CHƯƠNG 3: BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THAM VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG TẠI CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ HUYỆN THẠCH THẤT, THÀNH PHỐ HÀ NỘI THEO HƯỚNG PHỐI HỢP GIỮA NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
3.2. Những biện pháp quản lý hoạt động tham vấn tâm lý học đường
3.2.1. Nâng cao nhận thức cho các lực lượng giáo dục, CMHS về tầm quan trọng của các vấn đề tâm lý và hoạt động tham vấn tâm lý
- Mục tiêu biện pháp
Đối với học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ quản lí, giáo viên là những đối tượng được trực tiếp hưởng lợi từ hoạt động này. Việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng về hoạt động TVTLHĐ phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội sẽ đảm bảo cho việc quản lý hoạt động TVTLHĐ cho HS đạt được mục tiêu, đáp ứng yêu cầu sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia hoạt động này. Nhận thức của cán bộ quản lý, GV và cha mẹ HS có tác động rất lớn đến hiệu quả quản lý hoạt động TVTLHĐ cho HS, nhận thức đúng sẽ là cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện có hiệu quả ở mức cao nhất. Ngược lại, nếu nhận thức thiếu đầy đủ sẽ làm giảm hoặc quản lý không đạt được hiệu quả cao.
- Nội dung biện pháp
Để nâng cao nhận thức về quản lý hoạt động TVTLHĐ theo hướng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, Hiệu trưởng cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, GV hiểu rõ vai trò, vị trí của công tác TVTL đối với việc giáo dục toàn diện cho HS hướng tới mục tiêu giáo dục của nhà trường. Từ đó xây dựng kế hoạch chỉ đạo, động viên các thành viên của tổ công tác TVTLHĐ tham gia tích cực các hoạt động TVTL và tổ chức tốt đội ngũ tham vấn viên, giáo viên chủ nhiệm tham gia vào công tác TVTL, chú trọng hướng đến những giáo viên có kinh nghiệm, có kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu tâm lý để làm nòng cốt cho các hoạt động này. Việc nâng cao nhận thức về hoạt động TVTLHĐ được thể hiện qua các nội dung như sau:
Thứ nhất, về năng lực tìm hiểu đối tượng tham vấn và môi trường xã hội liên quan đến đối tượng tham vấn của đội ngũ tham vấn viên: Có phương pháp thu thập, xử lý thông tin về đối tượng tham vấn; sử dụng thông tin phù hợp vào hoạt động tham vấn tâm lý.
Thứ hai, về năng lực tham vấn tâm lý: Xây dựng kế hoạch tham vấn tâm lý; đảm bảo nội dung và chương trình tham vấn tâm lý; vận dụng nhuần nhuyễn các kỹ năng tham vấn tâm lý; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả và quản lý hồ sơ hoạt động tham vấn tâm lý...
Thứ ba, về năng lực giáo dục: Xây dựng kế hoạch các hoạt động tham vấn tâm lý cho HS THCS thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp như: Hoạt động của đoàn, đội, hoạt động trải nghiệm, thông qua các hình thức lao động tập thể, văn nghệ, thể thao…
Thứ tư, về năng lực chính trị - xã hội thể hiện thông qua việc nắm vững các nội dung cơ bản: Phối hợp với gia đình, cộng đồng và xã hội trong quá trình tham vấn tâm lý cho học sinh.
Thứ năm, về năng lực phát triển nghề nghiệp: Khả năng tự học, tự rèn luyện, tự đánh giá; phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn tham vấn tâm lý cho học sinh.
- Cách thức thực hiện biện pháp
Lãnh đạo nhà trường tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới đối tượng GV, người làm công tác tham vấn hiểu rõ hơn vai trò của hoạt động TVTLHĐ đối với HS THCS trong giai đoạn hiện nay, làm cho mỗi cán bộ tham vấn, giáo viên có nhận thức sâu sắc về ý nghĩa tầm quan trọng của hoạt động TVTLHĐ đối với HS, từ đó tự hoàn thiện, nâng cao trình độ tham vấn, trách nhiệm nghề nghiệp nhằm đáp ứng với yêu cầu mục tiêu giáo dục toàn diện cho HS, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành và thực tiễn đang đặt ra đối với giáo dục phổ thông nước ta hiện nay.
Lãnh đạo nhà trường tạo động lực để mỗi cán bộ, GV thực sự say sưa với nghề, yêu nghề, tập trung vào các hoạt động, những phẩm chất nghề nghiệp cần thiết của nhà giáo đồng thời cũng là các tố chất của nhà tham vấn;
nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng các kế hoạch hoạt động TVTLHĐ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các GV ở các bộ phận có thể tham gia. Tổ chức những hoạt động sinh hoạt chuyên đề, thảo luận về việc tổ chức hoạt động TVTL của nhà trường.
Thực hiện tuyên truyền dưới cờ vào các buổi chào cờ đầu tuần về các nội dung, hình thức, hoạt động của tổ tham vấn tâm lý đến toàn bộ học sinh trong trường. Đặc biệt các hình thức tham vấn cần được thông báo thường xuyên để các em nắm bắt và đến với hoạt động này.
Trong các cuộc họp với cha mẹ học sinh đầu năm học, nhà trường thông báo rộng rãi đến toàn bộ phụ huynh về hoạt động TVTLHĐ, giới thiệu cách thức hoạt động, phát phiếu thông tin về điện thoại, tên của các giáo viên, cán bộ phụ trách tham vấn để phụ huynh nắm bắt và phối hợp với nhà trường, với Tổ tham vấn tâm lý, từ đó hỗ trợ các em và nhà trường để hoạt động này đạt hiệu quả cao.
Thành lập trang Tham vấn tâm lí trên Website và đăng tải các hoạt động của tổ tham vấn tâm lý của nhà trường về: Kế hoạch tham vấn, nội dung
tham vấn, chương trình tham vấn, danh sách giáo viên và cán bộ phụ trách tham vấn, các lĩnh vực cần tham vấn, lịch hoạt động của phòng tham vấn,...
- Điều kiện thực hiện biện pháp:
Lãnh đạo nhà trường huy động các phương tiện cần thiết để thực hiện việc tuyên truyền, trước hết là các văn bản pháp luật của Nhà nước như Luật Giáo dục, điều lệ trường THCS, các chỉ thị, nhiệm vụ năm học do Bộ GD&ĐT ban hành, các công văn hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GDĐT về HĐTVTL trong trường học như: Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tham vấn tâm lý cho HS trong trường phổ thông; Quyết định số 4216/QĐ- BGDĐT Phê duyệt sổ tay hướng dẫn tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông…
để tác động vào nhận thức của GV và HS, phụ huynh và cộng đồng xã hội để việc tham gia vào HĐTVTL trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết, từ việc xác định mục tiêu của hoạt động đến xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động, thiết kế chương trình, kế hoạch, kỹ năng tiếp cận và huy động các lực lượng xã hội cùng kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh hoạt động.