Các yếu tố thuộc về cơ thể

Một phần của tài liệu Giaó trình độc chất học (Trang 27 - 31)

Chất độc có thể độc với này mà không độc với loài vật khác. Điều này rất có ý nghĩa trong việc sản xuất thuốc trừ sâu, diệt côn trùng và các chất điều trị hoá học. Ví dụ morphin ít độc đối với gia súc hơn với con người. Gia cầm kháng với nhiều chất độc hơn là gia súc. Ví dụ thuốc trừ sâu DDT có thể gây độc qua tiếp xúc với da, đặc biệt lớp kitin của côn trùng. Đối với gia súc ít độc hơn vì ít hấp thu qua da. Hấp thu chất độc qua đường niêm mạc tiêu hoá ở chó rất nhanh, chỉ cần 1 lượng nhỏ đã gây triệu chứng ngộ độc. Trong gan thỏ chứa 1 ester có thể phá huỷ rất nhanh atropin nên thỏ không bị ngộ độc cà độc dược. Một loại hành tây biến màu đỏ có tác dụng diệt côn trùng, sâu bọ nhưng lại không độc với chuột đồng.

Sự mẫn cảm với một số chất độc ở các loài gia súc còn chưa được giải thích rõ. Ví dụ:

Morphin gây yên tĩnh thần kinh ở người và chó nhưng lại gây kích thích đối với mèo và các loại gia súc khác. Bê giống Priesishen Kall được ăn 23 - 42 mg Gossypol/kg trọng lượng (chất độc chiết từ hạt bông) đã bị chết. Giống bê Jersey Kalle ăn tới 82 mg/kg P lại không bị ngộ độc.

Súc vật nhai lại mẫn cảm với các hợp chất kim loại nặng hơn các loài vật khác (ngựa, chó, mèo, lợn). Liều chết của carbonat chì ở ngựa là 500-700gam nhưng ở trâu, bò chỉ 50gam.

Đối với súc vật nhai lại: độc tố thực vật lại ít gây độc hơn so với các loài khác. Ví dụ:

trâu, bò cho ăn lá ngón phơi khô từ 25 - 30 gam trong 4 ngày liên tục cũng không bị ngộ độc.

Trong khi đó ngựa chỉ ăn 30 gam trong 1 lần là bị chết ngay. Có thể giải thích là hoạt chất gây độc và các glucozid khác trong lá ngón và một số chất độc có nguồn gốc thực vật khác bị phân hủy do quá trình lên men của vi sinh vật trong dạ cỏ. Chất độc bị pha loãng dạ cỏ của động vật có sừng.

Súc vật có hệ thần kinh càng phát triển thì càng mẫn cảm hơn với một số chất độc.

thỏ có thể chịu đựng được liều độc cao hơn gấp xấp xỉ 70 lần so với người. 5mg atropin gây độc nặng ở người nhưng chó và thỏ ăn với lượng lớn hơn 100 lần (500 mg) vẫn không chết.

- Gia súc có sừng rất mẫn cảm với tetracyclin, chloroform và kim loại nặng đặc biệt là thủy ngân.

- Ngựa mẫn cảm với độc tố nấm đặc biệt là stachybotrys alternans và dendrodochium toxicum và stibium kalium tartaricum.

- Gia cầm mẫn cảm hơn với muối ăn, cyanhydric.

- Mèo mẫn cảm với a. carbonic.

Korneven (1912) đã sắp xếp thứ tự mẫn cảm của gia súc đối với đa số chất độc như sau:

1: Lừa;

2: La;

3: Ngựa;

4: Mèo;

5: Chó;

6: Lợn;

7: Gia cầm;

8: Trâu, bò;

9: Dê, cừu;

10: Thỏ.

- Gia cầm thường ít mẫn cảm hơn với độc tố nấm; chó với dầu crotono; mèo với apomorphin; dê với thuốc lá, hạt thầu dầu; gà với strychnin; thỏ với atropin (Radkevich, 1952).

