Chương II Chẩn đoán và điều trị ngộ độc
2. Điều trị ngộ độc
2.1. Loại chất độc ra khỏi cơ thể
Việc loại chất độc khỏi cơ thể bằng nhiều biện pháp càng nhanh càng tốt nhằm giảm tối đa sự hấp thu chất độc vàp máu, đồng thời tăng thải chất độc ra ngoài. Đối với súc vật bị ngộ độc qua đường tiêu hóa, biện pháp này có hiệu quả nhất trong vòng 2 giờ đầu bị ngộ độc, sau 4 giờ sẽ ít tác dụng.
a. Loại chất độc bám trên da, mắt
Làm sạch da, lông súc vật bằng nước ấm, xà phòng nếu chất độc bám vào da, lông.
Súc vật lông dài thì cắt bớt. Nếu chất độc bám vào mắt cần phun rửa mắt liên tục bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý 0,9% từ 10 đến 15 phút. Chất độc là acid hay base cần duy trì pH= 6,5 - 7,5 sau khi rửa mắt.
b. Loại chất độc qua đường tiêu hóa
* Gây nôn
Xử lý ngay vài phút sau khi súc vật ăn hoặc uống phải chất độc.
Chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Loài gậm nhấm, thỏ, ngựa và súc vật nhai lại hoặc không thể nôn sinh lý hoặc gây nôn không an toàn và không hiệu quả.
- Bệnh súc bị hôn mê, bị động kinh, co giật có thể bị ngạt thở trong khi gây nôn.
- Bệnh súc bị ngộ độc xăng, dầu hoặc các chất độc bay hơi dễ bị viêm phổi nếu gây nôn.
Biện pháp gây nôn được thực hiện chủ yếu ở chó và lợn, có thể dùng các chất gây nôn sau:
- Siro ipeca: 1 - 2 ml/kg cho chó, mèo - 3 ml/kg. Nếu sau 15 - 20 phút thuốc không có tác dụng thì dùng liều lặp lại. Nếu sử dụng cùng với than hoạt tính sẽ bị vô hoạt.
- Apomorphin: Tiêm cho chó liều 0,04 mg/kg i.v, i.m; 0,08 mg/kg s.c. Có thể bị nôn quá mức hoặc triệu chứng ức chế thần kinh. Không dùng cho mèo.
- Nước oxy già 3% cho uống liều 2 - 5 ml/kg thể trọng. Dùng không quá 40 - 50ml/con.
- Xylazin: 1,1 mg/kg i.m có hiệu quả với mèo. Bệnh súc có thể bị ức chế hô hấp.
- Đối với lợn tiêm veratrin (hormotonon, lentin) 0,02 - 0,03 g/kg thể trọng.
- Lấy lòng trắng trứng hoà trong nước lạnh 2-3 quả/1lit, cho vật uống.
* Rửa dạ dày
Nếu không gây nôn được thì phải rửa dạ dày. Đây là biện háp hiệu quả nhất đối với chất độc dạng lỏng và dạng bột dễ tan. Rửa dạ dày hiệu quả nhất trong 60 phút đầu, nếu chất độc nhiều và là miéng to có thể trong 2 - 3 giờ đầu sau khi bị ngộ độc vẫ tốt. Khi rửa lấy 250 - 300 ml dịch rửa đầu tiên để phân tích xác định chất độc. Dung dịch để rửa dạ dày có thể là:
- Dung dịch Kali permanganat 1 - 2 %; là chất oxy hóa phản ứng dễ với các chất hữu cơ.
- Dung dịch Natri hydrocarbonat 5 ‰ (nếu ngộ độc bằng acid thì không dùng vì giải phóng khí CO2 gây chướng bụng, thủng dạ dày).
- Dung dịch Magnesium oxyd hoặc Magnesium hydroxyd để trung hòa acid dùng nồng độ 2,5 % (tính cho MgO).
- Huyết thanh mặn đẳng trương: dùng cho mọi trường hợp,
- Rửa dạ dày (ngựa) bằng nước có than hoạt tính 3%, tanin 1% (trong trường hợp ngộ độc alcaloid).
Những bệnh súc bị ngộ độc acid hoặc base mạnh, strychnin, uống phải chất dầu hoặc hôn mê sâu thì không rửa dạ dày.
* Hấp phụ chất độc trong dạ dày, ruột
Than hoạt hấp phụ các chất độc, giảm thiểu tác dụng độc hại. Hấp thụ hầu hết các chất độc, thuốc, thực ăn có trong dạ dày, ruột non. Có hiệu quả nhất với các phân tử lớn, không phân cực. Một số chất hấp thụ kém với than hoạt, đó là: sắt, lithium, kali, cyanide, acid muối và rượu.
Chống chỉ định: Không dùng cho bệnh súc hôn mê, co giật trừ khi có điều kiện đã được đặt ống nội khí quản và cho thuốc chống co giật.
Liều lượng than hoạt tính: 2 - 5 g/kg thể trọng hòa trong nước theo tỷ lệ 2g/5ml nước.
