Chương V Ngộ độc thuốc thú y
3. Các biện pháp phòng chống độc hại của độc tố nấm mốc
3.2. Các biện pháp khử độc tố nấm mốc
a. Khử độc tố trong lương thực, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
* Biện pháp vật lý
- Nhiệt độ: Aflatoxin rất bền vững ở nhiệt độ cao. Độ ẩm là yếu tố giúp cho nhiệt độ làm giảm hoạt Aflatoxin. Thức ăn chứa 30% độ ẩm đun nóng ở nhiệt độ 1000C trong 2,5 giờ làm giảm độc lực của 85% độc tố. Điều này có thể được giải thích là muốn mở nhân lacton của phân tử phải có sự thuỷ phân và có thể có sự mất nhóm carbocyl. Nhưng nhiệt độ làm giảm phẩm chất của các protein, cụ thể là lượng Lyzin.
- Hấp phụ: Có thể hấp phụ Aflatoxin B1 trong các chất lỏng, Aflatoxin M1 trong sữa bằng Bentonit.
* Biện pháp hoá học
- Loại bỏ Aflatoxin bằng dung môi: Các dung môi để chiết xuất, loại bỏ độc tố là aceton, benzen, cloroform.
- Các chất làm giảm hoặc vô hoạt Aflatoxin: Các chất này làm biến đổi cấu trúc hoá học của Aflatoxin, dựa vào qúa trình oxyhoá, hydroxyl hoá phân tử Aflatoxin, phá vỡ nối đôi ở nhân furan ở đầu cùng các Aflatoxin B1 và G1. Trong số đó các chất 3 - aminopropanol, natri glycin, 1 - amino - 2 propanol, trinatriphosphat, acid phosphoric, vôi và amon carbonat có hiệu lực trung bình. Các chất methylamin, ethanolamin, trimethylamin, xút, cholin cho hiệu quả cao.
Aflatoxin thường bị giảm độc lực bởi các acid mạnh và kiềm mạnh. Na2SO3,NaHSO31%
hoặc 2% có tác dụng làm vô hoạt Aflatoxin. Có thể khử Aflatoxin trong thức ăn bằng NaOH, NaHCO3, NH3. Bơm khí NH3 vào các bao thức ăn kín.
* Biện pháp chuyển hoá sinh học
- Nấm và vi khuẩn: Loài Absidia repens và Mucor griseo - cyanus làm biến đổi Aflatoxin B1 thành một chất có tính độc kém đi 18 lần.
Các loại Aspergillus niger, Penicilium roistricki và nhất là Flavobacterium aurantiacum (chủng NRRL B. 184) có khả năng làm thoái biến các Aflatoxin. Cấy các loài vi khuẩn này vào thức ăn bị nhiễm độc (khô lạc, lúa mì, sữa, dầu chưa lọc) sau 44 giờ, phần lớn các Aflatoxin đã bị phá huỷ. Flavobacterium aurantiacum phá huỷ cả Aflatoxin B1, G1 và M1.
Một số loài thuộc giống Rhizopus làm biến đổi Aflatoxin G1 thành một chất chuyển hoá là Aflatoxin B3. Các hydroxy - đồng vị không gian tách được từ Aflatoxin B1 do khử chức keton trên vòng cyclopentan trong cấu trúc Aflatoxin B1.
- Động vật nguyên sinh: Loài động vật nguyên sinh Tetrahymena pyriformis đã làm thoái biến 58% Aflatoxin B1 (trong 24 giờ) thành một hợp chất huỳnh quang màu lam tươi.
Đó là Aflatoxin R0 do gốc carbonyl của nhân cyclopentan bị biến đổi thành nhóm hydroxyl.
Loài côn trùng Trogium pulsatorium cũng làm thoái biến các Aflatoxin G1 và G2 .
Chuyển hoá sinh học là một giải pháp tốt, không làm biến chất protein, không làm hư hại đến các yếu tố cấu thành gây ảnh hưởng đến giá trị lương thực, thực phẩm. Để đưa vào ứng dụng cần phải có một quá trình thực nghiệm lâu dài và chính xác.
b. Khử độc lực của Aflatoxin trong cơ thể động vật.
