Các phương pháp nhân giống

Một phần của tài liệu tài liệu tập huấn chăn nuôi bò thịt (Trang 56 - 59)

Trong công tác giống bò thịt có thể sử dụng phương pháp nhân thuần hoặc lai giống. Hai phương pháp này có quan hệ mật thiết với nhau. Muốn lai giống phải có giống thuần làm nguyên liệu. Lai giống chỉ đạt được mục tiêu mong muốn khi các giống thuần luôn luôn được chọn lọc để nâng cao chất lượng.

Giống càng thuần thì kết quả lai giống càng cao.

3.1. Nhân giống thuần chủng

Nhân giống thuần chủng là cách cho phối giống giữa đực và cái thuộc cùng một giống để thu được đời con mang 100% máu của giống đó. Phương pháp này nhằm ổn định, củng cố và nâng cao các tính trạng mong muốn của một giống sẵn có.

a) Các phương pháp nhân giống thuần

- Nhân giống theo dòng: nhằm phát huy và củng cố ở thế hệ sau những đặc tính tốt xuất hiện ở những cá thể được chọn là con đầu dòng, từ đó có thể nâng cao chất lượng đàn giống.

- Nhân giống chéo dòng: Chọn phối các cá thể thuộc các dòng khác nhau của cùng một giống giao phối với nhau nhằm phối hợp được nhiều đặc điểm tốt ở các dòng đó.

- Nhân giống hạt nhân:

+ Đàn hạt nhân: là đàn giống có năng suất, sản lượng và giá trị di truyền cao hơn năng suất bình quân của đàn thường được nuôi trong các trại hạt nhân của một hệ thống nhân giống. Đàn hạt nhân sản xuất những con ưu tú theo mục tiêu chọn giống và phân phối chúng đến đơn vị nhân giống. Những đực giống sinh ra từ đàn cái hạt nhân sau khi được chọn lọc sẽ tham gia vào hệ thống TTNT có thể phối cho con cái ở tất các các đàn từ hạt nhân đến thương phẩm.

+ Đàn nhân giống thường được nuôi ở trại nhân giống. Chức năng của đàn nhân giống là mở rộng vật liệu di truyền của đàn hạt nhân ưu tú thành số lượng lớn hơn để chuyển tới đàn thương phẩm. Như vậy, đàn nhân giống là một sự sao chép của đàn hạt nhân gốc phát triển thành 2 nhóm: đàn hạt nhân gốc và đàn hạt nhân vệ tinh của đàn hạt nhân gốc.

+ Đàn thương phẩm: là những đàn được nuôi với số lượng lớn để sản xuất ra gia súc thương phẩm. Những con đực từ đàn nhân giống sẽ được phối những đàn này để cải tiến di truyền.

b) Hệ thống nhân giống hạt nhân đóng và hệ thống nhân giống hạt nhân mở - Hệ thống nhân giống hạt nhân đóng:

Đàn hạt nhân có nhiệm vụ tạo ra những con đực và cái để tự thay thế và cung cấp cho đàn nhân giống. Có thể nhập bổ sung một số đực, cái giống từ các đàn hạt nhân khác (hoặc nhập từ nước ngoài) nhưng không nhận đực, cái giống từ đàn nhân giống chuyển lên.

Đàn nhân giống có nhiệm vụ chủ yếu là tạo ra con đực và đôi khi cái giống cung cấp cho đàn thương phẩm. Đực giống và cái giống thường xuyên được nhập về từ đàn hạt nhân để thay thế đàn này nhưng không tiếp nhận những con giống từ các đàn thương phẩm chuyển lên.

Đàn thương phẩm thường tiếp nhận đực và có thể cả cái giống từ đàn nhân giống để sản xuất gia súc thương phẩm.

