Đặc điểm sinh sản của bò cái

Một phần của tài liệu tài liệu tập huấn chăn nuôi bò thịt (Trang 21 - 30)

1.1. Sự thành thục sinh dục và tuổi sử dụng

Thành thục sinh dục là thời điểm bò cái có các biểu hiện hoạt động sinh dục, có thể bắt đầu đưa vào sinh sản. Trong thực tế, ở bò, sự thành thục sinh dục xuất hiện sớm hơn rất nhiều, trước khi kết thúc phát triển cơ thể

Tuổi xuất hiện thành thục sinh dục ở bò phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là: giống, mức dinh dưỡng, khí hậu và mùa mà bê sinh ra, phương thức quản lý hệ thống chăn nuôi... Các giống bò hướng thịt thường thành thục sinh dục muộn hơn so với các giống bò hướng sữa. Bò được nuôi dưỡng tốt sẽ thành thục sinh dục sớm hơn những con được nuôi dưỡng kém.

Nhiệt độ môi trường cao làm cho bò chậm thành thục sinh dục. Những bê cái được nuôi ở nhiệt độ 100C, thành thục sinh dục lúc 10,5 tháng tuổi, nhưng nếu nuôi ở 270C thì phải 13 tháng tuổi mới thành thục sinh dục. Khi nuôi các bê đực và bê cái chung trong đàn với bò trưởng thành thì chúng sẽ thành thục tính dục sớm hơn so với trường hợp chỉ nuôi riêng lẻ.

Ở bò cái tơ, để không làm tổn hại đến cơ thể, tuổi phối giống lần đầu có chửa nên để khoảng 18-20 tháng. Như vậy, dưới 30 tháng tuổi bò đã đẻ lứa đầu. Thực tế, việc xác định thời điểm tối ưu để phối giống cho bò cái tơ mà chỉ dựa vào tuổi của chúng là không phù hợp. Cần phải chú ý đến mức độ phát

triển cơ thể của chúng và chỉ nên tiến hành phối giống sau khi đã xuất hiện 2-3 chu kỳ động dục đầu tiên và khối lượng cơ thể bò cái tơ bằng 3/4 khối lượng cơ thể của gia súc trưởng thành.

Đối với bò cái, không nên sử dụng quá 10-12 năm tuổi.

1.2. Động dục và chu kỳ động dục ở bò cái

Khi bò cái thành thục sinh dục, dưới sự điều tiết của hệ thống thần kinh-nội tiết, cơ quan sinh dục bò cái có các hoạt động chức năng và bò cái có các biểu hiện động dục. Động dục là tập hợp những biến đổi hình thái cơ quan sinh dục và hành vi của gia súc cái mang tính chu kỳ. Trong thời gian động dục gia súc cái tiếp nhận con đực và cho giao phối. Độ dài khoảng cách từ lần xuất hiện động dục này đến lần động dục tiếp theo được gọi là chu kỳ động dục và ở bò cái nó có độ dài trung bình 21 ngày, biến động trong khoảng 18-25 ngày và được chia ra làm bốn pha kế tiếp nhau với những đặc trưng cơ bản sau:

 Pha tiền đồng dục (proestrus)

Pha tiền động dục kéo dài 2 ngày. Trong pha này, trên buồng trứng thể vàng của chu kỳ trước bị thoái hoá và một noãn bao mới đang phát triển nhanh.

Các bộ phận khác của bộ máy sinh sản cũng có những biến đổi: thành âm đạo dày lên, sung huyết. Bò cái ăn kém ngon miệng, ngơ ngác, kêu rống (nhất là về ban đêm), nhảy chồm lên những con khác. Trên bãi chăn có nhiều bò đực bám theo nhưng chưa chịu đực và không cho nhảy lên

 Pha động dục (oestrus)

Pha động dục là pha có ý nghĩa quan trọng nhất nhưng với độ dài ngắn nhất, khoảng 15 giờ ở bò cái tơ và 18 giờ ở bò cái trưởng thành, đã đẻ nhiều lứa.

