Lao động xã hội phổ biến - nguồn gốc của văn hoá

Một phần của tài liệu Một số vấn đề triết học văn hóa (Trang 94 - 97)

Chương 3. NHẬN THỨC VĂN HOÁ TRONG TRIẾT HỌC MÁC

3.2. Lao động xã hội phổ biến - thực thể của văn hóa

3.2.1. Lao động xã hội phổ biến - nguồn gốc của văn hoá

Cách hiểu duy vật về lịch sử đã khẳng định nhờ có lao động người ta không chỉ sống một đời sống thể xác, mà còn sống đời xã hội, có lịch sử và xây dựng tương lai của mình một cách xác định. Chỉ có trong lao động mới có thể tìm ra nguyên nhân chủ yếu của các biến đổi lịch sử, của tất cả những gì tạo thành sự phát triển xã hội của con người. Chủ nghĩa duy vật lịch sử giải thích bản chất của văn hóa con người cũng dựa trên những quan niệm này.

Lao động tạo ra văn hóa không phải theo cách như đã tạo ra mọi thứ khác. Vì thế dựa vào kết quả lao động là chưa đủ để có thể nhận thức về văn hóa. Quan niệm dựa vào kết quả lao động đã đơn giản hóa vấn đề và vì vậy từ trước đến nay đã luôn bị phê phán. Quan niệm đó thực chất mới chỉ thấy lực lượng sản xuất của các đối tượng văn hóa, mà chưa thấy được lực lượng sản xuất xã hội - lực lượng có khả năng kiến tạo không chỉ các sự vật hữu ích cho con người (sự giàu có đồ vật), mà còn tạo ra chính con người với toàn bộ các mối quan hệ xã hội đa dạng của họ (sự giàu có con người). Với tư cách là lực lượng sản xuất xã hội, lao động còn trở thành nguồn gốc, thực thể của văn hóa.

Sự phân tích hoạt động người trong mối liên hệ của nó với văn hóa, làm thể hiện ra tính chất xã hội của nó. Chỉ có lao động xã hội mới có khả năng tạo ra văn hóa. Mác viết: “Lao động là nguồn của của cải và văn hóa - chỉ khi nào nó là lao động xã hội”, hay nói như thế này cũng vậy “Khi nó được tiến hành trong xã hội và cho xã hội”” [81, 28-29]. Lao động xã hội trước hết là lao động do nhiều người hợp tác với nhau thực hiện. Nó không chỉ có hình thức là lao động hợp tác - trực tiếp, cùng nhau, mà có thể thể hiện cả ở hình thức lao động cá nhân kiểu như hoạt động của họa sĩ hay nhà khoa học. Ngay cả ở tư cách là cá thể riêng lẻ con người cũng vẫn hành động như là sinh thể xã hội, bởi lẽ các hành động đó phải xuất phát từ các kết quả lao động của những người khác, khi người đó sử dụng chúng như là tư liệu (đối tượng) và công cụ của hoạt động xã hội. Sự kết hợp như thế giữa lao động với các tiền đề được tạo ra bởi lao động trước đó, đã khiến cho nó có tính chất xã hội.

Lao động như là sự hao phí đơn thuần sức cơ bắp, thiếu các tiền đề khách quan của sản xuất, có thể tạo ra giá trị sử dụng, nhưng lại “không thể tạo ra của cải, cũng không thể tạo ra văn hóa được” [81, 29]. Khi bình luận về khổ đầu tiên của Cương

