CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TẠO ĐỘNG LỰC LÀM VIỆC CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP
1.3. Các tiêu chí đánh giá kết quả tạo động lực làm việc của người lao động
1.3.1. Mức độ hài lòng của người lao động
Sự hài lòng của nhân viên trong một doanh nghiệp chính là mức độ cảm xúc hay thái độ tích cực đối với công việc của nhân viên đó. Điều này có nghĩa khi ai đó nói rằng họ hài lòng với công việc thì có nghĩa là họ thực sự yêu thích công việc của mình và đánh giá tốt công việc. Ngược lại, nếu họ không hài lòng thì họ sẽ có những biểu hiện tiêu cực và chán chường trong công việc, ảnh hưởng đến hiệu suất và sự phát triển chung của công ty.
Sự hài lòng của nhân viên là yếu tố quan trọng hàng đầu, đây rõ ràng là nhận định sâu sắc. Bởi đối với tổ chức, sự hài lòng của nhân viên có tác động đến mọi mặt của hoạt động doanh nghiệp như:
Gia tăng hiệu suất nhân sự: Nhân viên hài lòng với công việc sẽ có thái
độ ứng xử tốt hơn, tận tâm, cống hiến và chủ động học hỏi, phát triển trong công việc. Điều này sẽ làm gia tăng năng suất tổng thể của công ty và giúp công ty đạt được các mục tiêu chiến lược.
Duy trì và ổn định được nguồn nhân lực trong doanh nghiệp: nhân viên hài lòng sẽ có tinh thần gắn bó với doanh nghiệp cao hơn. Họ sẽ có xu hướng hành động tích cực, hoàn thành xuất sắc công việc và có ý thức xây dựng và bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp.
Góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp ra bên ngoài.
Tiết kiệm chi phí tuyển dụng ứng viên thay thế và đào tạo nhân viên mới.
Tối ưu hóa quy trình để nhân viên có trách nhiệm hơn, tâm huyết hơn nên họ luôn nỗ lực để làm tốt hơn công việc của mình.
1.3.2. Kết quả thực hiện công việc
Kết quả so sánh giữa đầu ra (hiện vật hoặc giá trị) với đầu vào là nguồn lực vật chất, nguồn lực tài chính được gọi là năng suất. NSLĐ biểu hiện hiệu quả hoạt động có ích của con người trong một đơn vị thời gian. Tăng NSLĐ cho phép giảm được lao động, tiết kiệm được quỹ tiền lương, đồng thời tăng tiền lương cho cá nhân người lao động và khuyến khích, tạo động lực làm việc. Người lao động được tạo động lực thì thường tăng NSLĐ, tích cực góp phần nâng cao hiệu quả công việc, hoàn thành vượt định mức kế hoạch đề ra.
Đánh giá hiệu quả làm việc của NLĐ có thể thông qua hoạt động đánh giá thực hiện công việc để đánh giá về số lượng, chất lượng công việc, tinh thần, thái độ của người lao động. NSLĐ bình quân được tính trên cơ sở tổng giá trị hoặc sản phẩm tiêu thụ và số lao động sử dụng của công ty. Đối với khối lao động gián tiếp, năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc được thể hiện qua tốc độ xử lý công việc; chất lượng và mức độ hoàn thành công việc được giao... Doanh nghiệp có thể tiến hành đo lường thời gian NLĐ hoàn thành công việc khi có động lực lao động có rút ngắn hơn, có vượt tiến độ so với dự định hay không? Nếu NLĐ hoàn thành công việc vượt mức tiến độ,
hơn nữa lại đảm bảo yếu tố chất lượng và hiệu quả cao cho thấy tạo động lực lao động đã tác động tích cực đến người lao động và làm tăng NSLĐ.
1.3.3. Sự gắn bó của người lao động
Lòng trung thành/ Mức độ gắn bó của người lao động với doanh nghiệp được thể hiện qua số lượng người làm việc lâu năm và muốn làm việc lâu dài với tổ chức. Sự gắn bó giữa doanh nghiệp và NLĐ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm cũng như sự tồn tại của công ty. Người sử dụng lao động cần có chính sách đãi ngộ phù hợp cho NLĐ lâu năm, để họ có mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. Muốn có được lòng trung thành, sự gắn bó lâu dài của nhân viên thì tổ chức phải thực hiện tốt công tác tạo động lực lao động.
Tỷ lệ luân chuyển người lao động: Luân chuyển NLĐ thực chất là việc chuyển đổi, định kỳ hoặc đột xuất người lao động từ vị trí làm việc này sang vị trí làm việc tương đương hoặc thấp hơn theo yêu cầu của tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu chung của tổ chức.
Tỷ lệ thôi việc: Nguồn nhân lực vốn được xem là một tài sản lớn của tổ chức cũng có thể trở thành một gánh nặng nếu tài sản ấy không được quản trị hiệu quả. Tỷ lệ thôi việc phản ánh hiệu quả quản trị nguồn nhân lực của tổ chức. Tỷ lệ thôi việc là tốc độ thay đổi nhân viên của tổ chức hay doanh nghiệp. Tốc độ này được đo hàng tháng và đo hàng năm.
Tỷ lệ vi phạm kỷ luật lao động: Kỷ luật lao động là những tiêu chuẩn quy định hành vi cá nhân của người lao động mà tổ chức xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý hiện hành, các chuẩn mực đạo đức xã hội.
1.3.4. Tính tích cực chủ động sáng tạo của người lao động
Tạo động lực tốt sẽ tác động đến cả thái độ và hành vi của NLĐ theo hướng tích cực. Các tiêu chí có thể sử dụng để đánh giá mức độ thay đổi hành vi của NLĐ gồm: mức độ nhiệt tình của NLĐ tăng lên so với trước khi tạo động lực; sự thay đổi thái độ của NLĐ khi nhận việc và thực hiện công việc so với trước khi có những chính sách tạo động lực. Thái độ làm việc của NLĐ khi được thỏa mãn trong doanh nghiệp là khi tinh thần hợp tác giữa các phòng
ban với nhau luôn nhiệt thành, hăng hái, tương trợ với nhau rõ ràng. Một tổ chức thành công không chỉ vì một cá nhân nào mà vì cả một tập thể vững mạnh. Một tổ chức có sự hợp tác và thống nhất ý chí hành động của tất cả mọi người lại thành một, chính là điều này tạo nên sức mạnh của tổ chức. Nếu những thành viên trong một tổ chức chỉ toàn là những người làm việc theo chủ nghĩa cá nhân, thiếu tinh thần đồng đội, thiếu sự hợp tác với đồng nghiệp thì sức mạnh của sức mạnh của tổ chức chắc chắn sẽ bị suy yếu.