CHƯƠNG I. TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. Tình hình nghiên cứu phát triển vùng sản xuất chuyên canh và tình hình sản xuất một số chủng loại rau, hoa, quả có giá trị hàng hóa cao ở Việt Nam
1.3.1. Ti ̀nh hình nghiên cứu phát triển vùng sản xuất chuyên canh về một số chủng loại rau, hoa, quả tại Việt Nam
1.3.1.3. Tình hình nghiên cứu về một số vùng chuyên canh quả
Cây ăn quả là loại cây trồng cạn, có tính chịu hạn cao, không kén đất, với khả năng này nó tận dụng được đất đai không thể trồng được cây lương thực, với kỹ thuật canh tác trên đất dốc, cây ăn quả có thể trụ lại và phát triển bình thường, sau thời kỳ kiến thiết cơ bản (thường từ 3 - 4 năm) đến thời kỳ sản xuất kinh doanh, thời kì này thường kéo dài tới vài chục năm.
- Theo Vũ Công Hậu [10]: Trước hết phải khẳng định trồng cây ăn quả có HQKT lớn hơn so với trồng nhiều cây khác. Một số công trình điều tra cho thấy hiện nay thu nhập về cây ăn trái gấp 2 - 4 lần so với lúa trên cùng một đơn vị diện tích.
Chính nhờ quả bán được giá cao phong trào trồng cây ăn trái đang lên mạnh và xu hướng này còn có thể kéo dài khi tình hình kinh tế ngày càng được cải thiện, vấn đề an toàn lương thực đã được đảm bảo. Nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên đất dốc ở huyện Văn Yên - Yên Bái các tác giả: Phạm Chí Thành, Lê Thanh Hà, Phạm Tấn Dũng (1996) [14] đã kết luận: hệ thống CAQ trong đó cây trồng chính là mơ và hồng
phát triển thuận lợi ở vùng thung lũng đồi nam Văn Yên cho lãi với cây mơ 41 triệu đồng/ha/năm. Cây hồng (giống Bảo lương) cho lãi 16 triệu đồng/ha/năm.
- Nghiên cứu về hiệu quả kinh tế cây ăn quả trên đất vườn đồi, các tác giả: Trần Thế Tục, Vũ Mạnh Hải, Đỗ Đình Ca (1995) [18] đã kết luận: “Các tỉnh trồng nhiều cam quýt là các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long: Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp chiếm 88% diện tích và sản lượng của vùng. Trong các loại cây trồng thì quýt cho hiệu quả kinh tế cao nhất, lãi thuần 82,4 triệu đồng /ha/năm; Cam lãi thuần 54,6 triệu đồng/ha/năm”.
- Theo Vũ Mạnh Hải -Trần Thế Tục [18], vùng khu 04 cũ: Vùng Phủ Quỳ là vùng có tiềm năng lớn về cam quýt, có nhiều điển hình đạt năng suất cao. Trong số các loại cây trồng ở vùng này như cà phê, chè, cao su, cam thì cam cho hiệu quả kinh tế cao nhất.
- Tác giả Dương Đức Vĩnh và các cộng sự [19] nghiên cứu hệ thống cây trồng ở Chợ Đồn - Thái Nguyên đã kết luận về các công thức xen canh cây ăn quả: Dứa xen ổi cho lãi 10.370.000đ/ha/năm. Dứa xen vải thiều cho lãi 22.022.000 đ/ha/năm. Dứa xen táo lãi 16.643.400đ/ha/năm. Dứa xen mơ lãi 25.138.000đ/ha/năm.
- Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Thanh Hà - Hải Dương cho thấy: Thanh Hà có 2000ha vải thiều ước tính thu được 7000 - 8000 tấn quả/ năm thu được 81 tỷ đồng trong khi đó cấy gần 7000ha lúa năng suất bình quân 50 tạ/ ha, sản lượng đạt 35.000 tấn thóc, giá bán 1.500đ/kg, giá trị sản lượng của thóc hơn 52 tỷ đồng. Như vậy, giá trị 01 ha trồng vải gấp 6,7 lần trồng lúa [17].
Ngoại thành và vùng phụ cận Hà Nội chịu sự tác động mạnh mẽ của kinh tế đô thị, có thể nói đây là vùng chuyển tiếp giữa kinh tế thành thị và nông thôn. Đó là một nền nông nghiệp đô thị. Đất ít người đông, bình quân diện tích trên đầu người thấp và đang có xu hướng ngày càng giảm, đặc biệt là đất nông nghiệp. Khí hậu của vùng có đặc điểm của khí hậu Bắc Việt Nam đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa đông lạnh và ít mưa, mùa hè nóng và mưa nhiều, cho phép phát triển nhiều loại cây ăn quả nhiệt đới và á nhiệt đới. Nhưng kiểu khí hậu này cũng gây nhiều khó khăn cho sản xuất cây ăn quả như khô, lạnh, thiếu nước vào mùa đông, ngập úng, đổ, gãy, rụng quả, hoa vào mùa hè... đòi hỏi trong sản xuất cây ăn quả phải có các biện pháp canh tác, các giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế các tác hại, phát huy các mặt lợi của khí hậu, thời tiết để phát triển cây ăn quả.
