CHƯƠNG 3 THỰC TIỄN VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO LÃNH
3.5 Khó khăn trong vấn đề xác định bên bảo lãnh là hộ gia đình và định đoạt tài sản của hộ gia đình
Theo định nghĩa hộ gia đình tại Điều 106 Bộ luật Dân sự 2005:
“Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vức sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.”
Và tài sản chung của hộ gia đình được quy định tại Điều 108 Bộ luật Dân sự 2005:
101 Dương Thanh Minh, Nghiên cứu lập pháp: Những chướng ngại vật trên hành lang pháp lý về giao dịch bảo đảm, http://www.nclp.org.vn/ban_ve_du_an_luat/kinh-te-dan-su/nhung-chuong-ngai-vat-tren-hanh-lang-phap-ly-ve-giao- dich-bao-111am , [truy cập ngày 25/11/2010].
GVHD: ThS.Lê Huỳnh Phương Chinh -81- SVTH: Nguyễn Thị Đoan Trang
“Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ.”
Pháp luật hiện hành chỉ mới dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc chung như trên mà chưa có quy định cụ thể về tiêu chí và cơ chế thực hiện nên việc xác định tư cách hộ gia đình trong các giao dịch bảo đảm nói chung và giao dịch bảo lãnh nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên thực tế áp dụng, thường có sự nhầm lẫn giữa khái niệm hộ gia đình là chủ thể trong giao dịch dân sự với hộ gia đình gồm các thành viên theo sổ hộ khẩu. Do đó, các bên và cơ quan công chứng thường yêu cầu những người có tên trong hộ khẩu ký tên vào hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng bảo lãnh bằng thế chấp bằng quyền sử dụng đất102.
Theo quy định tại Điều 25 Luật cư trú thì sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình gồm những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột hoặc những người thỏa mãn điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật cư trú đồng thời được chủ hộ đồng ý cho nhập hộ khẩu thì cũng có thể được nhập hộ khẩu dù không có quan hệ gia đình, huyết thống. Cách hiểu hộ gia đình để cấp sổ hộ khẩu hoàn toàn khác với định nghĩa hộ gia đình trong Bộ luật Dân sự 2005, cách hiểu theo Luật cư trú nghiêng về vấn đề xác định hộ gia đình trong vấn đề quản lý hành chính. Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A có hộ khẩu thường trú tại tỉnh X nhập khẩu vào hộ gia đình ông Trần Văn B ở tỉnh Y và được ghi vào Sổ hộ khẩu của gia đình ông B. Sau đó, gia đình ông B có bảo lãnh cho anh Trần Thanh C vay vốn tại ngân hàng Z, ngân hàng yêu cầu hợp đồng bảo lãnh có thế chấp bằng quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình phải có chữ ký của tất cả những thành viên có tên trong hộ khẩu từ đủ mười lăm tuổi trở lên, trong đó bao gồm cả ông A. Nếu trong trường hợp này hiểu hộ gia đình là chủ thể của hợp đồng bảo lãnh theo nghĩa hộ gia đình gồm các thành viên có tên trong hộ khẩu thì đồng nghĩa với việc ông A tham gia định đoạt tài sản chung của hộ và phải liên đới chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Dân sự 2005 mặc dù ông A không cùng hoạt động kinh tế chung với gia đình ông B.
Điều 109 khoản 2 Bộ luật Dân sự quy định
102Dương Thanh Minh, Thông tin pháp luật Dân sự: Một số khó khăn, vướng mắc về công chứng, chứng thực hợp đồng bảo đảm – khả năng giải quyết tại Luật công chứng và một số kiến nghị,
http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2008/07/19/1412/ , [truy cập ngày 25/11/2010].
GVHD: ThS.Lê Huỳnh Phương Chinh -82- SVTH: Nguyễn Thị Đoan Trang
“Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý, đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.”
Theo Điều 195 Bộ luật Dân sự 2005:
“Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu tài sản đó”
Đối với vấn đề xác lập giao dịch bảo đảm, cụ thể là hợp đồng bảo lãnh tiền vay bằng tài sản chung của hộ gia đình thì đó có phải là việc định đoạt tài sản chung. Vấn đề này dẫn đến hai cách hiểu:
Quan điểm thứ nhất cho rằng việc ký kết các hợp đồng bảo lãnh tiền vay bằng tài sản chung của hộ không phải là một hình thức của quyền định đoạt. Nó không làm chuyển giao quyền sở hữu như các hình thức định đoạt tài sản thông thường như: bán, trao đổi, cho vay, tặng cho, thừa kế… hay từ bỏ quyền sở hữu.