lĩnh Gotha “lao động là nguồn của mọi của cải và văn hóa”, Mác đã viết “câu này…

chỉ đúng trong chừng mực nó muốn nói rằng lao động được thực hiện với những đối tượng và công cụ thích ứng” [81, 26]. Trong xã hội tư sản những thứ đó (công cụ và phương tiện lao động) không thuộc về công nhân, mà thuộc về nhà tư bản. Vì thế Mác gọi mọi ý đồ gán cho lao động sức sáng tạo, mà không tính tới tính chất xã hội của lao động, tức là không tính tới tính chất mối liên hệ của nó vớí các tiền đề vật chất là “lời nói tư sản trống rỗng”; “tư sản có những lý do rất quan trọng để gán cho lao động cái sức sáng tạo tự nhiên đó, vì chính là do lao động bị tự nhiên quyết định cho nên người nào không có sở hữu nào khác ngoài sức lao động của mình ra thì trong mọi trạng thái xã hội và văn hóa, đều nhất định sẽ phải làm nô lệ cho những kẻ khác nắm trong tay những điều kiện vật chất của lao động. Người đó chỉ có thể lao động và do đó chỉ có thể sinh sống, khi được những kẻ này cho phép” [81, 27].

Mác đã vạch ra ở đây một đặc thù của lao động xã hội làm cho nó trở thành cội nguồn của văn hóa, đó là sự thống nhất trong nó các tiền đề khách quan và tiền đề chủ quan của lao động. Lao động khi bị tước đi các tiền đề khách quan, tách rời với lao động sống cũng chỉ là lao động chết đã bị vật hóa không có bất kỳ sức sáng tạo văn hóa nào. Chỉ khi thống nhất với các điều kiện khách quan, tức là thống nhất với toàn bộ các lực lượng sản xuất phát triển của xã hội, lao động mới có được tính chất xã hội, mới trở thành cội nguồn của văn hóa. Khác với lao động làm thuê, lao động xã hội dựa trên sự thống nhất giữa con người với tiền đề vật chất và tinh thần của lao động (quyền sở hữu phải thuộc về lao động). Và cũng trái với lao động trừu tượng, nó là lao động phổ biến toàn xã hội, lại càng trái với lao động thiết yếu, nó là lao động tự do, bởi vì ở đó con người hoạt động không phải do sự ép buộc từ bên ngoài mà do nhu cầu nội tại của bản thân. Do vậy không phải lao động trừu tượng, mà lao động phổ biến mới là thực thể (nguồn gốc) của văn hoá, chủ thể của lao động ấy không phải là cá thể trừu tượng, mà là cá nhân hữu hình tự do.

Khi kết hợp các điều kiện khách quan của lao động, người ta bước vào các mối quan hệ xác định với nhau - thứ nhất, với những người trước đây đã tạo ra các điều kiện đó, thứ hai, với những kẻ mà họ lệ thuộc vào. Trường hợp thứ nhất là quan hệ kế thừa di sản, lưu giữ và cải biến các kết quả lao động trước đó, quan hệ tạo ra mối liên hệ lịch sử và xã hội giữa các thế hệ; trường hợp thứ hai là quan hệ

kinh tế - sản xuất dựa trên hình thức sở hữu xác định. Kiểu quan hệ thứ nhất đặc trưng cho nội dung xã hội của lao động, kiểu thứ hai - hình thức xã hội của nó.

Về hình thức xã hội, lao động có thể là lao động nô lệ, nông nô, làm thuê hay lao động tự do không chịu sự ép buộc từ ngoài. Và trong các hình thức đó nó có khả năng tạo ra văn hóa là đã khắc ghi vào văn hóa dấu ấn giai cấp - xã hội xác định.

Trong quá trình lao động con người tạo ra các đối tượng có ý nghĩa không chỉ cho những người đã tạo ra chúng, mà còn cho cả những người khác, tối đa là cho tất cả. Bằng cách như vậy họ tạo ra cả các quan hệ xã hội với nhau. Kết quả là hoạt động lao động không chỉ tạo ra hiệu ứng có ích trực tiếp được phần lớn mọi người tự hướng tới, mà còn cái gì đó lớn hơn, tức là thông qua ý thức của họ đã hình thành cả quan hệ lẫn nhau được ghi lại trong đối tượng. Cái đó, tưởng chừng chỉ là kết quả phụ của lao động con người, quá lắm cũng chỉ là “phần thêm” vào cái mà họ đã tự giác làm ra một cách đầy mong muốn nhưng thực ra lại là cái chủ yếu trong lao động mà thiếu nó thì không thể có cả lịch sử nhân loại, lẫn văn hóa.

