Kế hoạch học tập của sinh viên trong đào tạo theo học chế tín chỉ

Một phần của tài liệu Phát triển kỹ năng lập kế hoạch học tập cho sinh viên đại học trong đào tạo theo học chế tín chỉ (Trang 29 - 39)

1.2.2.1. Khái niệm kế hoạch, kế hoạch học tập và kế hoạch học tập trong ĐTTC a. Khái niệm Kế hoạch

Theo Từ điển Tiếng Việt của Hồ Ngọc Đức [120], kế hoạch là toàn thể những việc dự định làm gồm các hoạt động cần thực hiện trong một thời gian nhất định được sắp xếp có hệ thống với nguồn lực cần thiết nhằm đạt được một hay nhiều mục đích.

Trong lý luận quản lý cũng như trong thực tế, khái niệm «kế hoạch» gắn bó chặt chẽ với các khái niệm cùng nhóm như: Chiến lược, chính sách, chương trình, v.v. giữa chúng có nhiều điểm chung và cũng có sự khác biệt nhất định.

Chiến lược: Thông thường chiến lược gắn liền với đường lối có mục tiêu, hướng đích, những mục tiêu dài hạn, phương hướng lớn, nguồn lực tổng hợp và quan trọng. Chiến lược gắn liền với chính sách, chương trình hành động:

Nhìn chung, chiến lược là một KH dự báo có tính tổng quát, tuy không vạch ra một cách chính xác làm thế nào để đạt mục tiêu, nhưng cho biết một bộ khung để hướng dẫn tư duy và hành động của các chủ thể. Vì thế, chiến lược là một loại KH đặc biệt, có tính chủ động và sáng tạo.

Các chính sách: Là một dạng KH theo nghĩa chúng là những điều khoản, hoặc những quy định hướng dẫn hoặc khai thông những ách tắc và tập trung vào những nhiệm vụ ưu tiên. Các chính sách giúp cho việc giải quyết các vấn đề được thuận lợi hơn và giúp thống nhất các KH khác nhau.

Các chương trình: Cũng là một dạng KH đặc biệt, gồm một phức hệ của các mục tiêu, chính sách, các nhiệm vụ và các hành động, các nguồn lực cần thiết để thực hiện một chương trình hành động được xác định từ trước.

Các chiến lược, chính sách, chương trình đến lượt chúng lại được cụ thể hóa theo từng lĩnh vực, từng cấp độ mục tiêu .... Từ đó, có các loại KH cụ thể hơn, ví dụ: Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2011- 2020, sau đó, sẽ

được cụ thể theo từng giai đoạn 2013- 2015 và giai đoạn 2016- 2020 và được cụ thể hóa theo từng lĩnh vực. Đó là chiến lược cấp quốc gia. Ở các cấp thấp hơn lại cụ thể hệ hóa thành một hệ thống KH cụ thể ở từng địa phương (tỉnh, huyện), từng ngành học (Sở, phòng, bộ phận phụ trách), và từng đơn vị...

Theo chúng tôi, kế hoạch là một tập hợp những hành động được sắp xếp theo lịch trình, có thời hạn, thể hiện các nguồn lực, ấn định những mục tiêu cụ thể và lựa chọn các biện pháp phù hợp nhất để thực hiện có hiệu quả một mục tiêu hoạt động đã đề ra.

Luận án này chỉ xem xét các loại và các mức độ của khái niệm kế hoạch cá nhân. Ở dạng đơn giản nhất, KH chính là suy nghĩ của bản thân về những gì sẽ làm [68]. Thường thì KH phải linh hoạt, cho phép sử dụng một loạt các chiến lược có thể giúp đạt được mục tiêu của mình. KH có thể dài kì, trung kì, hay ngắn kì tùy theo các hoạt động.

b. Khái niệm Kế hoạch học tập

Trong hình học cơ bản, khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm là một đường thẳng. Trong quá trình học tập cũng vậy, vị trí hiện tại là một điểm, vị trí tương lai SV muốn đạt được là một điểm khác và làm sao đi từ điểm này tới điểm kia càng nhanh, càng có hiệu quả càng tốt. KHHT cá nhân sẽ là “bản vẽ cho tư duy” là bản hướng dẫn rõ ràng , hướng tới mục tiêu học tập và giúp người đó thực hiện mục tiêu một cách hiệu quả. Để đạt được mục tiêu học tập cần thiết phải có những hành động nhất định.

