Các tính trạng chọn lọc bò làm giống

Một phần của tài liệu tài liệu tập huấn chăn nuôi bò thịt (Trang 46 - 52)

Các tính trạng được sử dụng để chọn lọc bò thịt bao gồm: ngoại hình, tỷ lệ thịt xẻ, khối lượng cơ thể, tăng trọng hàng ngày, tiêu tốn thức ăn, chất lượng thịt (thành phần hóa học, tỷ lệ cơ, mỡ, xương, mô liên kết trong thân thịt). Ngoài ra, các chỉ tiêu sinh sản, tính dễ đẻ, tập tính nuôi con có ý nghĩa rất quan trọng.

Tuy nhiên, trong thực tế việc tính toán tất cả các chỉ tiêu như vậy không thể làm được và trong một đàn gia súc thì không có một cá thể nào có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà chọn giống về tất cả các tính trạng. Vì vậy, trong thực tế các nhà chọn giống thường sử dụng các tính trạng số lượng và sự tương quan di truyền giữa các tính trạng để chọn lọc. Các tính trạng thường được sử dụng trong chọn lọc bò thịt là: ngoại hình, tỷ lệ thịt xẻ, tăng trọng hàng ngày, tiêu tốn thức ăn, chất lượng thịt.

Ngoại hình và sự phát triển của cơ thể

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, những bò bị bệnh tật, còi cọc thì khi lớn lên sẽ không thể là những bò tốt. Vì vậy, khi chọn bò ta phải chọn những con lớn nhanh, khỏe mạnh. Khối lượng phù hợp với từng độ tuổi và giống tương ứng. Những bò mập mạp, tầm vóc cân đối, khỏe mạnh sẽ có khả năng sản xuất thịt cao. Những bò thịt chuyên dụng thường có hình dạng khối hộp chữ nhật với chiều dài thân mình gần gấp đôi chiều rộng. Bộ xương kết cấu không thô. Đầu nhỏ, ngắn và rộng. Chân ngắn, đùi rộng và mập. Các cơ bắp của vai, mông, đùi phát triển. Ngực nở tròn và có ức xệ xuống.

Tỷ lệ thịt xẻ:

Năng suất thịt bò thể hiện ở tỷ lệ thịt xẻ và tỷ lệ thịt tinh. Bò có tỷ lệ thịt xẻ cao sẽ có năng suất thịt cao.

Tỷ lệ thịt xẻ rất quan trọng đối với sản xuất khi bán gia súc sống. Người mua cần biết để ước tính khối lượng thịt xẻ từ khối lượng sống của cơ thể vật nuôi.

Khối lượng thịt xẻ: là khối lượng cơ thể bò sau khi đã lọc da, bỏ đầu (tại xương átlat), phủ tạng (cơ quan tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu, tim), bốn vó chân (từ gối trở xuống) và đuôi.

Tỷ lệ thịt xẻ (%) = KLX KLSx100 Trong đó: KLX: Khối lượng thịt xẻ,

KLS: Khối lượng sống.

Bò thịt phải có khả năng tiêu hóa và lợi dụng thức ăn tốt, có khả năng tăng trọng và tích lũy mỡ cao trong thời gian bỗ béo. Mỡ giắt trong cơ là loại thịt bò được ưa chuộng.

Chất lượng thịt:

Trong chăn nuôi bò thịt muốn đạt hiệu quả kinh tế cao phải có phương pháp chọn bò đực, bò cái và chăm sóc nuôi dưỡng chúng để tăng số lượng bê và tăng khối lượng của từng cá thể bê chọn nuôi thịt. Chất lượng thịt là chỉ tiêu cơ bản nhất để chọn lọc bò thịt, chất lượng thịt được thể hiện qua độ mềm, pH và thành phần hóa học của thịt, trong đó các chỉ tiêu về protein, khoáng chất, vitamin được quan tâm nhất.