Như vậy, trong hệ thống này chỉ có một chiều chuyển gen từ trên đỉnh tháp xuống. Tốc độ cải tiến di truyền của hệ thống này phụ thuộc vào tốc độ cải tiến di truyền của đàn hạt nhân. Nếu trong hệ thống này con đực được đưa thẳng từ đàn hạt nhân xuống đàn thương phẩm (thông qua hệ thống TTNT) thì tốc độ cải tiến di truyền của cả hệ thống sẽ tăng lên.

- Hệ thống nhân giống hạt nhân mở

Việc thay thế vật liệu di truyền cho đàn hạt nhân được lựa chọn từ đàn hạt nhân và đàn nhân giống. Khi phát hiện những con giống tốt ở đàn thương phẩm có thể chuyển chúng về đàn nhân giống. Thông thường chỉ có con cái được di chuyển giữa các bậc những con cái tốt nhất được phát hiện ở bậc dưới có thể chuyển lên bậc trên, còn con đực thay thế chỉ được tạo ở đàn hạt nhân.

Hệ thống này cho phép tốc độ di truyền được cải thiện nhanh hơn, giảm được nguy cơ giao phối cận huyết. Tuy nhiên, việc quản lý con giống và phòng ngừa dịch bệnh phải tốt.

- Nhân giống áp dụng công nghệ gây rụng nhiều trứng và cấy truyền phôi (MOET):

Do khoảng cách thế hệ ở bò dài, tiến bộ di truyền thu được chậm hơn so với lợn và gia cầm, cường độ chọn lọc yếu nên áp dụng công nghệ gây rụng nhiều trứng và cấy truyền phôi (MOET) cho phép tạo ra nhiều bê cùng một lúc giúp tăng tốc độ cải tiến di truyền. Trong hệ thống này các con cái hạt nhân được nuôi tại các trại kiểm tra. Mỗi năm chọn ra một số con đặc biệt xuất sắc và sử dụng công nghệ MOET để sản xuất ra nhiều bê. Số bê cái sau khi đẻ lứa đầu được bổ sung vào đàn hạt nhân. Toàn bộ bê đực được nuôi dưỡng, chọn lọc cá thể một cách khắt khe và đánh giá giá trị giống trên cơ sở đánh giá thành tích của chị em gái, từ đó chọn ra con tốt nhất dùng sản xuất tinh đông lạnh.

Tinh của những đực giống này được dùng để phối cho đàn hạt nhân, đồng thời cũng được phối cho đàn cái khác trong sản xuất đại trà và có thể kiểm tra năng suất con gái của chúng trong điều kiện sản xuất.

3.2. Lai giống

Lai giống là cho phối giống những cá thể khác giống với nhau hay nói một cách khác là lai giữa các giống với nhau.

Lai giống nhằm khai thác lợi thế của ưu thế lai (khai thác sức sống và sức sản xuất vượt trội có được ở con lai) so với các cá thể thuộc giống thuần của bố mẹ. Đồng thời tổ hợp được được các đặc tính tốt của giống bố và mẹ ở thế hệ con lai và có thể sử dụng cá thể lai để thay thế đàn. Ngoài ra, có thể tạo giống mới trên cơ sở tổ hợp nguồn gen từ các giống khác nhau.

Các phương pháp lai giống:

- Lai kinh tế (hệ thống lai giống kết thúc): khi hệ thống này kết thúc tất cả các cá thể lai không được giữ lại với mục đích làm giống. Vì vậy, hệ thống này có thể được gọi là lai kinh tế.

+ Lai tạo con lai F1: Dùng mẹ thuần chủng của một giống phối với bố thuần chủng của một giống khác. Thế hệ thứ nhất biểu hiện ưu thế lai cao nhất giữa bất kỳ cặp lai 2 giống nào. Con lai F1 được dùng trong sản xuất để vỗ béo hoặc khai thác thịt.