* Đặc điểm giải phẫu ở các loài động vật khác nhau ảnh hưởng đến tác dụng của chất độc

- Động vật nhai lại lưu giữ một lượng lớn thức ăn trong dạ cỏ, làm kéo dài thời gian hấp thu chất độc. Độc tính của chất độc giảm do chất độc đã qua chuyển hóa bởi hoạt động của vi sinh vật trong dạ cỏ. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa sinh học trong dạ cỏ cũng có thể hoạt hóa dẫn đến làm tăng độc tính của một số tác nhân gây độc (ví dụ, nitrat chuyển hóa thành nitrit).

- Ngựa, chuột, thỏ không có khả năng nôn sinh lý do cấu tạo giải phẫu, vì vậy chất độc lưu giữ trong đường tiêu hóa, gây độc mạnh hơn so với những động vật có thể nôn được.

- Những con vật thiếu sắc tố ở da sẽ dễ bị tác động của các chất độc gây nhiễm độc quang học (phototoxicosis).

- Hàng rào máu - não ngăn cản chất độc xâm nhập vào trong não. ở một số động vật, hàng rào máu - não kém phát triển, tạo điều kiện cho chất xâm nhập vào não, dẫn đến ngộ độc (ví dụ, ngộ độc ivermertin ở chó Colli).

* Đặc điểm chuyển hóa liên quan đến loài và gen ảnh hưởng đến tác dụng của chất độc - ảnh hưởng của chuyển hóa giai đoạn 1: Sự chuyển hóa các chất độc thành chất có độc tính cao hơn giữa các loài là rất khác nhau. ở chó, quá trình chuyển hóa chất diệt loài gặm nhấm fluoroacetate thành fluorocitrate xảy ra nhanh hơn và độc tính của nó lớn hơn gấp 6- 8 lần đối với chuột. ở chuột và cừu chỉ hình thành một lượng rất nhỏ độc tố aflatoxin có hoạt tính sinh học, vì vậy chúng có sức đề kháng với độc tố này tốt hơn so với các loài khác.

- ảnh hưởng của chuyển hóa giai đoạn 2: giữa các loài có sự khác nhau của các quá trình chuyển hóa giai đoạn 2, dẫn đến chậm chuyển hóa và chậm thải trừ chất độc.

- ở mèo và chuột Gunn sự hình thành glucuronic giảm và do vậy nhiều khả năng bị nhiễm độc các chất như phenol ở nhiều động vật này là cao.

- Quá trình liên hợp với acid sulfuric của các chất độc ở lợn xảy ra yếu hơn so với ở các loài vật khác.

- Acid mercapturic ít được hình thành ở chuột lang.

- Không thấy có quá trình acetyl hóa các hợp chất amin thơm ở chó.

b. Cá thể

Cá thể trong cùng loài có thể phản ứng khác nhau với chất độc. Tác dụng gây độc được xác định theo đáp ứng của cơ thể đối với chất độc.

- Dị ứng: là kết quả của miễn dịch trung gian và quá trình cảm ứng trước đó đối với một chất hóa học. Những phản ứng này được coi là phản ứng quá mẫn. Nhiều chất hóa học có thể gây dị ứng. Phản ứng dị ứng thường đặc trưng cho loài và không liên quan đến liều lượng. ở những động vật nhạy cảm, liều lượng thấp có thể gây dị ứng nghiêm trọng với một chất độc. Thường quan sát thấy phản ứng dị ứng ở các cơ quan hệ tiêu hóa , hệ tim mạch, phổi, mắt, và da.

- Phản ứng đặc ứng: nguyên nhân có thể do một quá trình chuyển hóa hoặc giải độc bất thường trong cơ thể và thường có tính di truyền. Phản ứng xảy ra tương tự như ở cơ thể bình thường nhưng với liều lượng rất thấp.

Trường hợp ít gặp hơn là đáp ứng của những động vật có những phản ứng bất thường đối với một hóa chất độc nhất định.

c. Tính biệt

Phản ứng với các chất độc cũng khác nhau theo giới tính (cái và đực) ví dụ như thuốc trừ sâu Parathion hay Potasan độc với chuột cái hơn là đực. Có thể chúng có mối liên quan với hoocmon sinh dục đực.