Theo tài liệu của Nikov: ĐGS: 400 - 700 g, TGS: 30 - 80g/con.
+ Các chất nhuận tràng:
Các chất này kích thích nhu động ruột, thải những chất chưa bị hấp phụ hết bởi than hoạt, giảm hấp thu chất độc trong ruột và ngăn bị táo bón do than hoạt.
- Magie sulfat và natri sulfat: liều lượng 250 mg/kg pha dung dịch 6 - 10%. Tác dụng sẽ nhanh hơn nếu cho cùng một lượng nước lớn - dung dịch.
- Sorbitol 70%: Liều lượng 3 ml/kg per. ose.
- Lợn, chó, mèo dùng chất tẩy dầu như dầu thầu dầu, tuy nhiên các chất tẩy dầu chống chỉ định khi ngộ độc các chất phosphor, santonin, DDT, phosphor hữu cơ hoặc những chất độc tan trong dầu.
+ Thụt trực tràng:
Nên kết hợp thụt trực tràng với rửa dạ dày, thường dùng dung dịch NaCl 9‰ 1 - 2 lít/giờ.
* Mở dạ dày hoặc mở dạ cỏ bằng phẫu thuật
Trong trường hợp không can thiệp được bằng các biện pháp khác như gây nôn, rửa dạ dày, hấp phụ bằng than hoạt... có thể mở dạ dày hoặc dạ cỏ bằng phẫu thuật. Ví dụ: súc vật nuốt phải thỏi kim loại đặc biệt là kim loại nặng hoặc nhựa đường, hắc ín, dầu công nghiệp...
c. Thải chất độc qua đường khác
* Qua đường hô hấp
Một số chất độc ở thể khí hoặc dễ bay hơi có thể loại nhanh chóng ra khỏi cơ thể bằng đường hô hấp. Để con bệnh nằm ở nơi thoáng, mát (trừ trường hợp ngộ độc những chất gây phù phổi: phosgen, clo, SO2...). Có điều kiện dùng máy trợ hô hấp nồng độ oxy 50 %.
* Qua đường thận
+ Để thải nhanh chất độc ra khỏi cơ thể dùng các chất lợi tiểu, chất gây toát mồ hôi như liqmor kali acetic, diuretin..., dùng pilocarpin ở trạng thái tim phổi bình thường.
- Truyền nhiều dịch, có thể cho dung dịch đường ưu trương, thuốc lợi niệu (nếu không bị bệnh thận). Chú ý là khi đái nhiều có thể mất chất điện giải Na+, K+, Cl-...
- Một số chất độc có tính acid yếu thường đào thải nhanh trong môi trường kiềm (barbiturat) hoặc giảm tác dụng ở môi trường kiềm (phosphor hữu cơ); thường đưa dung dịch kiềm vào cơ thể bệnh súc nhưng cần theo dõi pH của máu không để vượt quá 7,6 vì nếu kiềm quá sẽ ức chế hô hấp. Một số chất độc giảm tác dụng trong môi trường acid nhưng trong lâm sàng giảm pH của máu dễ gây biến chứng nên ít áp dụng để điều trị.
- Trong nhân y dùng phương pháp lọc máu bằng thận nhân tạo. Phương pháp này nhanh hơn nhưng rất tốn kém.
* Pha loãng máu
Nếu chất độc đã hấp thu vào trong máu, cần tiến hành các biện pháp làm loãng, trung hòa và đào thải nhanh chất độc.
Chất độc có thể được pha loãng bằng cách: thải bớt máu (chích máu) ĐGS: 1l máu/100kg thể trọng. Sau đó truyền dung dịch nước muối sinh lý hoặc glucose hoặc cho súc vật uống một lượng nước lớn qua ống thông thực quản. Thải bớt máu có chất độc là biện pháp hiệu quả nhất ở giai đoạn sớm của ngộ độc đặc biệt khi có các triệu chứng thần kinh, tim mạch và tích nước phổi. Chống chỉ định khi trụy tim mạch (niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhỏ, nhanh, huyết áp thấp). Ví dụ nhiễm độc barbiturat, các chất phá vỡ hồng cầu, như hydro arsenid hoặc chất độc làm biến đổi hemoglobin (tạo hemoglobin).
Trong mọi trường hợp dùng nước đường ưu trương, có ảnh hưởng tốt đến trao đổi chất, đến cơ tim, kích thích glycogenase và chức năng giải độc của gan, khả năng kháng độc của cơ thể càng cao nếu dự trữ glycogen càng cao.
+ Sử dụng vitamin trong một số trường hợp ngộ độc:
B comflex trong tổn thương thần kinh do ngộ độc.
Vitamin K trong tổn thương gan. Vitamin P trong ngộ độc có tổn thương thành mạch và tăng tính thấm thành mạch (asen, bensol).
Trong hầu hết các trường hợp ngộ độc có nguồn gốc khoáng và các chất tổng hợp, cần thiết bổ sung vitamin đặc biệt vitamin C và B, tiêm tĩnh mạch kết hợp với glucose.