Viêm là một đáp ứng bảo vệ cơ thể của hệ miễn dịch trước sự tấn công của tác nhân bên ngoài (vi sinh vật, tác nhân hoá, lý) hoặc của các tác nhân bên trong (hoại tử do thiếu máu cục bộ, bệnh tự miễn). Đây là một đáp ứng miễn dịch tự nhiên, gồm 4 triệu chứng điển hình là sưng, nóng, đỏ, đau.
Da bị viêm: Là tình trạng da bị đỏ, ngứa, có thể có nhiều mụn nước [10].
Dị ứng là hậu quả của sự phản ứng đối với các tác nhân dị ứng của một trong số ba thành phần chủ yếu trong hệ miễn dịch là lympho bào, tương bào và dưỡng bào; các loại protein đặc biệt gọi là kháng thể; chất hóa học trung gian.
Da bị dị ứng biểu hiện qua các hiện tượng: da đỏ, ngứa, nổi mẩn, phồng rộp, tróc vảy, phát ban… có liên quan đến phản ứng dị ứng của cơ thể.
Da bị viêm và dị ứng biểu hiện qua một số bệnh lý như:
Viêm da thể tạng(chàm sữa ở trẻ em, chàm thể tạng ở người lớn): Là bệnh da mạn tính, hay tái phát. Đặc điểm chính là các mụn nước ở nhiều vị trí khác nhau, ngứa, tiến triển từng đợt, phân bố ở mặt và nếp gấp ở trẻ em, da thường dày lên tại vùng duỗi ở người lớn…
Viêm da tiếp xúc (hay chàm tiếp xúc): Do tác dụng kích thích hoặc dị ứng với các chất tiếp xúc trong sinh hoạt hoặc trong nghề nghiệp.
Da nhạy cảm - dị ứng mỹ phẩm (hội chứng da không dung nạp): Tình trạng nhiều loại mỹ phẩm dùng cho da gây ra cảm giác se da, bỏng rát, ngứa.
Bệnh tổ đĩa: Là một thể eczema đặc biệt. Triệu chứng chính là các mụn nước màu trắng, nằm sâu, khó vỡ, thường tập trung thành vùng trên mặt da.
Một số trường hợp bị tắc nang lông do tuyến bã nhờn hoạt động quá mức lâu ngày gây viêm da như:
Viêm da tiết bã: Là bệnh viêm da mạn tính do vi nấm Pityrosporu ovale gây nên, thường gặp ở người da nhờn. Da xuất hiện những mảng hồng ban, có vảy màu trắng hoặc vàng đỏ, thường đóng mỡ, đóng mày nhờn và ướt.
Viêm tắc nang lông: Biểu hiện bằng nổi sẩn màu như màu da hoặc hơi sậm, đôi khi đen, nổi cao hơn mặt da, trên có thể có vảy nhỏ, không ngứa, không
đau ở chân các sợi lông.
Mụn trứng cá: Do sự tăng tiết bã từ tuyến bã nhờn, chất bã ứ đọng lại đầu lỗ nang lông, kết hợp với tế bào sừng đã tróc ra, tạo nút nhỏ ở đầu nang lông, chất nhờn không thông thoáng dễ nhiễm trùng gây mụn mủ [10], [21], [27].
1.2.2 Các phương pháp và sản phẩm điều trị dùng trên da hiện nay Ngày nay, có nhiều phương pháp và sản phẩm điều trị các bệnh về da nhưng đều dựa trên một số nguyên tắc chung. Trước hết phải loại bỏ dị nguyên, tránh tiếp xúc hay có biện pháp bảo vệ khi phải tiếp xúc với chất nghi ngờ gây kích thích. Dùng các dược phẩm, mỹ phẩm trên da có khả năng điều trị (dược phẩm), bảo vệ, chăm sóc điều chỉnh sự mất cân bằng sinh lý da (mỹ phẩm).
Các hoạt chất dùng trên da thường gặp:
Hoạt chất tổng hợp: Thuốc kháng dị ứng (clorpheniramin, calamin), corticoid (betamethason, hydrocortison,…), thuốc kháng khuẩn (bacitracin, gentamicin…), thuốc trị tăng tiết bã (benzalkonium chlorid, selenium sulfid…), chất bảo vệ da (ceramid, glycerin, acid lactic…), thuốc khử trùng và sát trùng da.
Hoạt chất chiết xuất thiên nhiên: Là các chiết xuất từ cây cỏ như tinh dầu Hoa hồng, tinh dầu Cỏ thi, tinh dầu Dương cam cúc,… các dịch chiết toàn phần từ cây Lô hội, Cà chua, Dương cam cúc, Dưa leo, Yến mạch, Đậu nành,…
Ngoài ra còn có những biện pháp giữ ẩm cho da dùng kem giữ ẩm, tắm dầu, sản phẩm làm mềm da. Phối hợp điều trị bằng nhiều phương pháp (thuốc uống, sản phẩm dùng trên da, thủy liệu pháp, quang liệu pháp, chiếu laser, điện di ion,…), phối hợp nghỉ ngơi và có chế độ ăn uống phù hợp [46]. Dùng thử nghiệm dán hay châm kim trên da có thể giúp tìm ra các nguyên nhân gây dị ứng do tiếp xúc hay thử máu tìm IgE [10].