Quan niệm về đảng chính trị

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa soka gakkai với các chính đảng nhật bản từ 1930 đến nay (Trang 20 - 23)

Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.1. Những khái niệm liên quan

1.1.2. Quan niệm về đảng chính trị

Trong lĩnh vực học thuật có rất nhiều định nghĩa về đảng chính trị. Các tác giả phương Tây như Anson (1896, tr. 68) định nghĩa (tạm dịch): “Đảng chính trị là một tổ chức lâu dài, ở hình thức đơn giản nhất, bao gồm một nhóm công dân

18

duy nhất được thống nhất bởi các nguyên tắc chung, nhưng ở các hình thức phức tạp hơn, gồm hai hoặc nhiều nhóm như vậy được gắn kết với nhau bằng sự liên kết yếu hơn của một chính sách chung; và, trái với quan điểm thường được hiểu, đảng chính trị quan tâm tới các lợi ích của họ và việc hiện thực hóa các lý tưởng, không phải của tất cả mọi người mà chỉ của một nhóm hoặc các nhóm cụ thể mà nó đại diện”.

Theo nhà nghiên cứu chính trị người Mỹ Aldrich (1995, tr. 58): “Một đảng chính trị là một tổ chức tập thể, những cá nhân trong này phải đối mặt với tình thế: buộc phải hành động chung tuy nhiên lại luôn xảy ra xung đột lợi ích cá nhân, trong quá trình hình thành và duy trì đảng chính trị... Các đảng phái chính trị là "giải pháp" cụ thể. Nó phải là những thể chế đang tồn tại lâu dài, hoặc ít nhất mà các chính trị gia mong đợi sẽ tồn tại lâu dài, nếu nó muốn thành công trong việc thực hiện các mục tiêu của mình”. Qua những nội dung trên ta có thể hiểu theo định nghĩa của Aldrich thì đảng chính trị là một thực thể mang tính tập thể được hình thành để đạt được những mục tiêu chính trị nào đó.

Tham khảo quan điểm của Chhibber (2004, tr. 61): “Thành phần nền tảng của đảng chính trị là các ứng cử viên tranh cử tại các khu vực bầu cử”. Với quan điểm này, ta có một cách hiểu hẹp hơn về đảng chính trị, đó là đảng chính trị chỉ là một nhóm những người đứng ra tranh cử dưới danh nghĩa một tập thể mà đó chính là đảng.

Lý thuyết của các học giả trong nghiên cứu của Kathleen Bawn, Martin Cohen (2012, tr. 571) lại cho rằng đảng chính trị nên được hiểu: “... là liên minh của các nhóm lợi ích và các nhà hoạt động tìm cách nắm bắt và sử dụng chính phủ cho các mục tiêu cụ thể của họ, từ tư lợi vật chất đến chủ nghĩa duy tâm cao đẹp”.

Một định nghĩa khác theo như từ điển điện tử Britannica, đảng chính trị là (tạm dịch): “Một nhóm người được tổ chức để thâu tóm và thực hiện quyền lực

19

chính trị. Các đảng chính trị bắt nguồn từ hình thức hiện đại của chúng ở châu Âu và Hoa Kỳ vào thế kỷ XIX, cùng với hệ thống bầu cử và nghị viện, sự phát triển của chúng phản ánh sự phát triển của các đảng phái. Thuật ngữ đảng kể từ đó được áp dụng cho tất cả các nhóm có tổ chức tìm kiếm quyền lực chính trị, cho dù bằng bầu cử dân chủ hay cách mạng”.

Tại phương Đông, các tác giả Nhật Bản cũng có những định nghĩa về chính đảng. Theo Tonami Koji (1998, tr. 355): “Chính đảng là một đoàn thể chính trị được tạo ra bởi những người có đồng quan điểm về mặt chính trị và muốn hiện thực hóa những quan điểm đó”. Định nghĩa theo cách này được cho là một cách hiểu về đảng chính trị dựa trên điều 21 của Hiến pháp Nhật Bản.

