Chương 3. NHẬN THỨC VĂN HOÁ TRONG TRIẾT HỌC MÁC
3.3. Nguyên tắc lịch sử trong nhận thức văn hóa
3.3.1. Sự đa dạng và thống nhất lịch sử của văn hóa
Văn hóa là hiện tượng lịch sử ở từng thời kỳ cụ thể đều có hình thái tồn tại đặc thù. Vấn đề văn hóa được đặt ra khi con người, một mặt nỗ lực vạch mở những
nét đặc thù và độc đáo của đời sống các dân tộc, đất nước hay vùng miền riêng rẽ, mặt khác, lại so sánh đối chiếu chúng với những khác biệt của đời sống các dân tộc khác, cố hiểu ý nghĩa của chúng đối với hiện tại và tương lai. Chẳng hạn, những thành tựu vật chất và tinh thần của người Hy Lạp cổ đại đã trở thành “Văn hóa cổ đại” chỉ khi so sánh với thành tựu của các dân tộc khác hay với những thành tựu của con người hôm nay. Giả như không tồn tại văn hóa khác, ngoài văn hóa cổ đại thì khái niệm “văn hóa cổ đại” hẳn đã mất ý nghĩa. Việc sử dụng khái niệm “văn hóa”
để biểu thị các hình thức sống đặc thù của những nhóm người khác nhau đó chỉ ra rằng những hình thái văn hóa trong lịch sử đã không tồn tại một cách cô lập, mà trong tương quan với nhau. Quan hệ giữa chúng có thể là quan hệ khác biệt, giống nhau, kế thừa, đối thoại, vay mượn lẫn nhau… Nhưng trong mọi trường hợp chỉ có những quan hệ đó mới mang lại cho chúng ý nghĩa của “các văn hóa” khác nhau.
Khi quy một hiện tượng nào đó về văn hóa, thì phải thấy được sự phụ thuộc của nó vào một dân tộc hay một kỷ nguyên xác định, cũng như sự tương quan của nó với những hiện tượng tương tự của dân tộc hay kỷ nguyên khác. Khái niệm “văn hóa” ghi lại cái làm mọi người khác biệt trong không gian với thời gian, và cái đã gắn kết, thống nhất họ lại trên quy mô lịch sử nhân loại. Sẽ là sai lầm khi tuyệt đối hóa một trong các yếu tố đó mà bỏ qua yếu tố khác. Việc chỉ tách biệt ra trong văn hóa yếu tố khác biệt, đặc thù, sẽ dẫn đến sự đa nguyên hóa và tương đối hóa lịch sử văn hóa của nhân loại. Còn chỉ nhấn mạnh đến yếu tố giống nhau lại dẫn đến việc sơ đồ hóa giản đơn quá trình lịch sử - văn hóa, phủ nhận sự đa dạng và phong phú của nó. Trái lại, vấn đề phương pháp luận đặc thù trong nghiên cứu văn hóa là việc xác lập mối tương quan giữa cái đặc thù và cái phổ biến trong sự phát triển của nó, giữa sự đa dạng các hình thái lịch sử của văn hóa và sự thống nhất nội dung lịch sử của nó.
Như đã biết, con người sống ở các thời đại và xã hội khác nhau thì khác nhau về các quan điểm, các mối quan hệ, tập tục, luân lý, đức tin… Mỗi thời đại và mỗi dân tộc đều có nền văn hóa đầy bản sắc không lặp lại ở bất kỳ nơi nào hay thời đại nào khác. Những khác biệt kiểu đó thường được lấy làm cơ sở để phân biệt các nền văn hóa đặc thù. Nhiệm vụ nghiên cứu văn hóa trong trường hợp này là phải chỉ ra tính đặc thù lịch sử của từng nền văn hóa, hiểu được sự khác biệt về chất của văn hóa này với các văn hóa khác. Đối với nhà sử học văn hóa cách tiếp cận này thực
chất là đồng nghĩa với khoa học lịch sử. Chẳng hạn, Gurevich viết: “hiểu văn hóa của quá khứ chỉ có thể bằng cách tiếp cận lịch sử chặt chẽ, chỉ khi đo lường bằng thước đo phù hợp với nó. Không tồn tại một thước đo duy nhất cho phép quy tất cả các nền văn minh và thời đại về đó, bởi lẽ không có ai luôn là chính mình ở tất cả các thời đại đó” [24, 7].