+ Lai phản hồi: Dùng cái lai F1 cho phối với một trong hai giống được tạo nên chính F1 đó. Phương pháp này tạo ra các cá thể mẹ và con đều là tổ hợp lai. Ưu thế lai về khả năng làm mẹ có thể cao, phụ thuộc vào vào giống dùng để lai nhưng thành phần ưu thế lai trực tiếp không thể cực đại trong phép lai phản hồi này vì thành phần chất di truyền của giống bố đã có trong mẹ lai F1. Năng suất của con lai phản hồi có thể cao hơn F1 đối với những tính trạng ảnh hưởng bởi dòng mẹ.

+ Lai kết thúc 3 máu: Dùng cái lai F1 cho phối với đực của một giống thứ 3 không tham gia tạo F1 đó. Nếu giống được chọn lọc một cách cẩn thận, tổ hợp lai 3 máu của phép lai này có thể sử dụng đầy đủ các yếu tố của giống, ưu thế lai cao cả hai thành phần: trực tiếp, mẹ lai và có tỷ lệ thay thế đàn cao.

+ Lai tạo con lai F2: Dùng con cái F1 cho phối với đực F1. Phương pháp này biểu hiện ưu thế lai cao do cả bố và mẹ đều là tổ hợp lai. Tuy nhiên, F2 chỉ đạt được 1/2 ưu thế lai trực tiếp so với F1. Ngoài ra, thế hệ F2 có xu hướng biến động lớn hơn so với lai 3 máu.

+ Lai tạo con lai F1 4 máu: Dùng cái lai F1 phối với đực F1 nhưng các giống thuần tham gia tạo con cái F1 khác hẳn các giống thuần tham gia tạo con đực F1. Phép lai này tương tự như tạo F2 nhưng ưu thế lai trực tiếp ở đây lớn hơn.

Các hệ thống lai kết thúc có khả năng nâng cao năng suất sản xuất nhờ khai thác được ưu thế lai. Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất của hệ thống này là tất cả các cá thể của thế hệ lai đều bán đi, không giữ lại với mục đích làm giống nên đàn cái giống thuần thay thế phải mua từ nơi khác hoặc tạo ra từ đàn khác. Đối với tất cả các hệ thống lai kết thúc, một số lượng rất lớn cá thể cái thuần chủng phải được nuôi tạo thế hệ lai F1 mà những con thuần chủng này thường có tỷ lệ thụ thai và biểu thị các tính năng làm mẹ thấp hơn so với cá thể lai. Ngoài ra, do hầu hết các cá thể mẹ thuần chủng là cần thiết cho việc thay thế đàn để sản xuất các cá thể thuần hoặc tổ hợp lai nên số lượng con cái để chọn lọc cho hệ thống lai là rất hạn chế.

- Hệ thống lai giống liên tục: Không hạn chế số lượng tham gia hệ thống lai.

Các cá thể mẹ và con đều là tổ hợp lai và cá thể cái được tạo ra từ hệ thống lai này có thể sử dụng để thay thế cho đàn sinh sản.

+ Lai luân hồi chuẩn: Ở hệ thống này các cá thể lai được giữ lại để thay thế đàn và cho phối với đực của một giống khác với giống của bố đã tạo ra nó. Sau khi những cá thể cái sinh ra chúng đã mang gen từ mỗi một giống bố mẹ trong hệ thống.

+ Lai cải tạo: là hệ thống lai giống mà đực thuần chủng của một giống nhất định (thường là giống cao sản) được cho phối với những cái lai tốt nhất được tạo ra qua các thế hệ lai trong hệ thống đó.

Ở phép lai này con lai sẽ tăng tỷ lệ vật chất di truyền của giống bố liên tục qua các thế hệ lai.

Lai cải tạo thường sử dụng khi một giống được đưa vào diện hẹp với quần thể nhỏ. Bằng phương pháp lai cải tạo từ những cá thể cái của một giống đã có, giống này được tăng về số lượng nhanh chóng hơn nếu chúng chỉ được phối trong dòng thuần.

Một phần của tài liệu tài liệu tập huấn chăn nuôi bò thịt (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(205 trang)