Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực thực thi công vụ của cán bộ công chức cấp phường, xã trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh

Một phần của tài liệu Tăng cường năng lực thực thi công vụ của cán bộ công vụ tại các phường xã trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Bắc Ninh (Luận văn thạc sĩ) (Trang 70 - 79)

Chương 3. THỰC TRẠNG NĂNG LỰC THỰC THI CÔNG VỤ CỦA CÁN BỘ CÔNG CHỨC TẠI CÁC PHƯỜNG, XÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẨM PHẢ, TỈNH QUẢNG NINH

3.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực thực thi công vụ của cán bộ công chức cấp phường, xã trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh

Tuyển dụng công chức phường được xem là yếu tố đầu vào của công tác quản lý công chức, đóng vai trò quan trọng hình thành nên đội ngũ công chức phường có trình độ chuyên môn cao góp phần thực hiện tốt các nhiệm được giao trong quá trình thực thi công vụ. Trong những năm qua thành phố Cẩm Phả đã tiến hành tuyển dụng công chức cấp phường theo nguyên tắc

công khai, cạnh tranh công bằng trong công tác tuyển dụng, từ đó lựa chọn những công chức có trình độ và phẩm chất đạo đức tốt.

Đối với công chức phường việc tuyển dụng được áp dụng theo Nghị định112/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công chức phường, xã, thị trấn.

UBND phường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyển dụng công phường hàng năm theo từng chức danh, báo cáo UBND thành phố Cẩm Phả thực hiện theo đúng quy chế tuyển dụng của UBND tỉnh Quảng Ninh và các Nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ ngành có liên quan. Theo quy định tại điều 7, Nghị định12/2011/NĐ-CP của Chính phủ, đối với các chức danh Văn hóa - Xã hội, Văn phòng - Thống kê, Địa chính - Xây dựng - Nông thôn và Môi trường, Tài chính - Kế toán, Tư pháp - Hộ tịch thực hiện việc tuyển dụng thông qua thi tuyển.

Bảng 3.11: Quy mô và hình thức tuyển dụng CBCC cấp phường, xã trên địa bàn thành phố Cẩm Phả giai đoạn năm 2015-2017

Đvt: người Tiêu chí Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017

1. Quy mô tuyển dụng 9 10 7

2. Hình thức tuyển dụng

- Thi tuyển 7 7 4

- Xét tuyển 2 3 3

(Nguồn: Phòng Nội vụ thành phố Cẩm Phả)

Trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay, quy mô tuyển dụng CBCC phường tại TP Cẩm Phả biến động, số lượng tuyển đúng với đề án vị trí việc làm, ở các vị trí khác nhau chỉ tuyển 01 chỉ tiêu/năm. Trong giai đoạn 2015- 2017, quy mô giảm, năm 2015 tuyển 9 người, năm 2016 tuyển 10 người, năm 2017 tuyển 7 người. Hình thức tuyển dụng chủ yếu là thi tuyển, số lượng xét tuyển chỉ dành cho đối tượng là cán bộ chủ chốt hoặc cán bộ quản lý. Như vậy, quy mô và nguồn tuyển ảnh hưởng tích cực đến năng lực thực thi cán bộ

công chức cấp phường, thi tuyển tạo ra sự cạnh tranh, người được tuyển phải đào sâu kiến thức, vận dụng linh hoạt tình huống trong bài thi tình huống, xét tuyển dành cho cán bộ chủ chốt, người đã có kinh nghiệm về chuyên môn, quản lý sẽ tạo ra sự thuận lợi khi thực thi công vụ.

3.3.2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp phường

Trong thời gian qua, chính sách về đào tạo bồi dưỡng công chức phường đã được nhà nước, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Cẩm Phả chú trọng, tập trung nguồn kinh phí khá lớn dành cho công chức học tập nâng cao trình độ, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, đóng góp đáng kể trong việc nâng cao năng lực công chức phường. Năng lực công chức xã ngày càng nâng lên nhờ được đào tạo, bồi dưỡng cả về trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm công tác và năng lực thực thi công vụ. Qua khảo sát cho thấy 100% công chức xã đều có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng về trình độ trình chuyên môn nghiệp vụ chính trị, quản lý nhà nước. Điều này cũng dễ hiểu, vì đây là điều kiện để đảm bảo việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, đồng thời là cơ sở để chuyển ngạch, nâng ngạch… là cơ sở, động lực cho công chức xã phấn đấu.

