CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU
1.2. Các nghiên cứu Việt Nam
Các nghiên cứu liên quan đến HTTTKT tại Việt Nam được Lương Đức Thuận và Nguyễn Xuân Hưng (2019) chia làm 5 hướng nghiên cứu chính:
o Tổ chức HTTTKT o Xây dựng HTTTKT
o Đánh giá chất lượng HTTTKT
o Các nhân tố tác động đến chất lượng HTTTKT o Sử dụng HTTTKT
Trong 5 hướng nghiên cứu trên, sử dụng HTTTKT được đánh giá là nhóm đề tài ít được quan tâm nhất (Lương Đức Thuận và Nguyễn Xuân Hưng, 2019). Trong bài nghiên cứu này, tác giả tập trung vào các bài nghiên cứu liên quan đến sử dụng HTTTKT để làm rõ các vấn đề mà các tác giả đã thực hiện. Qua đó, nhằm xác định khe hổng nghiên cứu của đề tài.
Các nghiên cứu gần đây về sử dụng HTTTKT và ERP phải kể đến: Võ Thị Hiếu và Nguyễn Phong Nguyên (2017); Phạm Mỹ Nhựt và Nguyễn Bích Liên (2017);
Nguyễn Phước Bảo Ấn và cộng sự (2017); Phạm Trà Lam và Võ Văn Nhị (2018);
Nguyễn Xuân Hưng và Lương Đức Thuận (2018b); Lương Đức Thuận và Nguyễn Xuân Hưng (2019); Nguyễn Phước Bảo Ấn và Võ Văn Nhị (2019).
Trên cơ sở lý thuyết nguồn lực, Võ Thị Hiếu và Nguyễn Phong Nguyên (2017) đã nghiên cứu tác động của định hướng khách hàng và định hướng đối thủ cạnh tranh đến mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị với mục tiêu nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh. Tác giả khảo sát các nhà quản trị cấp trung và cấp cao tại 171 doanh nghiệp Việt Nam. Bằng công cụ PLS kết quả nghiên cứu cho thấy: (1)định hướng khách hàng có tác động thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng hệ thống thông tin kế toán ; (2) định hướng đối thủ cạnh tranh có tác động thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng hệ thống thông tin kế toán. Tác giả nghiên cứu hành vi sư dụng kế toán quản trị của nhà quản trị cấp cao và cấp trung.
Bằng cách sử dụng lại một phần mô hình hệ thống thông tin thành công cập nhật của DeLone và McLean (2003) gồm: (1) chất lượng hệ thống, (2) chất lượng thông tin, (3) chất lượng dịch vụ và thay thế nhân tố lợi ích ròng bằng (4) nhân tố lợi ích cá nhân. Đồng thời, bổ sung thêm (5) nhân tố văn hóa tổ chức vào mô hình nghiên cứu.
Phạm Mỹ Nhựt và Nguyễn Bích Liên (2017) đã chứng minh được cả 5 nhân tố trong mô hình nghiên cứu đề xuất đều có tác động trực tiếp và cùng chiều đến sự hài lòng của người sử dụng hệ thống thông tin kế toán. Trong đó, mức độ tác động của các nhân tố lần lượt theo thứ tự là: (1) chất lượng thông tin, (2) chất lượng hệ thống,
(3) lợi ích cá nhân, (4) chất lượng dịch vụ và (5) văn hóa tổ chức. Tác giả nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự hài lòng của người sử dụng HTTTKT.
Phạm Trà Lam và Võ Văn Nhị (2018) dựa trên các mô hình TAM, TTF, Xác nhận kỳ vọng (ECM), mô hình hệ thống thông tin thành công của Delone và McLean . Tập trung nghiên cứu về các nhân tố tác động đến cảm nhận kết quả công việc của nhân viên kế toán sử dụng hệ thống ERP. Nghiên cứu được thực hiện theo 2 giai đoạn nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức. Tác giả lập luận: trong số rất nhiều các nghiên cứu về TTF tác giả chỉ tìm thấy 1 nghiên cứu được hiện trong lĩnh vực kế toán. Kết quả nghiên cứu chính thức cho thấy cảm nhận về tính hữu ích của hệ thống ERP (PU), sự phù hợp giữa nhiệm vụ và công nghệ (TTF) và sự thỏa mãn trong công việc của nhân viên kế toán sử dụng hệ thống ERP lần lượt là các nhân tố có tác động theo thứ tự giảm dần đến cảm nhận kết quả công việc của nhân viên kế toán sử dụng hệ thống ERP.