Trong pha này niêm dịch chảy ra nhiều, càng về cuối càng trắng đục, độ keo dính tăng; âm hộ hồng đỏ sau chuyển sang thẫm đậm; cổ tử cung mở, màu đỏ.

Đây là pha mà bò cái có biểu hiện chịu đực và cho phép gia súc đực phối giống.

Đó cũng là pha duy nhất trong chu kỳ động dục mà con cái có khả năng thụ thai.

Chỉ tiêu duy nhất, chắc chắn 100% bò cái động dục là phản xạ đứng yên của nó khi bị con gia súc khác nhẩy lên. Một con bò cái nhẩy lên một con bò cái khác thường là dấu hiệu nó sắp động dục hoặc động dục đã trôi qua một vài ngày. Điều cũng có thể xảy ra là một số bò cái đang có chửa (khoảng 5-6%) cũng thể hiện các dấu hiệu động dục, tuy nhiên khi bị những con khác nhẩy lên thì chúng không có phản xạ đứng yên và dĩ nhiên trong các trường hợp này không xảy ra rụng trứng

 Pha sau động dục (metoestrus)

Pha này được tính từ khi bò cái thôi chịu đực cho đến khi bộ phận sinh dục trở lại trạng thái bình thường và trên buồng trứng hình thành một thể vàng mới.

Độ dài của pha sau động dục là 3-4 ngày. Lúc này bò cái không cho bò đực giao phối và thờ ơ với bò đực. Có khoảng 50% bò cái trưởng thành và 70% bò cái tơ bị chảy máu vào thời kỳ này.

Rụng trứng xảy ra trung bình khoảng 12 giờ sau khi kết thúc chịu đực (động dục) hoặc 30 giờ kể từ khi bắt đầu chịu đực. Khoảng 70% số lần rụng trứng xảy ra vào ban đêm

 Pha yên tĩnh (dioestrus)

Pha yên tĩnh là pha dài nhất của chu kỳ động dục, kéo dài 15 ngày. Đặc trưng của pha này là có sự hiện diện của thể vàng trên một trong hai buồng trứng. Thể vàng được hình thành vào cuối pha sau động dục và bắt đầu tiết progesteron. Trong trường hợp bò cái không có chửa, thể vàng đạt mức độ thành thục khoảng 8 ngày sau khi rụng trứng và tiếp tục hoạt động (tiết progesteron) trong vòng 7-8 ngày nữa, sau đó thoái hóa. Pha tiền động dục của một chu kỳ mới lại bắt đầu.

Trong trường hợp trứng được thụ tinh, bò cái có chửa, thể vàng không bị thoái hóa mà trở thành thể vàng thời kỳ mang thai và tiếp tục tiết progesteron.

Chu kỳ động dục không xuất hiện trở lại cho tới khi bò đẻ được khoảng 30-40 ngày.

Điều tiết hormon quá trình sinh sản ở bò cái:

Hoạt động sinh dục ở bò cái được điều hòa qua sự phối hợp thần kinh-nội tiết trong trục dưới đồi-tuyến yên-buồng trứng. Mọi tác động từ bên ngoài thông

qua các cơ quan cảm nhận như thị giác, thính giác, khứu giác... đều được truyền đến vỏ đại não và trung khu thần kinh sinh dục tại vùng dưới đồi (hypothalamus). Từ đây thông tin nội tiết được bắt đầu bằng việc tiết các yếu tố giải phóng (gonadotropin releasing hormone-GnRH).

Ở bò cái không có chửa, hoạt động sinh dục mang tính chu kỳ. Chu kỳ động dục ở bò cái có liên quan đến những sự kiện kế tiếp nhau trong buồng trứng, dưới tác động của các hormon.

