1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.2. Kinh nghiệm PTNT và xây dựng NTM ở Việt Nam
Mô hình chuyển giao ruộng đất cho hộ nông dân Phát triển nông thôn giai đoạn từ năm 1954 – 1957; Nhà nước thực hiện chính sách cải cách ruộng đất (giao ruộng đất về tay người nông dân, với mục tiêu người cày có ruộng) và triển khai công tác khuyến nông. Nhờ vậy kinh tế hộ nông dân phát triển, hàng triệu người dân hăng hái sản xuất, nông nghiệp sau 3 năm khôi phục kinh tế đã đạt được mức tăng trưởng khá cao. Có thể xem đây là thời kỳ
“hoàng kim” của nông nghiệp nông thôn Việt Nam kể từ sau năm 1939. [28]
Mô hình nông thôn phát triển khá theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hợp tác hoá, dân chủ hoá; thực tiễn đổi mới phát triển nông thôn Việt Nam, năm 2001 Ban Kinh tế Trung ương cùng với Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành đề cương 185/KTTW-BNN về chương trình “Phát triển nông thôn mới cấp xã”, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai xây dựng mô hình “Phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hợp tác hoá, dân chủ hoá” (gọi chung là mô hình phát triển nông thôn mới cấp xã) tại các vùng sinh thái với một số xã điểm do Trung ương trực tiếp chỉ đạo. [21]
Chương trình phát triển nông thôn đã được triển khai tại 14 xã điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tăng lên 18 xã trong năm 2004) và khoảng 200 xã điểm của các địa phương.
Xây dựng mô hình nông thôn với 5 nội dung cơ bản là: phát triển kinh tế hàng hoá với cơ chế phù hợp để khai thác được lợi thế của các địa phương và có thị trường tiêu thụ; phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với nền nông nghiệp hàng hoá đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá; xây dựng khu dân cư văn minh,
tăng cường công tác văn hoá, y tế giáo dục ở nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và phát huy vai trò các tổ chức quần chúng thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện chương trình đã mang lại những kết quả đáng kể, cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn của các xã điểm đã có sự thay đổi đáng kể, nhiều hệ thống nước sạch cũng như việc xử lý chất thải đã hoạt động có hiệu quả;
sản xuất nông nghiệp và nhất là ngành nghề có hiệu quả cao hơn.
1.2.2.2. Xây dựng NTM ở việt nam
Từ 11 xã được chọn làm thí điểm Chương trình xây dựng NTM. Sau 10 năm thử nghiệm, Chương trình xây dựng NTM đã được phát triển thành chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5-8- 2008 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về
“nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.
Hội nghị sơ kết xây dựng thí điểm mô hình NTM ngày 16/7/2011 tại Hà Nội đã đánh giá tất cả 11 xã thí điểm mô hình NTM đã hoàn thành công tác quy hoạch chung, các công trình hạ tầng xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ bản đều dựa theo quy hoạch được duyệt, 902/1.188 công trình hạ tầng theo kế hoạch đã được hoàn thành, hai xã Thụy Hương (TP Hà Nội) và Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh) đã cơ bản đạt tiêu chí hạ tầng (đạt 98%), 8 xã khác đạt từ 75 đến 80%, một xã đạt 68%. Đây là kinh nghiệm xây dựng NTM tại 2 xã:
Thụy Hương và Tân Thông Hội, là hai xã được chọn là mô hình thí điểm xây dựng NTM của Trung ương. Với những kết quả và thành công nhất định của 2 xã này nhiều địa phương đã tham khảo những bài học quý giá để vận dụng vào triển khai xây dựng NTM.
Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010- 2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ
NN&PTNT Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn trình bày tại Hội nghị cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân tham gia xây dựng NTM.
Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước.
Tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã. Đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM là: Huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TPHCM), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (TP. Hà Nội), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Ngoài ra, 8 huyện, thị xã đã có tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010).
*Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM
Sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), tính đến nay đã có 50/56 xã của 5 huyện ngoại thành TPHCM được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều mô hình và cách làm hay từ thực tế đã trở thành bài học kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại các xã của huyện ngoại thành TPHCM.
