Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. Quan hệ giữa tôn giáo và chính trị trong lịch sử Nhật Bản (từ thời cổ đại đến năm 1945)
1.2.1. Thời cổ trung đại
Mầm mống của tôn giáo đã xuất hiện tại Nhật Bản từ rất sớm, cụ thể là từ thời kỳ Jomon (khoảng từ 15000 TCN – 300 TCN) thông qua các di vật khảo cổ như tượng đất hay các mộ phần chôn cất người chết. Những mầm mống đó sau này trở thành Thần đạo, tuy nhiên thì ở thời điểm sơ khai như thời Jomon, tập hợp những tín ngưỡng dân gian này vẫn chưa có tên gọi là Thần đạo như hiện nay, chỉ mãi đến lúc Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, tên gọi Thần Đạo mới ra đời. Ghi chép sớm nhất về quan hệ giữa tôn giáo và chính trị Nhật Bản phải kể đến thư tịch cổ “Ngụy Chí” của người Trung Quốc (thời Tam Quốc). Trong đó có ghi chép rằng: ở nước Yamatai thực thi một chế độ chính trị thần thánh mà Himiko (卑弥呼: Ti Di Hô) vừa là nữ hoàng vừa là Shaman, tức là tại thời điểm này, tôn giáo và chính trị Nhật Bản gần như thống nhất.
Phật giáo cũng bắt đầu du nhập vào Nhật Bản thông qua bán đảo Triều Tiên vào khoảng năm 538. Đánh dấu cho sự du nhập này là sự kiện khi sứ đoàn của vương quốc Bách Tế được cử sang Nhật cùng với các nhà sư và các tặng phẩm nhà Phật như tượng Phật và kinh Phật (Phạm Hồng Thái 2005, tr. 42). Sức ảnh hưởng của Phật giáo đến Nhật Bản là rất mạnh mẽ, từ tầng lớp quý tộc cho
26
tới những người dân bình thường, từ lĩnh vực chính trị cho tới đời sống thường ngày của con người. Kể từ lúc du nhập vào từ năm 538, Phật giáo đã làm rúng động tình hình chính trị của Nhật Bản khi xảy ra cuộc tranh chấp quyền lực giữa một phe ủng hộ Phật giáo là gia tộc Soga (蘇我: Tô Ngã) và phe phản đối Phật giáo là gia tộc Mononobe (物部: Vật Bộ). Gia tộc Soga cuối cùng thắng thế, cùng với sự ủng hộ của Thái tử Shotoku, Phật giáo đã có bàn đạp để lan tỏa và phát triển mạnh mẽ. Thái tử Shotoku (聖徳太子: Thánh Đức Thái Tử) là cháu của Thiên Hoàng Suiko (推古: Thôi Cổ) và là nhân vật trung tâm trong nền văn hóa và chính trị thời bấy giờ. Ông đã có công trong việc xây dựng Junana Jo Kempo (十七条憲法: Thập thất kiện Hiến pháp) cùng hệ thống quan liêu gồm 12 cấp bậc, phái cử sứ giả sang nhà Tùy, tuyển thuật bộ Tam kinh nghĩa sớ kiến thiết hai trung tâm Phật giáo lớn là Shitennoji (四天王寺: Tứ Thiên Vương Tự) và Horyuji (法竜寺: Pháp Long Tự). Trong Junana Jo Kempo quy định người dân phải tin theo cả Phật (điều 2) lẫn Thiên hoàng (điều 3) (Nguyễn Quốc Vương, 2014). Xoay quanh các vấn đề về Thái tử Shotoku vẫn còn rất nhiều nghi vấn, song, có thể khẳng định rằng, Phật giáo đã được sử dụng để trao cho Thái tử Shotoku quyền năng và phẩm cách của một thánh nhân siêu phàm và sau này ông trở thành đối tượng mà người người tôn sùng, kính trọng. Shotoku chính là hiện thân cho sự tiếp xúc của chính trị và tôn giáo, ở mặt chính trị ông là người cai trị đã định hướng một xã hội theo thể chế trung ương tập quyền, còn về mặt tôn giáo tín ngưỡng, ông là đối tượng mà sau này người đời còn thờ tụng mãi. Phật giáo tiếp tục được trọng dụng ở những thời kỳ sau (Nara, Heian) và hiện tượng Thần Phật tập hợp có mầm mống từ thời của Thái tử Shotoku đã bắt đầu hiện rõ, thậm chí Phật giáo về sau còn có phần lấn át Thần đạo. Sueki Fumihiko (2006, tr. 21) có nhận định rằng: “Trong sự phát triển của Phật giáo, Thiên hoàng cũng trở thành một tồn tại tuân thủ theo những nguyên lý của Phật pháp”.