L. Pasteur có nói: “May mắn chỉ đến với những đầu óc đã sẵn sàng” [theo 68 tr. 43]. Khi dạy trẻ cách lập KH là ta dạy chúng suy nghĩ về những gì chúng đang làm, dạy chúng chuẩn bị tốt nhất để đạt được thành công trong học tập [68, tr. 43].

Như vậy, từ cách hiểu về KH ở trên, có thể xác định: Kế hoạch học tập là

một tập hợp những hành động học của người học được sắp xếp theo lịch trình, có thời hạn, thể hiện các nguồn lực, ấn định những mục tiêu cụ thể và xác định biện pháp phù hợp nhất để thực hiện hiệu quả mục tiêu hoạt động học tập đã đề ra.

c. Khái niệm Kế hoạch học tập trong đào tạo theo học chế tín chỉ

Trong ĐTTC, bắt buộc SV phải có KHHT của cá nhân. Tuy nhiên, tính chất và ý nghĩa của khái niệm “KHHT trong ĐTTC” được hiểu khác nhau và trên thực tế càng khác xa nhau về hình thức biểu hiện, về mức độ chủ động của người học và từ đó, dĩ nhiên là rất khác nhau về hiệu quả của nó đối với kết quả học tập.

Theo đúng ngữ nghĩa của khái niệm “KH” và “KHHT” (mục a, b mục 1.2.2.1), khi nhận thức được vị trí hiện tại và mục đích muốn đạt tới, KHHT là con đường sẽ đi và là bản thiết kế tối ưu nhằm hiện thực hóa các mục tiêu học tập, tạo nên “bộ khung làm việc” cho hành động, giúp tránh những sai sót, đồng thời tận dụng những yếu tố nội lực chủ chốt, cũng như sự trợ giúp từ bên ngoài để người học đạt được kết quả học tập mong đợi, góp phần phát triển phẩm chất và NL bản thân.

Tuy nhiên, cả trong lý luận và trên thực tế đào tạo có thể và cần thiết phải phân biệt về mức độ và cũng là sự khác biệt về tính chất đặc thù của KHHT trong ĐTTC và KHHT trong đào tạo theo niên chế.

Theo quan điểm của Norman G. R. và Schidmit [105], KHHT của SV có thể có nhiều hình thức và mức độ khác nhau, có thể là bản KH chuẩn, hoặc có thể đơn giản chỉ là việc ghi chép vào một tờ giấy, tấm thẻ, hay tự hoạch định trong đầu những công việc sẽ làm trong ngày, trong tuần hay trong tháng tới; Hay, theo Robert Fisher [68], thông thường các cấp độ của KHHT của SV chủ yếu và phổ biến ở mức “Lập KH một cách vô thức”, hoặc không có KH; Một số ít hơn có thể biết lập KHHT ở mức “KH cụ thể” và có rất ít SV biết về “Lập KH chiến lược cho học tập”.

Xem xét trên thực tế, qua nhiều ý kiến trên các diễn đàn và qua một số nghiên cứu cũng cho thấy: Đa số SV “lập KHHT” trong ĐTTC cho kỳ học của mình hoàn toàn dựa trên lịch học của nhà trường (khoa, lớp), song thực chất đó mới chỉ là các dạng khác nhau của “Thời khóa biểu”, hoặc một “Thời gian biểu”; hoặc khá hơn, thì đó mới chỉ là một thời gian biểu cho công việc học tập trong

một thời gian cụ thể, tức là một phần của một KHHT trong ĐTTC, chứ chưa phải là KHHT trong ĐTTC đúng nghĩa. Bởi hầu hết trong đó, SV chưa hề gắn việc xác định rõ các mục tiêu học tập, xác định rõ các nguồn lực…với việc định ra “KHHT” của họ.

Theo chúng tôi, KHHT của SV trong ĐTTC, ngoài những yêu cầu chung của KHHT, phải đảm bảo một số yêu cầu sau đây:

- Là loại KHHT được SV chủ động thiết lập, gắn liền với (và thể hiện trong KH) các mục tiêu học tập của bản thân, xác định được các nguồn lực và điều kiện thực hiện… được tính toán và điều tiết phù hợp nhất với bản thân trong một quá trình học tập xác định trong thời gian của một khóa học (course of disciplines), hoặc ít nhất cũng là một kỳ học (semester, course), hoặc quá trình học 1 môn học (disciplines, module);

- Là một “Chương trình hành động” cá nhân gồm các giai đoạn triển khai cụ thể, cũng như các mối quan hệ, các công việc phải xử lý… để đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu và phương án được lựa chọn.

