Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LÚA CHẤT LƯỢNG CAO
1.1. Cơ sở lý luận của phát triển sản xuất lúa chất lượng cao
1.1.6. Những đặc điểm của lúa chất lượng cao
* Đặc điểm về hạt giống
Hạt giống lúa chất lượng cao được thu trên cây mẹ (cây dòng A hoặc dòng S) nên toàn bộ kiểu hình hạt giống như mẹ. Sản xuất hạt chất lượng cao sử dụng phương pháp giao phấn, nghĩa là tất cả các hạt có được là nhờ quá trình nhận phấn ngoài. Vì vậy, trên vỏ trấu tồn tại một số đặc trưng có thể phân biệt với lúa thường được như hai mảnh vỏ trấu đóng không kín, đầu nhụy có vết ở mép giáp giữa hai vỏ trấu. Vì thế, khối lượng riêng của hạt lúa chất lượng cao nhẹ hơn lúa thường đáng kể, khi đổ hạt giống vào nước đa số hạt bị nổi, hoặc nửa nổi, nửa chìm. Đây là nguyên nhân làm cho hạt chất lượng cao rất dễ chứa đựng một số bào tử nấm, mầm gây bệnh ... Do đó trên ruộng sản xuất hạt giống chất lượng cao nếu gặp mưa 1 - 2 ngày vào thời kỳ lúa bắt đầu chín vàng là đã có thể nảy mầm trên bông. Do vỏ trấu đóng không kín nên bảo quản hạt khó hơn lúa thường, chỉ sau 3 - 4 tháng tỷ lệ nảy mầm đã giảm đáng kể. Tỷ lệ gạo của lúa chất lượng cao tốt hơn, hạt gạo dài, đều nhau, khi xát không bị gãy.
* Đặc điểm rễ lúa chất lượng cao
Rễ lúa chất lượng cao phát triển sớm và mạnh, khi có lá thứ nhất xuất hiện thì có 3 rễ mới hình thành, khi lá thứ hai xuất hiện thì có 7 rễ hình thành, khi có 3 lá đã hình thành được 8 - 12 rễ (so với 6 - 8 rễ ở lúa thường), sau đó số lượng rễ tăng rất nhanh, các rễ có đường kính to hơn dòng bố mẹ, sự phân nhánh nhiều hơn, rễ ăn sâu và tỏa rộng ra xung quanh, tạo ra một lớp rễ đan
dày ở tầng sát mặt đất. Lông hút của rễ lúa chất lượng cao nhiều và dài (0.1 - 0.25mm) hơn hẳn lúa thường (0.01 - 0.13mm). Vì số lượng rễ nhiều nên diện tích tiếp xúc lớn, làm cho khả năng hấp thụ tăng cao gấp 2 - 3 lần lúa thường.
Khi gặp điều kiện thiếu nước rễ lúa chất lượng cao ăn sâu hơn lúa thường nên khả năng chịu hạn tốt hơn. Đường kính rễ lớn giúp cho quá trình vận chuyển nước và dinh dưỡng thuận tiện. Rễ lúa phát triển mạnh trong suốt quá trình của cây vì vậy chất lượng cao lại có khả năng thích nghi tốt với nhiều loại đất, tận dụng được phân bón trong đất, sinh trưởng và phát triển mạnh, ít bị đổ, sau khi thu hoạch, gốc có khả năng tái sinh mạnh do bộ rễ lâu già hoặc có khả năng hình thành rễ liên tục.
* Đặc điểm về nhánh
Lúa chất lượng cao mọc nhánh, đẻ sớm và đẻ khỏe, nếu có đầy đủ dinh dưởng và ánh sáng thì đạt 4 lá, lúa chất lượng cao đã bắt đầu đẻ nhánh thứ nhất, sau đó số nhánh tiếp tục được tăng thêm theo quy luật: khi cây lúa chất lượng cao có 4 lá đã có nhánh con thứ nhất xuất hiện ở nách lá thứ nhất, khi có 5 lá thì nhánh con thứ 2 được đẻ ra từ nách lá thứ 2, khi có 6 lá thấy nhánh mẹ đẻ ra nhánh con thứ 3 ở nách lá thứ 3 đồng thời nhánh con thứ nhất đẻ ra nhánh cháu 1; khi đạt 7 lá nhánh mẹ đẻ ra nhánh con thứ 4 song song nhánh con thứ nhất đẻ cháu 2 và nhánh con thứ 2 đẻ cháu 3; cây lúa chất lượng cao có 8 lá: nhánh mẹ đẻ con 5, nhánh con thứ nhất đẻ cháu 4, nhánh con thứ 2 đẻ cháu 5, nhánh con thứ 3 đẻ cháu 6. Như vậy, ở giai đoạn 7 - 8 lá cây lúa chất lượng cao có thể đẻ được 12 nhánh = 1 mẹ + 5 con + 6 cháu, các nhánh này đều có khả năng phát triển thành bông vì thế trong gieo cấy lúa chất lượng cao cần tránh cấy dày, cấy to khóm, nhiều dảnh vừa tốn hạt giống vừa không phù hợp với quy luật đẻ nhánh của lúa.
