Quan điểm của Kant về văn hóa

Một phần của tài liệu Một số vấn đề triết học văn hóa (Trang 61 - 71)

Chương 2. VẤN ĐỀ VĂN HOÁ TRONG TRIẾT HỌC TRƯỚC MÁC

2.3. Các quan điểm về văn hóa trong triết học Đức thế kỷ XVIII – giữa thế kỷ XIX

2.3.1. Quan điểm của Kant về văn hóa

Imanuel Kant (1724 - 1804) không có công trình nào viết riêng về văn hoá.

Những ý kiến của ông về vấn đề này rải rác ở khắp các công trình của ông về triết học lịch sử, triết học đạo đức, triết học pháp quyền, nhân học triết học. Song có thể coi bài báo Lời đáp cho câu hỏi: Khai sáng là gì? (1784) là lời nói đầu đặc sắc cho triết học văn hoá của ông. Ngoài ít bài viết trực tiếp kiểu đó ra thì toàn bộ triết học của ông vẫn được hậu thế (nhất là những người theo chủ nghĩa Kant mới) xem chủ yếu như là triết học văn hoá. Để rõ tính hợp lý của tên gọi đó thì cần phải phân tích thực chất, ý nghĩa và mục đích của việc ông phê phán lý tính. Trái với các nhà Khai sáng vốn hiểu lý tính một cách thuần tuý tự nhiên, coi lý tính là khả năng sẵn có được tự nhiên ban cho cá nhân, mà nhờ nó cá nhân có thể nhận thức được trật tự vốn có của các sự vật tự nhiên, Kant đã coi lý tính là khả năng cực kỳ tinh tế của con người như một chủ thể tiên nghiệm (chung) đối với nhận thức lý luận và hành động đạo đức. Lý tính được Kant hiểu như một hình thức thuần tuý (phi kinh nghiệm), tiên nghiệm (trước kinh nghiệm) và khách quan (phổ biến và tất yếu) trong hoạt động lý luận và thực tiễn của con người. Khám phá hình thức (lý tính) ấy là nhiệm vụ của cả triết học phê phán lẫn triết học siêu nghiệm.

Kant là người đầu tiên hiểu rằng, không thể luận chứng cho tư tưởng Khai sáng về “con người lý tính” từ những nhu cầu và khát vọng tự nhiên của họ. Mặc dù vẫn đề cao lý tính nhưng ông không đồng ý coi lý tính chỉ là một bước phát triển tiếp theo của tự nhiên. Ông không cho rằng lý tính tính tất yếu có ở và là mối liên hệ nhân quả trong sự phát triển của các hiện tượng tự nhiên. Theo Kant, sự tồn tại của lý tính không có nguyên nhân từ bên ngoài, mà từ nội tại - là các mục tiêu hoặc tư tưởng. Nói chung, chỉ có thể hiểu lý tính theo những mục tiêu mà nó đặt ra như ở những người có ý chí và tư duy. Với tính cách là nguyên nhân có chủ đích cho hành động của con người thì lý tính chính là tự do. Như thế, con người là một sinh thể có lý tính thuộc về lịch sử tự do, chứ không phải lịch sử tự nhiên.

Từ đó Kant đã giải quyết vấn đề bản chất con người theo cách mới dựa trên sự phân biệt rạch ròi thế giới tự nhiên và thế giới tự do như trên. Nếu thế giới đầu phục tùng tính tất yếu tự nhiên nằm dưới sự điều khiển của giác tính thì thế giới thứ hai tuân thủ sự điều tiết của lý tính áp đặt cho nó những quy luật của mình. Thiên nhiên tự nó không có gì đảm bảo sẽ sắp đặt hợp lý các công việc của con người, nó hoàn toàn thờ ơ với các mục đích của con người. Vì thế chưa thể coi con người trong tồn tại tự nhiên của họ là sinh thể lý tính. Nói cách khác ở đó chưa thể nói gì về bản chất của con người và sứ mệnh của họ. Ông chống lại việc hiểu lý tính là sự tương hợp giản đơn giữa hành vi của con người với tính tất yếu tự nhiên. Lý tính con người thể hiện ở việc họ hành động không phụ thuộc vào tự nhiên, tức là được tự do. Con người trên hết là một sinh thể tự do, vì thế không nên tìm nguồn gốc các mục tiêu mà con người tự do đặt ra cho mình trong tự nhiên hay ở nơi Thượng đế - những lực lượng đã tạo ra thế giới theo sự hoạch định sẵn, mà phải đi tìm trong lý tính đã được ban sẵn cho cá nhân từ trước khi có kinh nghiệm.