- Không chỉ là một ”bản KH” duy nhất, KHHT thực chất là một “tập hợp” của nhiều bản KH cụ thể cho từng giai đoạn, cho từng công việc. Mặt khác, KHHT thực sự không chỉ lập ra, viết ra một lần là xong mà còn được bổ xung, điều chỉnh… gắn liền với quá trình triển khai thực hiện nó trong thực tế.

Điều này, thực ra đã được khẳng định trong các nghiên cứu về “học tập tự điều tiết”, khi hai tác giả Billie Eilam và Irit Aharon cho rằng: SV có những điểm số tốt hơn trong những lĩnh vực mà họ áp dụng các KN tự điều tiết. Các KN này bao gồm: KN xác lập mục tiêu, lập KH hành động, xem xét các khả năng thay thế, theo dõi và đánh giá kết quả, điều chỉnh lại KH để cải thiện tiến độ công việc.... [95]. Như vậy, theo Eilam và Aharon, KHHT không chỉ có ý nghĩa đơn giản là một thời khóa biểu, mà là một chương trình hành động phức hợp gồm nhiều KN phải thực hiện, giúp đem lại kết quả cao trong học tập,.

Ví dụ, KHHT theo tuần, dù là ở mức cụ thể nhất, thực chất không phải chỉ là một bản KHHT duy nhất, bởi nó chỉ là một phần cụ thể hóa của một KHHT để thực hiện một mục tiêu học tập lớn hơn (của một KHHT môn học, hoặc của một KHHT theo học kỳ…). Cũng như thế, bản KHHT theo tuần đó lại gồm một số KH cụ thể hơn để thực hiện một số công việc đã sắp xếp để thực hiện trong tuần đó.

Tương tự, KHHT theo học kỳ, cũng không phải là bản KHHT duy nhất, bởi nó chỉ là một phần cụ thể của một KHHT năm học, của KHHT toàn khóa. Cũng như thế, bản KHHT học kỳ chỉ có thể thực hiện được các mục tiêu và nội dung của nó khi được SV cụ thể hóa thành các KHHT theo từng tuần và gắn với việc thực hiện KHHT theo môn học…

Từ những phân tích và lập luận trên đây, luận án xác định KHHT của SV trong ĐTTC như sau:

Kế hoạch học tập trong ĐTTC là một loại chương trình hành động cá

nhân, được mỗi SV suy xét và tự lực thiết lập phù hợp với mục tiêu học tập, các nguồn lực và điều kiện của bản thân để chủ động thực hiện các hoạt động học tập theo tiến độ tích lũy khối lượng tín chỉ nhất định, với một kỳ học nhất định, đồng thời dựa vào đó, có thể giúp SV đó hoàn thành tối ưu chương trình học tập.

Khác với quan niệm thông thường về KHHT, KHHT trong ĐTTC thực sự là một chương trình hành động tích cực của cá nhân, được mỗi SV tính toán kĩ lưỡng về các mục tiêu, các phương pháp/ biện pháp học tập phù hợp với sự nỗ lực cao nhất, để trên cơ sở đó, người học (SV) tự thiết kế, tự tổ chức và quản lý việc thực hiện quá trình học tập của mình trong một khoảng thời gian học tập xác định (một tuần học, một kỳ học, hay một năm học, khóa học).

Với ý nghĩa đó, trong ĐTTC, các KHHT được SV lập ra vừa là công cụ, vừa là mục tiêu phát triển NL mà người học cần phải đạt được. Các KHHT đó cũng không phải chỉ là một bản KHHT duy nhất mà SV thiết kế được và càng không phải chỉ là các thông tin của “bản đăng kí tiến độ học tập” nộp cho khoa, cho PĐT.

1.2.2.2. Đặc điểm, vai trò của kế hoạch học tập trong ĐTTC a. Đặc điểm của kế hoạch học tập trong ĐTTC

 Quá trình lập KHHT chính là quá trình cá nhân SV thu thập và xử lý thông tin liên quan về mục tiêu, các nguồn lực, các phương án thực hiện và sự lựa chọn để có được một Chương trình hành động tối ưu cho mình. Vì thế, nội dung của KHHT là sự chắt lọc thông tin từ thực tế, từ các yêu cầu đặc trưng của Chương trình môn học, của giới hạn thời gian đào tạo... mà không chỉ phản ánh thuần tuý nguyện vọng của người học.

 Các KHHT khi đã được thông qua luôn đòi hỏi các chủ thể có liên quan có nghĩa vụ thực hiện tối đa và tối ưu các mục tiêu và nội dung của KH.