Theo ông Nguyễn Văn Đua Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM có nhiều năm gắn bó với các xã ngoại thành để tìm mô hình và cách làm xây dựng các tiêu chí nông thôn mới và ông rất tâm đắc với cách mà nhiều nơi đưa ra để huy động nguồn lực từ sức dân. Cách mà đồng chí Nguyễn Văn Đua thường gọi, đó là tạo “vốn mồi”.
Ở những nơi người dân có điều kiện như tại các xã Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), Bình Mỹ, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Nhơn Đức, Phước Kiểng (huyện Nhà Bè), Lý Nhơn (huyện Cần Giờ)…, các tiêu chí đường giao thông, nhà ở, trường học, công trình cơ sở vật chất văn hóa xã hội đều do người dân tự nguyện đóng góp tiền, công sức ra làm trước, sau đó nhà nước chỉ hỗ trợ thêm kinh phí. Có những tuyến đường như ở xã Thái Mỹ, Xuân Thới Thượng, kinh phí nhà nước chỉ hỗ trợ hơn 20%, còn lại đều do nhân dân đóng góp. Để có nguồn “vốn mồi” này, nhiều nơi đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với người dân theo phương thức: chính quyền tạo cơ chế, chính sách, thủ tục, hướng dẫn cách làm; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia vận động.
Với cách làm này đã tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền và người dân trong việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, làm cho cộng đồng dân cư thấy được lợi ích thiết thực của đời sống, sinh hoạt được nâng lên và cùng nhau góp công, góp sức hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Ở một cách làm khác cũng từ nguồn “vốn mồi” được nhiều nơi thực hiện đạt hiệu quả cao, đó là hỗ trợ nguồn vốn vay cho người dân tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho cộng đồng dân cư, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Trong đó, huyện Cần Giờ được cho là địa phương tiêu biểu của cách làm này. Theo ông Lê Minh Dũng Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ , hàng năm huyện huy động vốn vay cho khoảng 1.500 hộ dân với 700 tỷ
đồng, trong đó có gần 400 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất. Tính ra, 1 đồng vốn hỗ trợ của nhà nước thu hút được 32 đồng vốn từ xã hội, trong đó 20 đồng từ các tổ chức tín dụng và 12 đồng vốn của người dân.
Ngay khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, TPHCM đã phát động phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” và đã huy động được nguồn lực xã hội to lớn từ nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, tạo thành một hoạt động rộng khắp, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Tính đến nay đã có 19 quận, 25 đảng ủy cấp trên cơ sở và tổng công ty, đơn vị, tổ chức của thành phố ký kết các chương trình hợp tác với các xã nông thôn mới, giá trị thực hiện lên đến hàng trăm tỷ đồng. Qua phong trào đã cho thấy cả xã hội cùng vào cuộc với một trách nhiệm cao nhất, tham gia vào từng phần việc có ý nghĩa, không chỉ giúp người, giúp từng địa bàn dân cư nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao mức sống, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tế, mà còn góp phần quan trọng nâng chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Một bài học kinh nghiệm khác được rút ra từ thực tế xây dựng nông thôn mới ở các địa phương của TPHCM, đó là chuỗi liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước) trong các chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới.
Trong đó vai trò của nhà khoa học (nghiên cứu) với nhà nông (ứng dụng) là cực kỳ quan trọng, giúp cho tiến trình xây dựng mục tiêu nông nghiệp đô thị được đẩy nhanh và sớm hình thành phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn ngoại thành TPHCM.
* Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình NTM ở Việt Nam.
Xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng
NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới.
Phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể.
Có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Phải có hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả; có bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả.
Lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ, không gượng ép quá sức dân.
