Bánh Phu Thê

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển loại hình du lịch văn hóa ở bắc ninh (Trang 42 - 43)

6. Bố cục khóa luận

1.2.5.1.Bánh Phu Thê

Bánh phu thê là đặc sản của vùng quê Đình Bảng (Bắc Ninh). Đây là một nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Kinh Bắc. Ai chưa được ăn thì bị hấp dẫn bởi cái tên, còn ai đã từng một lần thưởng thức thì không thể quên hương vị độc đáo của nó.

Bánh trước đây có tên là bánh “xu xuê”, sau gọi chệch thành “phu thê” nghĩa là chồng vợ, bởi bánh thường đi thành từng cặp và là một trong những lễ vật không thể thiếu trong đám cưới hỏi của người dân Kinh Bắc. Bánh có dạng hình vuông, to, dẹt, được bao bọc bên ngoài bằng lá dong, buộc bằng lạt điều tươi tắn, như một biểu tượng về lòng chung thủy của lứa đôi. Bánh được làm bằng bột gạo nếp cái hoa vàng chứ không phải bằng bột hoàng tinh như những thứ bánh khác. Khi làm bánh phải dùng nước quả dành dành nhào bột để lấy mầu sắc tự nhiên chứ không được pha phẩm mầu. Người ta còn nạo đu đủ xanh, ngâm phèn rồi cắt nhỏ nhào lẫn với bột để bánh có thêm độ giòn. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh xào nhuyễn với đường kính, cùi dừa nạo nhỏ và mứt hạt sen. Khi ăn bánh ta sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường..., tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh.[32].

Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương. Người ta dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình phu thê. Triết lý ngũ hành cũng được thể hiện một cách tinh tế qua năm mầu của bánh, đó là mầu trắng của bột lọc và cùi dừa, mầu vàng của dành dành và nhân đỗ, mầu đen của hạt vừng, mầu xanh của lá, mầu đỏ của lạt buộc…, tất cả như biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời và con người.

Ngày nay kinh tế đã phát triển, mức sống đã cao hơn nhưng bánh phu thê vẫn là thứ bánh được nhiều người ưa thích. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Lụa, người làm bánh ngon nổi tiếng trong làng Đình Bảng, có một người Hàn Quốc sau khi được mời ăn bánh phu thê đã mua hẳn một va-li bánh về làm quà nơi cố quốc, cho dù giá cước máy bay đắt gấp rưỡi giá bánh [33]. Điều đó chứng tỏ bánh Phu Thê rất có sức hấp dẫn với du khách, hấp dẫn không chỉ ở mùi vị và còn hấp dẫn ở ý nghĩa của loại bánh này. Nếu biết khai thác, đây sẽ là món quà quê không thể thiếu đối với những ai có dịp đi qua Bắc Ninh.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển loại hình du lịch văn hóa ở bắc ninh (Trang 42 - 43)