Chương 2. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC
3.2. Quan hệ với Đảng Dân chủ Tự do ( 自由民主党 : Jiyu Minshu-to)
3.2.2. Thời kỳ “phi Đảng Dân chủ Tự do”
Nội bộ của Đảng Dân chủ Tự do từ những năm 70 đã xuất hiện dấu hiệu rõ rệt của sự chia rẽ và sau đó đã dẫn đến sự kiện “40 ngày đấu tranh” vào ngày 7 tháng 10 đến ngày 20 tháng 11 năm 1979. Đây là cuộc đối đầu nội bộ căng thẳng nhất trong lịch sử của đảng, giữa 2 phe phái gọi là phái chủ lưu của Thủ tướng lâm thời là Oohira Masayoshi và phái phản chủ lưu của Thủ tướng tiền nhiệm Fukuda Takeo. Đến năm 1993, nội các của Thủ tướng Miyazawa Kiichi liên tục bị chỉ trích là có nhiều hành vi bất chính từ phía các đảng đối lập. Phản ứng lại với các cáo buộc này, các thành viên của Đảng Dân chủ Tự do, chủ yếu là nhóm của Ozawa Ichiro và Hata Tsutomu đã lên tiếng đồng tình khiến cho nội các Miyazawa buộc phải tổng từ chức. Sau sự việc, nhiều cán bộ đã rời khỏi Đảng Dân chủ Tự do và thành lập những đảng mới gồm Tân đảng Sakigake (新 党さきがけ: Shinto Sakigake) với đại diện là Takemura Masayoshi, Đảng Tân Sinh (新生党: Shinseito) do nhóm Ozawa Ichiro và Hata Tsutomu lãnh đạo, Tân Đảng Nhật Bản (日本新党: Nihon Shinto) do Hosokawa Morihiro thành lập...
Với sự giải thể của nội các Miyazawa, năm 1993, sau kỳ bầu cử hạ viện lần 40, chính quyền đã rơi vào tay nội các Hosokawa với Thủ tướng là Hosokawa
85
Morihiro đồng thời cũng là người đứng đầu Tân đảng Nhật Bản. Ban đầu, sau khi nắm chính quyền, Hosokawa đã có ý định liên minh với Đảng Dân chủ Tự do, nhưng với sự điều phối của Ozawa, nội các Hosokawa được thành lập. Nội các này còn được gọi là chính quyền liên minh 8 đảng phái phi Tự dân – phi Cộng sản, bởi nội các Hosokawa chính là liên minh của 8 đảng bao gồm Tân Đảng Nhật Bản, Đảng Tân sinh, Tân Đảng Sakigake, Đảng Xã hội, Đảng Công Minh, Đảng Dân xã, Đảng Xã hội Dân chủ và Liên minh cải cách dân chủ.
Đây cũng chính là khoảng thời gian mà quan hệ của Soka Gakkai với Đảng Công Minh và Đảng Dân chủ Tự do xảy ra nhiều biến động, minh chứng như ta đã thấy ở trên, Đảng Công Minh từ hợp tác với Đảng Dân chủ Tự do, nay tham gia vào liên minh Phi Tự dân của nội các Hosokawa, tuy nhiên đây cũng là điều có thể lý giải được. Như đã biết, quan hệ cho tới thời điểm này giữa 2 phía chủ yếu xoay quanh phe phái của Tanaka Kakuei và Takeiri Yoshitatsu, mà Ozawa khi còn là đảng viên của Đảng Dân chủ Tự do lại ở trong phe cánh của Tanaka, sau này thuộc phe cánh của Takeshita Noboru được cho là phe cánh tiếp nối phe Tanaka sau khi Tanaka qua đời vào năm 1993. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, Ozawa và một lãnh đạo cao cấp của Đảng Công Minh là Ichikawa Yuichi đã có mối quan hệ rất mật thiết và đóng vai trò to lớn trong nhiều công việc của liên minh, người ta thậm chí còn có tên gọi riêng cho bộ đôi này đó là
“Ichi ichi Line” (一・一ライン)3.
Đến tháng 12 năm 1994, Đảng Công Minh đã bị phân tách thành Công Minh Tân đảng và nhóm Công Minh, trong đó, Công Minh Tân đảng đã hợp nhất với Đảng Tân Tiến của Ozawa (tiền thân của đảng này là đảng Tân Sinh).
