Chương II Chẩn đoán và điều trị ngộ độc
2. Điều trị ngộ độc
2.2. Phá hủy hoặc trung hòa chất độc bằng các chất kháng độc
* Định nghĩa chất kháng độc: Chất kháng độc (chất đối kháng-antidot) là những chất có tác dụng đặc biệt, đối lập với tác dụng của một chất độc.
* Nguyên lý trong điều trị đối kháng
Chất đối kháng thường được sử dụng khi súc vật bị phơi nhiễm với chất độc và có biểu hiện ngộ độc trên lâm sàng.
+ Lựa chọn chất đối kháng và liều lượng dựa trên:
- Liều lượng được xác định dựa trên liều đã sử dụng cho động vật thí nghiệm hoặc kinh nghiệm của nhân y.
- Thời gian tác dụng của chất đối kháng sẽ khác nhau phụ thuộc vào thời gian tác dụng của chất độc.
- Một số chất đối kháng có thể gây độc nếu dùng quá liều hoặc thời gian điều trị quá kéo dài.
- Hiệu quả điều trị sẽ ngược lại nếu dùng chất đối kháng trong trường hợp không phát hiện đúng chất gây độc. Vì vậy chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây độc là bước rất quan trọng để dùng chất đối kháng trong giải độc.
+ Hiệu quả điều trị đối kháng bị hạn chế do:
- Chưa thực hiện sự khử độc (decontamination) ở súc vật bị ngộ độc.
- Liên quan đến loài giống, lứa tuổi súc vật.
b. Các chất kháng độc (chất đối kháng-antidot) - Cơ chế giải độc
* Các chất đối kháng hóa học
Các chất đối kháng hóa học thường tương tác với chất độc hoặc trung hòa chất độc.
+ Chất đối kháng liên kết với chất độc tạo thành phức hợp không qua được màng tế bào hoặc làm cho chất độc không gắn được với thụ thể đặc hiệu nữa. Ví dụ:
- Acid dimercaprol và acid dimercaptosuccinic là các hợp chất sulfhydryl liên kết với kim loại nặng như asen, chì làm chúng không được gắn với thụ thể của chúng.
- Chất càng cua EDTA, deferoxamin, D - penicillamin tạo chelat với kim loại nặng, tạo thành phức hợp dễ tan trong nước, dễ thải trừ qua nước tiểu.
- Antivenin chống nọc rắn và kháng thể chống digitoxin là các tác nhân miễn dịch gắn đặc hiệu với nọc độc hoặc độc tố.
+ Chất đối kháng thông qua chuyển hóa:
Một số chất đối kháng tham gia chuyển hóa chất độc thành các sản phẩm ít độc hơn.
Ví dụ:
- Nitrit kết hợp với hemoglobin và cyanid tạo thành cyanmethemoglobin ít độc hơn cyanid, giải phóng cytocrom oxydase trở lại hoạt động cứu con vật khỏi bị ngạt nội hô hấp.
Dùng khi giải độc các glucozid chứa xit cyanhydric.
- Thiosulfate có nhóm sulfate liên kết với cyanid tạo thành thiocyanate để dễ thải qua nước tiểu.
* Các chất đối kháng dược lý
Các chất đối kháng này có tác dụng trung hòa hoặc đối lập với tác dụng của chất độc thông qua các cơ chế:
+ Ngăn chặn quá trình chuyển hóa chất độc thành các sản phẩm độc hơn
Ví dụ: Ethanol và 4 - methylpyrazole (4 - MP) cạnh tranh với alcohol dehydrogenase ngăn cản sự tạo thành chất trung gian độc hại từ ethylen glycol.
+Làm tăng đào thải chất độc.
Các chất đối kháng trong nhóm này làm thay đổi bản chất lý hóa của chất độc, dẫn đến làm tăng lọc chất độc qua tiểu cầu thận và giảm tái hấp thu ở ống thận.
Ví dụ: mobibden và sulfate kết hợp với đồng tạo phức hợp dễ tan trong nước và dễ đào thải qua nước tiểu.
+ Chất đối kháng cạnh tranh thụ thể với chất độc.
Cơ chế tác dụng trong trường hợp này là đối kháng cạnh tranh.
Ví dụ: Naloxon phong bế tác dụng của các opioid thông qua cạnh tranh thụ thể với các chất độc này.
+ Chất đối kháng phong bế thụ thể của chất độc.
Ví dụ: Atropin phong bế tác dụng của acetylcholin tại synap thần kinh và ở đầu nối thần kinh - cơ.
+ Chất đối kháng hồi phục chức năng bình thường của cơ thể bị ngộ độc:
Ví dụ: Trong trường hợp bị ngộ độc nitrit, chất đối kháng là xanh methylen kết hợp với NADPH (Reduce Nicotinamid Adenin Dinucleotid) để khử ion Fe3+ của methaemoglobin thành ion Fe2+ của haemoglobin, tham gia vận chuyển oxy.
c. Các chất kháng độc thường dùng trong thú y
Acetylcystein: điều trị ngộ độc acetaminophen. Liều cho uống: 140 mg/kg, 70 mg/kg 6 giờ cho một lần, không quá 7 lần. Tương kỵ với amphotericin B, tetracyclin, erythromycin, ampicillin, nước oxy già.
