Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Những khái niệm liên quan
1.1.3. Quan niệm về quan hệ của tôn giáo và đảng chính trị
Để thấy được mối quan hệ của tôn giáo và đảng chính trị, trước hết phải xem xét đến mối quan hệ giữa tôn giáo – chính trị và quan hệ của tôn giáo với các nhà nước.
21
Tôn giáo và chính trị đã luôn cùng tồn tại và tương tác với nhau trong suốt tiến trình lịch sử. Trong tất cả các nhà nước cổ đại được sử sách ghi chép lại như:
Ai Cập cổ đại, Hy Lạp, Lưỡng Hà, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã... , có thể thấy không có nhà nước nào lại nằm ngoài mối quan hệ mật thiết với tôn giáo cả.
Cho đến thời phong kiến và kéo dài cho đến xã hội hiện đại, cả phương Đông và phương Tây đều chứng kiến mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị liên tục biến động, có lúc hòa hợp có lúc xung đột gay gắt, song chưa bao giờ chúng tách rời nhau.
Xã hội loài người đã trải qua thời kỳ mà ảnh hưởng của tôn giáo rất mạnh mẽ, đủ khả năng chi phối không những chỉ đời sống cá nhân của con người mà còn cả chính trị, đó chính là thời kỳ trung cổ; tại phương Tây là Cơ Đốc giáo còn phương Đông có Ấn Độ giáo, Phật giáo... Tôn giáo và chính trị gắn bó mật thiết, trong đó tôn giáo giúp hợp thức hóa quyền lực của nhà cầm quyền, vua chúa, còn nhà cầm quyền sẽ đảm bảo sự tồn tại và ảnh hưởng của tôn giáo. Điều này có thể thấy ở việc vua chúa phương Đông tự xưng là “Thiên tử” và người dân phải nghe lệnh của nhà vua giống như mệnh lệnh của nhà trời. Tại phương Tây, người trở thành vua cũng trải qua các nghi lễ tôn giáo tiêu biểu là nghi lễ trao vương miện (Coronation) như là minh chứng cho việc ông là người được Thiên chúa lựa chọn để trở thành vua. Rõ ràng ta có thể thấy, tôn giáo đóng vai trò thần thánh hóa địa vị của giai cấp phong kiến và củng cố xã hội đương thời, nói cách khác tôn giáo chi phối chính trị và cũng trực tiếp tham gia vào công việc chính trị của nhà nước. Bên cạnh ảnh hưởng với nhà nước, tôn giáo cũng ảnh hưởng đến những mặt khác của chính trị, chẳng hạn như các hoạt động chính trị của người dân. Những hoạt động này, chẳng hạn như: cải cách xã hội, cách mạng xã hội...
cũng được khoác lên lớp áo của sự thần bí, của tôn giáo. Một ví dụ điển hình đó là phong trào đấu tranh chống chế độ phong kiến và giáo hội theo tư tưởng của Thomas Munzer tại Đức thế kỷ XVI. Thomas Munzer là tiến sĩ thần học, đồng
22
thời cũng có thời gian giữ chức vụ linh mục tại nhà thờ Brunswick, tuy nhiên, triết học tôn giáo của ông lại được đánh giá là tiến bộ và gắn với chủ nghĩa vô thần: “Học thuyết chính trị của ông gắn liền chặt chẽ với những quan điểm tôn giáo cách mạng ấy và vượt xa giới hạn của những quan niệm tôn giáo thịnh hành hồi đó. Giống như triết học, tôn giáo của Muyn-xơ gắn với thuyết vô thần...”
(C.Mác và Ph.Ăngghen 1993, tr. 490).
Từ đây ta thấy, trong các xã hội trung cổ và phong kiến, mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị đan xen vào nhau rất chặt chẽ. Khi cần thiết, tôn giáo hoàn toàn có thể được sử dụng làm công cụ để xác nhận và củng cố cho sự cai trị của các thể chế chính trị.
Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội đã kéo theo sự thay đổi của vai trò và vị thế của tôn giáo trên nhiều lĩnh vực bao gồm cả chính trị. Sự nổi lên của chủ nghĩa thế tục đã làm cho tôn giáo mất đi vị thế vốn có của nó trong quá khứ. G.
Phillips (2011, tr. 6) trong công trình nghiên cứu về chủ nghĩa thế tục đã định nghĩa như sau: “Một định nghĩa ngắn gọn của chủ nghĩa thế tục đó là nó ủng hộ sự chia tách của giáo hội và nhà nước mặc dù ngoài điều này, không có bất kỳ ý nghĩa nào được đồng tình một cách phổ quát về chủ nghĩa thế tục cả”. Như vậy, ngoài nội dung “ủng hộ sự chia tách của giáo hội và nhà nước” thì tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người lại có thêm một phần nội dung bổ sung khác nhau vào định nghĩa về chủ nghĩa thế tục. Cũng theo G. Phillips, từ tình trạng của Anh, ông mô tả chủ nghĩa thế tục như một triết lý chính trị đề cập tới mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước như sau: sự chia tách giữa tôn giáo và nhà nước; mọi người đều có quyền tự do thực hành đức tin (có hay không có, giữ nguyên hay thay đổi); không ai có được ép buộc đức tin hay tôn giáo của mình lên người khác
Marx (1993, tr. 533-534) trong các tác phẩm của mình bàn về vấn đề tôn giáo, cụ thể là “Về vấn đề Do Thái cũng đã đặt nền móng triết lý cho một nhà
23
nước thế tục, cụ thể ông có viết: “Sự giải phóng chính trị của người theo đạo Do Thái, của người theo đạo Cơ Đốc, của người tôn giáo nói chung là sự giải phóng nhà nước khỏi đạo Do Thái, đạo Cơ đốc, khỏi tôn giáo nói chung... nhà nước tự giải phóng khỏi tôn giáo với tư cách nhà nước, khi mà nó tự giải phóng khỏi quốc giáo, nghĩa là nhà nước với tư cách là nhà nước không bảo vệ một tôn giáo nào, mà ngược lại, tự bảo vệ mình với tư cách là nhà nước,... Nhà nước cũng là kẻ trung gian mà con người đặt vào đó toàn bộ sự không thần thánh của mình, toàn bộ sự tự do của con người của mình”.
