Chương 2. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC
2.1. Quá trình thành lập và phát triển của Soka Gakkai
2.1.2. Thời kỳ phát triển
Tiến vào thời kỳ phát triển, Soka Gakkai đã khẳng định mình là một tổ chức tôn giáo với tư cách pháp nhân đầy đủ. Cùng với việc này, Soka Gakkai đã bắt đầu nghiêm túc trong việc đưa ra những học thuyết và triết lý tôn giáo đặc định của riêng mình. Triết lý của Soka Gakkai được mài dũa và cải thiện qua mỗi đời Chủ tịch. Hiện nay, có thể cho rằng, triết lý này được cô đọng trong 2 điều, đó là Ningen Kakumei hay còn gọi là cách mạng con người (人間革命: Nhân gian Cách mạng) và Jitadomo no Kofuku hay còn gọi là hạnh phúc cho bản thân và người khác (自他どもの幸福: Tự Tha hạnh phúc).
Triết lý về cách mạng con người được Chủ tịch đời thứ hai, Josei Toda đặt nền tảng dựa trên những gì ông đã kế thừa từ người tiền nhiệm của mình là Makiguchi Tsunesaburo, và được Chủ tịch đời thứ ba, Daisaku Ikeda tiếp nối và phát triển. Đối với không những Ikeda mà với tất cả các tín đồ, đây là kim chỉ nam cho đức tin của họ. Vậy cách mạng con người có ý nghĩa gì? Giải thích một
42
cách đơn giản: “Cách mạng con người nghĩa là thay đổi cuộc sống và trạng thái cuộc sống của chính mình cho tốt đẹp hơn, và để phát triển và hoàn thiện hơn với tư cách là một con người… không có nghĩa là trở thành một tồn tại đặc biệt xa rời bản thân hiện tại, cũng không có nghĩa là hướng tới một nhân cách đồng nhất. Đó là một lối sống vượt qua mọi khó khăn, khổ đau bằng cách tối đa hóa cuộc đời của Đức Phật, là cuộc đời đầy trí tuệ, từ bi, và dũng cảm, hiện diện bình đẳng trong tất cả cuộc sống của con người” (theo thông tin trên trang chủ của Soka Gakkai). Trong tác phẩm Ningen Kakumei, Ikeda đã viết rằng: “Một cuộc cách mạng vĩ đại xảy ra với một con người cuối cùng sẽ thay đổi vận mệnh của một quốc gia, và thậm chí có thể thay đổi vận mệnh của cả nhân loại” (Ikeda 2013, phần mở đầu). Tác phẩm “Ningen Kakumei” và “Shin-Ningen Kakumei”
của Chủ tịch thứ ba Ikeda đã truyền tải rất rõ ràng triết lý về cải cách con người.
Triết lý chủ đạo này được truyền cảm hứng từ giáo lý Phật giáo, nội dung của triết lý này khẳng định rằng sự thay đổi sâu sắc bên trong không những giúp hình thành được những phản ứng mang tính xây dựng và sáng tạo hơn đối với thực tế đầy khó khăn, thử thách ở con người mà còn giúp cho họ sống một cách cởi mở, hoàn thiện bản thân và trở nên có ích cho cộng đồng.
Triết lý thứ hai về hạnh phúc cho bản thân và người khác có thể được tìm thấy thông qua Kosen rufu (広宣流布: Quảng tuyên lưu bố) và Rissho ankoku (立正安国: Lập chính an quốc).
Kosen rufu dịch theo đúng nghĩa đen tức là truyền bá rộng rãi để làm cho phổ biến. Trong kinh Pháp Hoa có viết (tạm dịch): “Sau khi tôi (Thích Ca Mâu Ni) viên tịch, trong Ngày Sau của Giáo Pháp, tôi sẽ truyền bá những giáo lý chân chính trên khắp thế giới, và tôi sẽ không để chúng tàn lụi” (Fukami 1996, tr. 529).
Trên tinh thần này, Kosen rufu của Soka Gakkai muốn phổ biến và tuyên truyền rộng rãi những lời dạy của Đại Thánh nhân trong kinh Pháp Hoa, và mục tiêu của triết lý này, như những gì Soka Gakkai vẫn luôn nói, đó là mang lại hạnh
43
phúc cho con người, thịnh vượng cho xã hội và hòa bình cho thế giới, dựa trên triết lý Phật giáo về phẩm giá của cuộc sống.
Thêm vào đó, đối với Soka Gakkai, Kosen rufu chính là ý nguyện quan trọng bậc nhất của Đại Thánh Nhân của Phật giáo Phật Liên. Khi giải thích về tầm quan trọng của Kosen rufu, họ thường trích dẫn những điều sau trong kinh Pháp Hoa1 (tạm dịch):
Đại nguyện là Kinh Pháp Hoa.
Nếu Nichiren có lòng từ bi, thì Nam mô Diệu Pháp Liên hoa kinh (南無 妙法蓮華経 – Nam-myoho-renge-kyo) sẽ tiếp tục trong vạn năm và thậm chí trong tương lai xa hơn thế.
