1.1. Cơ sở lý luận
1.1.5. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân trong xây dựng NTM
1.1.5.1. Điều kiện hộ gia đình
Trong nhiều nghiên cứu cho thấy điều kiện hộ gia đình ảnh hưởng sự tham gia của người dân trong các hoạt động phát triển. Uphoff (1979) cho rằng đặc trưng hộ gia đình ảnh hưởng đến sự tham gia, đó là: độ tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, điều kiện kinh tế, quan hệ xã hội,… Cơ sở nghiên cứu của bất kỳ xã hội nào cũng là một trong những khía cạnh quan trọng nhất phải tính đến khi đề cập tới sự tham gia của người dân trong phát triển.
Paudyal (1990) cho rằng có 6 yếu tố là: điều kiện kinh tế, giáo dục đào tạo, địa vị, cấu trúc tuổi, số người trong hộ, thuộc tổ chức nào có ảnh hưởng tới sự tham gia của người dân. Mô hình trong nghiên cứu của ông giả thiết rằng sự tham gia bị tác động bởi phạm vi, năng lực, nhu cầu và những lợi ích.
1.1.5.2. Điều kiện môi trường
Điều kiện môi trường cũng ảnh hưởng mức độ tham gia của người dân.
Các yếu tố môi trường khác nhau có ảnh hưởng tới việc tham gia vào dự án.
Xu thế và sự kiện lịch sử có những hệ quả quan trọng đối với sự tham gia của người dân. Lịch sử di dân và định cư của hộ gia đình cũng ảnh hưởng đến sự tham gia. Các hoạt động phát triển trong cộng đồng được tổ chức thông qua hoạt động tập thể, người dân địa phương tụ họp cùng nhau để làm việc (Cohen, 1980).
Ở các cộng đồng nông thôn, ở mức độ nào đó, người dân luôn duy trì một số các hoạt động tập thể: ví dụ như xây dựng nhà, đám tiệc, v.v…
1.1.5.3. Nhận thức của người dân
Theo Berelson và Steiner (1964) thì nhận thức có thể định nghĩa như là tiến trình mà từ đó một cá nhân lựa chọn, tổ chức và giải thích các thông tin nhận được để tạo nên một bức tranh có ý nghĩa về thế giới.
Nhận thức không chỉ tùy thuộc vào đặc điểm cá nhân của con người, vào sự tác động của các nhân tố ảnh hưởng, mà còn tùy thuộc vào mối tương quan giữa nhân tố ấy với hoàn cảnh chung quanh và với đặc điểm cá nhân của người đó.
Nguồn: Thu thập, tổng hợp theo tài liệu tập huấn của Bộ NN&PTNT, 2010
Hình1.6: Nhận thức hành vi của người dân Các tác nhân
- Công tác tuyên truyền, vận động - Chủ trương, chính sách ….
Nhận thức Phản ứng
Kết quả hành vi
Nhiệt tình tham gia
Không nhiệt tình tham gia
Tích cực
Chưa tích cực Đầy đủ
Không đầy đủ
Các quan điểm tâm động học và quan điểm truyền thống cho rằng hành vi xuất phát từ một quá trình thực hiện theo nhận thức, điều này có nghĩa là hành vi của con người xuất hiện dựa trên nhận thức của họ. Lý thuyết nhận thức - hành vi đánh giá rằng: hành vi bị ảnh hưởng thông qua nhận thức. Như vậy, rõ ràng là hành vi không phù hợp phải xuất hiện từ việc hiểu sai và lý giải sai.
1.1.5.4. Cơ chế chính sách
Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 1996) giảng nghĩa cơ chế là cách thức theo đó một quá trình thực hiện. Chính sách là toàn bộ các hoạt động của Nhà nước có ảnh hưởng một cách trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân. Cơ chế chính sách của nhà nước quyết định chất lượng và hiệu quả sự tham gia của người dân ở cộng đồng. Cơ chế chưa thực sự rộng mở, rập theo khuôn khổ, không có tính năng động để điều chỉnh cho sát với thực tiễn và sẽ làm cho sự tham gia của người dân ở cộng đồng bị thui chột và mang tính hình thức.
1.1.5.5. Chính quyền các cấp
Chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân ở cộng đồng. Chính quyền các cấp là trung tâm, là gốc rễ và là yếu tố quyết định đến thành công khi triển khai áp dụng các giải pháp nhằm phát huy sự tham gia của người dân. Cơ chế, chính sách, cách thức tổ chức, quản lý, điều hành, hỗ trợ, giám sát của các cơ quan công quyền một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện từng vùng và sự hoạt động tốt bộ máy của chính quyền địa phương sẽ là yếu tố quyết định sự tham gia của người dân. Trong xây dựng NTM vai trò của cấp xã, ấp là rất quan trọng, thể hiện qua các công việc như:
Cấp xã: tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về xây dựng NTM, nội dung, phương pháp và mục tiêu cần đạt được của xây dựng NTM để người dân hiểu rõ, đồng thuận tham gia và giám sát thực hiện; tổ chức phát động phong trào toàn dân xây dựng NTM ở xã, ấp; tổ chức xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch hàng năm xây dựng NTM của xã, lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong toàn xã và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức và tạo điều kiện cho người dân tham gia thực hiện, giám sát các hoạt động thực thi các dự án đầu tư trên địa bàn xã.
Ấp: tuy không phải là một cấp chính quyền, nhưng nó vẫn có các tổ chức hội đoàn thể và là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư. Ấp cũng là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi, vì vậy muốn huy động được sức mạnh của người dân để xây dựng NTM cần phát huy vai trò của ấp trong tổ chức thực hiện: tổ chức họp dân để phục vụ công tác tuyên truyền; tổ chức lấy ý kiến của người dân trong ấp tham gia góp ý quy hoạch và đề án xây dựng NTM chung của xã.