CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUẢN TRỊ VỐN LUÂN CHUYỂN TẠI DOANH NGHIỆP
1.1. TỔNG QUAN VỀ QUẢN TRỊ VỐN LUÂN CHUYỂN
Vốn luân chuyển đôi khi còn được gọi là tổng vốn lưu động, đề cập một cách đơn giản đến những tài sản lưu động dùng trong hoạt động của doanh nghiệp [10, tr. 718].
b. Vốn luân chuyển ròng
Vốn luân chuyển ròng (net working capital, viết tắt là NWC): Được tính bằng tài sản ngắn hạn trừ đi nợ ngắn hạn [10, tr. 718].
c. Vốn luân chuyển hoạt động ròng
Vốn luân chuyển hoạt động ròng (net operating working capital, viết tắt là NOWC): Được tính bằng tài sản ngắn hạn hoạt động trừ đi nợ ngắn hạn hoạt động [10, tr. 718]. Nợ ngắn hạn hoạt động được tính bằng nợ ngắn hạn trừ đi khoản vay ngắn hạn.
1.1.2. Các yếu tố cấu thành và đặc điểm của vốn luân chuyển a. Các yếu tố cấu thành vốn luân chuyển
Cấu trúc vốn luân chuyển gồm có:
- Tiền mặt và chứng khoán khả nhượng
- Giá trị khoản phải thu
- Giá trị hàng tồn kho
- Các khoản đầu tư ngắn hạn khác b. Đặc điểm
Vốn luân chuyển gắn liền với chu kỳ sản xuất kinh doanh. Quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra liên tục nên vốn lưu động cũng vận
động liên tục. Sự vận động của vốn luân chuyển trải qua các giai đoạn, chuyển hóa từ hình thái ban đầu là tiền mặt sang các hình thái hàng hóa khác nhau và cuối cùng quay trở lại hình thái ban đầu là tiền, đây gọi là vòng tuần hoàn luân chuyển của vốn luân chuyển.
Vốn luân chuyển hoàn thành một vòng tuần hoàn sau một chu kì sản xuất.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, quản trị vốn luân chuyển có vai trò quan trọng.
1.1.3. Tầm quan trọng của quản trị vốn luân chuyển
Quản trị vốn luân chuyển tốt có thể làm giảm khoản đầu tư cần thiết vào hoạt động kinh doanh, từ đó là tăng dòng tiền tự do và tăng giá trị doanh nghiệp.
Chúng ta sẽ xem xét thông qua mô hình ở Hình 1.1.
Hình 1.1. Mô hình về giá trị công ty
(Nguồn: Sách: Intermediate Financial Management, F. Brigham và R. Daves)
Các công ty thường hoạt động theo một chu kì, trong đó họ mua hàng tồn kho, bán hàng tín dụng và sau đó thu hồi các khoản phải thu. Chu kì này được gọi là chu kì chuyển hóa tiền mặt.
Khi một công ty bắt đầu sản xuất, nó phải cần chi phí đầu tư mới ban đầu và trong quá trình hoạt động nó cần một khoản chi phí để đầu tư vào vốn lưu động hoạt động ròng. Mục tiêu của công ty là rút ngắn chu kỳ chuyển hóa tiền mặt càng nhiều càng tốt nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Điều này sẽ làm tăng giá trị công ty, vì chu kỳ chuyển hóa tiền mặt càng ngắn, vốn lưu động hoạt động ròng cần thiết càng thấp và dòng ngân quỹ tự do (Free cash flow, viết tắt FCF) càng cao. Dưới đây sẽ phân tích điều này trên hai góc độ.
Thứ nhất, trong điều kiện doanh số bán hàng không thay đổi. Như đã biết, dòng ngân quỹ tự do được tính bằng lợi nhuận hoạt động ròng sau thuế (net operating profit after tax, viết tắt là NOPAT) trừ đi đầu tư ròng vào vốn luân chuyển hoạt động ròng. Vì vậy khi cắt giảm chu kỳ chuyển hóa tiền mặt sẽ làm nhu cầu vốn luân chuyển giảm, dòng ngân quỹ tự do sẽ tăng lên bằng đúng mức giảm của vốn luân chuyển.
Thứ hai, giả sử doanh số bán hàng tăng lên. Khi một công ty đã cải thiện được quá trình luân chuyển vốn, họ thường duy trì hoạt động của công ty ở mức độ luân chuyển vốn này. Nếu tỷ lệ NOWC trên doanh số vẫn duy trì ở mức mới, nhu cầu vốn luân chuyển cần thiết để hỗ trợ cho doanh số tăng thêm giảm làm cho ngân quỹ tự do dự kiến hằng năm trong tương lai tăng lên.
Tóm lại, việc cải thiện quá trình quản trị vốn luân chuyển không chỉ tăng dòng ngân quỹ hiện tại mà còn cải thiện được dòng ngân quỹ tự do trong các năm tiếp theo. Sự kết hợp giữa dòng ngân quỹ chảy vào một lần và sự cải thiện trong dài hạn của dòng ngân quỹ tự do sẽ làm tăng giá trị cho công ty.
Từ các phân tích trên ta thấy: Việc cải thiện trong quản trị vốn luân chuyển là một việc nên làm.
1.1.4. Mục tiêu của quản trị vốn luân chuyển tại doanh nghiệp
Mục tiêu của quản trị vốn luân chuyển là phải kiểm soát chặt chẽ lượng tiền mặt, khoản phải thu, hàng tồn kho để giảm thời gian của chu kỳ chuyển hóa tiền mặt mà không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoạt động quản trị vốn luân chuyển dựa trên giải quyết hai vấn đề lớn:
- Mức vốn luân chuyển hợp lí mà công ty nên duy trì là bao nhiêu đối với từng loại tài sản cũng như toàn bộ tài sản lưu động?
- Vốn luân chuyển được tài trợ như thế nào?