Khi Nichiren bắt đầu tin vào Kinh Pháp Hoa, nó giống như một hạt bụi nhỏ ở Nhật Bản. Nhưng 2 người, 3 người, mười người, hàng trăm ngàn vạn triệu người cùng niệm, nó sẽ trở thành núi Sumeru, và nó sẽ trở thành đại dương của niết bàn vĩ đại. Đây chính là con đường duy nhất để trở thành Phật.
Trong niềm tin của Soka Gakkai, họ cho rằng sau khi Đại Thánh Nhân viên tịch hàng trăm năm cho tới khi Soka Gakkai xuất hiện, không một ai có khả năng khuếch đại lời dạy của Người trong kinh Pháp Hoa, và Soka Gakkai chính là đại diện cho Đức Phật Thích Ca và Đại Thánh Nhân để thức hiện ý nguyện này. Chính vì vậy, Kosen rufu không chỉ là triết lý mà còn là sứ mệnh cao cả mà tổ chức phải thực hiện, là ý nghĩa căn bản cho sự tồn tại của tổ chức.
Việc tham gia vào Kosen rufu của Soka Gakkai được cho là hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện và niềm tin vào Phật pháp của mỗi thành viên. Trên thực tế, đây là một kiểu truyền giáo của tổ chức mà các thành viên sẽ nói về kinh nghiệm tôn giáo và suy nghĩ Phật giáo của bản thân với bạn bè và người quen của họ, đồng thời tham gia đối thoại để mở rộng sự hiểu biết và đồng cảm đối với phong
1 立正安国と広宣流布.sokanet.jp/ Rissho An koku và Kosen rufu. Sokanet.jp:
https://www.sokanet.jp/kyougakunyuumon/rishouankoku-kousenrufu/
44
trào nhân văn dựa trên Phật giáo Nichiren. Ngoài ra, thành viên của Soka Gakkai còn thực hành Kosen rufu thông qua việc tham gia vào các hoạt động khác nhau trong các lĩnh vực hòa bình, văn hóa và giáo dục để giải quyết các vấn đề toàn cầu khác nhau mà xã hội hiện đại đang phải đối mặt. Chẳng hạn như các cuộc triển lãm truyền tải mối đe dọa của vũ khí hạt nhân và các hoạt động như giáo dục nhân quyền, ủng hộ tầm quan trọng của hòa bình, phẩm giá của cuộc sống, và tôn trọng quyền con người. Soka Gakkai đang tích cực lan truyền triết lý Kosen rufu ở quy mô toàn thế giới.
Rissho Ankoku được lấy từ Rissho Ankoku ron (立正安国論: Lập chính an quốc luận) của sư Nichiren, tức Đại Thánh Nhân. Rissho Ankoku ron được viết bởi sư Nichiren vào khoảng năm 1260, tức thời Kamakura. Trong Rissho Ankoku Ron, sư Nichiren giải thích về Rissho (Lập chính) tức là phải ngăn chặn tà đạo lây lan và tuyên truyền giáo lý của kinh Pháp Hoa; còn Ankoku (An quốc) là làm cho nhân dân và quốc gia được bình ổn. Dựa trên Rissho Ankoku Ron, Soka Gakkai cũng đã lý giải rằng: “Rissho” có nghĩa là mọi người tin vào Chính pháp2 làm nền tảng cho cuộc sống của họ, và triết lý Phật giáo về phẩm giá của cuộc sống được thiết lập như nguyên tắc cơ bản thúc đẩy xã hội. “Ankoku” có nghĩa là đem lại nền hòa bình, thịnh vượng cho xã hội và khiến cho cuộc sống của mọi người được bình ổn, an yên.
Rissho Ankoku chính là triết lý nền tảng giúp cho Soka Gakkai có sự chính danh để xuất thế tham gia vào các hoạt động xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Mặc dù sư Nichiren viết "Rissho Ankoku Ron" nhằm mục đích là để giải quyết nỗi thống khổ của người dân vào thời điểm thời kỳ Kamakura lúc đó. Ông phê phán những người có quyền lực, những người thực hành Phật giáo chỉ tin vào sự giác ngộ của chính họ. Ông chủ trương rằng người tu tập không phải chỉ cần tập trung vào mỗi sự giác ngộ của bản thân mà bỏ quên đi thế giới bên ngoài mà
2 Ý muốn nói về lời dạy của Đại Thánh Nhân trong kinh Pháp Hoa
45
phải nên tích cực tham gia vào các vấn đề xã hội dựa trên triết lý và tinh thần của Phật giáo. Soka Gakkai đã khéo léo lý luận rằng mặc dù sư Nichiren đã viết Rissho Ankoku Ron hướng đến giải quyết vấn đề của lúc đương thời nhưng tinh thần cơ bản của nó là hiện thực hóa hòa bình cho người dân, đó là thực hiện hòa bình của toàn thế giới và hạnh phúc của con người. Từ lý luận đó, Rissho Ankoku trở thành nền tảng cho việc xuất thế tham gia các hoạt động xã hội của tổ chức trong hiện tại. Ngày nay, Soka Gakkai đang hoạt động không ngừng để giải quyết các vấn đề toàn cầu trong các lĩnh vực hòa bình, văn hóa, giáo dục và nhân quyền dựa trên các nguyên tắc của Phật giáo cũng chính là sự thực tiễn hóa triết lý của Rissho Ankoku.