27
Sau khi Phật giáo du nhập và phát triển tại Nhật Bản một thời gian, các thư tịch cổ nhất của Nhật Bản là Kojiki (712) (古事記: Cổ sự ký) và Nihon shoki (720) (日本書紀: Nhật Bản thư kỷ) có ghi chép về quan hệ giữa Thần đạo, Phật giáo với Triều đình và giới quý tộc, gọi tắt là Ký Kỷ cũng đã ra đời (vào khoảng thời gian từ thời Thiên hoàng Tenmu (khoảng nửa sau thế kỷ VII) đến thời của Thiên hoàng Genmei và Gensho). Mặc dù lời tựa của Kojiki nói rằng: “...bỏ những phần không đúng, xác định sự thực”, tuy nhiên xoay quanh tính khách quan của nội dung ghi chép trong 2 bộ Ký Kỷ có nhiều nghi vấn. Ký Kỷ đã tạo nên một nền tảng tư tưởng đồng nhất chính trị với tôn giáo và hợp thức hóa địa vị Thiên Hoàng và thể chế. Việc Ký Kỷ khẳng định rõ nữ thần Mặt trời Amaterasu là vị thần khai sinh của dòng dõi Thiên hoàng, rằng dòng dõi Thiên hoàng nằm cùng một trục với phả hệ thần từ Takama no hara (高天原: Cao Thiên Nguyên) trở đi, hay việc phóng đại chiến thắng của nữ Thiên hoàng Jingu... tất cả đều là sự cải biến, sáng tác thần thoại để phục vụ cho mục đích đó là xác lập sự thống trị của Triều đình với các gia tộc lớn và thống nhất lãnh thổ quốc gia.
Nhờ ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, thể chế chính trị của Nhật Bản dần trở nên hoàn thiện hơn. Sau cải cách Taika (大化の改新: Đại hóa cải tân) năm 645, chính quyền trung ương tập quyền hóa được áp dụng thành công qua các triều đại Thiên Hoàng: Tenmu (天武: Thiên Vũ), Jito (持統: Trì Thống), Monmu (文武: Văn Vũ), Genmei (元明: Nguyên Minh), Gensho (元正: Nguyên Chính). Theo cách nói của Sueki Fumihiko, đây là khoảng thời gian hình thành
“cổ tầng” cho tôn giáo Nhật Bản mà chính cổ tầng này sẽ là nền tảng cho văn hóa nói chung và hệ tư tưởng chính trị nói riêng của Nhật Bản sau này. Trong thời gian trị vì của các vị hoàng đế kể trên, thể chế Ritsuryo (律令: Luật lệnh) cũng được hoàn thiện. Trong hệ thống luật lệnh này quy định rõ quyền lực trung ương tối cao thuộc về Thiên Hoàng và dưới đó là hai cơ quan cao cấp nhất (Nhị
28
quan) bao gồm: Jingi-kan (神祇官: Thần kỳ quan) và Daijo-kan (太政官: Thái chính quan). Công việc chính của Jingi-kan là lo về việc lễ nghi và giáo phẩm Thần đạo, trong khi Daijo-kan là cơ quan chính phủ, quản lý các tỉnh thành của đất nước. Jingi-kan đứng ngang hàng với Daijo-kan cho thấy vai trò tối cao, ngang hàng với chính trị của tôn giáo trong thời kỳ này. Đưa ra ví dụ cho việc này, trong Jingiryo (神祇令: Thần kỳ lệnh) có một quy định rằng sau khi Thiên hoàng lên ngôi thì Jingikan phải tổ chức tế lễ lớn để cúng bái, thể hiện lòng thành kính đối với các Thiên Thần (các vị thần ở trên trời) và các Địa kỳ (các vị thần ở dưới đất).