Dựa trên nền tảng mô hình hệ thống thông tin thành công của Delone và McLean (D&M) và mô hình chấp nhận công nghệ (TAM), Nguyễn Phước Bảo Ấn và cộng sự (2017) đánh giá các yếu tố tác động đến hành vi sử dụng hệ thống ERP trong bối cảnh Việt Nam. Tác giả tiến hành thu thập dữ liệu từ 281 cá nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp có sử dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp và phân tích dữ liệu PLS-SEM. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
(1) Chất lượng hệ thống tác động cùng chiều đến nhận thức tính dễ sử dụng và nhận thức tính hữu dụng.
(2) Chất lượng thông tin có tác động cùng chiều đến nhận thức hữu dụng.
(3) Nhận thức tính dễ sử dụng tác động đến hành vi sử dụng ERP.
(4) Nhận thức tính dễ sử dụng có tác động cùng chiều đến nhận biết tính hữu dụng.
Tuy nhiên trong nghiên cứu này giả thuyết: “Nhận thức tính hữu dụng” có tác động cùng chiều đến” hành vi sử dụng hệ thống ERP” bị bác bỏ. Và đây là điểm khác biệt
của nghiên cứu (Nguyễn Phước Bảo Ấn và cộng sự, 2017). Tác giả đánh giá các yếu tố tác động đến hành vi sử dụng hệ thống ERP trong bối cảnh Việt Nam.
Cũng dựa trên nền tảng mô hình hệ thống thông tin thành công của Delone và McLean (D&M) và mô hình chấp nhận công nghệ (TAM). Nhưng Nguyễn Xuân Hưng và Lương Đức Thuận (2018b) lại đánh giá mối quan hệ của chất lượng HTTTKT và hành vi sử dụng HTTTKT ở các doanh nghiệp Việt Nam. Mẫu nghiên cứu gồm 357 đối tượng, đang làm việc ở các vị trí kế toán trong các doanh nghiệp. Dữ liệu được thu thập qua khảo sát bằng câu hỏi, sau đó được dùng để phân tích thống kê mô tả bằng kỹ thuật Cronbach's Alpha và kiểm định giả thuyết nghiên cứu bằng ký thuật CFA và mô hình SEM. Kết quả cho thấy:
(1) Chất lượng hệ thống thông tin kế toán tác động đến nhận thức tính hữu dụng và nhận thức tính dễ sử dụng hệ thống thông tin kế toán.
(2) Nhận thức tính hữu dụng tác động đến hành vi sử dụng hệ thống thông tin (3) Nhận thức tính dễ sử dụng hệ thống thông tin kế toán tác động đến nhận thức tính hữu dụng hệ thống thông tin kế toán.
Chỉ có nhận thức tính dễ sử dụng là không tác động đến hành vi sử dụng hệ thống thông tin kế toán.
Lương Đức Thuận và Nguyễn Xuân Hưng (2019) cũng dựa trên trên hai mô hình hệ thống thông tin thành công của Delone và McLean (D&M) và mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) nhưng bổ sung thêm lý thuyết hỗ trợ tổ chức nhằm xác định nhân tố tác động đến hành vi sử dụng hệ thống thông tin kế toán trong môi trường ứng dụng ERP trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện qua 2 giai đoạn: Nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức.
⎯ Nghiên cứu sơ bộ: có cỡ mẫu trong nghiên cứu sơ bộ là 104, mục đích là đánh giá thang đo (sử dụng kỹ thuật Cronbach’s Alpha ); kiểm tra giá trị hội tụ và giá trị phân biệt (sử dụng kỹ thuật EFA)
⎯ Nghiên cứu chính thức: với mẫu nghiên cứu là 230 kiểm tra mô hình có đạt yêu cầu và thang đo có đạt yêu cầu (sử dụng kỹ thuật CFA), đánh giá mô hình ( bằng CB_SEM)
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự tác động cùng chiều của chất lượng HTTTKT, huấn luyện đào tạo và sự giao tiếp đối với nhận thức tính hữu dụng và nhận thức tính dễ sử dụng HTTTKT và từ đó có tác động đến hành vi sử dụng HTTTKT. Cụ thể:
(1) Chất lượng HTTTKT, huấn luyện tác động đến hành vi sử dụng HTTTKT.