Cách định nghĩa dựa theo hiến pháp này được thấy khá phổ biến tại Nhật Bản, ngoài Tonami Koji, những tác giả khác như Sato Koji (1995, tr. 129), Nobuyoshi Ashibe (1997, tr. 258) hay Noriho Urabe (2000, tr. 522) cũng có định nghĩa về đảng chính trị sử dụng cách thức tương tự.

Ở Việt Nam, khái niệm về đảng chính trị được định nghĩa như sau trong từ điển bách khoa (1995, tr. 725): “... là bộ phận tích cực nhất và có tổ chức của một giai cấp làm công cụ đấu tranh cho lợi ích của giai cấp mình”.

Ngoài định nghĩa của từ điển bách khoa Việt Nam, nhóm Đinh Văn Mậu, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Bính, Đặng Khắc Anh (1997, tr.142) đưa ra một định nghĩa khác: “... đảng chính trị khi xem xét trên phương diện tổng quát, là một nhóm người có cùng một hệ tư tưởng, được tổ chức chặt chẽ, đại diện cho lợi ích của một bộ phận nhân dân (một giai cấp hay một tầng lớp) và có mục đích của mình là thỏa mãn những lợi ích ấy bằng cách giành lấy quyền lực Nhà nước hay trực tiếp tham gia vào việc thực thi nó”.

Nhóm các tác giả Hồ Văn Thông, Lưu Văn Sùng, Nguyễn Đăng Thành, Phạm Ngọc Quang, Đậu Thế Biểu, Ngô Hữu Thảo, Mai Trung Hậu, Đặng Đình Tân, Hồ Ngọc Minh, Nguyễn Hoài Văn (2000, tr.225) thì cho rằng: “Đảng chính

20

trị là đại biểu cho hệ tư tưởng, cho lợi ích của giai cấp xã hội nhất định, không có đảng chính trị nào là phi giai cấp, siêu giai cấp”. Với định nghĩa này, ta thấy nhóm tác giả nhấn mạnh tính giai cấp của khái niệm đảng chính trị.

Gần đây, trong nghiên cứu của nhóm tác giả Hoàng Văn Việt chủ nhiệm, Nguyễn Thị Thu Hương, Huỳnh Trọng Hiền, Lê Đặng Thảo Uyên (2020; tr.221), đảng chính trị được định nghĩa là: “... là một tổ chức chính trị, tập hợp những người ưu tú nhất của một giai cấp, một lực lượng chính trị - xã hội, một tập thể công dân tham gia vào đấu tranh và lãnh đạo đấu tranh giành quyền lực chính trị”.

Nhóm tác giả Trịnh Doãn Chính, Đinh Ngọc Thạch, Bùi Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Thùy Duyên, Nguyễn Thị Hương Giang, Phạm Thị Hồng Hoa, Mai Hồng Công, Nguyễn Thị Thu Hà (2020, tr.234), thì lại rút ra khái niệm về đảng chính trị từ quan điểm của học thuyết Marxist: “Đảng chính trị là bộ phận tự nguyện, ưu tú, tích cực nhất và có tổ chức của giai cấp, hoạt động vì lợi ích của giai cấp nhất định”. Với khái niệm này, ta có thể thấy rằng từ quan điểm của học thuyết Marxist, đảng chính trị và giai cấp không thể tách rời nhau.

Tóm lại, đảng chính trị là một tổ mang tính chính trị, được pháp luật công nhận mà thành viên của nó là những cá nhân có chung hệ tư tưởng và niềm tin chính trị, chia sẻ những lợi ích chung và cùng hướng tới một mục tiêu giống nhau, phục vụ cho một giai cấp nhất định. Cách thức để đảng chính trị thực hiện mục tiêu và thỏa mãn những lợi ích chung đó chính là giành quyền điều hành nhà nước.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa soka gakkai với các chính đảng nhật bản từ 1930 đến nay (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)