Đến thời Heian (794 – 1185), Phật giáo được sự bảo hộ của các Thượng Hoàng và Thiên Hoàng lại càng phát triển và lan rộng mạnh mẽ: tăng ni được có quyền được miễn thuế, không phải đi phu cho triều đình; xây dựng nhiều chùa lớn tiêu biểu là Todaiji (東大寺: Đông Đại tự), thậm chí có những ngôi chùa riêng dành cho Hoàng thất gọi là Goganji (御願寺: Ngự Nguyện tự) hoặc còn còn được gọi là Kokuo no ujidera (国王の氏寺: Quốc vương thị tự). Mặc dù vậy, thời kỳ này cũng chứng kiến những xung đột giữa chính quyền và Phật giáo như việc các nhà sư Hoen hay Shinran bị chính phủ lưu đày.
Sang tới thời kỳ Mạc phủ đầu tiên, Mạc phủ Kamakura (1185 – 1333), Phật giáo trở thành thế lực mạnh mẽ nhất kể từ lúc du nhập vào Nhật Bản. Tuy cũng có những xung đột, nhiều trường hợp có khuynh hướng tách ra độc lập khỏi quyền lực chính trị của giới tôn giáo như trường hợp của các sư Hoen, Shinran hay Dogen nhưng những tông phái lớn lúc bấy giờ lại có động thái có những hoạt động phục vụ cho chính trị. Vương pháp và Phật pháp tương thân và tương hỗ, điều này được nêu rõ trong nội dung của Hoo Buppo Soi-ron (王法仏法相依 論: Vương pháp Phật pháp tương y luận). Những tự viện với trang viên rộng rãi và kinh tế mạnh mẽ, không những thế họ còn có những đội quân Sohei (僧兵: Tăng binh) hùng hậu, chính vì vậy Phật giáo có được sự nể sợ của người dân. Từ
29
đây ta thấy được quyền uy của Phật giáo không chỉ đơn thuần là tương y với Triều đình mà còn lan tỏa tới tận xã hội trần tục của những người dân thường.
Để thấy rõ hơn, sự lấn át của Phật giáo trong thời kỳ này ta có thể kể đến nghi lễ Sokui Kanjo (即位灌頂: Tức vị quán đỉnh). Đây vốn là một nghi lễ trong Mật giáo tuy nhiên lại được tổ chức trong lễ lên ngôi của Thiên hoàng – một nghi lễ quan trọng bậc nhất của Nhật Bản đương thời để xác lập quyền lực và vị thế của Thiên hoàng mới. Việc này đồng nghĩa với việc triều đình đã chấp nhận góc nhìn của Phật giáo về Vương pháp, sử dụng nghi thức Phật giáo để xác lập vị thế hợp tình hợp lý của Thiên hoàng.
