Soka Gakkai và Đảng Công Minh ngày nay

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa soka gakkai với các chính đảng nhật bản từ 1930 đến nay (Trang 78 - 83)

Chương 2. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC

3.1. Quan hệ với Đảng Công Minh ( 公明党 : Công Minh đảng)

3.1.3. Soka Gakkai và Đảng Công Minh ngày nay

Từ sau khi Đảng Công Minh tái thành lập, Soka Gakkai vẫn tiếp tục là một tổ chức hậu phương vững chắc cho hoạt động tranh cử của đảng. Đảng Công Minh phát huy được sức mạnh như hiện tại không thể bỏ qua sự đóng góp của Soka Gakkai. Mặc dù từ sau vụ việc cản trở ngôn luận và xuất bản, mối quan hệ giữa Soka Gakkai và Đảng Công Minh không còn là một thể đồng nhất toàn diện như trước nữa, song, điều này lại được cho là lợi thế cho việc hậu thuẫn Đảng Công Minh của Soka Gakkai sau khi đảng tái thành lập. Vì 2 tổ chức không phải một thể đồng nhất, nên phía Đảng Công Minh khi tham gia tranh cử không thể trực tiếp tiến hành tổng động viên các thành viên của Soka Gakkai bầu cử. Các hoạt động của hội viên, họ sẽ bầu cử cho ai, như thế nào, tại đợt tuyển cử nào, những việc đó chỉ được tiến hành sau khi có sự định hướng từ phía của những người phụ trách của Soka Gakkai. Mặc dù thoạt đầu, điều này làm chúng ta nghĩ rằng đáng lý ra đây phải là điểm gây bất lợi cho Soka Gakkai và Đảng Công Minh trong việc tranh cử và bầu cử so với lúc đầu khi 2 tổ chức này được hoạt động tự do hơn và có thể tác động tới nhau trực tiếp, sâu rộng hơn, tuy nhiên thực tế cho thấy không như vậy. Ta thấy rằng, về phía Soka Gakkai, cùng với việc thực hiện hỗ trợ cho việc tranh cử của Đảng Công Minh, họ đồng thời cũng nắm quyền quan sát và gây ảnh hưởng cho những hoạt động của những nghị viên trúng cử của đảng. Nghị viên Higashi Junji của Đảng Công Minh từng nhận định:

“Những người hỗ trợ chúng tôi quan sát chính trị bằng một đôi mắt rất nghiêm khắc… Đặc biệt là các thành viên của hội phụ nữ và hội người trưởng thành…

Chính vì vậy mà những ai mà không nhìn về phía những người hỗ trợ này để hoạt động chính trị thì chắc chắn sẽ trở thành chủ đề bàn tán” (Shimada 2017, tr.

1886-1887). Về phía Đảng Công Minh, những thành viên tham gia tranh cử sẽ không phải lo nghĩ về việc phải tiến hành động viên bầu cử như thế nào mà chỉ cần tập trung thực hiện, gánh vác những yêu cầu và nguyện vọng từ phía các

