Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. Hành trình sáng tác và tiền đề tiếp nhận VHDG trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương
1.2.1. Hành trình sáng tác Nguyễn Bình Phương
Nguyễn Bình Phương là bút danh, tên thật của anh là Nguyễn Văn Bình, sinh ngày 29/12/1965, tại thị xã Thái Nguyên. Trong nhiều năm chiến tranh, anh cùng gia đình sơ tán về xã Linh Nham, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, vùng núi hẻo lánh, hoang sơ sau này trở đi trở lại trong sáng tác của anh và được coi là “sinh quán” tác động mạnh mẽ đến văn thơ anh.
Mãi đến 1979, anh mới trở về quê quán, học hết phổ thông trung học, đến 1985 thì vào bộ đội, trong thời gian đóng quân tại biên giới phía Bắc, anh có tham gia làm báo và sáng tác thơ ca. Tập thơ đầu tay của anh, trường ca Khách của trần gian (Nxb Văn học - 1986) cũng được xuất bản trong thời gian này. Từ đây, anh bén duyên và gắn bó với quân đội – văn chương cho đến tận bây giờ.
34
Năm 1989, Nguyễn Bình Phương thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du, ra trường, anh công tác một năm ở vị trí biên kịch tại đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Sau đó anh làm biên tập viên Nhà xuất bản Quân Đội 10 năm rồi chuyển về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ba mươi năm, tính ra cũng đến nửa một đời người Nguyễn Bình Phương gắn bó với quân ngũ, theo anh, những năm công tác tại biên giới phía Bắc, rồi liên tục làm việc tại môi trường quân đội khiến anh tích lũy được nhiều vốn sống và sáng tác: thời gian quân ngũ đã “rèn luyện cho tôi nhiều về tính cách, biết kìm nén hơn. Tôi có nhiều thời gian dong duổi lang thang dọc biên giới phía Bắc, lên nhiều điểm chốt, nghe, chứng kiến nhiều chuyện về cuộc chiến bảo vệ bờ cõi của các vùng đất ấy. Quân ngũ cũng cho tôi cái cảm quan về tình đồng đội, về sự sống chất giữa những người bạn lính với nhau. Quan trọng nhất là nó rèn luyện bản lĩnh đơn thương độc mã cho tôi [79]. Từ “anh lính binh nhì, binh nhất ở đơn vị, được quân đội đào tạo, sử dụng”, trưởng thành, giờ Nguyễn Bình Phương đã trở thành một trong những “thủ lĩnh” của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí uy tín hàng đầu từ trước đến nay về văn chương – quân đội.
Nói đến con đường văn nghiệp, trước khi nổi tiếng với truyện ngắn, nhất là tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương được biết đến là một nhà thơ với nhiều sáng tác đáng chú ý. Trường ca Khách của trần gian (1986), in trước cả khi anh thi vào Trường viết văn Nguyễn Du đã gây chú ý với một phong cách “lạ lẫm đến huyền hoặc”. Dường như phong cách độc đáo đó theo anh suốt các sáng tác sau này.
Các tập thơ tiếp theo của anh như Xa thân (1997), Lam chướng (1992), Buổi câu hờ hững (2011) cũng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ độc giả. Đặc biệt Buổi câu hờ hững đã mang về cho anh Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội.
Ngoài ra, Nguyễn Bình Phương còn có viết một số tiểu luận, truyện ngắn, trong đó có truyện ngắn Đi, in trên Văn nghệ Trẻ (số ra ngày 10 tháng 1 năm 1999) đã gây xôn xao dư luận.
Nói đến tiểu thuyết là nói đến thể loại định hình rõ nét nhất cá tính sáng tạo của Nguyễn Bình Phương. Nói như Đoàn Ánh Dương, “Sau khi vấp phải “Bả giời”
để đa mang vào tiểu thuyết” anh lặng lẽ và đều đặn “trình làng” những tiểu thuyết:
35
Vào cõi (Nxb Thanh niên - 1991), Những đứa trẻ chết già (Nxb Văn học - 1994), Người đi vắng (Nxb Văn học - 1999), Trí nhớ suy tàn (Nxb Thanh niên 2000), Thoạt kỳ thủy (Nxb văn học - 2005), Ngồi (Nxb Trẻ - 2006), Mình và họ (Nxb Trẻ - 2014).
Bả giời, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Bình Phương chưa thực sự được đánh giá cao, “thử nghiệm của lối viết mới với sự kết hợp của kỹ thuật tự sự phương Tây hiện đại với tinh thần văn hóa cổ điển phương Đông để tạo thành một
“bản sắc” tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương”. Thế giới – con người nơi làng Phan trong Bả giời chưa đủ ma mị để ru người ta vào vô thức. Phải đến với Thoạt kỳ thủy, làng Phan mới thực sự hóa thành một thứ “bả” u mê ám ảnh tâm trí người đọc. Dù vậy, Bả giời vẫn là một tiểu thuyết có thành công nhất định, đây cũng là tiểu thuyết
“dễ” đọc nhất của Nguyễn Bình Phương cho đến nay.