Trước khi động dục xuất hiện, dưới tác động của FSH do thùy trước tuyến yên tiết ra, các noãn bao phát triển nhanh chóng. Các noãn bao này tiết ra các estrogen (chủ yếu là 17β estradiol ) với số lượng tăng dần. Các estrogen kích thích huyết mạch và tăng trưởng tế bào đường sinh dục để chuẩn bị cho quá trình giao phối và thụ tinh. Các hormon estrogen cũng kích thích lên hệ thần kinh, gây ra hiện tượng động dục. Theo đường liên hệ ngược dương tính, các estrogen tác động lên vùng dưới đồi và tuyến yên, làm cho thùy trước tuyến yên tăng cường phân tiết LH theo từng đợt. Càng về sau, các đợt phóng tiết LH càng mau và với lượng càng lớn. LH làm tăng hoạt lực các enzym phân giải protein vách bao noãn, thúc đẩy các bao noãn phát triển, giúp cho việc chín của tế bào trứng, sự rụng trứng và sau đó cần thiết cho việc duy trì chức năng của thể vàng.

Hình 2. Biến đổi hàm lượng một số hormon chính trong chu kỳ động dục ở bò cái

Hàm lượng hormon

Tại nơi trứng rụng, thể vàng hình thành và phát triển. Thể vàng tiết progesteron và theo đường liên hệ ngược âm tính, progesteron tác động kìm hãm vùng dưới đồi tiết các yếu tố giải phóng, ức chế tuyến yên tiết FSH, LH.

Điều đó làm ngừng sự phát triển của các bao nang trên buồng trứng; bò cái trở nên yên tĩnh.

Vào khoảng ngày thứ 16-18 của chu kỳ, nhờ tác động phối hợp giữa các estrogen và progesteron, nội mạc tử cung bắt đầu tổng hợp và phân tiết prostaglandin F2. Hormon này được vận chuyển từ tử cung đến buồng trứng (đến thể vàng) qua các mạch lâm ba, tĩnh mạch vùng và làm tiêu biến thể vàng.

Thoái hoá hình thái và chức năng của thể vàng là một trong những thời điểm mấu chốt trong diễn biến chu kỳ động dục. Mức progesteron giảm đột ngột là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra hiện tượng ngừng tổng hợp prostaglandin F2. Progesteron cũng không còn tác động kìm hãm lên vùng dưới đồi và thuỳ trước tuyến yên. Vùng dưới đồi tăng tiết các yếu tố giải phóng và thuỳ trước tuyến yên tăng tiết các hormon hướng sinh dục. Dưới tác động của các hormon này các bao nang phát triển nhanh và một chu kỳ động dục mới lại bắt đầu.

Hình 3. Cơ chế điều tiết hormon chu kỳ động dục ở bò cái

1.3. Sinh lý mang thai

 Sự phát triển của bào thai

Sau khi được thụ tinh, trứng bắt đầu phân chia thành hai tế bào, sau đó thành bốn, thành tám tế bào..., hình thành phôi dâu, phôi nang. Phôi tiếp tục phát triển qua kỳ tiền thai, rồi kỳ bào thai.

Sau khi thụ tinh 3 tuần hệ thống tuần hoàn của phôi thai bắt đầu hình thành.

Những ngày tiếp theo các mô và các cơ quan khác bắt đầu biệt hóa. Lúc 4 tuần phôi đạt kích thước 1 cm. Các đặc trưng của một cá thể mới xuất hiện và đến cuối tháng thứ hai hình hài một bê con hình thành, với chiều dài khoảng 8 cm.

Đến tháng thứ 5, khối lượng thai bê đạt 2 - 4 kg; đến tháng thứ 7: 12 – 16 kg và lúc sinh đạt 18 - 40 kg. Như vậy, khối lượng thai bê tăng rất mạnh trong hai tháng chửa cuối cùng. Do đó trong nuôi dưỡng bò cái chửa cần chú ý cung cấp các chất dinh dưỡng, đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của thai, đặc biệt vào giai đoạn cuối.

Thời gian mang thai ở bò là 278-283 ngày (trung bình 280 ngày, tức 9 tháng 10 ngày). Trong thực hành chăn nuôi, cần ghi chép và theo dõi ngày phối giống có chửa để dự liệu ngày bò đẻ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho đỡ đẻ và chăm sóc sơ sinh

 Sự thay đổi trong cơ thể bò mẹ - Thay đổi của hệ thống nội tiết:

Khi trứng được thụ tinh, thể vàng không bị thoái hóa mà tiếp tục phát triển và tiết progesteron. Hormon này kích thích sự phát triển của màng nhày tử cung, tạo thuận lợi cho quá trình phôi làm tổ. Hormon này cũng kìm hãm sự rụng trứng, giảm nhu động của cơ trơn tử cung, duy trì sự mang thai. Vào cuối thời kỳ mang thai, hàm lượng progesteron giảm.