Lý tính không phải là phương tiện để con người đạt tới hạnh phúc riêng, thỏa mãn các nhu cầu cảm tính, bản năng. Sứ mệnh của nó là gây ảnh hưởng đến ý chí, gạt sang một bên các tư lợi cảm tính để phục tùng các quy luật đạo đức, mà Kant gọi là

“mệnh lệnh tuyệt đối”, là sự thực hiện nghĩa vụ của mỗi người trước toàn nhân loại, không phụ thuộc vào bất kỳ mối quan tâm cảm tính nào. Lý tính bao chứa mục đích cao nhất của sự phát triển người không bị chế định bởi tự nhiên bên ngoài và trao nó cho ý chí con người. Mục đích như thế là tồn tại đạo đức (tinh thần) của con người.

Lịch sử nhân loại được hiểu như là lịch sử của tự do, do vậy cần phải được nhận thức trên quan điểm toàn bộ loài người vận động đến mục đích cao nhất đó.

Vậy cái gì buộc con người phải vươn từ tồn tại kinh nghiệm lên tồn tại lý tính, tức tồn tại đạo đức - tinh thần, vượt qua sự quyến rũ trần tục từ những dục vọng thuộc bản chất cảm tính của mình, bắt ý chí của mình phục tùng quy luật đạo đức và bằng cách đó giải thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tự nhiên? “Bản chất con người” liệu có cho phép hy vọng là đến lúc nào đó nhân loại có thể đạt tới mục đích do lý tính đã định ra không? Tình hình hiện nay của nhân loại với những đối kháng, chiến tranh, và sự thù địch lẫn nhau có phải là minh chứng cho việc con người ngày càng rời xa mục đích đó hơn là tiến gần tới nó? Đó là những vấn đề trung tâm của triết học Kant về văn hóa và ông đã có câu trả lời cho những vấn đề này.

Khi giải quyết chúng, Kant cũng bắt đầu từ nơi mà tư tưởng Khai sáng đã khởi nguồn. Như là sinh thể đơn nhất con người thuộc về tự nhiên, chỉ thích yên bình và no đủ mà ông gọi là hạnh phúc và mọi hành động của con người là để đạt đến mục đích này. Nhưng đó có phải là mục đích thực sự mà tự nhiên muốn con người đạt được? Trên cơ sở các năng lực lý luận cung cấp cho ta tri thức về tự nhiên cũng đủ cho thấy là bản thân tự nhiên không có mục đích nào cả. Nhận thức về

“mục đích của tự nhiên” ở con người không phải là nhận thức lý luận, nhận thức khoa học tự nhiên, mà là nhận thức lịch sử.

Quan niệm tự nhiên chủ nghĩa về lịch sử trước kia cho rằng, tư duy khoa học tự nhiên không chỉ có khả năng giải thích về tự nhiên, mà còn có thể giải thích về con người. Sự hạn chế của chủ nghĩa tự nhiên không phải ở việc nó công nhận cơ sở tự nhiên của sự phát triển loài người mà ở chỗ nó đã lấy đó làm điều kiện chung nhất để giải thích sự phát triển của lịch sử. Nói cách khác, sự phê phán của Kant đối với chủ nghĩa tự nhiên không phải là sự phủ định những cơ sở tự nhiên của lịch sử loài người, mà là ở việc chủ nghĩa tự nhiên đã phủ nhận tính hợp pháp của lý tính trong việc giải thích những cơ sở trong tiến trình và xu hướng chung của lịch sử.

Đồng thời Kant cũng có ý tưởng xây dựng khoa học về lịch sử phổ quát, không chối bỏ ý đồ tìm trong lịch sử “Sợi chỉ đỏ xuyên suốt” và bằng cách đó chỉ ra tính quy luật nào đó làm cơ sở cho sự phát triển của lịch sử. Ông cũng vẫn hướng đến tự nhiên. Tuy nhiên, tự nhiên ở Kant đã không còn là đối tượng của khảo sát lý luận, mà của một sự phản tư đặc thù (năng lực phán đoán) vốn có thể gán cho tự

nhiên những mục đích xác định trong mọi kiến tạo của nó. Không thể rút những mục đích đó ra từ tự nhiên một cách lý luận, nhưng có thể giả định chúng trên cơ sở năng lực phán đoán của con người. Sự giả định như thế xuất phát từ giả thuyết là bản thân tự nhiên rốt cuộc là sản phẩm của lý tính thánh thần mà con người không thể biết được. Do vậy, rất dễ là tự nhiên ép cho con người một “mục đích tối hậu”

nào đó, mà xuất phát từ đó có thể hình dung lịch sử với tư cách là quá trình được thực hiện một cách có lý tính.

