Chương 2. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC
3.1. Quan hệ với Đảng Công Minh ( 公明党 : Công Minh đảng)
3.1.2. Thời kỳ phân tách và tái thành lập
Như đã nói ở những phần trước, Đảng Công Minh đến năm 1994 đã tách ra thành 2 tổ chức đó là nhóm Công Minh và Công Minh tân đảng. Thành viên của Công Minh tân đảng là nhóm những nghị viên của hạ viện và nghị viên thượng viện được tái cử vào lần bầu cử thượng viện lần thứ 17, tân đảng này về sau hợp nhất với một đảng mới là Đảng Tân Tiến. Trái lại với Công Minh tân đảng, thành viên của nhóm Công Minh bao gồm những nghị viên tại địa phương và các nghị viên thượng viện không được tái cử, nhóm này không hợp nhất với Đảng Tân Tiến mà hoạt động riêng lẻ. Quyết định tách Đảng Công Minh ra thành 2 phía như vậy thực chất cũng là do sự chỉ đạo của Ikeda. Bởi như đã đề cập ở phần trước, dù là sau vụ án cản trở ngôn luận và xuất bản, Ikeda vẫn mới là lãnh đạo thực sự của Đảng Công Minh.
Mặc dù có sự sáp nhập của Công Minh tân đảng nhưng điều đó không có nghĩa Đảng Tân Tiến sẽ nhận được sự ủng hộ toàn diện và vô điều kiện từ Soka Gakkai như Đảng Công Minh cũ đã từng. Chủ tịch đương nhiệm của Soka Gakkai vào lúc đó là Akiya Einosuke cũng đã khẳng định điều tương tự. Kể từ khi Đảng Tân Tiến thành lập, chỉ có các ứng cử viên nghị viện đồng thời cũng là các thành viên của Công Minh tân đảng thì mới nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và toàn diện từ Soka Gakkai. Có thể thấy, dù trong hình thức nào Soka Gakkai vẫn luôn là một tổ chức hậu phương vững chắc trong vấn đề bầu cử cho lực lượng của Đảng Công Minh. Tuy nhiên điều này cũng làm cho tăng mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Tân Tiến do phát sinh sự dị nghị của một bộ phận các thành viên đảng với Soka Gakkai.
Tại cuộc bầu cử thượng viện lần thứ 17 vào năm 1995, Đảng Tân Tiến đã giành số phiếu áp đảo so với liên minh của các đảng cạnh tranh trong đó có Đảng Dân chủ Tự do. Watanabe Kozo của Đảng Tân Tiến cũng đã phát biểu: “Soka Gakkai đã hoạt động mạnh mẽ. Tôi thực sự biết ơn từ tận đáy lòng 6 triệu phiếu
73
bầu của Soka Gakkai” (Shimada 2017, tr. 1778-1779). Như vậy, chiến thắng của Đảng Tân Tiến không thể thiếu sự hậu thuẫn từ Soka Gakkai mà sự hậu thuẫn này có được là do Đảng Tân Tiến có một bộ phận thành viên là các cựu đảng viên của Đảng Công Minh cũ. Đáp lại áp lực bầu cử từ Soka Gakkai, các đảng cạnh tranh đã khôn khéo lợi dụng những nghị luận về việc thay đổi luật về pháp nhân tôn giáo sau vụ thảm sát hàng loạt của giáo phái Aum, hướng mũi giáo dư luận về phía Soka Gakkai cũng là một tổ chức tôn giáo mới như giáo phái Aum.
Kết quả là Ikeda, lúc này đã là Chủ tịch danh dự của Soka Gakkai, đã bị triệu tập để đối chất trước quốc hội. Việc triệu tập của Chủ tịch Ikeda sau đó đã bị hoãn lại nhưng thay vào đó, Chủ tịch đương nhiệm là Akiya đã được mời để lấy lời khai tại ủy ban đặc biệt chuyên xử lý các vụ việc về pháp nhân tôn giáo của Thượng viện. Sau sự việc, các thành viên của Soka Gakkai dần mất đi niềm tin đối với bộ phận Đảng Công Minh trong Đảng Tân Tiến vì họ cho rằng, những thành viên của đảng đã không thực sự cố gắng trong việc bảo vệ Soka Gakkai, bảo vệ Chủ tịch Ikeda trước mũi giáo của dư luận. Trong buổi phỏng vấn cùng nhà báo Tahara Soichiro, khi bị chất vấn rằng tất cả những sự việc xảy ra gần đây, kể cả việc Chủ tịch Ikeda bị công kích cũng như việc Soka Gakkai bị phê phán đều là do Đảng Công Minh, việc đảng này sáp nhập với Đảng Tân Tiến càng làm trầm trọng hơn vấn đề, lời chất vấn tiếp tục trở nên gay gắt hơn khi Tahara cho rằng chỉ cần đảng giải thể thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết; đối với những chất vấn đó, Chủ tịch Ikeda đã không phản bác gì và có thái độ đồng tình.