Nhưng nếu không có thước đo duy nhất cho các nền văn hóa khác nhau thì làm thế nào có thể so sánh, đối chiếu chúng với nhau? Một khi đã không có thước đo như vậy nghĩa là cũng không có lịch sử văn hóa, không thể có sự tiến hóa văn hóa chung của nhân loại. Theo chúng tôi, cách tiếp cận lịch sử đối với văn hóa cần làm rõ không chỉ ý nghĩa riêng, các biểu hiện đặc thù của nó, mà còn cả nội dung lịch sử chung cố hữu ở tất cả chúng. Do vậy, là phải nói đến việc thừa nhận trong lịch sử văn hóa một khởi điểm chung cho phép thấy ra ở trong nó không chỉ những khác biệt mà còn cả sự thống nhất khiến cho có thể hiểu nó như là quá trình phát triển nhất quán và hợp quy luật. Vấn đề này được phản ánh trong các cuộc tranh thảo của các nhà lý luận văn hóa Xô Viết về tương quan giữa các chức năng “đánh giá” và “mô tả” của khái niệm văn hóa. Một số nhà nghiên cứu đã không chỉ chia tách mà còn đặt đối lập chúng với nhau trong tiến trình luận giải lý thuyết về khái niệm đó. Trong khi cố gán cho nó ý nghĩa khoa học chặt chẽ, họ loại ra khỏi khái niệm đó mọi nội dung “đánh giá” gắn với việc nhận định các hình thái văn hóa khác nhau theo trình độ phát triển của chúng.
Markarian là người rất phê phán “giá trị luận” trong việc hiểu văn hóa. Ông viết: “rõ ràng việc sử dụng thông thường khái niệm “văn hóa” có dấu hiệu đặc trưng nhất là tính chất giá trị, đánh giá của nó, mà tương ứng với nó thì phương thức tồn tại người này hay khác được đánh giá là “văn hóa” hay “phi văn hóa”. Hơn thế, cách sử dụng tương tự khái niệm “văn hóa” có thể được áp cả vào cá nhân từng người riêng rẽ, lẫn cả các dân tộc (người “văn hóa” hay “vô văn hóa”, dân tộc “văn hóa” và “phi văn hóa”). Tương ứng với cách hiểu đó về văn hóa, thì tất yếu nó được xem như là gì đó tích cực, “tốt” cần phải hướng tới” [xem 90 và 42]. Và theo tác giả, do quan niệm rằng cái gì đó là tích cực, “tốt”, luôn phụ thuộc vào định hướng đánh giá chủ quan của cá nhân cho nên khoa học về văn hóa nào dựa trên quan niệm đó thường mang tính chất tương đối và tùy tiện, có điều kiện. Tác giả nhận xét, thuyết “Châu Âu là trung tâm”, theo đó chỉ có giai đoạn châu Âu của lịch sử
mới là chuẩn mực phát triển văn hóa của nhân loại, là điển hình của đánh giá chủ quan như thế về văn hóa. Mức độ tiến gần của các thời đại lịch sử khác đến lịch sử châu Âu là thước đo “tính văn hóa” của chúng. Quan điểm đó cũng phủ nhận hết mọi ý nghĩa văn hóa tích cực và tự trị của văn hóa các dân tộc, nếu nó không giống hay không lặp lại gì lịch sử của các dân tộc châu Âu.
Trên thực tế khái niệm văn hóa dường như có nghĩa hai mặt: một mặt, nó thể hiện một sự đánh giá xác định về hiện tượng từ giác độ hệ thống các giá trị đã được thừa nhận (trong trường hợp này là nói về văn hóa như về phẩm chất mà xã hội và con người có thể có hay không có, cùng với “văn hóa” có thể có “vô văn hóa”); mặt khác - nó diễn đạt một phần tử của hệ thống phức tạp (xã hội, nhóm, cá nhân) tham gia vào hệ thống đó cùng với những phần tử khác và tồn tại tự thân trong hệ thống không liên quan gì đến sự đánh giá nó. Nhiều nhà nghiên cứu (như Markarian) cho rằng, hai phương diện nghĩa đó của văn hóa là loại trừ lẫn nhau.
Sự phê phán “giá trị luận” trong việc sử dụng khái niệm đã bị quy định bởi mong muốn tránh xa các đánh giá mang tính chủ quan về văn hóa, sự phân chia tùy tiện các dân tộc và các thời đại thành “văn hóa” và “phi văn hóa”, sự mô tả cứng nhắc quá trình lịch sử tái tạo bức tranh tiến hóa văn hóa của nhân loại, theo thước đo của chỉ một thời đại, được biến thành chuẩn mực của văn hóa thường theo những nhận định còn xa mới mang tính khoa học. Tuy nhiên, sự phủ định một chiều chức năng “đánh giá” của khoa học về văn hóa đã làm mất đi tiêu chuẩn thống nhất và phổ biến của văn hóa dành cho toàn bộ quá trình văn hóa, san bằng trên bình diện văn hóa các trạng thái xã hội khác nhau, khiến không thể so sánh và đánh giá các thời đại lịch sử về trình độ phát triển văn hóa.
