Một số khái niệm cơ bản của đề tài

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt Động tham vấn học Đường cho học sinh tại các trường thcs huyện thạch thất, thành phố hà nội theo hướng phối hợp giữa nhà trường, gia Đình và xã hội (Trang 32 - 38)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG

1.2. Một số khái niệm cơ bản của đề tài

Theo tác giả Trần Thị Minh Đức (2012), tham vấn trường học là “tất cả các hoạt động can thiệp nhằm mục đích giúp học sinh được phát triển tốt nhất về mặt học tập, nghề nghiệp cá nhân và xã hội, bao gồm cả hoạt động tư vấn cho giáo viên và cha mẹ học sinh”.

Theo Thông tư số 31/2017-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông”: “Tham vấn tâm lý cho học sinh là sự tương tác, trợ giúp tâm lý, can thiệp (khi cần thiết) của cán bộ, giáo viên tư vấn đối với học sinh khi gặp phải tình huống khó khăn trong học tập, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ với người khác hoặc nhận thức bản thân, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự lựa chọn và thực hiện quyết định trong tình huống đó”.

1.2.2. Khái niệm quản lý hoạt động tham vấn tâm lý học đường theo hướng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Trên cơ sở khái niệm về hoạt động tham vấn tâm lý học đường theo hướng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, khái niệm quản lý hoạt động tham vấn tâm lý cho học sinh được hiểu là “sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý tới các đối tượng quản lý thông qua công tác lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo và kiểm tra, đánh giá hoạt động tham vấn tâm lý cho học sinh nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường”.

Theo quan điểm của tác giả, quản lý hoạt động tham vấn tâm lý cho học sinh ở trường THCS không thể tách khỏi các chức năng của quản lý, quản lý giáo dục và quản lý nhà trường, nó bao gồm hàng loạt những hoạt động tiến hành lựa chọn, tổ chức và thực hiện các nguồn lực, các tác động của nhà quản lý, của tập thể sư phạm, của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường theo kế hoạch và chương trình giáo dục nhằm đưa hoạt động tham vấn tâm lý cho học sinh đạt hiệu quả cao nhất.

1.2.2.1. Quản lý giáo dục

Đề cập đến khái niệm quản lý giáo dục, Nguyễn Quốc Chí và Nguyễn Thị Mỹ Lộc (1998) cho rằng: “Quản lý giáo dục là dạng lao động xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nhằm gây ảnh hưởng, điều khiển hệ thống giáo dục và các thành tố của nó, định hướng và phối hợp lao động của những người tham gia công tác giáo dục để đạt được mục tiêu giáo dục và mục tiêu phát triển giáo dục, dựa trên thể chế giáo dục và các nguồn lực giáo dục”.

Nguyễn Ngọc Quang (1989) đã đưa ra quan điểm về quản lý giáo dục là “một hệ thống các hành vi có mục tiêu, có kế hoạch và nhất quán phù hợp với các quy tắc của cơ quan quản lý để hệ thống hoạt động theo các nguyên tắc và chính sách giáo dục của đảng chính trị. Việc hiện thực hóa các đặc điểm của một nước xã hội chủ nghĩa, chú trọng vào quá trình giáo dục và giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ thống giáo dục đến mục tiêu đã định là đạt đến một

trình độ chất lượng mới”.

Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Lộc và cộng sự (2012) đưa ra khái niệm quản lý giáo dục như sau: “Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm làm cho hệ vận hành theo đường lối và nguyên lí GD của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy học - giáo dục thế hệ trẻ, đưa giáo dục tới mục tiêu dự kiến, tiến lên trạng thái mới về chất”.

Tác giả Trần Kiểm (2013) đưa ra quan điểm về quản lý giáo dục tức là tổ chức các hoạt động dạy học. Ông nhấn mạnh đến việc phải tổ chức được các hoạt động dạy học, thực hiện được các tính chất của trường phổ thông Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì mới có thể quản lý được giáo dục, tức là cụ thể hóa đường lối giáo dục của Đảng và biến đường lối đó thành hiện thực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, của đất nước.

Trên cơ sở quan điểm của các nhà nghiên cứu, tác giả luận văn tiếp cận khái niệm quản lý giáo dục như sau: “Quản lý giáo dục là quá trình tác động có định hướng của nhà quản lý giáo dục trong việc vận dụng nguyên lý, phương pháp chung nhất của khoa học nhằm đạt được những mục tiêu giáo dục đề ra”.

1.2.2.2. Quản lý hoạt động tham vấn tâm lý học đường

Quản lý hoạt động tham vấn tâm lý học đường là quá trình tổ chức, điều hành và giám sát các hoạt động tham vấn tâm lý trong môi trường học đường nhằm hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện về mặt tâm lý, hành vi và xã hội. Quá trình này bao gồm việc xây dựng các chương trình tham vấn, triển khai các dịch vụ tư vấn cá nhân và nhóm, theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động tham vấn, đồng thời tạo ra một môi trường học đường thân thiện và lành mạnh giúp học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý, cảm xúc và các khó khăn trong học tập, quan hệ xã hội.

Các yếu tố quan trọng trong quản lý hoạt động tham vấn tâm lý học đường bao gồm:

Xây dựng kế hoạch tham vấn: Lên kế hoạch và mục tiêu rõ ràng cho các hoạt động tham vấn, từ đó triển khai các chương trình, hoạt động phù hợp với nhu cầu của học sinh.

Tổ chức nguồn lực: Đảm bảo có đội ngũ tư vấn viên, chuyên gia tâm lý đủ năng lực, cũng như các phương tiện và tài nguyên cần thiết.