Bảng 3.12: Kết quả khảo sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cho CBCC cấp phường, xã trên địa bàn thành phố Cẩm Phả

Tiêu chí Số lượng

(người)

Tỷ lệ (%)

Được tham gia các lớp đào tạo 26 21,85

Có cơ hội thăng tiên sau đào tạo 24 20,17

Đào tạo đáp ứng được công việc 42 35,29

Công tác luân chuyển cán bộ thướng xuyên, nghiêm túc 17 14,29 Quá trình đề bạt, bổ nhiệm công khai, đúng quy trình 10 8,4

Tổng 119 100

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra của tác giả)

Kết quả khảo sát cho thấy, bản thân CBCC được tham gia các lớp đào tạo chiếm 21,85% ý kiến, ngoài các lớp đào tạo nghiệp vụ 3-6 tháng, các lớp đào tạo dài hạn (2-3-4 năm) như học liên thông, học sau đại học, đại học CBCC phường đều cân nhắc lựa chọn. Tiêu chí “Đào tạo đáp ứng được công việc” chiếm 35,29% ý kiến, đây là hoạt động nâng cao chuyên môn rõ rệt nhất nên kiến thức áp dụng cập nhật giúp ích rất nhiều cho CBCC phường trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiện nay chính sách về đào tạo, bồi dưỡng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công chức phường, nhất là số lượng, đối tượng cử đi tham gia các lớp đào, tạo, bồi dưỡng thường luân phiên trong năm. Như vậy, đào tạo và bồi dưỡng là nhân tố quyết định lớn đến chất lượng công việc và năng lực thực thi công vụ của CBCC cấp phường thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

3.3.3. Công tác sử dụng cán bộ công chức

Việc bố trí sử dụng công chức xã là khâu quan trọng trong công tác đánh giá năng lực công chức xã. Đây là cơ sở cho việc tạo động lực mạnh mẽ, động viên mỗi công chức xã cống hiến sức lực, tài trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc bố trí, sử dụng không đúng năng lực, sở trường và không chính xác có thể dẫn đến sử dụng công chức một cách tùy tiện, làm mất đi động lực phấn đấu của từng công chức xã, thậm chí có khi làm xáo trộn tâm lý của cả một tập thể, gây nên sự trầm lắng, trì trệ trong công việc.

Bảng 3.13: Kết quả khảo sát công tác sử dụng CBCC cấp phường, xã trên địa bàn thành phố Cẩm Phả

Tiêu chí Số lượng (người) Tỷ lệ (%)

Rất hài lòng 11 9,24

Hài lòng 63 52,94

Bình thường/Trung bình 41 34,45

Không hài lòng 5 4,2

Rất không hài lòng 2 1,68

Tổng 119 100

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra của tác giả)

Kết quả cho thấy đa số CBCC phường hài lòng với vị trí công việc hiện tại của mình, có 52,94% ý kiến; số lượng CBCC có ý kiến bình thường là 34,45%, rất hài lòng chiếm 9,24%; 4,2% ý kiến không hài lòng và 1,68% ý kiến rất không hài lòng. Các công việc của cán bộ chủ yếu nhận nhiệm vụ của cấp trên chỉ đạo thực hiện, nên công việc không có áp lực lớn cho tâm lý và sức khỏe. Như vậy, hiện nay công tác bố trí, sử dụng công chức phường vẫn chưa đảm bảo yêu cầu của công chức phường nhất là việc bố trí sử dụng không phù hợp với chuyên môn, sở trường còn diễn ra ở một số CBCC cấp phường.

3.3.4. Chính sách tiền lương và chế độ ưu đãi

Tiền lương và phụ cấp của công chức xã hiện nay đều được hưởng theo hệ số quy định trong mỗi chức danh, đồng thời họ có thêm thu nhập từ các khoản thu, chi của cơ quan trên cơ sở các văn bản pháp luật quy định, hoặc từ công việc họ đảm nhiệm (nếu có). Tiền lương của công chức xã sẽ thay đổi từ việc thi nâng bậc, nâng ngạch (khi đạt kết quả), từ việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (nâng lương trước thời hạn theo quy định). Ở nước ta hiện nay, các mức lương quá chật hẹp và ngạch bậc được thiết kế chưa khoa học. Giữa hệ thống tiền lương và hiệu quả công việc có mối quan hệ lỏng lẻo. Mức thu nhập từ lương của công chức chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu đời sống của bản thân và gia đình. Việc trả lương không phản ánh đúng năng lực của mỗi công chức, nhất là chưa tương xứng với năng lực và kết quả làm việc của những người có năng lực thật sự.