Việc các Đảng Tân Tiến mà trong đó có các thành viên của Đảng Công Minh trước đây, nhắm tới gia nhập vào hàng ghế chính quyền lúc này rõ ràng đã trở thành lý do mà Soka Gakkai phải hứng chịu những công kích từ các đảng phái chính trị khác và dư luận. Phía các đảng cạnh tranh lúc này đã đưa cho Soka Gakkai sự lựa chọn giữa việc hoàn toàn rút khỏi mọi hoạt động chính trị và bầu cử, hoặc phải tái thiết lập Đảng Công Minh như lúc đầu tức là bao gồm cả nhóm
74
Công Minh vốn là các nghị viên có quan hệ tốt với thế lực lớn nhất trong các đảng cạnh tranh đó là Đảng Dân chủ Tự do. Vào năm 1996, tại cuộc bầu cử thượng viện tại tỉnh Gifu, mặc dù có sự tham dự của ứng cử viên của phía Đảng Tân Tiến, song các cán bộ của Soka Gakkai đã có tuyên bố rằng các thành viên của họ sẽ bỏ phiếu một cách tự chủ, tức là các thành viên tự bỏ phiếu theo phán đoán của họ mà không chịu sự chỉ định, giới thiệu, đề cử ứng viên từ các đảng phái chính trị hay các nhóm áp lực khác. Ngoài ra, nhóm Công Minh cũng tuyên bố rằng sẽ tham gia vào đợt bầu cử thượng viện lần này một cách độc lập, tức họ cũng sẽ ở trong vị trí cạnh tranh với Đảng Tân Tiến. Mặc dù không nói thẳng nhưng ở đây có thể thấy Soka Gakkai đã lựa chọn không ủng hộ, hoặc ít nhất là đã giảm đi sự ủng hộ của mình đối với Đảng Tân Tiến và các thành viên của Đảng Công Minh cũ. Cứ như vậy Đảng Tân Tiến mất dần thế lực, việc đưa nhiều ứng cử viên ra tranh cử nhằm giành nhiều ghế quốc hội cũng không đạt được kết quả như dự định vì thiếu mất sự hậu thuẫn từ phía Soka Gakkai, cùng với việc nhiều đảng viên liên tục rời đi kể từ đó, nên chỉ khoảng 1 năm sau, vào tháng 12 năm 1997, Đảng Tân Tiến chính thức giải thể. Việc Đảng Công Minh bị phân tách đã gây tác động trực tiếp lên sự giải thể của Đảng Tân Tiến sau này, không những do tác động từ phía nhóm Công Minh ở ngoài mà còn làm suy yếu từ bên trong của đảng. Sau khi Đảng Tân Tiến giải thể, các nghị viên hạ viện của Đảng Công Minh cũ tiếp tục thành lập một đảng mới với tên gọi “Tân đảng hòa bình”
(新党平和: Shinto Heiwa), các thành viên là nghị viên thượng viện lại thành lập một đảng mang tên Reimei Kurabu (黎明クラブ: Câu lạc bộ Lê Minh). Tuy nhiên, Lê Minh chỉ tồn tại trong 10 ngày và sau đó đã lập tức sáp nhập với nhóm Công Minh và cũng chỉ 1 năm sau đó, Tân đảng Hòa bình cũng đã nối bước Câu lạc bộ Lê Minh sáp nhập và tái thành lập lại Đảng Công Minh (Tân Công minh đảng hay Đảng Công Minh mới). Như vậy, sau gần 4 năm phân tách, Đảng Công Minh đã chính thức phục hồi lại trạng thái thống nhất của nó.
75