Tuy nhiên, đến năm 1997 Đảng Tân Tiến giải thể và chỉ một năm sau đó, các mảnh ghép của Đảng Công Minh, bao gồm các thành viên của Công Minh Tân đảng đã từng hợp nhất với Đảng Tân Tiến và nhóm Công Minh, đã tập hợp lại và
3 Tên gọi bắt nguồn từ chữ “Ichi” trong tên của Ozawa “Ichi”ro và Ishikawa Yu”ichi”.
86
Đảng Công Minh được tái lập. Mặc dù có những diễn biến phức tạp, nhưng có thể lý giải mục đích của Soka Gakkai – Đảng Công Minh khi phân tách đảng như vậy thực chất chính là nhằm tiến hành chiến thuật “đi hai hàng”, với nhóm Công Minh là chiếc thẻ bảo hiểm trong trường hợp việc tham gia vào phía phi Tự Dân dẫn đến thất bại. Thực tế, Đảng Tân Tiến của Ozawa đã đi đến đường cùng và phải giải thể, Soka Gakkai sau đó đã bỏ qua Ozawa và tái thiết lập lại Đảng Công Minh ban đầu.
Về phía Đảng Dân chủ Tự do, sau khi xảy ra phân liệt, thấy được mối nguy là sức mạnh hậu phương to lớn trong bầu cử của Soka Gakkai, đảng đã tiến hành một loạt các động thái chống lại Soka Gakkai kể từ năm 1994. Bắt đầu cho việc này, tại Hội nghị ủy ban Ngân sách Hạ viện, Kamei Shizuka (thành viên Hạ viện, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải), người đứng đầu Trụ sở Quan hệ Công chúng của Đảng Dân chủ Tự do vào thời điểm đó, đã đặt câu hỏi: “Tại sao Daisaku Ikeda biết rằng Đảng Công Minh đã trúng cử chức vụ cấp bộ trưởng trước khi Nội các được thành lập?” (Theo Hệ thống tra cứu thông tin hội nghị Quốc hội Nhật Bản). Ngoài ra, ông cũng sử dụng cơ quan báo chí của đảng là
“Tự do Tân báo” để liên tục chỉ trích Soka Gakkai và Đảng Công Minh rằng quan hệ giữa Đảng Công Minh và Soka Gakkai là không tuân thủ nguyên tắc phân ly giữa tôn giáo và chính trị. Sau đó, Đảng Dân chủ Tự do xúc tiến thành lập các nhóm “Hội suy nghĩ về Hiến pháp điều 20” và “Hội tháng 4” (四月会: Shigatsu Kai) với mục tiêu cơ bản là phê phán quan hệ quá mật thiết giữa đảng chính trị và các tổ chức tôn giáo. Như vậy, bước chuẩn bị cho chiến dịch “phản Soka Gakkai” đã hoàn thành. Đến năm 1995, nhân cơ hội vụ việc của giáo phái Aum gây chấn động Nhật Bản, chiến dịch đã diễn ra mạnh mẽ, nội dung chính của chiến dịch xoay quanh các cáo buộc như: mối liên hệ giữa Soka Gakkai với cái chết của nghị sĩ của nghị hội thành phố Higashimurayama – ông Asaki Akiyoshi; vụ việc Chủ tịch danh dự Ikeda Daisaku cưỡng ép một cựu cán bộ nữ
87
của Soka Gakkai; vụ việc Chủ tịch Ikeda dùng tiền của Soka Gakkai để tài trợ cho việc mua bán ma túy của tướng Manuel Noriega ở Panama. Chiến dịch chỉ kết thúc vào năm 1998, khi Đảng Công Minh được tái thành lập, các cáo buộc lúc trước về Chủ tịch Ikeda sau đó đã được chính phía Đảng Dân chủ Tự do rút lại và Thủ tướng lâm thời là Hashimoto Ryutaro đã phải lên tiếng xin lỗi.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù thất bại ở phía Ozawa, song giấc mơ tham gia chính quyền của Soka Gakkai và Đảng Công Minh vẫn không hề lụi tàn nhờ chiếc thẻ bảo hiểm là “nhóm Công Minh”. Soka Gakkai với Đảng Công Minh và Đảng Dân chủ Tự do sau đó tiến tới giai đoạn hòa giải và hướng đến “Liên lập chính quyền”.