1.1. Đánh giá và chọn lọc bò đực giống

Bò đực giống có ý nghĩa lớn trong cải tiến di truyền của đàn. Chọn lọc bò đực làm giống là một khâu quan trọng trong quy trình chăn nuôi bò thịt. Đánh giá và chọn lọc bò đực giống thông qua nguồn gốc, cá thể và đời sau.

a) Đánh giá và chọn lọc theo nguồn gốc

Chọn lọc theo nguồn gốc là quá trình chọn lọc dựa trên hệ phả để xem xét các đời tổ tiên của đực giống. Bởi về mặt di truyền những cá thể được thừa kế

những nguồn gen tốt từ tổ tiên sẽ có nhiều khả năng truyền lại được nhiều đặc tính tốt cho đời sau.

Yêu cầu: đực giống chọn lọc phải thuộc về một giống mà trong phạm vi giống đó người ta tiến hành nhân giống. Giống và đặc tính của giống được xác định dựa trên cơ sở các số liệu về nguồn gốc của bố mẹ, cùng với xem xét trên con vật.

Khi đánh giá cần xem xét mức độ biểu hiện tốt hay xấu của các tính trạng về ngoại hình, thể chất, sinh trưởng, phát dục và sức sản xuất của đời trước, đặc biệt ở bố mẹ. Các tính trạng chọn lọc chính phụ thuộc vào mục tiêu nhân giống và khả năng di truyền của các tính trạng mong muốn cho đời sau. Việc chọn lọc theo nguồn gốc có giá trị với tính trạng có hệ số di truyền cao. Hơn nữa, tổ tiên xuất sắc của con vật càng xa thì mức độ ảnh hưởng di truyền càng giảm. Tuy nhiên, trong hệ phả càng nhiều con xuất sắc càng tốt. Cá thể nào có tổ tiên tốt trên nhiều mặt là cá thể có triển vọng tốt.

Việc đánh giá chọn lọc theo tổ tiên dựa trên nguyên tắc về sự giống nhau giữa bố mẹ và đời sau. Tuy nhiên, đời sau không phải luôn luôn có những đặc tính của bố mẹ vì sự di truyền các tính trạng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Cho nên để đánh giá đúng giá trị con vật thì cần có những ghi chép chính xác về các điều kiện ngoại cảnh mà tổ tiên đã được hình thành và các phương pháp nhân giống đã được áp dụng.

Khi chọn lọc đực giống theo nguồn gốc nên kết hợp với đánh giá chị em ruột hoặc nửa ruột thịt. Chị em gái có ý nghĩa quan trọng trong chọn lọc đực giống vì chúng có cùng nguồn gốc với đực giống đang được đánh giá và cho biết được một số thông tin quan trọng về tiềm năng của con đực mà không thể có được từ bản thân con đực như khả năng sinh đẻ, nuôi con và cho sữa.

Trong công tác giống hiện đại, việc chọn lọc đực giống theo nguồn gốc được tiến hành khi con vật chưa ra đời. Để chọn lọc được đực giống trước hết người ta chọn những con đực xuất sắc nhất (đã qua kiểm tra đời sau) và cái giống tốt nhất (từ đàn hạt nhân) để làm bố và mẹ đực giống, sau đó ghép phôi giao phối để có bê đực hậu bị. Giá trị giống của con vật định tạo ra có thể ước tính thông qua các giá trị giống giữa con bố và mẹ. Như vậy, chọn lọc và chọn phối tốt con bố và con mẹ là những đảm bảo bước đầu cho việc chọn lọc được một con giống tốt.

b) Đánh giá chọn lọc theo bản thân

Đánh giá chọn lọc theo bản thân con đực cho phép phát hiện những con có khả năng sản xuất tinh/phối giống tốt nhất và có những tính trạng được biểu hiện tốt để có khả năng di truyền cho đời sau. Do vậy, dù con đực có nguồn gốc tốt thì bản thân nó cũng phải được đánh giá và chọn lọc dựa trên:

+ Ngoại hình - thể chất

Đực giống phải có sức khỏe tốt, mang đặc tính của giống và thể hình phải phù hợp với hướng sản xuất. Đặc biệt, đực giống phải có khối lượng lớn, thân

hình cân đối, bộ xương chắc chắn, phát triển tốt, các khớp chắc chắn, cử động dứt khoát, hệ cơ phát triển, đường sống lưng thẳng, phẳng; ngực sâu, rộng;

lưng hông rộng, thẳng; mông phát triển tốt; 4 chân cân đối; lông trơn, mượt mà.