Kể từ thời kỳ Kamakura, Phật giáo càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chỉ trong thời kỳ này mà đã có 6 tông phái được hình thành, gồm: Jodo shu (浄土宗: Tịnh Độ tông), Rinzai shu (臨済宗: Lâm Tế tông), Jodo Shinshu (浄土真宗: Tịnh Độ Chân tông), Soto shu (曹洞宗: Tào Động tông) , Nichiren shu (日蓮宗: Nhật Liên tông) và Ji shu (時宗: Thời tông). Khác với Phật giáo thời kỳ Heian chỉ dành riêng cho giới quý tộc, Phật giáo thời kỳ này tiếp cận chủ yếu tới thường dân và võ sĩ cấp thấp vì những giáo lý và cách tu hành gần gũi, khả thi hơn cho tầng lớp lao động này. Và chính điều này cũng góp phần làm ngày một tệ đi mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị thời kỳ trung thế tại Nhật Bản. Đỉnh điểm là hàng loạt cuộc nổi dậy của người dân (bao gồm thương nhân, nông dân, linh mục và thậm chí là các lãnh chúa địa phương là thành viên của các giáo phái) chống lại chính quyền trong sự kiện Ikko ikki (一向一揆: Nhất hướng nhất quỹ) diễn ra vào khoảng thế kỷ XV – XVI, sự kiện này được cho là đã được thế lực của phái Jodo shu đứng sau hỗ trợ. Phong trào sau đó đã lan rộng khắp toàn quốc và nắm được quyền chi phối toàn diện về tôn giáo. Tuy nhiên, việc chi phối này đã kết thúc vào thời chiến quốc bởi sự đàn áp Phật giáo của Oda Nobunaga, cụ thể là với sự kiện tấn công chùa Honganji (本願寺: Bản Nguyện Tự) ở Ishiyama.
30
Cuộc chiến Onin hay còn gọi là loạn Onin (応仁の乱: Ứng nhân loạn) đánh dấu cho một thời kỳ hỗn loạn của Nhật Bản – thời kỳ Sengoku (戦国: Chiến quốc). Xã hội Nhật Bản thời kỳ này đã tiếp nhận một tôn giáo mới đó Thiên chúa giáo, mở đầu với sự kiện Francisco de Xavie của Dòng Tên lần đầu đặt chân đến Kagoshima. Mặc dù quan hệ của Thiên chúa giáo với triều đình là không mấy tốt đẹp và việc truyền đạo luôn gặp phải sự chống đối và gây khó khăn song vẫn diễn ra ổn thỏa trong thời kỳ đầu. Vị lãnh chúa thời chiến quốc Oda Nobunaga, người được sử sách ghi nhận là đã suýt nữa thống nhất được Nhật Bản thời bạo loạn lúc đó, và nhiều thuộc cấp của ông cũng rất bao dung cho tôn giáo ngoại lai mới này. Tuy nhiên, sau khi Toyotomi Hideyoshi thay Oda lên nắm quyền lực (thời kỳ Azuchi – Momoyama), trái với thái độ thiện chí từng có của mình, ông lại thông qua lệnh trục xuất các giáo sĩ Bateren tsuiho rei (伴天連追放令: Bạn thiên liên truy phòng lệnh), trong đó có ghi: “Nhật Bản là Thần quốc, nên việc đem tà pháp từ một nước của Cristo đến là điều không chấp nhận được” (Sueki 2006, tr. 47). Nhìn từ góc độ là người cai trị của Hideyoshi lúc đó, có lẽ đối với ông, Thiên chúa giáo với một trật tự khác biệt so với Thần đạo và Phật giáo vốn đã quen thuộc với Nhật Bản, là một thứ tôn giáo có tiềm tàng những nguy cơ gây hại đến quyền lực và sự cai trị của ông. So với Thần đạo và Phật giáo, dù thời gian tồn tại ở Nhật Bản kể từ lúc du nhập vào là rất ngắn, bên cạnh đó còn phải chịu sự đàn áp nặng nề nhưng ảnh hưởng của Thiên chúa giáo là không thể chối cãi. Một hình thái tôn thờ nhà lãnh đạo (không phải Thiên hoàng) như Hideyoshi hay Ieyasu được cho là đã xuất hiện sau khi xã hội Nhật Bản tiếp xúc với Thiên chúa giáo.