Bảng 3.14: Kết quả khảo sát về chính sách tiền lương và chế độ ưu đãi cho CBCC cấp phường, xã trên địa bàn

thành phố Cẩm Phả

Tiêu chí Số lượng Tỷ lệ (%)

1. Đánh giá mức độ hài lòng

Rất hài lòng 12 10,08

Hài lòng 61 51,26

Bình thường/Trung bình 39 32,77

Không hài lòng 4 3,36

Rất không hài lòng 3 2,52

2. Phương pháp trả lương

Trả lương theo hệ số ngạch/bậc 8 6,72

Trả lương theo mức độ quan trọng của công việc 47 39,5

Trả lương theo kết quả làm việc 56 47,06

Không quan tâm 8 6,72

Tổng 119 100

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra của tác giả)

Đánh giá mức độ hài lòng của CBCC cấp phường chỉ có 51,26% hài lòng, 32,77% bình thường, 10,08% ý kiến rất hài lòng; 3,36% không hài lòng và 2,52% rất không hài lòng. Mức lương cơ sở của cán bộ, công chức hiện nay là 1.300.000đ/tháng có sự tăng dần theo lộ trình hàng năm, tuy nhiên, tính đến nay mức lương tối thiểu chung trong khu vực hành chính, cơ quan đảng, đoàn thể còn rất thấp, chưa đủ để bù đắp giá trị sức lao động và đảm bảo cuộc sống tối thiểu so với mặt bằng xã hội; chưa thật sự trở thành động lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phát huy hết năng lực sở trường trong công tác; thấp hơn hẳn khu vực tư nhân.

Bản thân cán bộ công chức cấp phường tại TP Cẩm Phả mong muốn được trả lương theo kết quả làm việc, ý kiến này chiếm 47,06%, trả lương theo mức độ quan trọng công việc có 39,5% ý kiến tán thành. Số lượng cán bộ cho ý kiến trả lương theo hệ số ngạch/bậc chỉ chiếm 6,72%, cho thấy bản thân họ mong muốn mức tiền lương và ưu đãi cho bản thân mình được thay đổi.

Như vậy, chính sách tiền lương có ảnh hưởng rất lớn đến năng lực thực thi công vụ của CBCC cấp phường thành phố Cẩm Phả. Đây là nhân tố tạo ra lực kéo giúp khẳng định chất lượng, tiến độ và hiệu quả tạo ra hiệu quả làm việc của CBCC cấp phường.

3.3.5. Công tác quản lý, đánh giá cán bộ công chức

Trong những năm qua, việc quản lý, đánh giá, phân loại công chức phường tại thành phố Cẩm Phả luôn tiến hành đảm bảo theo quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo phẩm chất và năng lực của mỗi công chức phường để qua đó có cơ sở tiến hành đề bạt, bổ nhiệm những người có trình độ năng lực thực sự, có phẩm chất đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có ý thức tổ chức kỷ luật. Tuy nhiên, việc quản lý đánh giá, phân loại công chức phường hiện nay theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Nghị định số24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức chưa thể hiện một cách toàn diện các tiêu chí đánh giá, phân loại công chức, điều này phản ánh qua kết quả điều tra mức độ hài lòng của công chức phường tại thành phố Cẩm Phả như sau:

Bảng 3.15: Kết quả khảo sát về công tác quản lý, đánh giá CBCC cấp phường, xã trên địa bàn thành phố Cẩm Phả

Các tiêu chí Số lượng Tỷ lệ (%)

Rất hài lòng 15 12,61

Hài lòng 57 47,9

Bình thường/Trung bình 33 27,73

Không hài lòng 13 10,92

Rất không hài lòng 1 0,84

Tổng 119 100

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra của tác giả)

Kết quả khảo sát cho thấy, CBCC cấp phường TP Cẩm Phả đưa ra ý kiến đánh giá là hài lòng chiếm 47,9%, ý kiến bình thường chiếm 27,73%, ý kiến rất hài lòng chiếm 12,61%, ý kiến không hài lòng chiếm 10,92%. Do việc đánh giá phân loại và quản lý công chức hiện nay còn mang tính chung chung, công tác kiểm tra giám sát còn chưa thường xuyên. Chính vì thế, việc đánh giá phân loại và quản lý công chức hàng năm phải lấy tiêu chí đánh giá kết quả làm việc đồng thời gắn với công tác kiểm tra, giám sát hàng năm làm tiêu chí quan trọng nhất. Thông qua đó làm căn cứ cho việc bình xét thi đua, khen thưởng; phân phối thu nhập và khoán chi phí hành chính trong cơ quan, đơn vị, từ đó góp phần nâng cao năng lực thực thi công vụ công chức phường tại thành phố Cẩm Phả.

