CHƯƠNG 3: BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THAM VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG TẠI CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ HUYỆN THẠCH THẤT, THÀNH PHỐ HÀ NỘI THEO HƯỚNG PHỐI HỢP GIỮA NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
3.2. Những biện pháp quản lý hoạt động tham vấn tâm lý học đường
3.2.4. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực tham vấn tâm lý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và CMHS định kỳ hằng năm
- Mục tiêu của biện pháp
Nhằm xác định nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tham vấn tâm lý cho đội ngũ giáo viên và phụ huynh, từ đó xây dựng kế hoạch, đổi mới nội dung và hình thức bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh trong Tổ tư vấn nhằm góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động, giúp họ có thể đánh giá đúng năng lực của bản thân, tự xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và tự bồi dưỡng cho mình.
- Nội dung thực hiện biện pháp
Hiệu trưởng xây dựng quy trình bồi dưỡng theo bốn bước như sau:
Bước 1: Xác định nhu cầu cần được bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ tham vấn, giáo viên, đặc biệt là GVCN và CMHS. Trong quá trình tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ TVTL, Hiệu trưởng có vai trò định hướng chỉ đạo công tác này.
Bước 2: Hiệu trưởng cùng với Tổ tham vấn tâm lý thảo luận xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
Bước 3: Hiệu trưởng chỉ đạo thực hiện nội dung, hình thức bồi dưỡng, đào tạo.
Bước 4: Hiệu trưởng chỉ đạo kiểm tra- đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng.
- Cách thức thực hiện biện pháp
Bước 1: Xác định nhu cầu cần được bồi dưỡng: Bước vào đầu năm học, Hiệu trưởng sẽ đánh giá nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo của đội ngũ cán bộ phụ trách tham vấn tâm lý cũng như nhu cầu được tham vấn tâm lý của học sinh và phụ huynh. Trên cơ sở đó phân công cho Phó Hiệu trưởng phụ trách. Đồng thời, các Tổ trưởng chuyên môn và Tổ tham vấn hỗ trợ HS sẽ đề xuất với hiệu trưởng trên cơ sở thống nhất ý kiến của tổ mình về nhu cầu tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, việc làm trên nên được thực hiện thường xuyên, định kỳ theo năm học, từng kì học nhằm giúp cho cán bộ tư vấn, giáo viên và những lực lượng xã hội khác là thành viên trong Tổ tham vấn được trang bị những kiến thức về nghiệp vụ tư vấn.
Sau khi đã nắm bắt được nhu cầu của đội ngũ tham vấn tâm lý, Hiệu trưởng sẽ có biện pháp thích hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Việc đánh giá nhu cầu phải được thực hiện một cách khoa học, làm căn cứ chính xác cho đào tạo, bồi dưỡng. Với những cán bộ tư vấn nếu có nhu cầu được đào tạo tiếp tục lên trình độ cao hơn, nhà trường sẽ sắp xếp và có kế hoạch cử đi học nâng cao chuyên môn.
Bước 2: Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng: Trong quá trình xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phải đảm bảo các nội dung: Thực trạng đội ngũ, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, các hoạt động cần thực hiện, thời gian, nguồn lực để thực hiện bạo gồm kinh phí, cơ sở vật chất và con người. Trong quá trình xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cần phải có sự phân loại với từng đối tượng. Với những cán bộ, GVCN lâu năm có năng lực và kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn tạo điều kiện để họ được học chuyên đề bồi dưỡng nâng cao, cập nhật những thông tin mới liên quan đến hoạt động TVTL, với cán bộ, giáo viên trẻ, còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa thành thạo trong hoạt động tư vấn cần phải có sự bồi dưỡng, đào tạo mang tình toàn diện, hệ thống và lâu dài kết hợp với phương pháp kèm cặp. Như vậy việc bồi dưỡng, đào tạo kiến thức và nghiệp vụ tư vấn cần hướng đến mục tiêu: Tập trung củng cố những cái đã có,
bổ sung những cái còn thiếu và yếu, tránh đánh đồng giữa cái yếu và cái có nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho hoạt động.
Bước 3: Trước hết cần xác định được kiến thức, kĩ năng TVTL hiện tại của đội ngũ cán bộ thực hiện TVTL. Xây dựng chương trình bồi dưỡng cần phải đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn đang đặt ra ở nhà trường đồng thời đảm bảo tính linh hoạt, cập nhật thông tin mới.
- Các hình thức bồi dưỡng tại nhà trường có thể được thực hiện như sau:
1) Tổ chức hội thảo: Nhà trường sẽ tổ chức hội thảo theo chuyên đề, ngoài ra Hiệu trưởng có thể phối kết hợp với các trường THCS trên địa bàn cùng tổ chức hội thảo về hoạt động TVTL cho HS cũng như công tác quản lý nhằm tạo điều kiện để đội ngũ của mình trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các trường bạn.
2) Tổ chức tự học, tự bồi dưỡng thông qua việc hình thành các nhóm tự học, mời những cán bộ tham vấn, GVCN giàu kinh nghiệm tham vấn để họ trao đổi, bàn bạc, giúp đỡ các thành viên trong nhóm phát triển.
3) Bồi dưỡng tập trung tại các cơ sở giáo dục (các Trường Đại học, Trung tâm tham vấn tâm lý chuyên nghiệp…) có chuyên môn để đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên ngành tâm lý học đường.
Bước 4: Để kiểm tra - đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng cần thực hiện theo những nội dung sau đây:
1) Xác định các tiêu chuẩn để đánh giá kết quả đạt được thông qua các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ như kết quả học tập, khả năng vận dụng vào thực tế.
2) Thu thập thông tin liên quan đến công tác bồi dưỡng để xác định mức độ và hiệu quả đạt được qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng.
3) Thực hiện cơ chế xử lí kịp thời đối với những trường hợp không tham gia bồi dưỡng, vi phạm quy định trong quá trình bồi dưỡng, động viện, khích lệ kịp thời những cán bộ nhiệt tình, hăng say, có tinh thần học hỏi, phấn đấu trong quá trình bồi dưỡng.
4) Động viên cán bộ tham vấn cần mạnh dạn hơn nữa trong việc tiếp cận HS, ngoài việc sử dụng kênh thông tin như trang Web nhà trường, GVCN, Ban đại diện CMHS, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên…cần trực tiếp đến gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu về Tổ tham vấn, hỗ trợ HS, Phòng tham vấn tâm lý của nhà trường với HS các khối lớp, nhất là với HS khối 9. Đây là công việc đòi hỏi lòng nhiệt tình, tâm huyết với học trò.
5) Mời các chuyên gia tâm lý ở các trường Đại học, hoặc chuyên gia ở các Trung tâm tham vấn tâm lý uy tín trên địa bàn đến trường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ tham vấn của nhà trường một số công cụ đánh giá tâm lý HS.