1.2.2.3. Các nghiên cứu mô hình PTNT và xây dựng NTM
Nguyễn Quang Dũng (2009) trong nghiên cứu hỗ trợ xây dựng mô hình PTNT dựa vào cộng đồng để làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất chính sách phát triển NTM trong điều kiện của Việt Nam cho thấy PTNT dựa vào cộng đồng bước đầu phù hợp cho đa số các nội dung xây dựng NTM, nhất là xây dựng công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và sản xuất. Có thể áp dụng ngay cách thức PTNT dựa vào cộng đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng kế hoạch, hỗ trợ khảo sát, thiết kế, huy động nguồn lực đóng góp
của cộng động, tổ chức xây dựng và giám sát đánh giá. Phương pháp - cách tiếp cận xoay quanh nguyên tắc dựa vào cộng đồng, cộng đồng thực hiện vai trò chủ thể. Nguyên tắc hỗ trợ đi từ người dân, cộng đồng, cơ sở đi lên trong xây dựng và thống nhất kế hoạch phát triển dài hạn, nhất là kế hoạch phát triển hàng năm kết hợp với phân cấp giao quyền quản lý các nguồn lực, bao gồm cả nguồn hỗ trợ từ cấp trên, từ bên ngoài sẽ làm đồng bộ hóa giữa kế hoạch phát triển với cân đối nguồn lực để thực hiện.
Công ty Tư vấn Mekong Economics (2005), đánh giá các hình thức và mức độ đóng góp của người dân địa phương cũng như những tác động của các khoản đóng góp này đối với đời sống nhân dân địa phương trong nghiên cứu về chương trình tiếp cận cộng đồng Đông Nam Á. Bên cạnh đó, xem xét vai trò tham gia của cộng đồng địa phương trong xây dựng và quản lý công trình và đề xuất các khuyến nghị để tăng cường sự tham gia của người dân địa phương và để tăng thêm cơ hội có việc làm cho người dân địa phương.
Phan Đại Doãn và Nguyễn Quang Ngọc (1994) nghiên cứu những vấn đề lịch sử trong PTNT nước ta, các thời kỳ về quản lý làng xã và xây dựng thiết chế chính trị - xã hội nông thôn. Các tác giả đã trình bày về quản lý nông thôn nước ta trong lịch sử như vấn đề Nhà nước quản lý nông thôn trong các thế kỷ XVI - XVIII; nhà Nguyễn đối với vấn đề nông thôn trong thế kỷ XIX; phát triển nông thôn trong thời kỳ Pháp thuộc (1945 - 1954); cơ cấu quản lý hành chính làng xã Việt Nam từ 1954 - 1975. Nghiên cứu đã cung cấp những sử liệu rất có gía trị về vai trò của Nhà nước, tính cộng đồng và tính bền vững của mô hình làng xã Việt Nam; những nhân tố tác động những việc hình thành thiết chế làng xã và mô hình hoạt động của chúng.
Nguyễn Duy Cần và Trần Duy Phát (2012) trong nghiên cứu được thực hiện tại xã Vĩnh Viễn, một xã điểm về xây dựng NTM của tỉnh Hậu Giang, đã sử dụng phương pháp ABCD (Assets-Based Community Development) để
phân tích các nguồn lực cũng như các mối quan hệ hiện có của cộng đồng, đồng thời phân tích các tiềm năng mà cộng đồng có thể đóng góp vào và thúc đẩy quá trình thực hiện xây dựng NTM. Kết quả nghiên cứu đã chỉ rõ có 5 thành tố quan trọng của nguồn lực cộng đồng theo nhận thức của người dân, bao gồm: người dân, các cơ quan, các hội đoàn, cơ sở vật chất và kinh tế địa phương. Tuy nhiên, nguồn lực cộng đồng chưa được đánh giá đúng mức và huy động hiệu quả. Sử dụng các công cụ ABCD có thể giúp cộng đồng nhận ra được vốn tài sản nguồn lực của họ để huy động đóng góp vào việc xây dựng NTM, hạn chế việc trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, cơ quan bên ngoài.
Những nghiên cứu này đã cung cấp những luận cứ, luận chứng, những dữ liệu rất quan trọng cho việc hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và giải quyết vấn đề nông dân trong thời kỳ mới ở nước ta. Tuy nhiên, các công trình ấy không đi sâu nghiên cứu quá trình vận động, phát huy vai trò tham gia của người dân trong PTNT cũng như trong xây dựng NTM. Những kết quả nghiên cứu đã nêu là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng mà tác giả tiếp thu và sử dụng trong quá trình hoàn thành luận văn này.