Lại bàn về vấn đề Phật giáo, như đã đề cập ở trên, Phật giáo phát triển mạnh mẽ nhất vào thời Kamakura. Thế lực của các tự viện với các Tăng binh, cùng với đó là mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa Phật giáo và chính quyền đã dẫn đến nhiều cuộc bạo động và nổi loạn. Tình trạng trên kéo dài đến thời
31
Sengoku, khi Oda Nobunaga đã có những động thái đàn áp rất kiên quyết với Phật giáo như tấn công chùa Heizan, đốt phá nhiều chùa chiền, tượng Phật... Đến khi Hideyoshi lên nắm quyền lực thay cho Oda, ông vẫn tiếp tục thực hiện nhiều cuộc đàn áp đối với Phật giáo như cuộc chinh phạt chùa Negoro ji (根来寺: Căn Lai tự) năm 1580. Tuy nhiên, do thế lực của các chùa đã không còn mạnh như trước nữa nên thay vì thẳng tay đàn áp, Hideyoshi đã tiến hành phục hưng và bảo hộ các chùa, mục đích là để củng cố quyền lực của mình đối với thế lực Phật giáo nói riêng và Nhật Bản nói chung.
Sang đến thời Edo (1603 – 1868), Mạc phủ tiếp tục có các chính sách kiểm soát tôn giáo triệt để hơn nữa như cấm hoàn toàn Thiên chúa giáo, ban hành luật Hatto (Pháp độ) trấn áp các tôn giáo đã tồn tại từ trước. Ở thời Edo mặc dù vẫn phát triển và có được niềm tin của nhiều người dân, song Phật giáo không còn sức mạnh như trước để có thể trở thành một thế lực có thể đối đầu với chính quyền như trước mà đã hoàn toàn nằm dưới sự thống trị và bảo hộ của chính trị, của Mạc phủ. Tiêu biểu nhất phải kể đến chế độ Honmatsu (本末: Bản Mạt) và Danka (檀家: Đàn gia) được khởi xướng bởi Tướng quân Tokugawa Ieyasu. Với chế độ Honmatsu, những ngôi chùa và tông phái Phật giáo được đưa vào một hệ thống hình tháp. Trong hệ thống này, những ngôi chùa và tông phái nằm ở trên sẽ có nhiều sức ảnh hưởng hơn và tất nhiên nhận được nhiều quyền lợi hơn từ chính quyền. Chế độ Honmatsu góp phần làm phân tán sự bất mãn của Phật giáo với chính quyền và hướng sự bất mãn đó vào nội bộ giữa các chùa chiền trong giới Phật giáo, từ đó củng cố quyền lực của Mạc phủ với giới tôn giáo, cụ thể là Phật giáo. Chế độ Danka thì giao cho những ngôi chùa nhiệm vụ quản lý các hộ gia đình trong khu vực, ngoài ra việc kết hôn cũng phải nhận được giấy chứng nhận do nhà chùa ban hành. Như vậy, với chế độ Danka, Phật giáo trở thành một phần của bộ máy hành chính và chùa chiền là các cơ sở hành chính ở cấp làng và xã. Thời kỳ Edo cũng là khoảng thời gian mà Nho giáo du
32
nhập vào Nhật Bản và nhanh chóng mở rộng sức ảnh hưởng của mình. Mặc dù gọi là tôn giáo nhưng Nho giáo Nhật Bản trong thời kỳ này không có tính siêu hình như những tôn giáo trước đây mà đưa ra những luân thường đạo lý và trở thành một hệ tư tưởng chính trị. Với Nho giáo trở thành một trong những tôn giáo chủ đạo, ta thấy được tính thế tục và hiện thế đã trở nên rõ nét dần trong thời kỳ Edo. Một điều đáng chú ý trong thời kỳ này đó là mặc dù trong người dân có xu hướng hòa hợp niềm tin giữa Thần – Phật – Nho, song ở giới võ sĩ lại xuất hiện xu hướng bài Phật. Rất nhiều trường hợp các phiên chủ bài trừ Phật giáo một cách cực đoan chẳng hạn như phiên chủ Tokugawa Mitsukuni nhất quyết thực hiện Thần Phật phân ly, ông đã cho chấn chỉnh lại nhiều tu viện, đập phá hàng trăm chùa nhỏ, phá bỏ các đền thờ Thần Phật tập hợp...