Mục đích đó - “mục đích của tự nhiên” là gì? Trước hết là ở sự phát triển

“các năng lực tự nhiên” của con người. Khác với các sinh thể khác, con người có thể phát triển những năng lực đó không phải trong quá trình đời sống của cá nhân, mà phải ở đời sống tộc loài bằng cách chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác tri thức, kinh nghiệm và các kỹ năng. Điều đó giải thích cho tính tất yếu lịch sử của việc lưu giữ và truyền bá các kết quả đạt được và bằng cách đó phát triển các tư chất có sẵn trong con người. Trong khi hoàn thiện các tư chất thể lực, trí lực, kỹ năng, con người tạo ra văn hóa. Trong Phê phán năng lực phán đoán Kant viết mục đích cuối cùng của tự nhiên đối với con người không phải là hạnh phúc của họ mà là văn hóa “Vậy, chỉ duy có văn hoá mới có thể là mục đích tối hậu mà ta có cơ sở để quy cho Tự nhiên trong quan hệ với chủng loài người (chứ không phải hạnh phúc trần thế của con người hay việc xem con người là công cụ chủ yếu để thiết lập trật tự và sự hài hoà trong giới Tự nhiên vô tri vô giác ở bên ngoài con người)” [64, 467]. Nếu như tự nhiên ở trong con người chỉ có mục đích là tự nó có thể thỏa mãn với những việc thiện của mình, tức là hạnh phúc của họ, thì đã không thể hiểu, con người có lý tính và tự do để làm gì. Kant còn viết đại ý: Tự nhiên không coi con người là con cưng của mình và cũng không ban phát cho họ nhiều điều tốt hơn các loài khác, tự nhiên thương hại con người cũng ít như với bất kỳ loài vật nào khác. Điều duy nhất tự nhiên muốn ở con người, đòi hỏi ở con người, đó là để họ tự chọn mục tiêu cho mình, lấy chính mình làm mục đích và dùng tự nhiên làm công cụ đạt được mục đích đó.

Kết luận của Kant đầy nghịch lý ở chỗ, mục đích cuối cùng của tự nhiên đối với loài người lại là việc con người độc lập với tự nhiên lựa chọn và xác định các mục đích của mình. Con người còn có bản chất nữa, đó là họ có năng lực đặt ra mục đích bất kỳ, tức là hành động không phụ thuộc vào tự nhiên, mà một cách tự do.

Điều đó chứng tỏ con người không chỉ thích nghi với hoàn cảnh sống của mình (giống các sinh vật khác), mà còn làm cho hoàn cảnh thích nghi với mình, với nhu cầu và các lợi ích đa dạng của mình. Chính con người đã tạo ra văn hoá thông qua các hoạt động tự do đó. Ngay trên đó Kant nêu định nghĩa nổi tiếng về văn hoá:

“Việc tạo ra tính thích dụng của một hữu thể có lý tính hướng tới những mục đích tuỳ thích nói chung (do đó, là ở trong sự tự do của hữu thể ấy) chính là việc đào luyện văn hóa (Kultur)” [64, 467]. Dường như tự nhiên buộc con người phải ra khỏi sự ảnh hưởng của nó, thoát khỏi sự chế ngự của những dục vọng súc vật tầm thường, nhưng tự nhiên đạt tới mục đích đó bằng cách nào? Hay nó dùng cách nào để tạo ra sự cần thiết xuất hiện văn hoá?

Phương tiện mà tự nhiên sử dụng để thực hiện mở mang tất cả các tư chất của con người, được Kant trả lời trong bài Tư tưởng lịch sử chung trên bình diện công dân thế giới viết năm 1784 “ mâu thuẫn của con người trong xã hội, bởi vì cuối cùng thì mâu thuẫn sẽ là nguyên nhân của trật tự hợp quy luật của họ” [trích theo: 90, 176]. Sự tranh giành, thù nghịch, căm ghét lẫn nhau giữa con người là do mong muốn hạnh phúc cá nhân được họ coi là mục đích cao nhất của mình gây ra.

Mong muốn như thế đã chia rẽ mọi người trong xã hội, dẫn đến tình trạng mà Kant gọi là “sự quảng giao thiếu thân thiện”. Sự phản kháng từ phía những người khác trong xã hội và những va chạm nhau đã buộc từng người phải khắc phục thói lười nhác tự nhiên, phát triển những tư chất của mình để giành lấy vị trí xứng đáng hơn.

