Chương 2. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC
3.1. Quan hệ với Đảng Công Minh ( 公明党 : Công Minh đảng)
3.1.1. Thời kỳ Đảng Công Minh thành lập
Như đã đề cập ở chương trước, 1 năm sau khi Ikeda nhiệm chức, cơ quan ban văn hóa của tổ chức đã được đổi thành cục văn hóa và trực tiếp điều hành các bộ: chính trị, kinh tế, giáo dục, ngôn luận. Nhiệm vụ chính của cục văn hóa lúc nào chính là kiến tạo “nền văn minh thứ 3” trong chính trường Nhật Bản, nói cách khác chính là một đảng chính trị riêng của Soka Gakkai và sau đó, Liên minh chính trị Công Minh được thành lập. Đây cũng chính là tiền thân cho Đảng Công Minh sau này. Mục đích cơ bản ban đầu của liên minh cũng giống như cục văn hóa đó là thanh lọc thế giới chính trị bấy giờ, với các chính sách như: phản
68
đối vũ khí hạt nhân, phản đối thay đổi hiến pháp, bầu cử công minh liêm chính...
Bước tiến của liên minh rất rõ ràng, chỉ sau khi thành lập 1 năm, vào năm 1962 liên minh đã có động thái chứng minh rằng, họ đang từng bước tiến trở thành một đảng chính trị hoàn thiện, thể hiện qua điều cuối trong “Các điều ước cơ bản” của mình: “Triết lý của chúng tôi nằm ở tinh thần Rissho Ankoku của Đại Thánh nhân Nichiren. Dựa trên triết lý tối cao và lòng từ bi vô bờ đó, hiện nay, chúng tôi tổ chức các hoạt động trên danh nghĩa một đoàn thể chính trị và sẽ không thực hiện bất kỳ hành vi bất chính nào trên danh nghĩa đó” (Shimada 2017, tr. 590-592). Đến năm 1963, các ứng viên tham gia bầu cử do liên minh đề cử ở cấp địa phương, thành phố và khu vực là những cá nhân không thuộc bất kỳ đảng chính trị hiện thời nào cả, điều này cũng minh chứng cho việc liên minh, dù chậm rãi nhưng đang từng bước triển khai quá trình đảng hóa. Ở giai đoạn tiền thân của Đảng Công Minh, tức là Liên minh chính trị Công Minh, có thấy liên minh và Soka Gakkai lúc này tuy hai mà một, “nhất tâm đồng thể”, hoạt động của liên minh cũng là một phần hoạt động của Soka Gakkai. Điều này trước hết có thể thấy ở lập trường ủng hộ các chính sách của liên minh. Ngoài các chính sách về thúc đẩy nhập cư nước ngoài, bãi bỏ thuế thu nhập lao động, liên minh cũng yêu cầu các chính sách về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp tầm vừa và nhỏ.
Không phải trùng hợp mà lực lượng chủ đạo của Soka Gakkai cũng chính là các đối tượng hướng tới của những chính sách do liên minh đặt ra, đó là những người dân thuộc tầng lấp trung lưu và nghèo khó, những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động và những hộ tự kinh doanh. Thêm vào đó, mặc dù được thành lập như là một tổ chức nằm ngoài Soka Gakkai, tức là nếu ta nhìn vào cơ cấu của Soka Gakkai thì sẽ không thấy bộ phận nào mang tên “Liên minh chính trị Công Minh cả, song khó có thể nói vì điều này mà liên minh lại hoàn toàn độc lập khỏi Soka Gakkai bởi thành viên của liên minh lại là người thuộc bộ chính trị của cục văn hóa của Soka Gakkai và lãnh đạo cao cấp của liên minh cũng là
69
những nhân vật có vị trí ở Soka Gakkai. Có thể kể đến một vài cái tên tiêu biểu đó là Harashima Koji vừa lãnh đạo cao cấp của Soka Gakkai vừa là Chủ tịch của liên minh, trường hợp của phó chủ tịch Hojo Hiroshi cũng tương tự như vậy. Các nghị viên địa phương của liên minh là trưởng của các bộ phận khác của Soka Gakkai như: chi bộ địa phương, bộ con trai... Trong đại hội lần thứ nhất của liên minh, Chủ tịch Ikeda cũng đã đến để phát biểu và phó Chủ tịch Hojo đã nói như sau: “Chắc chắn nếu không có Chủ tịch Ikeda thì không thể có niềm hân hoan ngày hôm nay, cũng như sự phát triển của Liên minh chính trị Công Minh”
(Shimada 2017, tr. 630-631). Qua đây, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nhận định rằng, người đứng đầu của liên minh chính là Chủ tịch Ikeda. Cứ như vậy, Soka Gakkai và Liên minh chính trị Công Minh đã trở thành thế lực có khả năng tác động đến chính giới và gây áp lực cho những chính đảng khác vào lúc bấy giờ.