Amonium molybdat: điều trị ngộ độc đồng ở cừu. Liều cho uống 200 mg/ngày, cho 3 tuần. Nếu ngộ độc cấp tiêm tĩnh mạch 1,7 - 3,4 mg/ngày, tiêm 3 lần cách nhật.
Antivenin: điều trị ngộ độc độc tố nọc rắn, tiêm tĩnh mạch 1 ống, tiêm 1 lần.
Atropin sulfat: điều trị ngộ độc các chất ức chế men cholinesterase (anticholinesterase).
Liều lượng 2 mg/kg: tiêm tĩnh mạch 1/4 liều, tiêm dưới da 3/4 liều. Tương kỵ với thuốc tiêm natri bicarbonat.
Calci dinatri EDTA (Calci dinatri Ethylen Diamin Tetraacetic Acid): là chất gắp kim loại nặng, dùng điều trị ngộ độc chì, kẽm. Liều lượng 110 mg/kg/ngày, chia 3 - 4 liều/ngày, liều đầu tiêm tĩnh mạch, 3 liều sau tiêm dưới da, không dùng quá 5 ngày. Trong nhân y có dạng ống 500 mg, pha 1 - 2 ống trong dung dịch glucose 30 - 50%, tiêm tĩnh mạch nhiều lần.
Theo Holm và cộng sự, tiêm tĩnh mạch cho ngựa 66 mg/kg. Theo Radeleff: 110 mg/kg cho bò. (Trích theo Phạm Khắc Hiếu).
Dimercaprol (BAL - British Anti –Lewisite): là chất gắp kim loại nặng, điều trị ngộ độc asen, thủy ngân, chì và vàng. Liều tiêm bắp trước khi xuất hiện triệu chứng 3 mg/kg, 8 giờ tiêm 1 lần, khi đã có triệu chứng ngộ độc tiêm 6 mg/kg 8 giờ 1 lần, tiêm 3 - 5 ngày. Cần theo dõi chức năng thận trong quá trình điều trị.
D-Penicillamin: điều trị ngộ độc chì, liều cho uống 110 mg/kg cho 1 - 2 tuần. Khám lại bệnh súc 1 tuần sau đợt điều trị đầu tiên. Liều điều trị ngộ độc đồng ở chó là 10 - 15 mg/kg cho uống 2 lần trong ngày, cho hàng ngày.
Ethanol 20%: điều trị ngộ độc ethylen glycol. Tiêm tĩnh mạch cho chó 5,5 ml/kg tiêm 5 lần cách nhau 4 giờ, sau đó tiêm tiếp 4 lần cánh 6giờ. Đối với mèo: 5 ml/kg i.v. 5 lần cách 6 gờ, rồi 4 lần cách 8 giờ.
Natri nitrit: điều trị ngộ độc cyanid. Liều tiêm tĩnh mạch 22 mg/kg. Có thể dùng natri thiosulfat 660 mg/kg i.v.
Nước lòng trắng trứng: (hòa tan 6 lòng trắng trứng vào thành 1 lít, có thể thêm chất thơm cho dễ uống) tạo với kim loại nặng albuminat không tan.Pralidoxim chlorid (2 - PAM):
điều trị ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ, tiêm tĩnh mạch hoặc dưới da liều 10 - 15 mg/kg 2 - 3 lần/ngày đến khi khỏi.
Tanin: làm kết tủa alcaloid, glycosid trong các cây độc thành những chất khó tan, khó hấp thu, dễ đào thải theo phân. Liều cho uống: 5 - 15 g (ngựa), 10 - 25 g (trâu bò), 2 - 5g (bê, nghé, ngựa non, dê, cừu), 1 - 2 g với lợn, chó 0,1 - 0,5 g.
Vitamin C (acid ascorbic): điều trị ngộ độc đồng ở chó. Liều cho uống hàng ngày 500 - 1000 mg/con. Chống methemoglobinemia ở mèo, liều cho uống 30 mg/kg, 4 lần/ngày.
Vitamin K: điều trị ngộ độc các chất chống đông máu coumarin và indanedion. Liều cho uống hoặc tiêm dưới da 2 - 5 mg/ngày chia 2 lần, sau đó cho uống 2 - 3 mg/kg/ngày chia 3 lần tiêm 1 tuần.
Xanh methylen 1 %: Điều trị ngộ độc nitrat, nitrit hoặc chlorat cho nhiều loài gia súc, gia cầm. Liều tiêm tĩnh mạch 4 - 15 mg/kg; có thể tiêm nhắc lại sau 6 - 8 giờ. Gây methemoglobinemia hoặc thể Heinz ở mèo. Tương kỵ với chất kiềm, các chất oxy hóa khử.