Vào cõi đúng như tên gọi, đã đánh dấu sự nhập cuộc, dấn thân thực sự trên con đường văn chương đúng nghĩa như anh nói, nhà văn phải vượt qua mọi định nghĩa để tạo lập một định nghĩa mới. Vào cõi có cấu trúc lạ, thể nghiệm đan lồng tiểu thuyết trong tiểu thuyết với hai mạch truyện song song: câu chuyện của Tuấn và câu chuyện xoay quanh anh chị em Vang – Vọng. Những ám ảnh về tình yêu - sự phụ bạc, ám ảnh tội lỗi với sự hiển hiện của hồn ma như đòi báo thù, ám ảnh bị chối bỏ, bị khinh miệt cứ đeo bám các nhân vật, … Tất cả tạo nên không gian u ám, huyền ảo, không gian như được mở rộng đa chiều kích mà nhân vật lại là những con người bất an, cô đơn và lẻ loi, những con người bị bóp nghẹt trong những ám ảnh, mặc cảm, mà cả đời không thoát ra được.
Tiếp nối kết cấu tiểu thuyết trong tiểu thuyết, Những đứa trẻ chết già đạt được những thành công mới, đặc biệt được đánh giá thể hiện rõ nhất bút pháp hiện thực huyền ảo. Mạch truyện cõi dương gắn với hành trình kiếm tìm kho báu và mạch truyện cõi âm với cuộc trở về của những hồn ma. Luôn luôn đặt trong thế đối lập, một bên là ồn ào, bon chen, giết chóc, bên kia lại tuyệt đối buông thả theo nhịp xe ngựa mà tác giả gọi là những “vô thanh” đan xen. Với việc xây dựng hai cõi đối lập như vậy, có lẽ tác giả muốn đưa ra một quan niệm, một triết lý nhân sinh về cuộc sống, rằng: “Cái chết bao giờ cũng là điều vĩ đại cuối cùng mà con người đạt
36
đến. Bao nhiêu năm nay, con người cứ khao khát thanh thản, khao khát tự do, bình đẳng, khao khát cả nỗi cô đơn tịch mịch nữa? Những điều đó đều nằm trong cơ thể của cái chết” [7]. Do vậy, có ý kiến đánh giá đây là tiểu thuyết mang tính chất triết luận sâu sắc. Cái chết như một ám ảnh lơ lửng trong tác phẩm với những hồn ma hiện hình, với những đứa trẻ già khi còn chưa kịp lớn. Tác phẩm dựng lên một mảnh đất huyền thoại với cuộc hành trình mang màu sắc cổ tích, với những motif, biểu tượng quen thuộc trong văn hóa – văn học dân gian.
Người đi vắng lại bắt vào mạnh tiểu thuyết – lịch sử, những danh nhân, anh hùng dân tộc, những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, tâm linh, những phong tục, tín ngưỡng truyền thống đã được tái hiện ở đây. Đối thoại hay đơn thuần chỉ là gợi nhắc đến chuyện buồn của công chúa Diên Bình thời Lý, chuyện Lưu Nhân Chú với khởi nghĩa Lam Sơn thời Lê, chuyện binh biến Thái Nguyên với những tên tuổi lừng danh Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến thời thuộc Pháp, khi thì xuất hiện trong câu chuyện của nhân vật từ hiện tại, khi lại tách bạch rõ ràng rất khó để tìm thấy một cái cớ liên hệ, cả xưa và nay cùng tồn tại trong bầu không khí u mê rợn ngợp. Khi tất cả mọi sự vật trong Người đi vắng, từ dòng sông, cái cây, con ngựa, cái chân… đều có tiếng nói, suy nghĩ của nó, tác giả đã gián tiếp đưa vào thuyết âm dương – vạn vật hữu linh của dân gian. Với Người đi vắng, Nguyễn Bình Phương vừa được vinh danh bởi Giải thưởng sách hay 2014. Tiểu thuyết được chọn vào top những cuốn sách văn học hay nhất của Việt Nam.