Tương ứng thì trong sản phẩm lao động cũng có giá trị văn hóa, nó đã cố kết, đã hóa thân quan hệ xã hội với nhau. Nhưng không phải mọi mối liên hệ xã hội được tạo ra trong lao động cũng đều có thể được coi là văn hóa. Từ đó suy ra, văn hóa cũng không phải luôn luôn là kết quả trực tiếp của lao động xã hội (theo nội dung của nó), mà chỉ trong một số trường hợp nhất định.

Trong xã hội khi sự phân chia mọi người thành những kẻ sản xuất tư nhân không phụ thuộc vào nhau thì tính chất xã hội của lao động được thể hiện thông qua sự trao đổi giữa các sản phẩm của họ với nhau. Chừng nào sự trao đổi đó diễn ra theo cách san bằng các sản phẩm tương đương với lượng lao động chi phí cho chúng mà không tính đến sự khác biệt về chất, thì chừng đó sản phẩm lao động “bị đánh đồng”

với sự vật hữu ích và sự vật như là vật mang giá trị, còn lao động - thành cụ thể và trừu tượng. Lao động trừu tượng thuần túy đặc trưng cho lượng của lao động (được đo bằng thời gian làm việc) và không liên quan gì đến tính xác định về chất của nó.

Suy ra, lao động trừu tượng là đặc trưng của lao động xã hội bất phân biệt với nội dung cụ thể đặc thù của nó, và cả với con người cụ thể đã thực hiện lao động đó. Đây là thứ lao động không mang dấu ấn cá nhân (mặc dù là lao động xã hội). Lao động phức tạp ở đây bị quy về lao động giản đơn. Vì thế các mối liên hệ xã hội được lao động đó tạo ra, cũng chỉ là mối liên hệ giá trị - trừu tượng, phi nhân cách, ở mức độ

cao nhất là phân biệt với người mà nó gắn kết. Vì thế mối liên hệ đó có thể tách rời khỏi sản phẩm cụ thể khi có hình thức tồn tại đặc biệt dưới dạng tiền tệ. Trong biểu hiện tiền của mình giá trị trao đổi là “một cái gì đó có tính chất phổ biến trong đó mọi tính cá thể, mọi thuộc tính riêng biệt đều bị phủ định và xóa nhòa” [88, 165]. Lao động xã hội trong sự “phân đôi” nội tại của mình thành lao động trừu tượng và lao động cụ thể tạo ra hàng hóa như là sản phẩm đặc thù của mình.

Và trong nền sản xuất phục tùng sự phân công lao động và trao đổi hàng hóa, con người tạo ra mối liên hệ xã hội của mình. Tuy nhiên, khi nhận hình thái giá trị trao đổi và tiền tệ, mối liên hệ đó biểu hiện như là mối liên hệ độc lập không phụ thuộc vào các cá nhân, thống trị trên họ, phủ định tính cá thể của họ. “Tính chất xã hội của hoạt động, cũng như hình thức sản phẩm xã hội, cũng là sự tham gia của cá nhân vào trong sản xuất, biểu hiện ra ở đây như một cái gì xa lạ đối với các cá nhân, như là một cái gì có dạng đồ vật; biểu hiện ra không phải như là quan hệ của các cá nhân đối với nhau, mà là sự phục tùng của họ đối với những quan hệ tồn tại độc lập với họ và nảy sinh từ sự xung đột của bất cứ cá nhân nào với nhau. Sự trao đổi phổ biến giữa các hoạt động và các sản phẩm - một sự trao đổi đã trở thành điều kiện sống còn đối với từng cá nhân riêng lẻ - mối quan hệ qua lại của họ, lại được họ quan niệm như là một cái gì xa lạ, độc lập với họ, như là một vật nào đó. Thông qua giá trị trao đổi quan hệ xã hội của các sự vật, sự hùng mạnh của cá nhân chuyển hóa thành một sự hùng mạnh nào đó của vật” [88, 166].

Một phần của tài liệu Một số vấn đề triết học văn hóa (Trang 94 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)