Khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của các lễ hội

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển loại hình du lịch văn hóa ở bắc ninh (Trang 94 - 98)

6. Bố cục khóa luận

3.1.2.Khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của các lễ hội

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 lễ hội lớn, nhỏ; gần 2000 di tích thuộc địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, các xã, thôn và phần lớn các di tích đều có lễ

hội truyền thống. Hầu như làng (thôn) nào cũng có lễ hội dân gian thường gọi tên lễ hội theo tên làng hoặc tên di tích. Có nhiều lễ hội đã trở thành hội vùng như: hội Lim, hội Dâu, hội Đền Đô... từng nổi tiếng trong dân gian. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, các lễ hội đã và đang bộc lộ những mặt lệch lạc, cần sớm được chấn chỉnh, khắc phục như: xu hướng thực dụng, thương mại hóa lễ hội, làm lu mờ giá trị văn hóa, lịch sử, lan tràn mê tín dị đoan và những hủ tục lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự, trị an.

Để khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của các lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đề tài xin được đưa ra một số giải pháp sau:

- Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bắc Ninh cần phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội: hướng dẫn, kiểm tra từ khâu chuẩn bị đến việc tổ chức lễ hội.

-Trong lễ hội cần giữ gìn và nâng cao những sinh hoạt văn hóa truyền thống có ý nghĩa tích cực, phù hợp với giá trị văn hóa xã hội chủ nghĩa như những hoạt động văn nghệ dân gian có ý thức nhân đạo và tiến bộ, có tác dụng tạo nên tâm lý tập thể, những hoạt động, nghi thức có ý nghĩa nhớ ơn tổ tiên, yêu nước, yêu quê hương, yêu lao động.

- Tiến hành rà soát, tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu và có các bước thử nghiệm để định hình các nghi thức lễ và các hoạt động hội. Trước khi mở hội, phải có sự tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, có kế hoạch chi tiết, cụ thể, bên cạnh đó phục hồi những trò chơi dân gian truyền thống để minh họa cho phần hội thêm phong phú. Lễ hội cần phải được tổ chức quy củ và hài hòa cả phần lễ và phần hội. Đối với lễ hội mới, cần xây dựng kịch bản phù hợp gắn với chủ đề riêng của lễ hội. Hơn nữa cần hạn chế những mặt trái của lễ hội như các hủ tục lạc hậu, hạn chế đốt vàng mã, hương hoa; không để các trò chơi trá hình diễn ra nhằm lừa du khách thập phương khi đến lễ hội, chống mọi biểu hiện thương mại hóa lễ hội bằng việc đặt hòm công đức bừa bãi.

- Tuyên truyền các giá trị lịch sử văn hóa và tôn vinh công trạng của danh nhân để nhân dân và du khách thập phương hiểu rõ giá trị của di tích cũng như những quy định của pháp luật có liên quan, kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch

lạc; đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội, đồng thời quảng bá tiềm năng văn hóa, thể thao và du lịch làm cho lễ hội ngày càng văn minh, thật sự trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân, góp phần tích cực vào sự thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế-văn hóa của địa phương.

- Chính quyền các cấp cần chỉ đạo các ngành chức năng quản lý chặt chẽ việc quy hoạch sắp xếp các hàng quán, dịch vụ vui chơi giải trí hợp lý, tạo điều kiện để nhân dân địa phương có thêm thu nhập nhưng vẫn bảo đảm tính văn hóa trong các hoạt động dịch vụ, giữ gìn được cảnh quan môi trường, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch về hình thức tổ chức và thời gian lễ hội, không kéo dài làm ảnh hưởng tới lao động, sản xuất, học tập và công tác của mọi tầng lớp nhân dân.