76

thành viên của Soka Gakkai. Đối với thành viên của Soka Gakkai, chính nhờ có Đảng Công Minh hoạt động mà cuộc sống của họ được cải thiện và trở nên tốt đẹp hơn. Với thể chế như vậy, ta thấy giữa Soka Gakkai và Đảng Công Minh có mối quan hệ đồng đẳng không phân trên dưới, với tư cách là tổ chức hậu thuẫn cho hoạt động tranh cử của đảng, các thành viên Soka cũng phải hoạt động hết mình; về phía Đảng Công Minh, các đảng viên đứng ra tranh cử cũng phải nghiêm túc để hiện thực hóa những nguyện vọng và yêu cầu nhằm nâng cao cuộc sống của các thành viên Soka Gakkai. Nói cách khác, việc phải áp dụng phân ly giữa Soka Gakkai và Đảng Công Minh đã khiến quan hệ của 2 tổ chức không còn là một thể đồng nhất như trước nhưng điều này lại trở thành lợi thế và đưa quan hệ của 2 tổ chức đi theo một chiều hướng rất tích cực, có lợi cho cả 2 phía.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Soka Gakkai và Đảng Công Minh đang và sẽ có nhiều biến động bởi nhiều tác nhân. Đầu tiên đó là tình trạng đa dạng hóa cơ cấu thành viên trong nội bộ của Soka Gakkai. Thời kỳ đầu của Soka Gakkai, tổ chức được cấu thành bởi một bộ phận lớn các thành viên nằm trong nhóm người lao động không thuộc tổ chức nào và có chất lượng cuộc sống thấp. Những thành viên này là những người dân thuộc tầng lớp thấp, từ những vùng nông thôn hay ở tỉnh nhỏ lẻ di chuyển đến các thành phố lớn với hi vọng vượt lên khỏi cảnh nghèo đói, bệnh tật, và đó cũng là lý do họ gia nhập vào Soka Gakkai. Việc thành lập Đảng Công Minh và lập ra những chính sách rất đặc thù dành cho đại chúng cũng chính là hướng đến các thành viên của Soka Gakkai, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, cùng với sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức thu nhập bình quân, tuy rằng chưa thể nói là họ đã trở nên giàu có hay khá giả cuộc sống thành viên của Soka Gakkai cũng đã được cải thiện rõ rệt; tỉ lệ trẻ em tham gia vào học tập để nâng cao trình độ học vấn cũng ngày càng cao. Từ đó, cơ cấu hội viên của Soka Gakkai đã có sự thay đổi, xuất hiện ngày càng nhiều hội viên thuộc tầng lớp trung lưu chứ không

77

chỉ còn là những hội viên với cuộc sống nghèo khó, chật vật để sống qua ngày như lúc trước nữa. Từ việc này nảy sinh ra một vấn đề, đó là những chính sách mà Đảng Công Minh đề ra sẽ không còn thỏa mãn phần lớn thành viên của Soka Gakkai nữa, thậm chí một số chính sách hỗ trợ cho tầng lớp nghèo khổ còn xung đột với lợi ích của tầng lớp trung lưu mới trở nên phổ biến trong Soka Gakkai.

Nói sâu xa hơn, việc cơ cấu thành viên của Soka Gakkai trở nên đa dạng sẽ ảnh hưởng trực tiếp và làm giảm tỉ lệ hội viên ủng hộ Đảng Công Minh xuống.

Một tác nhân nữa phải kể đến đó chính là sự thay đổi môi trường kinh tế do toàn cầu hóa. Như đã biết, các thành viên Soka Gakkai quan tâm đến chính trị và hậu thuẫn nhằm khuếch đại thế lực của Đảng Công Minh, lý do của việc này nằm ở niềm tin rằng Đảng Công Minh có đủ khả năng để hiện thực hóa, để đáp ứng những nhu cầu và lợi ích hiện thế của họ. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa khiến môi trường kinh tế thay đổi đã dẫn đến việc thay đổi mục tiêu lớn của chính trị Nhật Bản, đó là mở rộng nền kinh tế và bằng việc mở rộng nền kinh tế sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho cuộc sống của người dân. Với toàn cầu hóa, nền kinh tế Nhật Bản trên thực tế đã được mở rộng nhưng trái lại với mong chờ của tất cả mọi người, không phải tất cả các doanh nghiệp và người dân mà chỉ có một bộ phận các đại doanh nghiệp được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa mở rộng nền kinh tế này. Việc này dẫn đến sự xuất hiện nhu cầu về một chính sách kinh tế mới để giúp cho cuộc sống của tầng lớp, của những người lao động không nhận được lợi ích từ việc mở rộng nền kinh tế do toàn cầu hóa. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với Đảng Công Minh vì trong các chính sách của đảng đặt ra và xúc tiến (trừ những chính sách được đề ra trong mối quan hệ liên minh với các chính đảng khác) hoàn toàn không có bất kỳ chính sách kinh tế nào cả. Kể cả trong bản tuyên ngôn của của đảng cũng chỉ đề cập các vấn đề như cắt giảm chi phí hành chính, bảo trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các vấn đề về giáo dục, tất cả đều không thể gọi là chính sách kinh tế được. Trong xã