Các bộ phận sinh dục phát triển bình thường, cà to và cân đối.

Bò đực giống không được có những khiếm khuyết về ngoại hình như: đầu quá to, quá thô, lưng hẹp và yếu, hông hõm, mông có hình dạng mái nhà, chân vòng kiềng.

Một bò đực giống tốt cần có một cơ thể cân đối, hoàn chỉnh như: chân sau khỏe là yếu tố quan trọng cho khả năng phối giống vì phần lớn trọng lượng con đực dồn lên hai chân sau. Nếu bò đực bị khuyết tật ở chân sau thì thường phải chịu đau khi di chuyển hoặc nhảy cái, làm giảm ham muốn phối giống.

+ Sinh trưởng và phát dục

Việc đánh giá cường độ sinh trưởng có ý nghĩa rất quan trọng vì giữa cường độ sinh trưởng và khả năng tăng trọng hàng ngày của đực giống có mối tương quan khá chặt. Cho nên đánh giá đực giống hướng thịt thường nuôi kiểm tra sau khi cai sữa (8 tháng tuổi) ở các trung tâm hay trại chăn nuôi trong 150 ngày với mức dinh dưỡng cao. Cuối kỳ, tiến hành kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu như tăng trọng/ngày, chi phí thức ăn/kg tăng trọng, khối lượng cuối kỳ.

Sinh trưởng và phát dục luôn có tương quan thuận.

+ Sức sản xuất tinh

Đực giống phải có thể tích và phẩm chất tinh dịch tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định của giống. Đồng thời đực giống phải có tính hăng cao và năng lực phối giống tốt.

c) Đánh giá và chọn lọc qua đời sau

Hiện nay, thụ tinh nhân tạo đã được áp dụng rộng rãi cho phép có thể đánh giá đực giống qua đời sau để việc chọn lọc được chính xác.

Các bước tiến hành:

+ Chọn những đực khỏe mạnh, có lý lịch tốt, phát triển bình thường và đạt được một khối lượng nhất định theo quy định của từng giống.

+ Kiểm tra chất lượng tinh dịch của tất cả những đực giống được lựa chọn, sau đó giao phối với những con cái đẻ từ lứa 1 đến lứa 6 và đạt tiêu chuẩn cấp 1 khi giám định. Mỗi đực giống cho ghép đôi để phối giống (TTNT) với 30 con cái và được phối giống tập trung trong 30 -35 ngày.

+ Khai thác tinh dự trữ và bảo quản.

+ Bê sinh ra hoàn toàn được bú sữa trực tiếp và đảm bảo tính đồng nhất về các điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc. Trong thời kỳ nuôi dưỡng và vỗ béo, cần phải ghi lại diễn biến về khối lượng hàng tháng và chi phí thức ăn theo nhóm đực giống được kiểm tra.

+ Khi bê đạt 15-18 tháng tuổi, mổ khảo sát sức sản xuất thịt với số lượng ít nhất là 3 con đại diện cho mỗi nhóm. Khi giết mổ tiến hành xác định độ béo, khối lượng sống, khối lượng thân thịt, mỡ nội tạng, tỷ lệ thịt xẻ, khối lượng cơ và xương. Tính tăng trọng hàng ngày, chi phí thức ăn cho 1kg tăng trọng khi nuôi dưỡng và vỗ béo. Nếu đánh giá kỹ hơn thì xác định tỷ lệ các phần có giá trị trong thân thịt, hình dạng và tiết diện mắt thịt, tỷ lệ các phần thịt, mỡ, xương trong thân thịt và thành phần hóa học, độ mềm, độ pH và vân của thịt.

