Làng tranh dân gian Đông Hồ

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển loại hình du lịch văn hóa ở bắc ninh (Trang 41 - 42)

6. Bố cục khóa luận

1.2.4.3.Làng tranh dân gian Đông Hồ

“Hỡi cô thắt lưng bao xanh Có về làng Mái với anh thì về

Làng Mái có lịch có lề Có ao tắm mát có nghề làm tranh”

(Ca dao)

Làng Mái là làng Đông Hồ - quê hương của dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng, nằm cạnh sông Đuống thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Vì được khai sinh từ một mảnh đất có nền tảng văn hóa và truyền thống thủ công nên Đông Hồ đã sớm nổi lên như một điểm sáng về văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần đáng tự hào của miền kinh Bắc. Trong khi các dòng tranh như tranh hàng Trống, tranh làng Sình, tranh Kim Hoàn bị hiện đại hóa, thất truyền đến nay hầu như không còn nữa, thì tranh Đông Hồ vẫn được duy trì và đứng vững, thu hút sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Ngày nay có thể xem Đông Hồ là một trung tâm sản xuất tranh dân gian nổi tiếng nhất Việt Nam.

Đặc trưng làm nên nét riêng có của tranh Đông Hồ là tranh bắt buộc vẽ trên giấy dó, làm từ vỏ cây dó, phủ lên một lớp bột làm từ vỏ điệp. Màu để vẽ thì hoàn toàn lấy từ chất liệu tự nhiên như: màu xanh từ lá chàm, màu đỏ từ sỏi son, màu đen từ than lá tre, màu vàng từ hoa hòe, màu trắng từ vỏ điệp… Ban đầu tranh làm ra phần nhiều mang màu sắc tín ngưỡng, dần dần mở rộng để trang trí nhà cửa, phản ánh sinh hoạt đời thường cũng như phản ánh ước mơ nguyện vọng của nhân dân. Một loại tranh có số lượng lớn nhất và được ưa chuộng nhất hiện nay là những bức tranh phản ánh nguyện vọng, ước mơ của nhân dân lao động về cuộc sống ấm no hạnh phúc như tranh Hứng Dừa, Đánh Ghen, Đánh Vật, Chơi Đu, Thả Diều... Do tiếp xúc với nhiều dòng tranh dân gian khác đặc biệt là tranh hàng Trống, tranh Đông Hồ lại xuất hiện thêm đề tài mới là tranh Tứ bình, tranh truyện... [17, 113].

Loại tranh khắc gỗ Đông Hồ không chỉ hấp dẫn ở nội dung tư tưởng mà còn thỏa mãn yêu cầu thẩm mỹ của người xem. Mặc dù nhu cầu thẩm mỹ xã hội

đã thay đổi, nội dung tranh tuy đã không hoàn toàn đúng trong bối cảnh của xã hội hiện đại nhưng vẫn có sức hấp dẫn. Ngày nay, tranh Đông Hồ vẫn tồn tại nhưng không còn hưng thịnh như xưa, trước đây hầu hết các gia đình trong làng đều làm tranh nhưng bây giờ chỉ còn ba hộ: ông Nguyễn Đăng Chế, ông Nguyễn Hữu Sam và ông Trần Nhật Tấn. Mặc dù vậy, nếu được quan tâm và đầu tư đúng mức, chắc chắn làng tranh dân gian Đông Hồ có thể trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến với Bắc Ninh.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển loại hình du lịch văn hóa ở bắc ninh (Trang 41 - 42)