* Đặc điểm về bộ lá, quang hợp và hô hấp
Lá lúa chất lượng cao dài và rộng hơn lá lúa bình thường, lá đòng dài 30
- 45 cm, rộng 1.5 - 2.0 cm, một số tổ hợp lá có lòng mo và có chiều rộng to hơn. Một số kết quả nghiên cứu cho rằng phiến lá lòng mo có thể hứng ánh sáng cả hai mặt, như vậy năng lượng mặt trời được hấp thụ nhiều hơn, hiệu suất quang hợp cao hơn. Thịt phiến lá lúa chất lượng cao có 10 - 11 lớp tế bào, số lượng bó mạch nhiều hơn (13 - 14 bó) hơn các giống bố mẹ. Diện tích lá lớn hơn lúa thường 1.2 - 1.5 lần trong suốt quá trình sinh trưởng. Ba lá trên cùng đứng, bản lá chứa nhiều diệp lục nên có màu xanh đậm hơn, do vậy hoạt động quang hợp diễn ra mạnh hơn. Trái lại, cường độ hô hấp của lúa chất lượng cao thấp hơn lúa thường, do đó hiệu suất quang hợp thuần càng cao, khả năng tích lũy chất khô cao hơn đáng kể. Do bộ lá lúa chất lượng cao phát triển mạnh nên hấp dẫn các loại côn trùng khá mạnh, thịt lá dày, mô lá xốp nên các loại nấm bệnh dễ dàng xâm nhập, phát triển, cần nắm vững đặc điểm này trong suốt quá trình canh tác lúa chất lượng cao để ngăn chặn kịp thời sâu bệnh gây hại.
* Đặc điểm bông lúa
Lúa chất lượng cao có số bông trên khóm, số hạt/bông nhiều và tỷ lệ lép thấp: nhờ đặc tính đẻ sớm, đẻ khỏe và tỷ lệ thành bông cao nên tính theo một hạt thóc được gieo cấy ra thì trong cùng một khoảng thời gian tồn tại lúa chất lượng cao tạo được nhiều bông hơn, bông lúa to hơn và tỷ lệ lép thấp hơn so với lúa thường. Để đạt được số bông cần thiết trên một khóm lúa cần căn cứ vào mật độ cấy và đặc biệt phụ thuộc vào độ lớn của bông. Các tổ hợp gieo cấy lúa chất lượng cao hiện nay được chia thành 3 nhóm: nhóm bông trung bình: số hạt/bông thường đạt 130 - 140 hạt/bông; nhóm bông to: có 160 - 200 hạt/bông và loại hình bông rất to: trên 300 hạt/bông, thường đạt 210 - 260 hạt/bông, bông to nhất có thể đạt trên 400 hạt/bông, với tỷ lệ lép 8 - 12%.
Loại hình lúa chất lương cao bông to có thể cho năng suất khá cao (trên 8 tấn/ha/vụ) mà không phải bố trí có nhiều bông trên đơn vị diện tích gieo cấy.
* Đặc điểm về sinh trưởng
Cũng giống như lúa thường, lúa chất lượng cao trải qua ba thời kỳ sinh trưởng và 10 giai đoạn phát triển, tuy nhiên ở mỗi thời kỳ và giai đoạn lúa chất lượng cao có những nét đặc biệt. Các giống lúa chất lượng cao có thời gian sinh trưởng khác nhau chủ yếu do sự dài ngắn khác nhau ở thời kỳ sinh trưởng sinh dưởng, hai giai đoạn sau nhìn chung là ổn định không phụ thuộc vào thời gian sinh trưởng của giống dài hay ngắn. Thời kỳ sinh trưởng sinh thực ở lúa thường kéo dài khoảng 35 ngày, còn các giống lúa chất lượng cao thì ngắn hơn khoảng 33 ngày, thời kỳ chín kéo dài 30 ngày ở các giống lúa thường, riêng lúa chất lượng cao thời kỳ này dài hơn (32-33 ngày); có một số giống lúa chất lượng cao có thời kỳ chín kéo dài tới 35 ngày. .
Khả năng đẻ nhánh rất khỏe, đẻ thấp, đẻ liên tục; trong sản xuất đại trà lúa chất lượng cao có thể đẻ 18 - 20 nhánh, bình thường đẻ 12 - 14 nhánh, tỷ lệ thành bông hữu hiệu đạt 65% - 70% có số bông hữu hiệu cao, năng suất cao.
* Đặc điểm về tính thích ứng, khả năng chống chịu
Lúa chất lượng cao có thế sinh trưởng mạnh, năng suất cao, khả năng thích ứng rộng, tính chống chịu tốt biểu hiện ở nhiều mặt như có thể trồng ở mọi chân đất của đất lúa, chống rét khá, nhất là ở thời kỳ mạ; khả năng phục hồi sau ngập úng nhánh; chống đổ khá; thời gian sinh trưởng ngắn, thuận lợi tăng vụ, chống chịu sâu bệnh đặc biệt là đạo ôn (vào loại khá), phù hợp với các vùng vốn bị đạo ôn gây nhiều tổn thất như Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương .v.v...
Tuy lúa chất lượng cao đòi hỏi thâm canh cao mới có năng suất 7 - 8 tấn/ha/vụ trở lên, song vì thế mà bón quá nhiều phân, nhất là phân đạm; lúa chất lượng cao không cần giữ nước liên tục trong ruộng, có lúc phải rút nước phơi ruộng, giai đoạn trổ chín thiếu nước lúa bị nghẹn đòng, lép cao.
Lúa chất lượng cao ưu việt vượt trội ở đây đó là về chất lượng gạo trong quá trình sử dụng mọi người đều khẳng định chất lượng đem nấu ăn ngon, có mùi thơm, hạt cơm mềm, màu trắng; lúa chất lượng cao đã đem lại được uy tín đối với mọi người khi sử dụng