Trong thực tế ở các nước chăn nuôi bò thịt phát triển, các nhà chọn giống thường đánh giá đực giống theo 2 tính trạng cơ bản: khối lượng sống lúc 15 tháng tuổi và tỷ lệ thịt xẻ của đời sau bằng cách xây dựng một thang điểm đánh giá đực giống trên nguyên tắc phối hợp bình đẳng về hai chỉ tiêu này.

d) Đánh giá và chọn lọc theo giá trị giống ước tính (EBV)

Giá trị giống của một con đực là giá trị di truyền của con vật đó mà một nửa của nó sẽ được di truyền cho đời sau. Mặc dù không biết được giá trị giống thật đối với mỗi tính trạng của con vật nhưng hiện nay nhờ sự phát triển của di truyền số lượng, người ta có thể ước tính gần chính xác các giá trị giống này và gọi là giá trị giống ước tính (EBV). Giá trị giống được ước tính dựa trên cơ sở phối hợp các thông tin về mỗi tính trạng có được từ nhiều cá thể có liên quan (tổ tiên, bản thân, đời con và anh chị em...) cũng như các thông số di truyền của tính trạng. Giá trị giống ước tính được thể hiện bằng sự chênh lệch giữa tiềm năng di truyền của đực giống so với nền di truyền mà con vật được so sánh (thường là mức biểu hiện bình quân của tính trạng trên đại trà hay trên đàn đối tượng cần cải tiến). Đơn vị tính của EBV chính là đơn vị của tính trạng, cho phép đánh giá nhanh giá trị di truyền của các đực giống non.

1.2. Đánh giá và chọn lọc bò cái giống

Đánh giá và chọn lọc bò cái giống bao gồm chọn lọc qua nguồn gốc, bản thân và đời sau.

a) Đánh giá và chọn lọc theo nguồn gốc

Chọn lọc bò cái giống để cho đực giống tốt (chọn mẹ cho đực giống) để cung cấp cho các trạm thụ tinh nhân tạo cần phải chọn lọc cẩn thận về nguồn gốc của bò mẹ. Đó phải là con của những con mẹ có sức sản xuất cao và con bố có chất lượng giống tốt. Giá trị của bò cái được nâng lên nếu bố của chúng được kiểm tra qua đời sau và xuất phát từ một dòng nhất định. Đồng thời phải xét cả phương pháp công tác giống đã được áp dụng đối với tổ tiên. Bên cạnh tổ tiên còn phải xét đến đặc điểm của những cá thể cận thân (anh chị em ruột và anh chị em nửa ruột thịt).

b) Đánh giá và chọn lọc theo bản thân

Bò cái giống phải có ngoại hình, sinh trưởng và sức sản xuất tốt + Ngoại hình và sinh trưởng

Bò cái phải khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, mang các đặc trưng của giống, ngoại hình thể chất tốt, có thể trọng phù hợp với tiêu chuẩn của giống.

Bò phải có thân hình đẹp, cân đối, chắc chắn, thân rộng và sâu, hệ xương chắc chắn, hệ cơ phát triển tốt, vai rộng, có nhiều thịt, ngực sâu và rộng, xương chân phát triển tốt; chân phải cân đối, móng chắc, da đàn hồi, lông mềm. Bộ phận sinh dục cân đối, bầu vú phát triển, núm vú đều, cân đối, khả năng cho sữa và tiết sữa tốt.

+ Sức sản xuất

Đánh giá khả năng sản xuất thịt của bò cái cần căn cứ tốc độ sinh trưởng của bò cái. Ngoài ra, đánh giá sức sản xuất sữa căn cứ theo thể trọng của bê bú trực tiếp trước khi cho bú và sau khi cho bú.

Bên cạnh các chỉ tiêu kể trên khi đánh giá bò cái cần tính đến khả năng sinh sản của nó bằng cách tính số con thu được trong thời gian sinh sản hay chỉ số sinh sản:

Số bê sinh ra trong thời gian sử dụng k =

Tuổi sử dụng của bò cái (năm)

Khoảng cách giữa 2 lứa đẻ bình quân là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá khả năng sinh sản của bò cái.

Đánh giá chọn lọc theo đời sau: Trong thực tế rất ít được thực hiện vì số lượng con thu được trên một đời bò cái không lớn. Mặt khác, khi biết được sức sản xuất của con thì bò mẹ đã bị loại thải.