Khi nhau thai hình thành thì chính nhau thai là nguồn tiết estrogen quan trọng. Nhau thai cũng tiết các gonadotropin.

Estrogen có tác dụng kích thích tăng sinh tử cung, kích thích quá trình trao đổi protein và hoạt hóa một số enzym. Hàm lượng estrogen tăng dần từ tháng chửa thứ hai, thứ ba và đạt mức cao nhất vào tháng thứ 8, thứ 9; sau đó giảm dần cho tới trước khi đẻ

Do tác động kích thích, phối hợp giữa estrogen và progesteron, các mô tiết và các ống dẫn trong tuyến vú phát triển, làm cho tuyến vú tăng trưởng, đặc biệt là vào cuối kỳ mang thai

- Thay đổi của các cơ quan nội tạng:

Hoạt động của các cơ quan nội tạng bò mẹ có nhiều thay đổi trong thời gian mang thai, đặc biệt là cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp và các cơ quan bài

tiết. Nhịp đập tim nhanh hơn, lượng bạch cầu tăng lên vào giai đoan chửa cuối và đạt mức cao nhất vào trước khi đẻ. Chỉ số A/G tăng lên, đạt cực đại lúc thai được 6 – 7 tháng, sau đó giảm cho tới trước khi đẻ nửa tháng. Máu dễ đông hơn. Tần số hô hấp nhanh nhưng nông. Số lần bài thải phân và nước tiểu cũng tăng lên.

Kích thước của dạ cỏ co dần lại cùng với sự phát triển của bào thai.

- Thay đổi quá trình trao đổi chất và khối lượng cơ thể:

Do nhu cầu phát triển của thai nên quá trình trao đổi chất tăng. Ở tháng chửa thứ 8, trao đổi chất đạt 129% và trước khi đẻ đạt 141% so với bình thường.

Trong thời gian mang thai khả năng tích lũy dinh dưỡng của bò mẹ tăng lên.

Cùng với sự phát triển của tử cung, hệ thống nhau thai và đặc biệt là của thai vào hai tháng chửa cuối, khối lượng cơ thể bò mẹ tăng lên.

1.4. Sinh lý đẻ

Đẻ là hiện tượng đẩy thai ra ngoài sau khi kết thúc thời kỳ mang thai. Thực tế khó có thể dự liệu truớc một cách chính xác thời gian bò đẻ vì có sự thay đổi theo cá thể, sự sai khác giữa bò cái dạ và bò tơ cũng như thay đổi theo giới tính của bê con.

Ở bò cái, dấu hiệu đầu tiên của sắp đẻ là sự di chuyển của thai đến vị trí sinh. Trong thời gian chửa thai nằm ngửa đưa chân lên trên. Khi sắp sinh, thai di chuyển, xoay nằm sấp, hai chân trước duỗi, đặt ở cổ tử cung và mũi đặt giữa hai chân trước. Khi thai không nằm ở vị trí như vậy là hiện tượng bất thường, gây ra đẻ khó và tỷ lệ này chiếm khoảng 5%. Các hiện tượng bất thường có thể là: thai hướng phần đuôi, hướng phần lưng ra cổ tử cung, một hoặc hai chân co lại, đầu gập lại trước cổ tử cung...

Người ta có thể nhận biết bò sắp đẻ dựa vào một số biểu hiện sau đây: Con vật bồn chồn, đứng nằm không yên, đi tiểu vặt. Do tác động kết hợp giữa estrogen và relaxin nên khung chậu giãn ra, dây chằng ở quanh khấu đuôi chùng xuống làm cho phần khấu đuôi nhô lên. Âm hộ mềm, sưng và lộ ra. Tác động của hàm lượng estrogen tăng làm cho niêm mạc cổ tử cung tăng tiết dịch nhờn và dịch chảy thành dòng từ âm hộ.

