Tài sản cố định của doanh nghiệp qua ba năm có xu hướng giảm xuống nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, điều này có ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vì với lĩnh vực của mình thì doanh nghiệp cần rất nhiều đến tài sản cố định nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình sản xuất kinh doanh.
Tài sản cố định là cơ sở vật chất kĩ thuật, là yếu tố chính thể hiện năng lực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác giá trị còn lại của tài sản cố định thể hiện một lượng vốn đang đầu tư vào sản xuất kinh doanh luôn đòi hỏi phải được sử dụng với hiệu quả cao, thể hiện của đòi hỏi này là tài sản cố định phải được bố trí với cơ cấu hợp lý, thời gian hoạt động cũng như năng lực của tài sản cố định phải được huy động tới mức tối đa nhằm không ngừng tăng sản lượng, tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm góp phần tăng sức cạnh tranh để đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Việc phân tích tình hình sử dụng tài sản cố định qua chỉ tiêu hiệu suất sử dụng tài sản cố định nhằm đánh giá tình trạng quản lý, sử dụng tài sản cố định của doanh nghiệp hiện nay là tốt hay xấu, có ảnh hưởng như thế nào đến cân bằng tài chính của doanh nghiệp. Từ đó tìm ra nguyên nhân có liên quan, làm cơ sở cho các biện pháp cải thiện công tác quản lý tài sản cố định đảm bảo hiệu suất sử dụng ngày càng cao.
Qua chỉ tiêu này ta thấy, hiệu quả sử dụng tài sản cố định tăng dẫn đến doanh thu hoạt động kinh doanh tăng theo tỷ lệ thuận. Khi doanh thu hoạt động kinh doanh tăng
65
thì nó sẽ làm cho lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên, chính sự tăng lên của lợi nhuận này sẽ là cơ sở cho việc bổ sung thêm vốn chủ, là một yếu tố chính cấu thành nên nguồn vốn thường xuyên và làm nguồn vốn thường xuyên tăng lên. Từ đó cân bằng tài chính của doanh nghiệp ngày càng được cải thiện.
Có thể kể ra một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định như sau:
Đối với những máy móc, xe vận tải quá cũ, không còn phù hợp cho hoạt động kinh doanh, tức là những tài sản cố định đã khấu hao hết và không còn sử dụng được nữa thì doanh nghiệp nên có kế hoạch thanh lý hoặc nhượng bán tài sản cố định nhằm quay vòng vốn để có thể mua mới hoặc thuê tài chính để bù vào những tài sản cố định đã được thanh lý này. Với những tài sản cố định mới, nó sẽ thúc đẩy nhanh quá trình kinh doanh của doanh nghiệp nhằm làm giảm thời gian thi công.
Đồng thời với việc đầu tư mua sắm mới tài sản cố định thì doanh nghiệp cũng nên chú trọng công tác đào tạo cho nhân viên để nâng cao tay nghề cho phù hợp với công nghệ mới. Có như vậy mới tận dụng và khai thác hết tiềm năng sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến công tác quản lý tài sản cố định, thường xuyên bảo dưỡng định kì cũng như sửa chữa kịp thời những hư hỏng để không làm giảm công suất làm việc của nó. Đồng thời phân công trách nhiệm của những người có liên quan nếu xảy ra mất mát.
Để hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn, Công ty cần tổ chức phân tích tài chính thường xuyên để nắm bắt được tình hình và nguyên nhân biến động các chỉ tiêu tài chính từ đó chủ động đưa ra các phương hướng, biện pháp và kế hoạch cụ thể cho hoạt động tài chính, nhằm nâng cao hiệu quả tài chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.