Triển khai các dịch vụ tư vấn: Thực hiện tư vấn cá nhân, nhóm, và các hoạt động hỗ trợ tâm lý khác cho học sinh.

Giám sát và đánh giá: Theo dõi và đánh giá chất lượng hoạt động tham vấn để điều chỉnh và cải tiến, đảm bảo hiệu quả lâu dài.

Tạo môi trường hỗ trợ: Tạo dựng một không gian học đường an toàn và thân thiện, khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động tham vấn và chia sẻ khó khăn.

Tăng cường sự phối hợp với các bên liên quan: Tăng cường sự hợp tác giữa giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia tâm lý để nâng cao hiệu quả của các hoạt động tham vấn.

1.2.3. Phối hợp giáo dục giữa nhà trường – gia đình – xã hội

Ý nghĩa sâu sắc của việc phối hợp các lực lượng GD trong và ngoài NT đã được Bác Hồ chỉ ra: "Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.

Tác giả Hoàng Hải Quế (2018) cho rằng: “Mối quan hệ nhà trường, gia đình và xã hội có tầm quan trọng lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển cộng đồng. Đây là mối quan hệ tác động qua lại. Truyền thống gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của trẻ em. Gia đình là nơi hình thành, phát triển và bồi đắp nhân cách của trẻ em. Gia đình là cầu nối trẻ em

với nhà trường và xã hội, là nơi nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Nhà trường là môi trường có đủ điều kiện nhất trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục.

Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ tri thức cho các em.

Bên cạnh truyền thụ tri thức văn hóa, Nhà trường còn có nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện về mặt phẩm chất đạo đức, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Cộng đồng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa, môi trường giáo dục. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình giáo dục trẻ em”.

Theo tác giả Trần Thị Tuyết Oanh và cộng sự (2013), liên kết, phối hợp giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội nhằm thực hiện những nội dung chủ yếu sau: “Thứ nhất, thống nhất mục đích, kế hoạch chăm sóc, giáo dục học sinh của tập thể sư phạm nhà trường với phụ huynh, với các đoàn thể, cơ sở sản xuất, các cơ quan văn hóa – giáo dục ngoài nhà trường”. Thứ hai, theo dõi và đánh giá kết quả quá trình giáo dục học sinh trong nhà trường và ở địa phương để nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả giáo dục. Thứ ba, gia đình đóng vai trò nhà nhân tố tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ cho trẻ em; người lớn phải có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con em của mình, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp xã hội hóa giáo dục, tạo động lực mạnh mẽ cũng như điều kiện thuận lợi cho hệ thống nhà trường thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đào tạo ở tất cả các lớp học”.

Trên cơ sở đó, tác giả luận văn đồng ý với quan điểm của tác giả Trần Thị Tuyết Oanh và cộng sự (2013) cho rằng, giáo dục phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội là (1) thống nhất mục đích, kế hoạch chăm sóc, giáo dục học sinh của tập thể sư phạm nhà trường với phụ huynh, với các đoàn thể, cơ sở sản xuất, các cơ quan văn hóa – giáo dục ngoài nhà trường; (2) theo dõi, đánh giá kết quả quá trình giáo dục học sinh trong nhà trường và ở địa phương

nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả giáo dục; (3) gia đình phải tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ cho trẻ em; (4) cộng đồng xã hội cùng đẩy mạnh sự nghiệp xã hội hóa giáo dục, tạo động lực mạnh mẽ cũng như điều kiện thuận lợi cho hệ thống nhà trường thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đào tạo ở tất cả các lớp học.

1.2.4. Khái niệm quản lý hoạt động tham vấn tâm lý học đường theo hướng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Theo Thông tư số 31/2017-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông”, Điều 7 quy định công tác phối hợp trong tư vấn tâm lý trong nhà trường.

Thứ nhất, về nội dung phối hợp trong nhà trường được triển khai như sau:

“Cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giáo viên bộ môn và các lực lượng giáo dục khác trong nhà trường khi triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh”.

Thứ hai, về nội dung phối hợp giữa nhà trường với các lực lượng bên ngoài được triển khai như sau:

a) Phối hợp với cha mẹ học sinh: Thường xuyên trao đổi thông tin về học sinh; nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh về đặc điểm phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và tác động của những thay đổi đó đối với học sinh; thường xuyên quan tâm, phát hiện và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với những biểu hiện bất thường của học sinh.

b) Phối hợp với các chuyên gia, trung tâm tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, cơ sở y tế, cơ quan tư pháp và bảo vệ pháp luật để trị liệu tâm lý, xử lý kịp thời các trường hợp học sinh cần can thiệp chuyên sâu;

c) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức về khoa học tâm lý giáo dục, các trường sư phạm đủ điều kiện, chuyên gia, nhà khoa học nhằm bồi dưỡng đội

ngũ giáo viên, cán bộ tư vấn tâm lý về kiến thức, kỹ năng, thái độ đúng đắn, cần thiết để thực hiện công tác tư vấn, tham vấn tâm lý trong nhà trường;

d) Phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị - xã hội khác để tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý;

đ) Phối hợp với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có chức năng để tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý phù hợp với nhu cầu của học sinh và yêu cầu giáo dục của nhà trường.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt Động tham vấn học Đường cho học sinh tại các trường thcs huyện thạch thất, thành phố hà nội theo hướng phối hợp giữa nhà trường, gia Đình và xã hội (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)