Năm 1964, đại hội thành lập Đảng Công Minh được diễn ra tại Giảng đường lớn Ryogoku của đại học Nihon (両国 日本大学講堂: Ryogoku Nihon Daigaku Kodo). Quyết định về việc thành lập đảng đã được Ikeda thông qua số đông thành viên của tổ chức, song xoay quanh vấn đề này cũng có những khúc mắc, trong đó nhiều ý kiến cho rằng việc này đã đi ngược lại ý nguyện của Chủ tịch tiền nhiệm là Toda. Nhưng dù vậy, vào năm 1964 Đảng Công Minh đã được chính thức thành lập với cương lĩnh: tạo ra nên hòa bình tuyệt đối với nền tảng là chủ nghĩa toàn cầu và thuyết hợp nhất Vương pháp – Phật pháp; hiện thực hóa nền phúc lợi của đại chúng, một nền phúc lợi đầy tính nhân văn mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân con người; Đảng Công Minh là một đảng chính đề cao chủ nghĩa dân chủ Phật pháp, đề cao tầm quan trọng của tính nhân văn; xác lập một nền chính trị nơi mà nghị hội thực sự của dân do dân vì dân và dẹp bỏ những cuộc bầu cử bất chính, hủ bại. Những nội dung cương lĩnh này có nhiều điểm giống với của liên minh chính trị Công Minh tuy nhiên có một sự khác biệt đáng lưu tâm đó là trong nội dung cương lĩnh này xuất hiện những từ ngữ mang tính
70
tôn giáo như: chủ nghĩa dân chủ Phật pháp hay hợp nhất giữa vương pháp và Phật pháp... Như vậy có thể thấy, Đảng Công Minh lúc này là một đảng chính trị tôn giáo được thành lập nhằm thực thi Phật pháp Nichiren của Soka Gakkai trên phương diện chính trị.
Vì tiền thân của đảng chính là liên minh chính trị Công Minh vì vậy, tương tự như liên minh, thành viên của đảng, từ các cán bộ cốt lõi đến các đảng viên khác đều là thành viên của Soka Gakkai. Chủ tịch bấy giờ của đảng, cũng từng là Chủ tịch của liên minh, Harashima Koji trong buổi lễ thành lập đảng đã phát biểu rằng Ikeda chính là: “Người cha người mẹ đã sinh thành ra Đảng Công Minh đồng thời cũng là người nuôi dưỡng đảng” (Shimada 2017, tr. 720).