Ý đồ đặt vào quan niệm về văn hóa một ý tưởng “đánh giá” xác định cho phép phân biệt cái gì đó quan trọng, căn bản đối với con người với cái không căn bản, là phù hợp với truyền thống đã có từ tận thế kỷ XVIII. Trong khuôn khổ truyền thống này văn hóa gắn liền với quan niệm về cái được mong muốn, cái xứng đáng với con người, vì nó mà cần phải hướng tới; người ta đã đồng nhất lối sống phù hợp nhất với những nhu cầu, những lợi ích, những khát khao của nhân cách con người thể hiện những khả năng phát triển đầy đủ nhất của họ. Các nhà tư tưởng thời đó luôn hiểu văn hóa như lĩnh vực tồn tại người thực sự, như là địa bàn “nhân tính”
chân chính đối ngược với địa bàn “thú tính”, “tự nhiên tính” nằm ngoài văn hóa.
Người ta thấy văn hóa là biểu hiện sự phát triển “bình thường” của con người, tức là sự phát triển duy nhất chấp nhận được đối với họ, phù hợp với “bản chất” của họ.
Phụ thuộc vào việc các nhà triết học hiểu “bản chất con người” là như thế nào, thì cũng hình thành quan niệm tương ứng về văn hóa.
Quan niệm như vậy, cho dù đầy tư biện và trừu tượng, đã cho phép giải quyết nhiệm vụ quan trọng do tư tưởng xã hội thời Cận đại đặt ra là làm rõ ý nghĩa và xu hướng của sự vận động lịch sử. Khát vọng hiểu lịch sử nhân loại như là quá trình thống nhất gắn bó với nhau theo hướng xác định và thâu tóm được các trạng thái xã hội thay thế lẫn nhau, đã làm cho việc so sánh đối chiếu các hình thức hiện thực lịch sử đa dạng về mặt kinh nghiệm với nhau, đánh giá và phân loại chúng theo trình độ phát triển, trở nên cần thiết. Cơ sở cho sự đánh giá và phân loại này là quan niệm về văn hóa dường như bao hàm trong nó “thước đo” chung cho mọi thời đại về trình độ phát triển lịch sử của chúng, về sự tiệm cận của chúng đến tồn tại “thực sự người”. Nói cách khác, người ta phán xét về độ trưởng thành của thời đại theo mức độ “tính văn hóa” của nó, mức độ “văn minh”, tức là theo độ phù hợp với một hình mẫu văn hóa nào đó đã được công nhận.
Xu hướng đối lập nhằm gán cho khái niệm văn hóa ý nghĩa nhận thức khách quan mang tính lý luận, lại thể hiện trong sự phát triển của các khoa học cụ thể về xã hội và con người - trước hết là trong xã hội học và nhân học. Từ cuối thế kỷ XIX trong các công trình của các nhà dân tộc học phương Tây, hay như sau này họ được gọi là các nhà nhân học văn hóa, đã dần khẳng định cách hiểu “phi giá trị luận” về văn hóa, theo đó thì mọi phương thức hoạt động sống của con người tồn tại trong lịch sử đều phải được thừa nhận là “văn hóa” không phụ thuộc vào thời gian và địa điểm xuất hiện. Lối sống của các bộ tộc, bộ lạc châu Phi, châu Á, châu Úc hay Mỹ la tinh không hề kém “văn hóa” hơn so với lối sống của cư dân châu Âu hiện đại.
