Tiếp cận với nhiều công trình nghiên cứu ở các mức độ khác nhau, từ giáo dục học nói chung đến giáo dục lịch sử nói riêng; đồng thời việc tập trung đi sâu vào lĩnh vực dạy học LSĐP giúp chúng tôi nhận thức đúng đắn về vấn đề đang nghiên cứu trong bối cảnh rộng. Qua đó, chúng tôi thấy được mức độ quan tâm của các nhà nghiên cứu đến vấn đề dạy học LSĐP, rút ra được những vấn đề đã được làm sáng tỏ và cách thức giải quyết khác nhau về dạy học LSĐP nhằm kế thừa những thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước; đồng thời, tìm kiếm vấn đề chưa được giải quyết và đề xuất giải pháp trong phạm vi của luận án.
Trên cơ sở các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước chúng tôi đã điểm qua, chúng tôi rút ra những thành tựu luận án kế thừa.
Luận án được kế thừa các vấn đề lí luận về dạy học LSĐP, từ khái luận về LSĐP, vai trò, ý nghĩa của việc dạy học LSĐP trong trường học, về mối quan hệ giữa LSĐP và LSDT trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông đến phương pháp biên soạn, hình thức tổ chức và phương pháp tiến hành bài học LSĐP. Điều này
giúp chúng tôi có thể đi sâu tìm hiểu và đề xuất nội dung bài học LSĐP và biện pháp nâng cao chất lượng dạy học LSĐP.
Qua nghiên cứu tài liệu dạy học LSĐP cũng như tìm hiểu các mô hình dạy học LSĐP của một số địa phương trên cả nước, chúng tôi cũng rút ra những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác dạy học LSĐP, từ đó, học tập và kế thừa cách thức biên soạn bài học, cách thức tổ chức hình thức dạy học để vận dụng vào đề xuất các biện pháp có tính khả thi và hiệu quả.
Tuy vậy, trong phạm vi luận án “Nâng cao chất lưpng dạy học lịch sử địa phương ở trường THPT tỉnh Phú Thọ”, chúng tôi nhận thấy cần phải tiếp tục giải quyết một số vấn đề.
Trước hết, cần phải tìm hiểu thực trạng của việc dạy học LSĐP ở các trường THPT tỉnh Phú Thọ thông qua điều tra, khảo sát bằng phỏng vấn, phát phiếu điều tra, dự giờ. Hiểu được thực tiễn của công tác dạy học LSĐP ở các trường THPT tỉnh Phú Thọ sẽ giúp chúng tôi xác định thế mạnh và điểm còn hạn chế của công tác dạy học LSĐP ở trường THPT tỉnh Phú Thọ, qua đó, định hướng cho những biện pháp nâng cao chất lượng dạy học LSĐP.
Thứ hai, cần phải biên soạn tài liệu dạy học LSĐP ở các trường THPT tỉnh Phú Thọ theo hướng đổi mới dạy học lịch sử từ tiếp cận mục tiêu, lựa chọn nội dung dạy học, áp dụng phương pháp dạy học hiện đại, tích cực.
Thứ ba, chúng tôi thiết kế một số bài học LSĐP phù hợp với đối tượng HS THPT tỉnh Phú Thọ theo hướng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dạy học LSĐP.
Trong thiết kế bài giảng thể hiện đổi mới về hình thức tổ chức và phương pháp dạy – học các bài LSĐP. Những biện pháp được đề xuất thể hiện rõ quan điểm về dạy học LSĐP ở trường THPT trước hướng tiếp cận mới, đồng thời có sự phối hợp với các cơ quan chức năng, ban ngành, tổ chức có liên quan để góp phần nâng cao nhận thức về công tác dạy học LSĐP ở các trường THPT tỉnh Phú Thọ.
***
Từ việc tìm hiểu việc dạy học LSĐP ở nhiều nước trên thế giới cũng như việc dạy học LSĐP ở nước ta, chúng tôi nhận thấy vai trò và ý nghĩa to lớn của việc dạy học LSĐP. Bộ môn Lịch sử nói chung và việc dạy học LSĐP ở trường phổ thông được nhiều nền giáo dục tiên tiến coi trọng. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng từ các nghiên cứu cũng như thực tiễn việc dạy học LSĐP của một số nước trên thế giới cũng đáng để chúng ta suy nghĩ về mục tiêu phát triển toàn diện học sinh và vai trò của các môn khoa học xã hội nhân văn, trong đó có môn Lịch sử ở trường phổ thông.
Trong bối cảnh đổi mđi giáo dục căn bản, toàn diện, trước những thách thức mới của công tác giáo dục và đào tạo, việc nâng cao chất lượng dạy học LSĐP góp phần hoàn thành mục tiêu giáo dục của bộ môn Lịch sử trong nhà trường. Mặc dù, đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của tỉnh Phú Thọ, song công tác dạy học LSĐP ở trường THPT còn nhiều hạn chế.
Cho đến nay, chưa có một công trình nào tập trung nghiên cứu việc dạy học LSĐP cấp THPT, đặc biệt là đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học LSĐP tỉnh Phú Thọ ở trường THPT. Vì vậy, đề tài “Nâng cao chất lượng dạy học lịch sử địa phương ở trường THPT tỉnh Phú Thọ” là một đề tài mới, có ý nghĩa đóng góp cho lý luận và thực tiễn dạy học ở trường THPT tỉnh Phú Thọ, đồng thời, có thể trở thành tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu dạy học LSĐP ở địa phương khác.