Trí nhớ suy tàn là một tiểu thuyết được đánh giá có nhiều yếu tố của tiểu thuyết mới với việc đánh đổ mọi quy ước truyền thống, những yếu tố không thể thiếu như cốt truyện – kết cấu – người kể chuyện… đến đây đều đã được làm khác. Cốt truyện “tàng hình”, kết cấu bị phá vỡ bởi lối viết tựa như “nhật ký”. Người kể chuyện đa điểm nhìn, nhân vật không có mối liên hệ rõ ràng tạo nên những mạch đứt quãng. Không biến cố, không kịch tính, cả tiểu thuyết là sự tiếp nối của một dòng hồi ức miên man, thấm đẫm trữ tình, chất thơ. Có thể nói trong xu hướng xóa bỏ lằn ranh thể loại như yêu cầu xác lập một “định nghĩa mới”, Nguyễn Bình Phương với Trí nhớ suy tàn đã đưa đến một tiểu thuyết – thơ độc đáo. Tác phẩm không thể hiện nhiều những dấu vết VHDG mà thiên về những đổi mới kỹ thuật hậu hiện đại.
37
Đến Thoạt kỳ thủy, Nguyễn Bình Phương tiếp tục trở lại làng Phan, một không gian làng quê miền núi hẻo lánh của Bả giời, của Những đứa trẻ chết già nhưng xoáy sâu vào phần vô thức của nó. Dựng lên một “cõi nhân sinh nhàu nát”, nhưng kiếp người tha hóa bởi nếu không phải dục vọng, bản năng thì là sự tác động tiêu cực của một môi trường sống đầy cám dỗ, tội lỗi. Thoạt kỳ thủy ám ảnh người đọc với những biểu tượng kinh điển của VHDG như máu, trăng, đá, nước, bóng đêm… Tất cả là nhóm biểu tượng mang tính âm, vừa có nghĩa là cái chết, vừa có nghĩa là sự tái sinh, gợi nhắc đến buổi hồng hoang của loài người. Thoạt kỳ thủy được đánh giá là một tiểu thuyết “nhỏ xinh” về dung lượng, chất chứa sức nặng của kỹ thuật tự sự mới, của bề sâu tư tưởng, đã hấp dẫn và ám ảnh không chỉ người đọc trong nước và cả thế giới. Năm 2012, Thoạt kỳ thủy được dịch ra tiếng Pháp, đánh dấu những thành công của Nguyễn Bình Phương không chỉ tại làng văn Việt.
Đến Ngồi, cuốn tiểu thuyết ra mắt gây xôn xao dư luận phần vì những luồng ý kiến đánh giá trái chiều về nó. Tiếp tục là những thử nghiệm đi sâu vào vô thức con người, hai cõi âm dương ở đây dường như tồn tại không phải ở hai hiện thực, hai thế giới khác nhau mà trong chính mỗi con người. Nhân vật chính, Khẩn thích truyện truyền thuyết – kiếm hiệp, anh ta có riêng một thế giới ảo với Kim, một cô gái thánh thiện, trong sáng, “thanh thoát” luôn cùng Khẩn tìm về những truyền thuyết bất tận. Thế nhưng, cuộc đời thực của Khẩn lại không nên thơ như những câu chuyện cổ tích – truyền thuyết kia. Hai con người quá xa lạ trong Khẩn là Khẩn ở hai cõi vô thức và hữu thức. Hai thế giới ấy đan xen vào nhau và dường như con người có xu hướng tìm trở về cõi vô thức mỗi khi họ bế tắc ở hữu thức. Những điềm báo trong mơ, cùng những chi tiết kỳ ảo, hoang đường mãi mãi là thử thách cho những ai cố tình muốn lí giải tận tường mọi chuyện. Chính vì những bí ẩn hấp dẫn đó mà nhiều ý kiến đánh giá Ngồi là tiểu thuyết “khó” đọc nhất nhưng cũng là tiểu thuyết xuất sắc nhất của Nguyễn Bình Phương.
Như vậy, Nguyễn Bình Phương trong Bả giời, Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy đã dựng lên không gian huyền ảo đầy cổ tích – truyền thuyết của quê hương anh, mảnh đất Linh Nham, Đồng Hỷ, Thái Nguyên.
38
Đến Ngồi, nhà văn mở rộng không gian văn hóa dân gian trên toàn đất Việt, thời gian từ ngày lập quốc (Giao Chỉ) cho đến nay, còn đến với Mình và họ, một lần nữa không gian được mở rộng lên đến ra bên kia biên giới. Tất cả với những chiến tích, những danh nhân anh hùng, những di tích lịch sử, văn hóa, phong tục, tín ngưỡng đã tái hiện lại những giá trị VHDG dân tộc một cách độc đáo nhất, mới mẻ nhất. Có thể đó không phải là cái đích của Nguyễn Bình Phương, nhưng cũng chắc chắn một điều khi anh đưa dày đặc những chất liệu VHDG ấy vào tác phẩm không phải là một việc làm vô thức. Nó trước hết thể hiện cá tính sáng tạo, cảm quan nghệ thuật, thế giới, con người thể hiện vốn VHDG dân tộc phong phú, sâu sắc của anh.