Tổng hợp các nghiên cứu lý thuyết sự phù hợp giữa nhiệm vụ và công nghệ (TTF) và các nghiên cứu ứng dụng TTF

Một phần của tài liệu Tác động của chất lượng hệ thống thông tin kế toán đến hành vi sử dụng hệ thống thông tin kế toán trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố hồ chí minh (Trang 36 - 39)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU

1.1. Các nghiên cứu nước ngoài

1.1.3. Tổng hợp các nghiên cứu lý thuyết sự phù hợp giữa nhiệm vụ và công nghệ (TTF) và các nghiên cứu ứng dụng TTF

Thuyết về sự phù hợp giữa nhiệm vụ và công nghệ do Goodhue và Thompson (1995) khởi xướng. Thuyết đưa ra giả thuyết rằng: sự chấp nhận công nghệ phụ thuộc vào mức độ phù hợp của công nghệ mới về một nhiệm vụ cụ thể. Kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố TTF có tác động tới “việc sử dụng công nghệ”, nhưng sự tác động này là chưa thật sự rõ ràng (Goodhue và Thompson, 1995).

Mô hình TTF của Goodhue và Thompson (1995) đề xuất được ứng dụng ở cấp độ phân tích cá nhân. Để khắc phục nhược điểm này, Zigurs và Buckland (1998) đã xây dựng một mô hình tương tự nhưng áp dụng ở cấp độ nhóm. Zigurs và Buckland (1998) cho rằng TTF kết hợp với việc sử dụng HTTT, là một yếu tố dự báo đáng kể về hiệu suất công việc được cải thiện và TTF được khái niệm hóa như một cấu trúc đa chiều khai thác vào các khía cạnh khác nhau của công việc HTTT và tổ chức.

Kể từ khi ra đời cho đến lý thuyết TTF được sử dụng rộng rãi cho việc sử dụng hệ thống thông tin trong các bối cảnh cá nhân và doanh nghiệp (Furneaux, 2012).

TTF phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Một số học giả kết hợp TTF kết hợp với các mô hình khác (Dishaw và Strong, 1999) hoặc được sử dụng một số yếu tố trong mô hình như một phần mở rộng của các mô hình thành công khác của HTTT như mô hình chấp nhận công nghệ TAM (Klopping và McKinney, 2004;

Kuo và Lee, 2009) hoặc hệ thống thông tin thành công của Delone và McLean (Cheng, 2018; Chung và cộng sự, 2015; Tam và Oliveira, 2016). Dưới đây, tác

giả trình bày cụ thể các bài nghiên cứu phát triển TTF có liên quan đến phạm vi đề tài.

Xuất phát từ lý do điểm yếu lớn của TAM là không tập trung vào nhiệm vụ và xem xét đề xuất (TTF) nên Dishaw và Strong (1999) đã dựa trên nền tảng lý thuyết hai mô hình TAM và mô hình TTF trình bày một mô hình tích hợp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi kết hợp cả hai mô hình thành một mô hình tích hợp thì các mối quan hệ giữa các biến được hỗ trợ mạnh mẽ hơn so với mô hình TAM hoặc mô hình TTF. Mặt khác trong mô hình tích hợp yếu tố TTF ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng CNTT và gián tiếp ảnh hưởng đến việc sử dụng CNTT thông qua các biến của mô hình TAM (nhận thức tính hữu dụng và nhận thức tính dễ sử dụng). Đây chính là điểm khác biệt lớn so với mô hình TTF đầu tiên của Goodhue và Thompson (1995).

Chung và cộng sự ( 2015) đã kết hợp mô hình D&M và TTF để để giải thích hiệu suất công việc sáng tạo được tạo ra từ cả việc sử dụng theo thói quen và công nghệ nhiệm vụ phù hợp với một ứng dụng dành cho doanh nghiệp qua di động (EMA). Tác giả lập luận là một hệ thống đáng tin cậy và cũng nhận thấy rằng mức độ chất lượng hệ thống của nó cũng tốt như hệ thống doanh nghiệp tương ứng của nó (ví dụ: ERP, quản lý quan hệ khách hàng, quản lý chuỗi cung ứng và trí tuệ kinh doanh, v.v.), họ sẽ thấy rằng EMA rất phù hợp với nhiệm vụ của họ (Chung và cộng sự, 2015)

Tam và Oliveira (2016) đề xuất mô hình kết hợp giữa mô hình thành công của Delone và McLean HTTT và mô hình Nhiệm vụ công nghệ phù hợp (TTF) để đánh giá tác động của ngân hàng qua điện thoại đối với hiệu suất từng cá nhân.

Tam và Oliveira (2016) đã phát hiện rằng: chất lượng hệ thống và chất lượng thông tin tác động đáng kể đến TTF và TTF tác động tới hiệu suất cá nhân nhiều hơn hành vi sử dụng.