3.3.6. Môi trường làm việc của cán bộ công chức

Các cán bộ công chức phường ở thành phố Cẩm Phả được tạo môi trường công tác và điều kiện làm việc hợp lý như: không khí làm việc dân chủ, công khai, minh bạch; phương tiện làm việc, điều kiện thông tin nhanh, kịp thời, đầy đủ. Hầu hết đội ngũ công chức đều được trang bị những phương tiện cơ bản phục vụ cho quá trình làm việc, giúp công chức xã nâng cao trình độ, làm việc nhanh và kịp thời, hoàn thành tốt công việc được giao. Điển hình, các phường tại thành phố Cẩm Phả được đầu tư xây dựng, nâng cấp phòng làm việc, lắp đặt các thiết bị cần thiết, kết nối hệ thống mạng internet, bố trí mỗi công chức phường 01 máy vi tính...

Bảng 3.16: Kết quả khảo sát về công tác quản lý, đánh giá CBCC cấp phường, xã trên địa bàn thành phố Cẩm Phả

Các tiêu chí Số lượng Tỷ lệ (%)

Được trang bị phương tiện làm việc 47 39,5

Không gian làm việc đảm bảo 35 29,41

Quy trình làm việc rõ ràng 20 16,81

Nội quy, quy chế đảm bảo thực thi 17 14,29

Tổng 119 100

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra của tác giả)

Qua khảo sát cho thấy, các CBCC phường TP Cẩm Phả đánh giá tiêu chí “Được trang bị phương tiện làm việc” chiếm 39,5%, tiêu chí “Không gian làm việc đảm bảo” chiếm 29,41%; tiêu chí “Quy trình làm việc rõ ràng”

chiếm 16,81% và tiêu chí “Nội quy, quy chế đảm bảo thực thi” chiếm 14,29%. Bên cạnh đó, các hoạt động thể dục, thể thao và văn hóa nghệ thuật luôn được huyện quan tâm thường xuyên, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Qua đó đã góp phần nâng cao thể lực, tạo mối quan hệ đoàn kết, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đây chính là tiền đề quan trọng xây dựng thành phố Cẩm Phả ngày càng phát triển. Điều này, thể hiện qua kết quả khảo sát đa số các ý kiến đều hài lòng với điều kiện và môi trường làm việc hiện nay.

3.3.7. Các yếu tố từ người lãnh đạo quản lý

Khi người lãnh đạo trong cơ quan có phong cách làm việc dân chủ, công bằng, công tâm, biết lắng nghe, chia sẻ và quan tâm quan tâm tới đời sống của công chức phường sẽ góp phần tạo ra động lực làm việc rất lớn cho công chức phường, nhất là vào những thời điểm khó khăn, mang tính quyết định. Người lãnh đạo có thể đem lại nguồn cảm hứng tinh thần làm việc hăng say đối với mỗi công chức trong cơ quan và cũng có thể làm cho không thí làm việc trở nên nặng nề và kìm hãm tính năng động, sáng tạo và tinh thần làm việc của công chức phường trong quá trình thực thi công vụ.

Bảng 3.17: Kết quả khảo sát sự hài lòng người lãnh đạo quản lý CBCC cấp phường, xã trên địa bàn thành phố Cẩm Phả

Các tiêu chí Số lượng Tỷ lệ (%)

Rất hài lòng 9 7,56

Hài lòng 71 59,66

Bình thường/Trung bình 33 27,74

Không hài lòng 6 5,04

Rất không hài lòng 0 0

Tổng số 119 100

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra của tác giả)

Kết quả khảo sát cho thấy, CBCC cấp phường Thành phố Cẩm Phả có mức độ hài lòng đối với người lãnh đạo quản lý cao, chiếm 59,66% ý kiến, 27,74% ý kiến đánh giá bình thường và 0% ý kiến rất không hài lòng. Bên cạnh đó vẫn còn một số thủ trưởng UBND phường còn tình trạng lơ là trong công việc, thiếu kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc công việc của cấp dưới khi được phân công; còn độc đoán, chuyên quyền, thiếu dân chủ… nên làm cho việc quản lý chưa hiệu quả, dễ gây ra những tiêu cực trong tâm lý đối với công chức xã trong quá trình thực thi công vụ. Nhìn chung, người lãnh đạo quản lý thể hiện là người có tâm, tầm, là tấm gương cho CBCC học tập, đây là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thực thi công cụ của cán bộ công chức cấp phường thành phố Cẩm Phả.

Một phần của tài liệu Tăng cường năng lực thực thi công vụ của cán bộ công vụ tại các phường xã trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Bắc Ninh (Luận văn thạc sĩ) (Trang 70 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)