ở súc vật non chưa trưởng thành, rất ít có sự khác biệt trong phản ứng đối với xenobiotics giữa con đực và con cái. Gia súc cái thường có sức đề kháng với chất độc kém hơn con đực, đặc biệt là con có chửa, liều rất nhỏ của cựu lõa mạch (Clavicep purpurea) đã gây sảy thai. Sự mẫn cảm khác nhau với chất độc ở con đực, con cái có liên quan đến trạng thái của cơ quan sinh sản. Tuy nhiên, ở các con cái bị cắt buồng trứng và con đực bị thiến không quan sát thấy sự khác nhau này.

* Sự khác nhau về hormon.

Hàm lượng testosteron cao và không thay đổi ở con đực giúp quá trình chuyển hóa chất độc mạnh hơn so với con cái. Các độc tố có tác dụng giống hormon (ví dụ, mycotoxin zearalenone) có ảnh hưởng lớn đến tính biệt của súc vật.

Thời kỳ con vật có chửa và cho con bú tạo ra sự thay đổi rõ rệt về hormon và chuyển hóa: kích thước các cơ quan như gan, tuyến thượng thận, buồng trứng, tử cung và hàm lượng protein tăng rõ rệt. Một số trong lượng protein tăng cường (protein microsomal) thúc đẩy quá trình chuyển hóa của chất độc. Sự phát triển của nhau thai làm tăng chuyển hóa một số xenobiotics.

Bò đang cho sữa nếu nhiễm độc một số độc tố thân mỡ (DDT, polychlorirelted biphenyls (PCBs) thường bị nhẹ hơn súc vật khác vì một phần chất độc được thải qua sữa.

Quá trình tiết sữa còn làm tăng kích thước và trọng lượng của ruột non, cho phép pha loãng các độc tố được hấp phụ qua đường miệng.

d. Tuổi

Cường độ tác động của chất độc phụ thuộc nhiều vào lứa tuổi. Súc vật non, súc vật già đều mẫn cảm với chất độc hơn là súc vật trưởng thành do cơ thể súc vật non chưa hoàn thiện, chức năng giải độc kém, còn súc vật già thì các cơ quan giải độc lại bị suy yếu, sức đề kháng giảm.

Chó còn bú mẹ mẫn cảm với santonin gấp 100 lần so với chó trưởng thành. Tuy nhiên chó con lai chịu được liều atropin cao hơn chó lớn. Sự đa dạng trong phản ứng cơ thể của súc vật non đối với các chất độc được giải thích bằng sự phát triển chưa đầy đủ (chưa hoàn thiện) của các cơ quan, tổ chức về hình thái cũng như về chức năng (chủ yếu là hệ thần kinh) và sự thay đổi nhanh chóng về trọng lượng cơ thể. Theo Radkevich, liều chết của chất độc nếu ở ngựa 4-15 tuổi là 1 thì ở ngựa 1tuổi là 1/2, 6 tháng tuổi là 1/4, 3 thnág tuổi là 1/8 và 1 tháng tuổi là 1/16 - 1/24.

Súc vật sơ sinh mẫn cảm đặc biệt với chloroform, morphin nhất là bê, nghé, ngựa con.

* Tuổi súc vật ảnh hưởng đến khả năng hấp phụ chất độc qua màng tế bào:

Niêm mạc đường tiêu hóa và hàng rào máu - não ở con vật non kém phát triển hơn, vận chuyển chủ động hiệu quả kém hơn con đã trưởng thành. ở súc vật non, lượng enzym chuyển hóa chất độc ít hơn và chất lượng kém hơn súc vật trưởng thành.

Những thay đổi trong cấu tạo cơ thể ảnh hưởng đến sự phân bố và tàng trữ chất độc.

Cơ thể súc vật sơ sinh chứa nhiều nước hơn và ít mỡ hơn, trong khi những động vật già mất đi các protein cấu trúc nhưng lại tăng tích lũy mỡ và collagen.

e. Khối lượng cơ thể

Đại gia súc có thể chịu được độc cao hơn so với tiểu gia súc vì ở đại gia súc chất độc được pha loãng hơn trong máu dẫn đến tác dụng của chất độc yếu đi. Nếu liều gây độc hoặc liều chết của ngựa và trâu, bò là 1 thì lợn sẽ là 1/5 - 1/20, chó, dê, cừu là 1/10 - 1/20, mèo và chim là 1/20 - 1/50 (Frohner - Volker). Gia súc béo bị ngộ độc các chất độc tích lũy trong mỡ ở liều cao hơn gia súc gầy.

f. ảnh hưởng của quá trình phân bố và đào thải đến tác dụng của chất độc.