* Biện pháp vật lý: Có thể khử hoạt Aflatoxin trong cơ thể động vật bằng cách gắn chúng với các chất hấp phụ.
- Các chất khoáng sét (Clay minerals): Các chất khoáng sét là các chất khoáng thứ cấp được hình thành do quá trình phong hoá của các loại silicat và đặc trưng bởi cấu trúc tầng lớp.
Chất khoáng sét 3 lớp - montmorrilonite - có khả năng hấp phụ cao, có tính không đặc hiệu và phụ thuộc vào thể tích của màng hợp thuỷ. Các phân tử độc chất bị hút tới màng và bị cản lại.
Liên kết này không phải là cố định hoá học, chỉ là một phức hợp sáng, dựa trên cầu nối H-O-H (lực hút Van - der - waal) ở trong màng hợp thuỷ, nó có thể mở nếu môi trường thích hợp. Các chất khoáng sét là những chất hấp phụ rẻ tiền và có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên chúng hút cả các vitamin và chất dinh dưỡng.
- Các chất khoáng Zeolit: Zeolit là các chất khoáng thứ cấp có cấu trúc tinh thể. Có cả Zeolit thiên nhiên và tổng hợp. Trên bề mặt của Zeolit có một vật tích điện đặc biệt. Zeolit hút các phân tử nước cũng như các phân tử khác. Khả năng hút độc tố Aflatoxin của các Zeolit phụ thuộc vào nguồn gốc của chúng. Vì kích thước của các phân tử là một yếu tố quan trọng trong sự liên kết, loại Zeolit hấp phụ Aflatoxin cũng hấp phụ các phân tử chất dinh dưỡng có cùng kích thước.
- Các chất trùng phân như Polyvinylpolyrrolidone: Polyvinyl-polyrrolidone là một homopolymer của N - vinyl - 2 - pyrrolidon. Là chất bột trắng mịn, có trọng lượng phân tử cao, tan trong nước và các dung môi hữu cơ. Các chất trùng phân này có cơ chế tác dụng tương tự như clay minerals. Các thành phần polymer hút các phân tử nước, các liên kết cầu nối hydro hình thành một màng hợp thuỷ. Nhờ có màng này, cùng với các phân tử nước, các thành phần phân cực khác cũng bị hấp phụ. Khả năng hấp phụ của các chất trùng phân tốt nhưng chúng có nhược điểm rất lớn là các phân tử phân cực có cùng kích thước như vitamin dễ bị hấp phụ. Những phân tử độc tố nấm không phân cực sẽ không bị hấp phụ.
- Than hoạt tính: Là chất bột màu đen, không mùi, không vị, không tan trong nước và nhiều dung môi khác. Than hoạt tính được đốt từ gỗ, máu, xương động vật và các vật chất hữu cơ khác. Đặc tính quan trọng nhất của than hoạt là có khả năng hấp phụ rất cao.
Khác với một số chất hấp phụ khác, than hoạt hấp phụ tất cả các phân tử mang điện tích dương và điện tích âm.
* Biện pháp hoá học
Khi độc tố Aflatoxin đã vào trong cơ thể người và động vật thì biện pháp hoá học thường ít có giá trị. Trên thực tế, không có chất đối kháng đặc hiệu để giải độc Aflatoxin. Mặt khác, các chất hoá học dùng giải độc đều có các tác dụng phụ không có lợi cho cơ thể.
* Biện pháp sinh học
- Chế phẩm sinh học Mycofix Plus do hãng Biomin (Austria) sản xuất được bổ xung vào thức ăn gia súc gia cầm, có tác dụng làm vô hoạt các độc tố nấm mốc, trong đó có Aflatoxin. Cơ chế tác dụng của Mycofix Plus một mặt thông qua sự hấp phụ mycotoxin, mặt khác phá huỷ cấu trúc hoá học của mycotoxin dựa trên các men có trong chế phẩm. Quá trình hấp phụ mycotoxin xảy ra trên màng hợp thuỷ do chất hấp phụ tạo ra.