78

hội mà toàn cầu hóa đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, Đảng Công Minh cần gấp rút tạo ra những chính sách kinh tế của riêng mình, tuy nhiên, Đảng Công Minh vẫn chưa làm được điều đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều thành viên của Soka Gakkai sẽ cảm thấy nghi hoặc về việc hậu thuẫn cho đảng liệu có giúp ích gì cho những mong mỏi về một cuộc sống tốt đẹp hơn, cho những lợi ích hiện thế của họ hay không.

Sự chuyển giao thế hệ trong nội bộ Soka Gakkai cũng được cho là một tác nhân làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa 2 tổ chức. Trong nội bộ Soka Gakkai đã và đang diễn ra sự chuyển giao từ thế hệ thứ nhất sang thế hệ thứ hai, thậm chí là thứ ba. Rõ ràng có sự khác nhau một cách căn bản giữa một thế hệ thứ nhất bằng chính niềm tin của mình tham gia vào tổ chức và thế hệ thứ hai, thứ ba trở thành thành viên của Soka Gakkai bằng một thứ đức tin “thừa kế” từ cha mẹ. Thế hệ thứ nhất do được truyền giáo mà gia nhập, tự bản thân họ có một sự tự giác rất cao với tín ngưỡng của mình, trong khi đó ở các thế hệ sau lại không có được điều này. Ngoài ra, thế hệ thứ nhất trải qua nhiều biến cố trong quá trình lịch sử của Soka Gakkai như vụ việc cản trở ngôn luận thời Ikeda hay việc đối lập với phái Nhật Liên chính tông... bên cạnh đó là các hoạt động như đi lễ chùa Taiseki hay lễ hội văn hóa “Hòa bình thế giới” vốn là một sự kiện có quy mô rất lớn của Soka Gakkai đã từng được tổ chức những năm 90. Mặc dù các thế hệ về sau cũng có tổ chức các buổi tọa đàm, viếng chùa Taiseki nhưng quy mô của những sự kiện này không thể so sánh được với các sự kiện trước đó. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến sự gắn kết tinh thần của các thế hệ sau đối với Soka Gakkai. Một khác biệt nữa giữa thế hệ thứ nhất và các thế hệ sau của Soka Gakkai, đó là việc ở thế hệ thứ nhất tồn tại một tinh thần vượt qua nghịch cảnh mạnh mẽ mà ở thế hệ thứ hai, thứ ba không có được. Như đã biết, thành phần của Soka Gakkai ban đầu vốn là tầng lớp người lao động khó khăn, không thuộc bất kỳ tổ chức nào trước đó, vì vậy họ tham gia Soka Gakkai với tinh thần thay đổi thực tại này.

79

Tuy nhiên, sự cải thiện chất lượng trong cuộc sống của các thế sau đã làm mất đi tinh thần này ở các hội viên. Tất cả những điều đã từng tạo nên động lực mạnh mẽ của một thế hệ hội viên Soka Gakkai hướng tới việc tranh đoạt quyền lực chính trị nhằm đạt được những lợi ích hiện thế cho bản thân, từ đó tham gia hậu thuẫn cho Đảng Công Minh để khuếch đại thế lực của đảng; những động lực đó rất thiếu hụt ở các thế hệ về sau. Những thế hệ sau có lẽ vẫn sẽ trở thành lực lượng hậu thuẫn cho Đảng Công Minh vì họ cũng sống trong mạng lưới thành viên Soka Gakkai nhưng chắc chắn rằng, đây là một lực lượng mỏng manh hơn nhiều so với thế hệ đầu, không phải ở số lượng mà là ở động lực đằng sau thúc đẩy họ ủng hộ Đảng Công Minh.