 KHHT trong ĐTTC là một loại KH mở, linh hoạt, sáng tạo bởi vì nó phụ thuộc vào NL học tập của SV, phụ thuộc vào nhu cầu học tập và nguồn lực đáp ứng nhu cầu học tập của SV, nó dựa vào những điều đang xảy ra và những điều dự đoán sẽ xảy ra trong tương lai. Ví dụ khi SV thấy có nguy cơ bị cảnh báo hoặc dừng tiến độ học tập, nếu không điều chỉnh KHHT thì buộc SV phải có chiến lược cá nhân để thay đổi vv... Bởi vậy, một mặt, SV cố gắng định hình Chương trình hành động của mình; đồng thời, luôn sẵn sàng để thay đổi và cập nhật thường xuyên các sự kiện mới, hoặc hoàn cảnh mới đã thay đổi… KHHT phải được sử dụng như một bản hướng dẫn chính xác trong bất kỳ hoàn cảnh hiện tại nào, chứ không phải như một bản cam kết cứng nhắc không thể thay đổi. Một khi KHHT không hiệu quả như mong đợi, SV có thể điều chỉnh nó để thích ứng với những thay đổi trong quá trình đào tạo và sự thay đổi của các điều kiện thực hiện (thời gian, nguồn lực...);

 KHHT theo học chế TC của SV đa dạng, phong phú bao gồm KHHT trên lớp, KH tham gia các nhiệm vụ của nhóm, KH tự học cá nhân để hoàn thành những nhiệm vụ tự học, chuẩn bị bài tập thực hành, xeminar vv... KH bài học, KH theo chủ đề, KH theo chương trình môn học, KH theo chương trình đào tạo, KH học vượt, học cải thiện nâng điểm, học lại, học liên thông để nhận hai bằng.

 Mặc dù có sự tham gia của nhiều thành tố và luôn phải tính đến các thay đổi, song các KHHT cần có sự ổn định tương đối, ít nhất là với một thời gian xác định và các điều kiện cơ bản ổn định. Nhờ đó, KHHT cho phép chủ thể dựa trên các tính toán và thiết kế cần thiết để thực hiện mục tiêu học tập đã đề ra. Các KHHT được gọi là KHHT tốt phải được trình bày rõ ràng và logic. KHHT phải cho biết cụ thể làm gì? Ở đâu? Phối hợp với ai? Tiêu chuẩn đánh giá gì? Có thể điều chỉnh thế nào?...

b. Vai trò của kế hoạch học tập trong ĐTTC đối với SV

Không có KH, nhà quản lý và các nhân viên của họ sẽ rất khó đạt được mục tiêu của mình, họ không biết khi nào và ở đâu cần phải làm gì.

Lập KH là khâu đầu tiên, là chức năng quan trọng của quá trình quản lý và là cơ sở để thúc đẩy hoạt động có hiêụ quả cao, đạt được mục tiêu đề ra. KH cho biết phương hướng các hoạt động trong tương lai, làm giảm sự tác động của những thay đổi từ môi trường, tránh được sự lãng phí nguồn lực và thiết lập nên những tiêu chuẩn thuận tiện cho việc thực hiện mục tiêu có hiệu quả và cho công tác kiểm tra.

Theo đó, trong ĐTTC, KHHT của SV: Giúp CVHT theo dõi và quản lý được quá trình học tập của SV, nhằm kịp thời điều chỉnh và hỗ trợ cho SV; Giúp PĐT thống kê được nhu cầu học tập của SV trên từng học phần, phục vụ cho công tác mở lớp, nhóm học phần; Cung cấp thông tin để xét tốt nghiệp cho SV.

Đối với SV, nếu SV không có KHHT cho bản thân mình thì họ không thể xác định được rõ mối quan hệ giữa các mục tiêu cần phải đạt tới với NL thực tế của mình. Không có KHHT, SV sẽ không có thời gian biểu cho các hoạt động của mình, không có được các điểm tựa để nỗ lực và cố gắng hết mình đạt được các mục tiêu học tập. Không có KHHT, việc đạt được mục tiêu học tập (và kết quả học tập) của mỗi SV sẽ là không cao, thậm chí không thể đạt được kết quả và hiệu quả mong muốn.

Dẫn đường cho những quyết định và hành động của SV

Học tập là công việc quan trọng nhất đối với SV nhưng không phải tất cả SV có ý thức được điều đó, hoặc có ý thức song không thể thực hiện với hiệu

Một phần của tài liệu Phát triển kỹ năng lập kế hoạch học tập cho sinh viên đại học trong đào tạo theo học chế tín chỉ (Trang 29 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)