* Sự phân bố và tàng trữ chất độc làm tăng hoặc giảm nồng độ của chúng ở các thụ thể Các chất tan nhiều trong mỡ có thể tích lũy trong một số cơ quan nhất định (ví dụ thuốc trừ sâu DDT tích lũy trong mô thần kinh).

Sự liên kết xenobiotics với các chất nội sinh, như protein huyết tương làm tăng tích lũy xenobiotics trong cơ thể nhưng có thể hạn chế bớt độc tính.

Bệnh gan với triệu chứng ứ mật ngăn cản quá trình bài tiết, dẫn đến tích lũy một số chất độc trong máu. Khi các sắc tố thực vật bài tiết trong mật được lưu giữ laị trong máu và vận chuyển lên da sẽ xuất hiện sự cảm quang do ánh sáng mặt trời làm cho các sắc tố này biến thành photodinamic.

* Các chất lạ có thể cạnh tranh nhau vị trí liên kết với protein huyết tương

Sự liên kết với protein huyết tương hạn chế hấp thu chất độc qua màng tế bào, ngăn cản gắn chúng với thụ thể.

Chất ít độc hoặc không độc có thể chiếm chỗ chất độc trong liên kết với protein huyết tương, kết quả là: (1) Chất độc bị chiếm chỗ chuyển thành dạng tự do và độc tính của nó tăng

thêm. Ví dụ phenylbutazole chiếm chỗ warfarin trong liên kết với protein huyết tương, do đó tăng độc tính của warfarin; (2) Chất được thay thế trong liên kết với protein huyết tương có thể được bài tiết nhiều hơn, dẫn đến giảm độc tính.

* Sự khác nhau trong vận chuyển chủ động các acid hay các base qua thận

Sự vận chuyển này có thể ảnh hưởng đến sự đào thải chất độc (ví dụ sự bài tiết chất diệt cỏ 2, 4 - dichlorophenoxyacetic ở chó kém do hệ vận chuyển chất hữu cơ kém phát triển).

g. Yếu tố bệnh lý

Bệnh gan có thể là nguyên nhân làm giảm các quá trình tổng hợp các cao phân tử liên kết có chức năng bảo vệ, dẫn đến tăng tác dụng của chất độc. Glutathione, ligandin và metallothionein là những ví dụ về cao phân tử liên kết do gan tổng hợp.

Khả năng bị ngộ độc cao khi có bệnh gan, thận… nơi mà chất độc bị tiêu độc và đào thải.

Bệnh thận làm thay đổi quá trình tái hấp thu của thận, ảnh hưởng đến đào thải chất độc.

Kích thích nhu động ruột non sẽ làm giảm thời gian vận chuyển và hấp thu chất độc theo đường uống. Trong trường hợp viêm hoặc loét dạ dày làm tăng hấp thu chất độc.

- Súc vật sau khi làm việc nặng nhọc, mệt mỏi dễ bị ngộ độc hơn. Theo Ivanov Cmoleski khi bị căng thẳng thần kinh hoặc thần kinh trung ương bị ức chế hoặc kích thích đều dễ bị nhiễm độc hơn trạng thái bình thường.

h. Hiện tượng cơ thể nhờn với chất độc

Là hiện tượng một số cá thể dần dần tự thích nghi và có sức chống chịu với liều lượng có thể gây độc hoặc gây chết các cá thể khác. Súc vật hay nhờn với các chất độc như: asen, atropin, morphin, ricin. Ví dụ: Chó bị quen với morphin chỉ sau 3 lần sử dụng. Hiện tượng quen, nhờn có thể gặp ở hầu hết các chất độc. Sức đề kháng của cơ thể với một chất độc bị suy giảm khi mắc bệnh truyền nhiễm, kí sinh trùng, ngộ độc các chất khác... Trong cùng một cơ thể đã quen với chất độc như morphin hoặc cocain nhiều trường hợp hệ thần kinh có thể chịu được với liều gây độc cao hơn nhưng các cơ quan khác như ruột, gan, thận... lại mẫn cảm hơn với những chất này.

Một phần của tài liệu Giaó trình độc chất học (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)