“Ở đây bắt đầu những bước đi đầu tiên từ thô lậu đến văn hoá, thứ văn hoá thật ra lại nằm trong giá trị xã hội của con người” [trích theo: 90, 177]. Văn hóa do vậy xuất hiện và phát triển nhờ kết quả các đối kháng xã hội nảy sinh từ xung đột lợi ích và nguyện vọng cá nhân của con người, chứ không phải do lòng khao khát bẩm sinh của họ hướng đến hạnh phúc. “Vì thế cần phải cám ơn tự nhiên vì có tính khó giao du, vì thói hiếu danh ganh đua đố kỵ, vì sự thèm khát vô tận đang ngự trị! Thiếu những cái đó thì những tư chất tự nhiên ưu việt của con người sẽ mãi mãi không được phát triển. Con người muốn hoà hợp nhưng tự nhiên biết rõ cái gì là tốt cho con người và nó muốn sự bất hoà” [trích theo: 90, 177].

Nếu như mục đích cuối cùng của tự nhiên đối với loài người không phải là hạnh phúc của từng người riêng biệt, mà là văn hoá (tức là sự phát triển tất cả các tư chất) của người đó, thì mục đích ấy chỉ có thể thực hiện được trong xã hội. Tự nhiên

có vẻ như thúc đẩy con người vượt qua tình trạng thù địch và bất bình đẳng bằng cách lập ra tổ chức xã hội hoàn thiện hơn nhằm giúp nó đạt được mục đích ấy.

Mong muốn hạnh phúc riêng xô đẩy con người xung đột với nhau, nhưng khát vọng vươn tới văn hoá lại buộc họ phải hoà giải đoàn kết cùng nhau. Nối sau J. Rousseau, Kant cũng phê phán nền văn minh, mặc dù sự phê phán này ở ông đã không còn mang tính tiêu cực một chiều. Văn minh, dù là vô cảm với từng người riêng rẽ, nhưng lại là sự tiến bộ không thể chối cãi của toàn nhân loại. Mục đích của tự nhiên trong nền văn minh phải do toàn xã hội đạt tới, chứ không phải do từng cá nhân riêng lẻ. Vì thế cũng chính tự nhiên cần giúp con người thoát ra khỏi các mâu thuẫn của văn minh bằng cách chuyển sang phương thức tổ chức xã hội dựa trên nền tảng pháp quyền công bằng. Kant viết: “Vấn đề vĩ đại nhất đối với loài người mà tự nhiên phải giải quyết là đạt đến xã hội công dân pháp quyền...” [trích theo: 90, 178].

Tổ chức xã hội như thế là điều quyết định để tự nhiên đạt tới mục đích cuối cùng nơi con người. Tương ứng thì xây dựng xã hội pháp quyền cần phải là nhiệm vụ cao nhất của loài người trong quá trình phát triển lịch sử và văn hóa của mình.

Tính tất yếu của việc xây dựng một thiết chế công dân hoàn thiện thức tỉnh mọi người vốn chỉ lo cho tự do cá nhân, phải xiết chặt kỷ luật đối với mình, buộc ý chí của mình phục tùng các lợi ích chung, và điều đó buộc họ phải liên kết lập ra liên minh công dân. Sự cần thiết của liên minh đó dẫn đến sự cần thiết phải hợp nhất các dân tộc trên toàn cầu. Trên đường đến tương lai đó nhân loại phải trải qua những thử thách nặng nề (những cuộc chiến hủy diệt) rất có thể đe dọa chính sự tồn tại của văn hóa và văn minh. Muốn cứu vãn thì con người tất phải hoàn thiện đạo đức của mình, sự hoàn thiện đó rốt cuộc sẽ giúp khắc phục sự ghẻ lạnh, thiếu thân thiện với nhau giữa các dân tộc. Rõ ràng là, tư tưởng “đạo đức” ở Kant là sự biểu hiện cao nhất của văn hóa loài người.

Như vậy, theo sơ đồ Kant, lịch sử thế giới (cũng là lịch sử văn hoá) đã khởi đầu từ thời điểm nhân loại bước ra khỏi trạng thái tự nhiên và kết thúc bằng việc họ chuyển sang “trạng thái đạo đức”, bằng “nền hòa bình vĩnh cửu” giữa các dân tộc.

Và toàn bộ lịch sử văn hóa được triển khai trong phạm vi đó: sau khi nâng con người vượt lên trên bản tính “thô lỗ” và “súc vật” của họ, phát triển các tư chất và các khả năng của họ, văn hóa giờ đây cần phải giúp hình thành con người đạo đức, làm cho họ hoà hợp với tộc loài, ngăn ngừa lợi ích vị kỷ và dung hòa các bên đối

Một phần của tài liệu Một số vấn đề triết học văn hóa (Trang 61 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)