- Coi trọng công tác xã hội hóa, nêu cao vai trò tự chủ của nhân dân trong tổ chức lễ hội. Khai thác những kinh nghiệm, các tập tục cổ truyền tốt đẹp, kiến thức tổ chức lễ hội còn tiềm ẩn trong dân gian góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống. Việc tổ chức lễ hội phải phù hợp với yêu cầu và khả năng thực tế của các cấp, các ngành, địa phương; phát huy tính chủ động, sáng tạo, gắn kết hài hòa việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - du lịch. Cần có quy định việc sử dụng nguồn thu từ lễ hội đúng mục đích, phục vụ tốt công tác bảo tồn di tích và hoạt động lễ hội.

- Hiện nay đi lễ hội nhiều người không hiểu hết ý nghĩa của lễ hội, thiếu sự hiểu biết về lễ hội truyền thống do vậy mà tạo nên sự hỗn loạn: cúng thuê, khấn thuê, đốt vàng mã, một số người trục lợi giả danh lập đền thờ, miếu mạo… Không ít người đã đồng nhất đi lễ đầu năm với việc cúng bái đã làm mất ý nghĩa của cuộc hành hương về với cội nguồn. Để khắc phục sự thiếu hiểu biết này về lễ hội, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần chú trọng tới vấn đề giáo dục văn hóa truyền thống, để người dân tự giải quyết trên cơ sở tự giác của từng người, không nên dùng mệnh lệnh. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng nên mở các chuyên mục để giáo dục văn hóa truyền thống, góp phần để các lễ hội diễn ra theo đúng nội dung, đúng tinh thần. Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức,

hiểu biết về lễ hội cổ truyền là việc cần làm một sớm một chiều để mọi người dân tham gia lễ hội đều có thể am tường giá trị văn hóa của nó từ nhân vật phụng thờ đến nghi lễ, từ trò diễn đến trò chơi, từ vật dâng cúng đến diễn biến của lễ hội. Tránh tình trạng như ở hội Lim, đại bộ phận công chúng đi hội đều không được giới thiệu ý nghĩa của các nghi lễ trong lễ hội và cũng không hiểu được lịch sử của lễ hội, kể cả những người sống trong vùng Lim, làm mất giá trị giáo dục truyền thống. Tại các lễ hội nên có bảng lược thuật lịch sử, sự tích của di tích và lễ hội, những tờ gấp, tập sách mỏng, những bài thuyết trình của hướng dẫn viên giúp cho mọi người hiểu hơn về ý nghĩa của lễ hội.

Có thể nói đội ngũ hướng dẫn viên nhiệt tình, có chuyên môn và năng lực đóng vai trò quan trọng để lễ hội diễn ra tốt đẹp theo đúng nội dung chương trình đã được xây dựng. Vì vậy, ngành văn hóa du lịch nên bố trí mỗi một lễ hội có một đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ, có nghiệp vụ. Những hướng dẫn viên này sẽ giúp cho du khách về dự hội hiểu rõ thêm những giá trị văn hóa, những nét đẹp của lễ hội và các di tích liên quan đến lễ hội.

- Cần tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về tổ chức, quản lý và bảo tồn lễ hội truyền thống; nhận diện và phân loại lễ hội truyền thống hiện có trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch nhằm quản lư và có kế hoạch bảo tồn, phục hồi và phát triển.

- Các lễ hội phải thành lập Ban tổ chức, đồng thời chuẩn bị tốt nội dung và các điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và biện pháp phòng chống cháy nổ. Các lễ hội tiêu biểu như: hội Lim, hội Dâu, hội Diềm, hội Đền Đô… phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo trực tiếp.

Điều quan trọng nhất hiện nay đối với Bắc Ninh là cần nghiên cứu phục dựng những lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, trong đó chú ý: đơn vị tổ chức lễ hội không can thiệp quá sâu vào nội dung, kịch bản lễ hội truyền thống, nghiên cứu bổ sung yếu tố đương đại vào lễ hội truyền thống nhưng không làm phá vỡ kết cấu, mô thức lễ hội truyền thống, khắc phục việc tổ chức lễ hội tràn lan và thương mại hóa đơn thuần.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển loại hình du lịch văn hóa ở bắc ninh (Trang 94 - 98)