Không có văn hóa “thấp” hay “cao”, “tốt hơn” hay “xấu hơn” mà chỉ có các văn hóa khác nhau. Không nên sắp đặt chúng vào một dãy lịch sử tuyến tính xác định theo nguyên tắc “từ thấp đến cao”, bởi chúng là tổng thể các phương thức ngang giá trị, dù khác nhau, nhằm điều chỉnh và phối kết hợp các quan hệ giữa các cá nhân với nhau và với môi trường xung quanh. Tóm lại, không có văn hóa duy nhất cho toàn nhân loại phát triển tuần tự từ một thời kỳ lịch sử này đến thời kỳ lịch
sử khác, mà có vô số văn hóa tương ứng với các hình thức tồn tại và liên kết con người khác nhau. Vì thế nhiệm vụ của nhà nghiên cứu văn hóa không phải là xây dựng các sơ đồ tiến hóa phát triển lịch sử - văn hóa, mà là mô tả và phân loại các hình thức tổ chức đời sống văn hóa của các dân tộc khác nhau. Như vậy, cách hiểu này về văn hóa đã coi hiện tượng nào đó được gắn kết với hình thức tồn tại người bất kỳ là dấu hiệu chung nhất, đặc trưng và bắt buộc của văn hóa. Khác với cách hiểu “giá trị luận” về khái niệm “văn hóa” đã tách biệt ra từ các phương thức tồn tại người khác nhau các phương thức “văn hóa” và “phi văn hóa” (tương ứng với lập trường này hay khác), cách hiểu mới này đã rất tự nhiên quy bất kỳ phương thức tồn tại người nào đã có trong lịch sử đều về khái niệm “văn hóa”.
Với tư cách là phương pháp nghiên cứu các nền văn hóa riêng biệt, tách rời, các nhà nhân học phương Tây nêu ra nguyên tắc chức năng luận (B. Malinowski), theo đó không khảo sát mỗi văn hóa qua sự so sánh với các văn hóa khác, không coi mỗi văn hoá như một thời kỳ, hay bậc thang phát triển văn hóa chung nhân loại, mà phải như hệ thống chỉnh thể nội tại, độc lập được cấu thành từ các phần tử phụ thuộc lẫn nhau về mặt chức năng. “Các nhà chức năng luận” trong khi cố tránh mô tả và nghiên cứu mang tính chủ quan về các văn hóa khác nhau, cố phân tích chúng thật khách quan, thì lại rơi vào thái cực khác là không đánh giá hết các trình độ phát triển văn hóa khác nhau trong lịch sử, sự vận động tiến bộ của nhân loại từ hình thái đời sống kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Kết quả là không thể hiểu triển vọng lịch sử chung của sự phát triển văn hóa nhân loại, sự thống nhất nội tại, mối liên hệ và tính tuần tự nhất quán của nó. Cách tiếp cận chức năng đã làm giàu thêm rất nhiều cho môn dân tộc học, bởi theo đó, văn hóa và lối sống của các xã hội kém phát triển đã bắt đầu được nghiên cứu không phải như trường hợp riêng của một giai đoạn phát triển chung nào đó và cũng không như sản phẩm của những ảnh hưởng bên ngoài, mà như chỉnh thể cụ thể độc lập vốn cần được hiểu một cách thống nhất nội tại. Tuy nhiên, sự đam mê phiến diện phương pháp đó lại dẫn đến tai họa mới: các nhà dân tộc học đã quên mất sự tiến hóa xã hội và sự tồn tại của nhân loại nói chung, mà chỉ nhớ đến lịch sử của dân tộc nào đó. Lịch sử, sự phát triển, tính quy luật, và đồng thời cùng với chúng là khả năng đánh giá và so sánh các văn hóa khác nhau đã bị biến mất. Nếu tiến hóa luận cũ mắc lỗi không đánh giá hết giá trị đặc thù của các văn hóa phát triển thấp hơn, khi xem chúng chỉ như là thời kỳ
chuẩn bị cho nền văn minh tư sản, thì bây giờ, ngược lại, tất cả các văn hoá và các hình thái xã hội đã được coi là ngang hàng nhau về mặt lịch sử. Trên bình diện lịch sử triết học điều đó có nghĩa là phủ nhận sự tiến bộ xã hội.
Sự từ bỏ nguyên tắc phát triển trong nghiên cứu văn hóa dẫn đến việc tuyệt đối hóa những khác biệt riêng lẻ giữa các nền văn hóa, dẫn đến sự tương đối hoá tối đa quá trình lịch sử - văn hóa. Trong khi tập trung chú ý vào các đặc thù của đời sống văn hóa của các dân tộc và các nước khác nhau, những nhà nghiên cứu đó đã không ra khỏi phạm vi chủ nghĩa lịch sử kinh nghiệm, thấy cây mà không thấy rừng, thấy sự đa dạng mà không thấy sự thống nhất, thấy sự khác biệt chứ không thấy nội dung và ý nghĩa lịch sử phổ biến. Văn hóa bị hòa tan vào “biển các chi tiết”
vốn tự thân không thể mang lại quan niệm chỉnh thể về nó, không làm rõ nội dung phổ biến của nó. Chủ nghĩa lịch sử bị thay thế bởi “chủ nghĩa lịch sử giả cầy”.