(2) Chất lượng HTTTKT, huấn luyện và đào tạo, sự giao tiếp đều tác động cùng chiều đến nhận thức tính dễ sử dụng.
(3) Chất lượng HTTTKT, huấn luyện và đào tạo có tác động cùng chiều đến nhận thức tính hữu dụng.
(4) Nhận thức tính hữu dụng và nhận biết tính dễ sử dụng đều tác động cùng chiều đến hành vi sử dụng HTTTKT.
(5) Nhận thức tính dễ sử dụng có tác động cùng chiều đến nhận thức tính hữu dụng của ERP.
Ngoài ra,Nguyễn Phước Bảo Ấn và Võ Văn Nhị (2019) xác định và đo lường tác động của các nhân tố tác động đến sự thành công của HTTTKT trong doanh nghiệp Việt Nam. Bài nghiên cứu kết hợp cả phương pháp định tính và phương pháp định lượng. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, tác giả xác định mô hình lý thuyết và thang đo các khái niệm nghiên cứu. Nghiên cứu định lượng được thực hiện qua 2 giai đoạn: nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức. Nghiên cứu cho thấy thang đo các khái niệm nghiên cứu đều có độ tin cậy cao và đạt được giá trị cần thiết. Nghiên cứu cũng cho thấy mô hình đo lường sự thành công của HTTTKT là mô hình đo lường phù hợp. Về tổng thể, mô hình đo lường trong nghiên cứu bao gồm 3 nhóm:
(1) Sự thành công của HTTTKT là kết quả;
(2) Các thành phần chấp nhận và sử dụng HTTTKT đóng vai trò truyền dẫn;
(3) Các nhân tố tác động đến sự thành công của HTTTKT.
Với thang đo đã được kiểm định là đủ điều kiện giá trị và có độ tin cậy, kết quả nghiên cứu có ý nghĩa góp phần hình thành thang đo cho các nghiên cứu về HTTTKT ở Việt Nam.
Phụ lục 4 Tổng kết các nghiên cứu liên quan hành vi sử dụng hệ thống thông tin tại Việt Nam
Tóm lại, các nghiên cứu về hành về hành vi sử dụng hệ thống thông tin kế toán gần đây thường dựa trên mô hình TAM, Delone và McLean và các lý thuyết khác. Tuy nhiên cùng nghiên cứu về hành vi sử dụng công nghệ và cùng dựa trên hai mô hình hệ thống thông tin thành công của Delone và McLean (D&M) và mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) nhưng hai bài nghiên cứu của Nguyễn Phước Bảo Ấn (2017) và Nguyễn Xuân Hưng & Lương Đức Thuận. (2018) lại cho những kết quả khác nhau.
Trong khi, Nguyễn Phước Bảo Ấn (2017) cho rằng nhận thức tính dễ sử dụng tác động đến hành vi sử dụng ERP còn Nguyễn Xuân Hưng và Lương Đức Thuận (2018b) lại cho rằng nhận thức tính dễ sử dụng là không tác động đến hành vi sử dụng hệ thống thông tin kế toán. Mặt khác, Nguyễn Xuân Hưng và Lương Đức Thuận (2018b) phát hiện ra rằng: nhận thức tính hữu dụng tác động đến hành vi sử dụng hệ thống thông tin còn Nguyễn Phước Bảo Ấn (2017) ngược lại. Tuy nhiên Lương Đức Thuận và Nguyễn Xuân Hưng (2019) và Nguyễn Phước Bảo Ấn (2019) lại cho rằng nhận thức về tính hữu ích, nhận thức về tính dễ sử dụng tác động đến sử dụng HTTT.
Mặt khác, vai trò của TTF cũng được chứng minh có tác động đến cảm nhận kết quả công việc của nhân viên kế toán (Phạm Trà Lam và Võ Văn Nhị, 2018).