5. Kết cấu nội dung đề
1.3.1.1. Các nhân tố chủ quan
- Bộ máy quản trị của doanh nghiệp
Mỗi doanh nghiệp đều tổ chức bộ máy quản trị riêng và khác biệt sao cho hoạt động sản xuất đạt hiệu quả. Với mỗi mô hình tổ chức như vậy thì sự liên hệ giữa các bộ phận, phòng ban cũng sẽ khác nhau. Sự phối hợp đó sẽ tạo tiền đề cho việc lập kế hoạch sản xuất nói chung và công tác quản trị nguyên vật liệu nói riêng phù hợp với tình hình thực tế một cách nhanh gọn, tránh các các thủ tục trung gian rườm rà. Đặc biệt quan trọng là sự phối kết hợp chặt chẽ giữa phòng vật tư với phòng kế toán và phòng kế hoạch để đưa ra được các quyết định đúng đắn và kịp thời về công tác mua sắm, dự trữ, bảo quản và sử dụng nguyên vật liệu.
Thêm vào đó là các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo ở các bộ phận, nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu chi phí sản xuất, thúc đẩy công tác sản xuất theo đúng kế hoạch.
- Loại hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp sẽ định hướng loại nguyên vật liệu mà doanh nghiệp sử dụng. Như với doanh nghiệp xây dựng thì nguyên vật liệu chủ yếu là: cát, đá, gạch, xi măng… Hay với doanh nghiệp may mặc thì sẽ là: vải, chỉ, cúc… Bên cạnh đó, loại hình kinh doanh nào sẽ tương ứng với quy trình sản xuất đó: đơn giản hoặc phức tạp. Do đó, để sản xuất đạt hiệu quả doanh nghiệp cần xây dựng được danh mục nguyên vật liệu đúng, đủ và xác định định mức sử dụng hợp lý trong các khâu sản xuất để thuận lợi trong công tác quản trị nguyên vật liệu.
- Trình độ tiên tiến của máy móc thiết bị của doanh nghiệp
Việc sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu cũng phụ thuộc rất nhiều vào trình độ máy móc, thiết bị. Máy móc, thiết bị càng hiện đại thì lượng phế phẩm sẽ càng ít, nguyên vật liệu hao phí ít hơn, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn…Tuy nhiên máy móc càng hiện đại thì giá thành càng cao, không phải doanh nghiệp nào cũng mua sắm được. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tình hình tài chính của doanh nghiệp.
- Địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Một doanh nghiệp với địa bàn hoạt động rộng rãi thì việc thu mua, vận chuyển hay bảo quản nguyên vật liệu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ví như, doanh nghiệp X ở tỉnh A nhưng đấu thầu xây dựng công trình ở tỉnh B, để bảo quản được nguyên vật liệu trong quá trình thi công, trước hết công ty phải tiến hành xây dựng hệ thống kho để cất giữ nguyên vật liệu: cát, đá, xi măng…, để không bị hư hỏng do thời tiết, mất mát do trộm cắp… Do đó chi phí công trình sẽ tăng lên.
Như vậy với địa bàn hoạt động rộng trong nước hay nước ngoài doanh nghiệp cũng cần chú trọng hơn trong khâu lập kế hoạch chi tiết để giảm thiểu được chi phí mà vẫn đảm bảo công tác quản trị nguyên vật liệu đạt hiệu quả.
- Tài chính của doanh nghiệp
Doanh nghiệp với nguồn vốn kinh doanh dồi dào sẽ mua sắm được máy móc, thiết bị hiện đại, nguyên vật liệu chất lượng cao, công tác thu mua nguyên vật liệu sẽ nhanh chóng hơn, xây dựng được hệ thống kho tàng bảo quản đạt tiêu chuẩn…
Nói chung, với một nguồn tài chính mạnh mẽ sẽ tạo điều kiện cho việc sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu. Tuy nhiên, trong nền kinh tế khó khăn và suy thoái này, để có được tài chính dồi dào là điều rất khó. Nên với nguồn tài chính dù không nhiều nhưng nếu doanh nghiệp biết cân đối về mọi khâu sản xuất thì vẫn có thể phát triển và đứng vững trên thị trường.
- Trình độ của đội ngũ nhân lực + Đội ngũ quản lý
Một doanh nghiệp với đội ngũ cán bộ quản lý từ giám đốc đến trưởng các phòng ban có trình độ cao, dày dạn kinh nghiệm thì việc xây dựng kế hạch sản xuất phù hợp với tình hình thực tế là rất thuận lợi. Đặc biệt là đội ngũ nhân viên kho, phòng vật tư, phòng kế toán am hiểu về công tác quản trị nguyên vật liệu sẽ tham mưu với ban quản trị nhằm hoàn thiện các kế hoạch thu mua, bảo quản, sử dụng… nguyên vật liệu của doanh nghiệp.
+ Đội ngũ lao động trực tiếp sản xuất
Trước hết là bộ phận các tổ trưởng, tổ phó, trưởng các phân xưởng là những người điều hành hoạt động của một tổ, một dây chuyền sản xuất. Họ là những người trực tiếp chỉ đạo sản xuất và sử dụng nguyên vật liệu sản xuất. Với đội ngũ trình độ cao thì hiệu quả sản xuất là điều tất yếu. Do đó doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn trong việc lựa chọn đội ngũ này, có thể thông qua các cuộc thi tuyển tay nghề, các cuộc sát hạch sản xuất…
Tiếp đó chính là những người công nhân trực tiếp sản xuất. Đây là đội ngũ đông đảo và là người cuối cùng thực hiện kế hoạch sản xuất và tạo ra sản phẩm. Với đội ngũ quản lý trình độ cao sẽ đưa ra được nhưng quy trình làm việc có hiệu quả và người thực hiện chúng chính là người công nhân. Tuy nhiên để hiệu quả sản xuất được trọn vẹn ý thức của mỗi người là vô cùng quan trọng: tiết kiệm hay lãng phí.
Do vậy, doanh nghiệp cần có chế độ thưởng phạt kịp thời và phù hợp để khuyến khích đội ngũ lao động sản xuất này. Đó chính là chất xúc tác giúp người lao động có hứng khởi trong công việc, cảm thấy gắn bó hơn với doanh nghiệp, ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc sản xuất nói chung, việc sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu nói riêng.