Quan điểm thứ hai dựa trên hệ quả pháp lý của việc ký kết hợp đồng bảo lãnh tiền vay bằng tài sản của hộ gia đình, quan điểm này cho rằng khi nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh thì việc ký kết hợp đồng bảo lãnh trước đó sẽ mang tính chất là sự định đoạt tài sản chung của hộ vì nó có thể làm chuyển giao quyền sở hữu nếu tài sản dùng để bảo đảm đó bị xử lý. Người viết ủng hộ quan điểm thứ hai, bởi vì khi áp dụng pháp luật chúng ta không thể cứng nhắc mà phải vận dụng dựa trên tinh thần mà điều luật hướng đến, tài sản dùng để bảo lãnh tiền vay nếu bị xử lý sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những thành viên trong hộ gia đình.
Ngoài ra, hợp đồng bảo lãnh tiền vay bằng tài sản chung đó phải được ký kết vì lợi ích của hộ gia đình thì mới được dùng tài sản chung của hộ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Trên thực tế, hiếm có trường hợp nào tài sản của hộ được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người khác mà lại vì lợi ích của hộ trừ khi đây là trường hợp bảo lãnh có thù lao và thù lao từ việc bảo lãnh đó phải được thỏa thuận là tài sản chung của hộ.
Mặt khác, vấn đề xác định tài sản chung có giá trị lớn chỉ được quy định chung chung mà không có hướng dẫn cụ thể là giá trị tài sản đó phải từ bao nhiêu phần trăm tổng giá trị tài sản của hộ hoặc việc định đoạt tài sản đó có khả năng ảnh hưởng đến khối tài sản chung….Hơn nữa, vấn đề hình thức biểu hiện sự đồng ý của những thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên cũng không được quy định một cách rõ ràng, dẫn đến hệ quả là mỗi nơi sẽ
GVHD: ThS.Lê Huỳnh Phương Chinh -83- SVTH: Nguyễn Thị Đoan Trang có cách áp dụng khác nhau. Ví dụ: đối với trường hợp công chứng, chứng thực hợp đồng bảo lãnh có thế chấp bằng quyền sử dụng đất của hộ, có nơi yêu cầu phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên trên mười lăm tuổi, có nơi chỉ yêu cầu có chữ ký của chủ hộ và văn bản ủy quyền có chứng thực của các thành viên trên mười lăm tuổi còn lại hoặc có nơi chỉ yêu cầu có chữ ký của chủ hộ…
Từ những thực tiễn trên người viết có những đề xuất như sau:
Do có quá nhiều vướng mắc phát sinh khi xác định bên bảo lãnh trong các hợp đồng tín dụng nói riêng và bên bảo đảm trong các giao dịch dân sự nói chung, ví dụ như vấn đề xác định hộ gia đình theo đúng Bản chất được quy định trong Bộ luật Dân sự là rất khó khăn do đó theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu về pháp lý nên mạnh dạn loại bỏ hộ gia đình ra khỏi những chủ thể trong các giao dịch dân sự cho phù hợp với xu hướng hội nhập trong thời đại kinh tế thị trường, bởi vì trong luật quốc tế cũng như trong luật pháp của nhiều quốc gia không tồn tại chủ thể nào là hộ gia đình.
Nếu tiếp tục thừa nhận hộ gia đình là chủ thể của giao dịch dân sự thì người viết có những đề xuất sau:
- Trước tiên, đối với vấn đề tài sản chung của hộ, cần có cơ chế ghi nhận đầy đủ những người có quyền sở hữu, quyền sử dụng chung, ví dụ đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất thì cần ghi rõ tên của tất cả các đồng sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vấn đề này lại kéo theo yêu cầu cần cải cách lại quy trình, thủ tục đăng ký tài sản phải rõ ràng, nhanh chóng, đơn giản khi đăng ký hoặc khi có yêu cầu đăng ký sửa đổi, bổ sung do sự thay đổi về những người đồng sở hữu đối với tài sản chung của hộ.
- Thứ hai, cần phải xác định rõ bằng cách sửa đổi hoặc ban hành văn bản hướng dẫn việc ký kết các giao dịch bảo đảm là việc định đoạt tài sản chung của hộ, đồng thời phải quy định cụ thể về hình thức của sự ưng thuận đối với việc định đoạt tài sản chung của những thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên.