Các yếu tố ảnh hưởng tới tự ý thức

Một phần của tài liệu Luận án tự ý thức về hành vi phạm tội và hành vi chấp hành hình phạt tù của phạm nhân (Trang 56 - 60)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU TỰ Ý THỨC VỀ HÀNH VI PHẠM TỘI VÀ HÀNH VI CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ CỦA PHẠM NHÂN

1.3. MỘT SỐ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN TỰ Ý THỨC VỀ HÀNH VI PHẠM TỘI VÀ HÀNH VI CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ CỦA PHẠM NHÂN

1.3.1. Các yếu tố ảnh hưởng tới tự ý thức

TYT, cũng như mọi hiện tượng tâm lý khác, bị chi phối và quy định bởi những yếu tố khách quan - những yếu tố xuất hiện và ảnh hưởng tới cá nhân trong quá

trình hoạt động và những yếu tố chủ quan - toàn bộ phẩm chất tâm lý, ý thức, nhân cách của cá nhân. Những yếu tố bên trong tác động trực tiếp đến TYT còn yếu tố bên ngoài thông qua hoạt động và giao lưu của cá nhân chuyển thành yếu tố bên trong.

- Những yếu tố chủ quan ảnh hưởng tới TYT

TYT, về bản chất là trình độ phát triển cao của ý thức, ở đó cá nhân ý thức về mức độ tồn tại của các hiện tượng tâm lý bản thân theo những tiêu chuẩn đánh giá của xã hội, nhóm, tập thể mà cá nhân là thành viên. Mọi hiện tượng tâm lý của cá nhân (xu hướng nhân cách, động cơ, nhu cầu, năng lực, tính cách, tính khí...) đều có liên quan tới TYT. Nhân cách càng phát triển thì những thông tin bên ngoài càng được tiếp nhận một cách gián tiếp thông qua những kinh nghiệm xã hội -lịch sử đã trở thành kinh nghiệm của bản thân. Như vậy, đối với những nhân cách phát triển, chỉ những đánh giá bên ngoài nào đã được thẩm thấu qua nhân cách chủ thể và được phân tích, chọn lọc, khúc xạ qua lăng kính chủ quan của cá nhân mới có ảnh hưởng tới TYT của cá nhân. Các yếu tố bên trong không tự nhiên mà có, nó được hình thành thông qua hoạt động của cá nhân, đặc biệt là hoạt động chủ đạo ở mỗi giai đoạn lứa tuổi khác nhau. Ngoài ra, một loạt các yếu tố tâm lý như nhu cầu, hứng thú của cá nhân, những phẩm chất của tính cách, tính tích cực hoạt động, chiều hướng của tính tích cực và cả trạng thái tâm lý cá nhân...đều có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới TYT của cá nhân [30, tr.47-48].

Yếu tố tự tu dưỡng, giáo dục có vai trò quan trọng đối với TYT. Đây là hoạt động có ý chí, có quy luật mà ở đó cá nhân tự xây dựng cho mình những phẩm chất tâm lý theo yêu cầu của xã hội. Đó là quá trình cá nhân làm việc tự giác, có hệ thống nhằm loại trừ khuyết điểm, bồi dưỡng ưu điểm của bản thân. Khi ở cá nhân có sự đối chiếu những nhu cầu, hứng thú, năng lực, trình độ... của mình với yêu cầu của xã hội và từ đó dẫn tới tự tu dưỡng. Song đòi hỏi cá nhân phải hiểu rõ được bản thân mình, có quan niệm rõ về cuộc sống, có niềm tin, có ý chí, nghị lực, có tinh thần phê bình và tự phê bình. Tự du dưỡng là một hiện tượng có qui luật trong sự phát triển tâm lý con người. Tự tu dưỡng của cá nhân là do xã hội quyết định và nó phục vụ lợi ích xã hội. Yếu tố thúc đẩy sự hoàn thiện là hoàn cảnh sống, là sự giáo

dục và những kinh nghiệm sống của cá nhân. Bởi vì trong quá trình giáo dục đã hình thành ở cá nhân những cơ sở đạo đức, những quan niệm và khái niệm về đạo đức, niềm tin, thói quen đạo đức có vai trò điều chỉnh HV của cá nhân trong hiện tại và qui định kế hoạch cuộc đời trong tương lai.

Trình độ học vấn có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến sự phát triển TYT. Trình độ học vấn càng cao thì TYT càng tăng và ngược lại khi trình độ học vấn càng thấp thì TYT cũng giảm. Mối quan hệ giữa trình độ học vấn và TYT không chỉ đơn thuần là mối quan hệ một chiều mà đó là mối quan hệ hai chiều. Trình độ học vấn đạt được chính là kết quả của một quá trình TYT và để đạt được trình độ học vấn càng cao đòi hỏi phải có quá trình phát triển TYT tương xứng. Bên cạnh đó chúng ta cũng nhận thấy rằng việc nâng cao trình độ học vấn không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng, của xã hội mà mỗi cái nhân cần có trách nhiệm tu dưỡng để nâng cao trình độ học vấn của mình nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

- Những yếu tố khách quan ảnh hưởng tới TYT

Tổng kết các công trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về TYT của các nhà tâm lý học Xô viết, L.I.Ruvinxki và A.E.Xoloviva đã nhận xét rằng: TYT mang tính xã hội, được đảm bảo bằng các điều kiện xã hội. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những chuẩn mực xã hội mà cá nhân đã thừa nhận thường được cá nhân xem như tiêu chuẩn để đánh giá người khác và đánh giá chính bản thân mình.

Những yếu tố xã hội ảnh hưởng tới quá trình TYT của cá nhân, về mặt nội dung bao giờ cũng mang tính lịch sử. Chính vì vậy khi xem xét nội dung của những yếu tố này cần đặt nó trong sự vận động cụ thể của xã hội, của mỗi thời kỳ lịch sử, thậm chí trong những lĩnh vực hoạt động xã hội nhất định. Chẳng hạn, đặc điểm nổi bật của xã hội Việt Nam hiện nay là quá trình chuyển từ một xã hội bị quy định bởi cơ chế hành chính - quan liêu- bao cấp sang một xã hội vận động theo cơ chế thị trường có sự định hướng XHCN. Trong một chừng mực nhất định, có thể xem xét ảnh hưởng của sự chuyển đổi cơ chế nói trên đến sự phát triển nhân cách con người trong đó có TYT. Những biến động và sự thay đổi của hệ giá trị xã hội đã dẫn đến sự thay đổi định hướng giá trị nhân cách trong mỗi cá nhân.

Phân tích nguồn gốc chức năng điều chỉnh về mặt xã hội của TYT ở cá nhân, A.V Petrovski nhận định "Nó tích cực lĩnh hội từ thế giới người lớn những giá trị khác nhau, những chuẩn mực và phương thức HV, là những cái tạo thành nội dung mới của ý thức và được biến thành những yêu cầu đối với HV của người khác và đối với bản thân mình, thành tiêu chuẩn đánh giá và TĐG. Về mặt nội dung TYT là ý thức xã hội được chuyển vào bên trong (theo định nghĩa của Vygotski" [58, tr.178].

Như vậy, những yêu cầu xã hội, những quy tắc và chuẩn mực xã hội có vai trò quyết định đối với sự hình thành nội dung của TYT. Mỗi cá nhân chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức xã hội, quan điểm của nhóm mà mình là thành viên, của tập thể.

Tuy nhiên, mỗi người có TYT không hoàn toàn giống nhau do mỗi người có vốn kinh nghiệm, tính tích cực hoạt động không như nhau.

Nói về yếu tố bên ngoài ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển TYT còn phải nói tới khía cạnh rất quan trọng đó là môi trường sống và hoạt động giao lưu giữa cá nhân này với các cá nhân khác. Một trong những con đường hình thành TYT của cá nhân là nhờ vào sự quan sát người khác, nhận thức người khác; từ đó liên hệ đối chiếu với bản thân, đi đến bày tỏ thái độ với bản thân, điều khiển, điều chỉnh bản thân.

L.I.Bozovic cho rằng: Sự đánh giá từ phía xã hội có vai trò hai mặt trong việc hình thành TYT của thanh thiếu niên. Thứ nhất, nó là tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp giữa HV của cá nhân với những đòi hỏi của những người xung quanh, nó như sự mách bảo cho thanh thiếu niên tính chất mối quan hệ của họ với môi trường xung quanh. Do đó, nó góp phần xác định được thái độ của con người với môi trường cũng như với chính bản thân mình như một chủ thể HV; Thứ hai, nó giúp thanh thiếu niên phân biệt được đối tượng, nội dung của TNT, bày tỏ thái độ, TĐG với bản thân, trong các hành động, hoạt động của mình.

Như vậy, những thông tin bên ngoài không được tiếp thu hoàn toàn một cách rập khuân, một cách trọn vẹn. Nhân cách nói chung, TYT nói riêng càng phát triển thì những thông tin bên ngoài càng được tiếp thu một cách gián tiếp, có tính chọn lọc hơn.

Tóm lại, TYT của cá nhân chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài và các yếu tố bên trong. Những yếu tố bên ngoài (gia đình, nhà trường, nghề nghiệp, việc làm, nhóm bạn...) liên quan chặt chẽ với TYT đó là những giá trị xã hội, quy tắc HV, chuẩn mực xã hội. Những yếu tố bên trong là các hiện tượng tâm lý, trình độ phát triển nhân cách của chủ thể, đặc biệt là khả năng thu thập và lựa chọn thông tin về bản thân, mức độ phát triển của ý thức ở mỗi cá nhân, quá trình tự giáo dục bản thân. Chỉ có thông qua hoạt động và giao tiếp của cá nhân trong nhóm, tập thể thì các yếu tố bên ngoài được chuyển hoá thành các yếu tố bên trong và từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới TYT của cá nhân.

Một phần của tài liệu Luận án tự ý thức về hành vi phạm tội và hành vi chấp hành hình phạt tù của phạm nhân (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(301 trang)