Các phân tử Aflatoxin và một số mycotoxin phân cực khác bị hút tới màng, cố định trên bề mặt màng và trở lên hoàn toàn vô hoạt. Các khoảng xúc tác trên màng hợp thuỷ điều chỉnh điện thế riêng của đa số các nhóm mycotoxin tạo nên cách hấp phụ đặc biệt của Mycofix Plus. Quá trình này bắt đầu từ khoang miệng khi con vật tiết nước bọt (hoặc ngay trong thức ăn trước khi được tiêu hoá), tiếp tục ở dạ dày và ruột. Các độc tố bị cố định bởi Mycofix Plus không hấp thu được vào trong máu. Hợp chất Mycofix Plus và mycotoxin được hấp phụ cùng thải ra ngoài theo phân.
Hình 6.7: Cơ chế hấp phụ Aflatoxin của Mycofix Plus:
Các mycotoxin không phân cực hoàn toàn bị các men có trong Mycofix Plus phá huỷ.
Men epoxydase phá cấu trúc của nhóm chức năng 12, 13 - epoxy (phần độc nhất của Trichothecenes).
Mycofix Plus làm vô hoạt Aflatoxin B1 với các liều lượng: 400 và 1000 ppb Aflatoxin, 2kg Mycofix Plus/1 tấn thức ăn bổ xung trong thức ăn của gà công nghiệp.
- Tác dụng của 1,2 - dithiole - 3 - thione (DTT), một chất cảm ứng enzym đơn chức năng đến quá trình hình thành các liên kết Aflatoxin - ADN trong gan chuột. Các liên kết ADN chính như Aflatoxin B - N7 guanin thải theo nước tiểu chuột được cho uống DTT giảm đi rất đáng kể. Từ đó rút ra kết luận DTT là chất có thể chống lại ung thư do Aflatoxin gây ra.
Chế phẩm Oltipraz được trong nhân y để chống ung thư do nhiễm độc Aflatoxin.
Tác dụng của chế phẩm curcumin ức chế sự hình thành 50% các mối liên kết Aflatoxin B1 - ADN. Nó có thể hạn chế quá trình ung thư do các chất hoá học thông qua việc điều chỉnh chức năng của cytochrom P450.
Các thuốc làm tăng cường bài tiết chất độc, tăng cường công năng giải độc gan, hạn chế độc hại do Aflatoxin gây ra cho cơ thể trong đó có cây Actiso. Tác dụng hạn chế độc hại do Aflatoxin gây ra của Actiso là tác dụng nhiều mặt. Trong thành phần của Actiso có hoạt chất cyranin, quyết định tác dụng thông mật, lợi tiểu, nhuận gan dẫn đến tăng cường công năng giải độc của gan. Mặt khác các hoạt chất có trong Actiso như Silymarin, một loại antioxydant flavonoid (còn được gọi là anti - hepatoxic) có tác dụng hạn chế ung thư gan thực nghiệm. Cùng có tác dụng như vậy là 2 loại triterpen hydroxyd: Taraxasterol và fradiol được chiết từ hoa Actiso.
Câu hỏi ôn tập
1. Nêu tên các loài nấm mốc và độc tố gây độc cho vật ? 2. Giải thích cơ chế gây độc của aflatoxin?
3. Ngộ độc độc tố nấm ở vật nuôi?
4. Trình bày các biện pháp phòng chống nấm mốc và độc tố nấm mốc trong thức ăn chăn nuôi?
chương VII
chất độc nguồn gốc thực vật, động vật
Chương này gồm hai phần chính: chất độc có nguồn gốc thực vật và chất độc có nguồn gốc động vật. Chất độc được phân loại theo nhóm và giới thiệu những cây độc, những độc tố động vật mà vật nuôi hay bị trúng độc. Các nhóm chất độc cũng như cây độc đều được giới thiệu về nguồn gốc, nguyên nhân, triệu chứng, bệnh tích trên cơ sở đó đề ra biện pháp phòng trị Thực tế một chất độc có thể tồn tại trong nhiều cây tuỳ hàm lượng, thời gian phát triển của cây, bộ phận dùng hay loài súc vật nuôi. Có cây độc với loại vật nuôi này nhưng lại không độc cho loài khác. Hay thậm chí các cây chứa cùng một chất độc nhưng khi bị ngộ độc lại có những triệu chứng, bệnh tích khác nhau trên các loại súc vật.