Mối quan hệ của Soka Gakkai và Đảng Công Minh còn phải đối mặt với một vấn đề nữa mà người ta gọi là giai đoạn “hậu Ikeda”. Sau khi rời ghế Chủ tịch và trở thành Chủ tịch danh dự của Soka Gakkai, mặc dù vẫn thường xuất hiện và phát biểu tại các buổi họp cán bộ, tuy nhiên nội dung thường là về các vấn đề trừu tượng như tư tưởng, tác phong của cá nhân và tổ chức chứ không đề cập tới các đường lối, phương hướng hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó, Ikeda cũng đăng nhiều bài viết và các thông điệp cổ vũ đến hội viên, tham gia các hoạt động ngoại giao với các học giả, chính trị gia nước ngoài. Ngoài ra, Ikeda còn nhận các giải thưởng danh giá từ nhiều đoàn thể, tổ chức, nhưng thực chất ông chỉ đại diện nhận những giải thưởng này cho các hoạt động về cơ bản là được tiến hành và thực hiện bởi các cơ quan của Soka Gakkai như: đại học Soka, viện mỹ thuật Fuji Tokyo... Không chỉ trên mặt báo của cơ quan báo chí mà gần như tất cả cơ quan truyền thông của tổ chức hầu như chỉ tập trung vào Ikeda mặc dù ngay sau khi Ikeda rời ghế Chủ tịch đã có một khoảng thời gian các vấn đề xoay quanh vị Chủ tịch danh dự rất ít khi được đề cập tới. Tất cả các điều này cho thấy Soka Gakkai đang ở trong một thời kỳ “dựa dẫm” rất nhiều vào hình ảnh và uy tín của Chủ tịch Ikeda. Điều này cũng dễ hiểu vì Ikeda là một nhà lãnh đạo khó có ai

80

thay thế được trong suốt lịch sử của Soka Gakkai. Từ lúc nhận chức Chủ tịch vào năm 32 tuổi, Ikeda đã dẫn dắt không biết bao nhiêu cuộc truyền giáo của tổ chức với tư cách là một người đảm nhận nhiệm vụ tham mưu và đã đạt được rất nhiều thành tích. Ikeda thực sự là một nhà lãnh đạo bẩm sinh với sức lôi cuốn (charisma) mạnh mẽ. Nhiều nhận định cho rằng hiện tại trong Soka Gakkai không thể có một nhân vật nào có đủ tầm cỡ và sức hút để thay thế Ikeda, vì vậy thời kỳ “hậu Ikeda” có thể sẽ là một thử thách lớn cho quan hệ của Soka Gakkai và Đảng Công Minh. Để thấy rõ điều này có thể ảnh hưởng thế nào tới mối quan hệ của hai tổ chức, ta có thể nhìn qua trường hợp về hoạt động của hội phụ nữ của Soka Gakkai. Trong Soka Gakkai có 4 bộ phận được xem là cốt lõi của tổ chức gọi là “Tứ giả” bao gồm: Hội người trưởng thành; Hội phụ nữ; Hội con trai và Hội con gái, trong đó hội phụ nữ được đánh giá là hoạt động tích cực và năng nổ hơn cả, nhất là trong lĩnh vực tuyên truyền bầu cử, hỗ trợ cho Đảng Công Minh. Trả lời truyền thông, đại diện hội phụ nữ của Soka Gakkai từng phát biểu:

“Nếu là vì Chủ tịch Ikeda, chúng tôi có thể cố gắng” (Shimada 2017, tr. 2487).

Rõ ràng, thời kỳ “hậu Ikeda” tới sẽ mang lại không khí ảm đạm cho hoạt động của hội phụ nữ và chắc chắn làm ảnh hưởng tới năng lực hậu thuẫn bầu cử cho Đảng Công Minh của Soka Gakkai.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa soka gakkai với các chính đảng nhật bản từ 1930 đến nay (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)