng tải trọng tác dụng lên đất nền ven sông vốn đã có khả năng chịu lực kém, sóng vỗ bờ do các phương tiện thủy lưu thông cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy quá trình xâm thực bờ tại những khu vực này.

Nhìn chung, quá trình xâm thực bờ xẩy ra rất phổ biến ở các sông, kênh rạch trong toàn vùng. Mức độ phát triển ngày một mạnh lên làm cho bề mặt địa hình bị biến đổi và đe dọa các công trình gần bờ.

4.4.4.2. Tích tụ bờ

Quá trình này khá phổ biến trong vùng, do dòng chảy mang một lượng phù sa khá lớn nên quá trình lắng đọng xảy ra nhiều nơi khi có điều kiện thuận lợi.

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy các dòng sông ở miền Tây Nam bộ có sự bồi lắng phù sa rất lớn, đây là quy luật tự nhiên của các con sông vùng đồng bằng nam bộ.

Sự bồi lắng của sông Hậu Giang đã tạo ra một số Cù Lao giữa sông và các dải cát ven bờ, cũng như các dải cát ngầm khác, tuy có thể khai thác làm vật liệu xây dựng và san lấp xong nếu không có biện pháp khơi dòng sẽ dẫn đến những hậu quả không nhỏ, như làm thu hẹp lòng sông, tạo ra dòng chảy xiết, với tốc độ cao sẽ phá lở bờ mạnh hơn.

Sự sạt lở bờ, bồi tích thu hẹp lòng sông do tác động của các quá trình ngoại sinh là chính. Cần tiến hành một số phương pháp như đo hồi âm, đo sâu điện….. để xác định trắc diện và hình thái các bãi cát ngầm cũng như các lạch sâu tại các đoạn xung yếu trên sông Hậu Giang, rạch Long Xuyên để có biện pháp hữu hiệu, nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại do sụp lở đất và hiện tượng lấp dòng chảy gây ra.

Hiện tượng sói lở bờ thường xảy ra chủ yếu gần mép bờ. Để hạn chế hiện tượng xói lở bờ nên sử dụng kè, đóng cây cừ tràm, gia cố đá, bê tông và tốt nhất là không xây dựng các công trình có tải trọng lớn trên khu vực bờ các sông rạch.

4.4.4.3.Lũ lụt

Lũ lụt là đặc điểm tự nhiên của toàn vùng đồng bằng Nam Bộ nói chung và xảy ra hàng năm tùy mức độ lớn nhỏ khác nhau. Trong những năm gần đây lũ lớn xảy ra thường xuyên hơn, tuy nhiên do đặc điểm địa hình của vùng nghiên cứu nên ngập lụt thường xẩy ra ở khu vực phía Tây của vùng, những khu vực còn lại chỉ bị ảnh hưởng nhẹ.

4.4.4.4.Động đất

Theo các tài liệu của Nguyễn Cẩn (1985), Phạm Khoản (1985), ở khu vực nghiên cứu thuộc đới kiến trúc có biểu hiện động đất yếu, nhất là khu vực dọc các đứt gẫy sông Tiền và sông Hậu Giang, là đới có khả năng phát sinh cấp động đất trung bình (M=5,0-5,5)(theo thang phân cấp động đất của Liên Xô cũ). Theo Phạm Văn Thục (1985), động đất cấp M=5,25 xẩy ra với chu kỳ 3,5năm/lần, cấp 5,75 với chu kỳ 11năm/lần. Tuy nhiên, các ảnh hưởng động

đất cho đến nay vẫn chưa có biểu hiện đe dọa đến các công trình xây dựng và môi trường địa chất của toàn vùng, song những số liệu trên đây là đáng chú ý đối với các nhà quy hoạch và thiết kế các công trình xây dựng trên vùng nghiên cứu. Chiều dày lớp đất yếu lớn cộng với mực nước ngầm nông, nên nếu xảy ra động đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các công trình có tải trọng cao và chịu tải trọng động.

4.4.4.5.Các hoạt động nâng, hạ có tính chất địa phương

Các kết quả phân tích, nghiên cứu không ảnh cho thấy vùng nghiên cứu có biểu hiện các hoạt động sụt lún có tính chất địa phương, hình thành các cấu trúc vòng phân bố và chia cắt vùng nghiên cứu ra thành nhiều khu vực.

Các ghi nhận này cùng với các đứt gãy sông Hậu Giang và có thể một số đứt gãy tân kiến tạo khác, tạo nên một bức tranh về điều kiện địa chất không mấy ổn định của vùng.

Một phần của tài liệu Xây dựng sơ đồ địa chất công trình tỷ lệ 1 10.000 khu vực thành phố Long Xuyên, An Giang (Trang 126 - 128)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)