Chọn lọc bò cái sinh sản tạo con nuôi thương phẩm + Đánh giá, chọn lọc trước khi phối giống

Chọn lọc bò cái tơ được tiến hành bằng quan sát (chủ quan) hoặc sử dụng các tính trạng có thể cân, đong, đo đếm được. Đồng thời, chọn lọc khách quan dựa trên các thông tin về hệ phả hoặc cha mẹ và lý tưởng nhất là chọn lọc thông qua giá trị giống ước tính (EBVs).

Chọn lọc bò cái cần quan tâm đến các yếu tố sau: tính nết, cấu trúc cơ thể, tốc độ sinh trưởng.

- Tính nết

Tính nết của bò cái rất quan trọng về mặt kinh tế bởi vì những bò hiền lành thường dễ dàng, an toàn trong vận chuyển và ít bị stress trước khi giết mổ. Tuy nhiên, hiện nay trong thực tế chưa có một phương pháp nào tin cậy để đánh giá tính nết của bò cái mà chỉ dựa vào việc quan sát khi bò chạy ra khỏi gióng nhốt. Tính trạng này có hệ số di truyền tương đối cao (>0,7) nên chúng vẫn được quan tâm đánh giá.

- Cấu trúc cơ thể

Cấu trúc cơ thể đàn cái sinh sản là tính trạng liên quan đến việc kéo dài thời gian sống, sức khỏe.

Đánh giá trước khi phối giống nên tập trung vào những khiếm khuyết sẽ có ảnh hưởng tới gia súc và đến các chức năng phát triển bình thường của con cái chúng. Nếu những khiếm khuyết trầm trọng hoặc có vẻ trầm trọng chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của bò cái tơ và nên loại thải những gia súc này. Những khiếm khuyết trầm trọng như chân trước yếu, chân vòng kiềng, móng không đều, dáng đi khác thường, hàm trên hoặc hàm dưới quá ngắn hoặc quá dài, mắt đỏ hoặc có u ở mắt... thì loại thải.

Nên chọn những bò cái tơ có khung xương chậu lớn.

- Tốc độ sinh trưởng

Chỉ số về khối lượng gia súc giúp việc đánh giá tốc độ sinh trưởng chính xác nhất.

Chọn lọc tăng trọng sau cai sữa sẽ xác định nhanh được những gia súc phù hợp với những đòi hòi về môi trường.

Chọn lọc sau khi phối giống để xác định khả năng sản xuất của bò cái.

Những bò cái có khả năng sản xuất tốt đặc biệt là những bò cái sản xuất được nhiều bê cai sữa nhất với chi phí thấp nhất.

Các yếu tố cần quan tâm trong quá trình chọn lọc bao gồm:

- Khả năng sinh sản

Những bò cái không chửa được đặc biệt nếu chúng không có khả năng sản xuất sữa và không thể nuôi bê đến khi cai sữa là loại cần loại thải. Trong trường hợp chăn nuôi thâm canh bò đẻ tập trung trong một khoảng thời gian ngắn, bò mẹ sản xuất ra bê nhẹ cân hoặc có chất lượng thấp cũng sẽ bị loại thải.

- Cấu trúc cơ thể

Loại thải những bò cái hung dữ, cấu trúc cơ thể không phù hợp cho sinh sản. Ví dụ như: tính trạng núm vú hình chai cần được chọn lọc liên tục trong suốt đời bò cái.

- Khả năng làm mẹ:

Khả năng làm mẹ là khả năng thu nhận thức ăn và chăm sóc bê của bò cái.

Cần loại thải những bò mẹ bỏ con ngay sau khi sinh hoặc tách rời khỏi bê con ngay sau đó. Khả năng bảo vệ con trước những động vật ăn thịt cũng là yếu tố trong khả năng làm mẹ. Cần loại thải những bò mẹ trục trặc khi nuôi bê.

Một phần của tài liệu tài liệu tập huấn chăn nuôi bò thịt (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(205 trang)