Kuo và Lee (2009) dựa vào mô hình TAM và bổ sung thêm hai biến bên ngoài:

chất lượng thông tin và công nghệ nhiệm vụ phù hợp, để xem xét tác động đến ý định áp dụng của hệ thống quản lý tri thức (KMS). Kết quả cho thấy: chất lượng thông tin có tác động trực tiếp đến mức độ dễ sử dụng mà người dùng nhận thấy và tính hữu dụng khi mức độ phù hợp giữa nhiệm vụ và hệ thống quản lý tri thức ở mức độ cao.

Một nhánh khác, các tác giả đi phát triển thang đo cho TTF (Goodhue và Thompson, 1995; Staples và Seddon, 2004). Cụ thể, Goodhue và Thompson (1995) khái niệm hóa TTF bằng 8 khía cạnh: chất lượng (dữ liệu), khả năng định vị (dữ liệu), ủy quyền (để truy cập dữ liệu) , tính tương thích (giữa dữ liệu và công việc), dễ sử dụng hoặc đào tạo, tính kịp thời trong sản xuất, độ tin cậy của hệ thống và mối quan hệ người dùng. Sau đó, Staples và Seddon (2004) đã rút ngắn thang đo TTF ban đầu xuống còn bốn chiều: tương thích công việc, dễ sử dụng, dễ học và chất lượng thông tin. Tuy nhiên, trong các yếu tố cấu thành nên TTF thì hầu hết đều là các thuộc tính của dữ liệu chỉ có tính tương thích (giữa dữ liệu và công việc) là các thuộc tính liên quan đến công việc của tổ chức (Sun và cộng sự, 2009). Nên Sun và cộng sự (2009) đã mở rộng mô hình TAM bằng cách bổ sung thêm biến niềm tin: nhận thức tính tương thích công việc (một phần của yếu tố TTF) để giải thích hiệu suất cá nhân trong bối cảnh tổ chức sử dụng hệ thống ERP.

Tóm lại, Lý thuyết sự phù hợp giữa nhiệm vụ và công nghệ được ra đời rất sớm (từ năm 1995) và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghệ (Furneaux, 2012) và được áp dụng cả cấp độ cá nhân và tổ chức (Goodhue và Thompson, 1995; Zigurs và Buckland, 1998). Thuyết TTF cho rằng: sự phù hợp giữa các yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm công nghệ tác động đến việc sử dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố TTF tác động mạnh mẽ tới hiệu suất công việc hơn hành vi sử dụng (Goodhue và Thompson, 1995). Mặc dù, yếu tố TTF có tác động tới hành vi sử dụng, nhưng tác động này chưa thực sự rõ ràng (Goodhue và

Thompson, 1995). Tuy nhiên khi mô hình TTF được tích hợp với mô hình TAM thì yếu tố TTF ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng CNTT và gián tiếp ảnh hưởng đến việc sử dụng CNTT thông qua các biến của mô hình TAM (nhận thức tính hữu dụng và nhận thức tính dễ sử dụng) (Dishaw và Strong, 1999). Các học giả phát triển TTF theo nhiều cách khác nhau: kết hợp TTF với các mô hình khác (Dishaw và Strong, 1999) hoặc được sử dụng như một phần mở rộng của các mô hình khác như: mô hình chấp nhận công nghệ TAM (Dishaw và Strong, 1999;

Klopping và McKinney, 2004; Kuo và Lee, 2009) hoặc hệ thống thông tin thành công Delone và McLean (Cheng, 2018; Chung và cộng sự, 2015; Tam và Oliveira, 2016), hoặc phát triển thang đo cho TTF (Goodhue và Thompson, 1995;

Staples và Seddon, 2004) hoặc chỉ sử dụng một phần cấu thành nên yếu tố TTF (Sun và cộng sự, 2009).

Trong đề tài nghiên cứu, tác giả vận dụng lý thuyết TTF và nghiên cứu tích hợp TAM và TTF để giải thích nhận thức tính tương thích công việc (một thành phần của yếu tố sự phù hợp giữa nhiệm vụ kế toán và công nghệ sử dụng trong công tác kế toán) của nhân viên kế toán có thể tác động cùng chiều đến hành vi sử dụng hệ thống thông tin kế toán trong hệ thống thông tin kế toán doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, dựa theo các nghiên cứu kết hợp yếu tố TTF vào mô hình hệ thống thông tin thành công Delone và McLean cho rằng chất lượng hệ thống thông tin có tác động tới TTF làm cơ sở cho một trong những giả thuyết nghiên cứu này: chất lượng hệ thống thông tin kế toán có hay không tác động nhận thức tính tương thích công việc (một thành phần của sự phù hợp giữa nhiệm vụ kế toán và công nghệ (TTF)sử dụng trong công tác kế toán).

Một phần của tài liệu Tác động của chất lượng hệ thống thông tin kế toán đến hành vi sử dụng hệ thống thông tin kế toán trong các doanh nghiệp tại địa bàn thành phố hồ chí minh (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)