Khi bò sắp đẻ, các núm vú to lên rõ rệt, chứa đầy sữa do sự tổng hợp sữa dưới tác động của prolactin và một số hormon khác. Khi bò chuyển dạ có hiện tượng phóng thích oxytoxin, gây xuống sữa và sữa ứ ra ở đầu núm vú.

Quá trình đẻ của bò có thể chia thành ba giai đoạn liên tiếp:

- Giai đoạn mở cổ tử cung

Giai đoạn này bắt đầu từ khi cổ tử cung có những cơn co bóp đầu tiên và kết thúc khi cổ tử cung mở ra hoàn toàn, thai đi vào cổ tử cung. Thông thường

kéo dài 2 - 6 giờ, cá biệt có những con tới 12 giờ. Ở những bò cái đã đẻ nhiều lần, giai đoạn mở cổ tử cung ngắn hơn, chỉ khoảng 30 phút đến 4 giờ.

Sự co bóp ban đầu của tử cung là do PGF-2α, được giải phóng từ nội mạc tử cung khi nồng độ estrogen tăng lên. Lúc này các co bóp còn yếu và không đều với tần suất khoảng 3 phút/lần. Sự co bóp được tiến hành từ mút sừng tử cung đến thân tử cung, đến cổ tử cung, đến âm đạo và tạo ra các cơn rặn.

- Giai đoạn sổ thai:

Giai đoạn này kết thúc khi thai được đẩy ra ngoài. Trước hết thai được đẩy qua cổ tử cung vào âm đạo. Sự co bóp của tử cung dồn nước ối ra đồng thời tạo áp lực mạnh lên bọc thai và làm vỡ bọc ối, nước ối chảy ra ngoài. Trong giai đoạn này do tử cung co bóp mạnh (với tần suất 2 phút/lần và kéo dài khoảng 1 phút) mặt khác dịch ối đã chảy ra hết, thân thai tiếp giáp trực tiếp với niêm mạc âm đạo làm cho bò cái có những cơn đau dữ dội.

Ngoài sự co bóp của tử cung, của đường sinh dục còn có sự co bóp của các cơ thành bụng, cơ hoành, tạo thành lực mạnh, đẩy thai ra ngoài. Sau khi thai ra thường thì dây rốn tự đứt.

Trường hợp bò cái đẻ sinh đôi (chiếm khoảng 5% số ca đẻ) thì hai thai ra cách nhau từ 20 phút đến 2 giờ.

- Giai đoạn sổ nhau:

Sổ nhau xuất hiện khoảng 30 phút sau khi sổ thai, nhưng thường là sau 3 – 5 giờ. Nếu sau 6 – 12 giờ nhau mới bong ra thì gọi là bong nhau chậm và trên 12 giờ thì gọi là hiện tượng sát nhau.

Sau khi sổ thai tử cung vẫn co bóp và tiếp tục có những cơn rặn với tần xuất 2 phút/lần để đẩy nhau thai ra ngoài. Do tử cung co bóp từ mút sừng nên màng nhau bong ra sẽ bị lộn trái, phần ở mút sừng ra trước, sau đó bong dần xuống phần sừng, thân tử cung và ra ngoài.

1.5. Sinh lý tiết sữa và tập tính nuôi con

Ngay sau khi đẻ bò mẹ quay lại liếm con, giúp cho da lông bê con nhanh khô và hạn chế tác động xấu của môi trường bên ngoài. Việc liếm như vậy cũng kích thích bản năng làm mẹ ở con cái và kích thích sự xuống sữa nhanh hơn.

Sữa được tạo ra trong mô tuyến vú. Đây là một quá trình phức tạp, chọn lọc những chất từ huyết tương đưa vào tuyến vú và tổng hợp nên những thành phần đặc trưng của sữa. Quá trình này diễn ra liên tục và sau khi được hình thành, sữa đi qua thành tế bào và tích tụ lại trong xoang tiết.

Một phần của tài liệu tài liệu tập huấn chăn nuôi bò thịt (Trang 21 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(205 trang)