Một điểm nữa cho thấy sự kết nối của Soka Gakkai và Đảng Công Minh đó là hoạt động thực thi các chính sách phúc lợi đại chúng. Như đã đề cập ở trên, thành phần chủ đạo của Soka Gakkai là tầng lớp trung lưu và nghèo khó ở đô thị, họ chính là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ những chính sách phúc lợi mà Đảng Công Minh muốn xúc tiến. Chẳng hạn như các chính sách miễn thuế thu nhập hay thuế xây dựng nhà ở, đây đều là những chính sách có lợi cho người thu nhập thấp. Ngoài ra, các chính sách khác mà Đảng Công Minh đề xuất còn có:
chính sách về quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp then chốt, chính sách tiền lương tối thiểu, chính sách duy trì giá cả để phân phối lại thu nhập... tất cả đều nhắm đến lợi ích của tầng lớp làm chủ đạo cho cơ cấu hội viên của Soka Gakkai.
Đảng Công Minh không chỉ là một chính đảng tôn giáo dựa trên các lý tưởng tôn giáo bất kỳ nào, họ là một chính đảng có những nét đặc thù, “nhất tâm đồng thể”
với một nhóm tôn giáo cụ thể gọi là Soka Gakkai.
Tuy nhiên, một sự kiện lớn đã giáng một đòn chí mạng vào cơ cấu giữa Soka Gakkai và Đảng Công Minh làm kể từ đó làm thay đổi mối quan hệ giữa cả hai một cách sâu sắc. Vào năm 1969, Soka Gakkai và Đảng Công Minh bị cáo buộc là đã có hành vi cản trở ngôn luận và xuất bản, sự kiện được gọi là Genron
71
Shuppan Bogai ken hay còn gọi là “Vụ án cản trở ngôn luận và xuất bản” (言論 出版妨害件: Ngôn luận xuất bản phòng hại kiện). Soka Gakkai đã có động thái gây áp lực lên việc xuất bản tác phẩm Soka Gakkai wo kiru (創価学会を斬る: Sáng giá Soka Gakkai trảm) của giáo sư Fujiwara Hirotatsu (藤原弘達: Đằng Nguyên Hoằng Đạt) . Sau vụ việc trên, đích thân Chủ tịch Ikeda đã phải lên tiếng xin lỗi dư luận và trong phát biểu tại hội nghị cán bộ cơ sở lần thứ 33 vào năm 1970 của Soka Gakkai, Ikeda đã tuyên bố làm rõ ràng nguyên tắc phân ly chính trị và tôn giáo đối với Đảng Công Minh. Ngay sau đó, các nghị sĩ của đảng đã tuyên bố sẽ rời khỏi các vị trí quan trọng của Soka Gakkai hay Soka Gakkai sẽ không còn là đoàn thể hỗ trợ chính của đảng nữa, và có những lời đồn đoán quanh việc bản thân Ikeda sẽ không bao giờ tiến thân vào giới chính trị. Kết quả của việc này đó là 2 tổ chức dần tiến lên theo chiều hướng phân ly khỏi nhau, nhất là ở mặt nhân sự. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng lại không đi theo hướng mà Chủ tịch Ikeda đã phát biểu trong hội nghị, đó là vấn đề về bầu cử và ủng hộ bầu cử. Sau hội nghị cán bộ cơ sở của Soka Gakkai, Đảng Công Minh cũng không sử dụng nguồn chi phí nào khác (ít nhất không phải của riêng mình) để tiến hành tranh cử và đảng cũng không hề mở rộng việc tuyển chọn thành viên ra ngoài khỏi phạm vi của Soka Gakkai. Không thể thấy bất kỳ tổ chức nào có thể hỗ trợ và đứng sau Đảng Công Minh như cách mà Soka Gakkai đã và vẫn đang tiến hành. Như vậy, mặc dù sau tuyên bố của Ikeda, Soka Gakkai và Đảng Công Minh đã có sự tách bạch ở một phần của mặt nhân sự, cụ thể là ở cấp các cán bộ, nhưng ở mặt tranh cử, Đảng Công Minh vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của các thành viên của Soka Gakkai. Rất nhiều ý kiến vẫn cho rằng, tại khoảng thời gian này, Ikeda vẫn là người lãnh đạo thực sự của Đảng Công Minh.
72