Lao động dồi dào, song ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá nhất là đất nông nghiệp ngày càng giảm tạo nên sức ép về việc làm ngày càng lớn và gay gắt. Ảnh hưởng của đô thị hoá vừa tạo ra cơ hội cho việc chuyển lao động nông thôn làm nông nghiệp sang lao động các ngành khác có nhu cầu lao động cao hơn và đảm bảo nâng
cao đời sống cho người dân ngoại thành song cũng là một thách thức về việc làm, đang đặt ra những bức xúc cho thành phố.
Ở các vùng nông thôn ngoại thành đã hình thành các trung tâm kinh tế văn hoá của từng vùng, kết cấu hạ tầng ở những trung tâm này khá tốt tương tự như thành thị.
Hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng phụ cận Hà Nội là thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và cây ăn quả nói riêng. Ngoài ra, đây cũng là vùng gần gần nhiều cơ quan khoa học, viện nghiên cứu, trường Đại học và cao đẳng. Đây là một hậu thuẫn lớn để nông thôn ngoại thành tiếp cận trực tiếp khoa học công nghệ và khai thác tiềm năng khoa học hiện đại vào sản xuất.
Ngoại thành Hà Nội và vùng phụ cận có đặc điểm của khí hậu miền Bắc Việt Nam - khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh, ít mưu và có mùa hè nóng, mưa nhiều. Khí hậu Hà Nội cho phép phát triển tập đoàn cây ăn quả phong phú và đa dạng, phân bố khắp trong các địa phương với sự có mặt cả hai nhóm phân theo đới sinh thái là á nhiệt đới và nhiệt đới với đặc điểm sau:
- Tập quán trồng cây ăn quả lâu đời kết hợp với tính đặc thù về các yếu tố sinh thái, trước hết là khí hậu đã hình thành, tồn tại và phát triển nhiều giống cây ăn quả đặc sản, có giá trị, có thể chọn lọc để phát triển ra diện rộng.
- Quỹ đất mở rộng diện tích cây ăn quả trong tương lai còn lớn nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề sản xuất lương thực. Do đại bộ phận là sử dụng đất đồi núi và bãi màu trồng cây ăn quả góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo công việc cho người lao động, cải thiện điều kiện môi trường.
- Thị trường tiêu thụ quả Hà Nội còn rộng lớn, ngoài việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa còn dành cho xuất khẩu, cây ăn quả đặc sản có thể xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước khác góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, ổn định cuộc sống nhân dân trong vùng.
Trải qua nhiều năm trồng trọt, nhân dân một số nơi trong vùng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực nghề làm vườn, đó là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nền sản xuất cây ăn quả phát triển một cách vững chắc.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được như trên, vấn đề sản xuất cũng không tránh khỏi một số khó khăn hạn chế như:
Tình trạng sản xuất cây ăn quả của vùng còn manh mún và phân tán, chưa hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô lớn với các loại cây ăn quả chiến lược. Sản xuất cây ăn quả còn chưa được đầu tư và chú trọng đúng mức. Diện tích vườn quả còn nhỏ, phân tán, vườn tạp còn nhiều, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Tuy chủng loại cây ăn quả trong vùng tương đối phong phú nhưng chưa xác định rõ chủng loại chiến lược, thiếu sự đầu tư chọn lọc dẫn đến tình trạng thoái hoá một số giống đã và đang có nguy cơ bị mất trong lúc một số nơi có hiện tượng du nhập giống tràn lan, không theo trình tự quy định, dễ tạo ra nguy cơ dịch hại và làm tạp hoá các vườn, các trang trại trồng cây ăn quả hạ tầng cơ sở, trước hết là điều kiện giao thông vận chuyển còn gặp nhiều khó khăn, một số khu vực có trồng cây ăn quả còn chưa có đường đi lại cho phương tiện cơ giới. Điều đáng chú ý là đối với một số loại cây ăn quả để hạn chế sự lây lan của sâu bệnh, cần phải chọn nơi có sự cách ly địa lý, thường là vùng xa xôi hẻo lánh. Trong tình hình đó, hạ tầng cơ sở kém là trở ngại lớn cho việc phát triển và mở rộng diện tích cây ăn quả.