Về sau, Lênin (2005, tr. 171) cũng kế thừa từ Marx và đã có những kết luận như sau về nhà nước thế tục:
- Nhà nước không được dính đến tôn giáo và ngược lại, các đoàn thể tôn giáo không được dính đến nhà nước. Đối với nhà nước, tôn giáo phải là một việc tư nhân
- Bất kỳ ai cũng được tự do lựa chọn tôn giáo theo nguyện vọng của bản thân hoặc lựa chọn làm người vô thần
- Bất kỳ sự phân biệt quyền lợi giữa công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau đều không thể dung thứ
- Nhà nước không được chi bất cứ một khoản phụ cấp nào cho giáo hội, cũng như cho các đoàn thể giáo hội và tôn giáo, những đoàn thể này phải là những hội của những công dân cùng theo một tôn giáo, những hội hoàn toàn tự do và độc lập với chính quyền
Có thể lấy Mỹ là một ví dụ điển hình như một quốc gia với chủ nghĩa thế tục được thể hiện rõ ràng trong hiến pháp. Với tu chính án thứ nhất, một bức màn ngăn cách giữa tôn giáo và nhà nước đã được tung ra. Tu chính án có tiêu đề “Tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và quyền thỉnh nguyện” với nội dung chỉ rõ rằng mọi người dân đều có quyền tin và thực hành đức tin đó với bất kỳ tôn giáo nào họ muốn, bên cạnh đó, chính phủ liên bang
24
không được phép xây dựng bất kỳ một nền quốc giáo nào hoặc ngả quá về một tôn giáo, tín ngưỡng nào đó. Trên thực tế, trong một số trường hợp cụ thể, chính phủ thậm chí không thể trưng bày những vật phẩm, những biểu tượng tôn giáo ở các trường học công, hay tỏa án và văn phòng.
Một trường hợp khác là Hiến pháp của Nhật Bản năm 1946. Cụ thể là điều 20 và 89 cũng đã đề ra:
Điều 20 quy định tự do tôn giáo được đảm bảo cho tất cả mọi người.
Không có đoàn thể tôn giáo nào được tiếp nhận đặc quyền từ nhà nước hoặc có quyền lực chính trị; không ai bị ép buộc tham gia vào các hành vi tôn giáo, lễ hội, nghi lễ hoặc tu tập; Nhà nước và các cơ quan của nó không được phép tiến hành giáo dục tôn giáo và các hoạt động tôn giáo khác
Điều 89 quy định không một khoản tiền công hay tài sản công nào được phép chi trả cho việc sử dụng, làm có lợi hay duy trì các đoàn thể, tổ chức tôn giáo hoặc bất cứ công việc từ thiện, giáo dục nào không thuộc thẩm quyền công.
Hiến pháp 1946 được ban hành với hi vọng sẽ kết thúc triệt để sự can thiệp của Nhà nước vào các công việc của các tổ chức tôn giáo và bên cạnh đó đảm bảo cho sự bất khả xâm phạm của quyền tự do tôn giáo tại Nhật Bản.
Việc nghiên cứu về tôn giáo và đảng chính trị, rộng hơn nữa là tôn giáo và chính trị đã có lúc bị cản trở bởi mô hình thế tục. Mặc dù ban đầu, nhiều học giả và nhà nghiên cứu nghĩ rằng, với sự phát xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa thế tục tôn giáo sẽ dần không còn liên quan gì đến chính trị nữa, tuy nhiên thực tế lại không như vậy. Bên cạnh việc thế tục hóa xảy ra ở nhiều nhà nước, nhiều quốc gia cũng chứng kiến sự phục hưng đáng kể của tôn giáo trong chính trị như Iran, Ấn Độ, Isarel... G.Ballandier (2016, tr. 216) cho rằng “Nhà nước vẫn tiếp tục bảo tồn một vài đặc điểm của giáo hội, ngay cả khi nó là kết quả của một quá trình thế tục lâu dài”. Ta thấy, với quan điểm của Ballandier, mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị trong xã hội hiện đại không những không mất đi mà trái lại
25
“trong các xã hội hiện đại mang tính thế tục, sự hòa quyện giữa cái thiêng và chính trị rõ ràng, đầy đủ hơn”.
Như vậy, mặc dù vị thế của tôn giáo hiện tại đã suy giảm rất nhiều so với quá khứ, nhưng thực tế, khó ai có thể khẳng định rằng tôn giáo và chính trị đã hoàn toàn tách bạch, không còn mối liên hệ gì với nhau nữa. Chẳng qua, sự tương tác giữa tôn giáo và chính trị nay đã trở nên kín đáo hơn nhưng có lẽ lại không hề giảm đi chút nào sự phức tạp của nó.