Chương 2 VẤN ÁỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC LỊCH SỬ ÁỊA PHƯƠNG Ở TRƯỜNG THPT. LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.2. Xuất phát điểm của vấn đề nghiên cứu
2.1.2.1. Mục tiêu bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông
Có thể nói một cách ngắn gọn, mục tiêu bộ môn Lịch sử ở trường THPT là cung cấp kiến thức cơ bản, có hệ thống về lịch sử phát triển hợp quy luật của dân tộc và xã hội loài người. Trên cơ sở đó, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, rèn luyện các năng lực tư duy, năng lực thực hành, khả năng vận dụng kiến thức lịch sử vào cuộc sống.
LSĐP là một bộ phận của chương trình bộ môn Lịch sử, do đó, việc dạy học LSĐP góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu bộ môn ở trường phổ thông. Cùng với nội dung lịch sử thế giới và LSDT, LSĐP là một phần không thể thiếu trong chương trình bộ môn Lịch sử. Trên nền tảng tiến trình LSDT, các bài
LSĐP bám sát, làm sáng tỏ thêm, bổ sung và cụ thể hóa những sự kiện LSDT trong thời kỳ tương ứng mà học sinh đã được tìm hiểu. Nối tiếp những bài LSĐP ở cấp THCS, các bài học LSĐP ở trường THPT nhằm đạt được các mục tiêu như sau:
Về kiến thức, học sinh hiểu biết sâu sắc hơn, có hệ thống hơn về quá trình hình thành và phát triển của địa phương từ nguồn gốc đến ngày nay trên cơ sở biết và hiểu được những sự kiện quan trọng nổi bật của địa phương, những chuyển biến quan trọng của địa phương, mối liên hệ giữa LSĐP với lịch sử dân tộc, thậm chí có những sự kiện LSĐP có mối liên hệ với lịch sử thế giới. Trên cơ sở những kiến thức LSĐP phong phú, sinh động, các em sẽ hiểu sâu sắc hơn LSDT và lịch sử thế giới, thấy được nét riêng độc đáo, đặc thù của địa phương, song vẫn nhận thức được quy luật phát triển chung của lịch sử.
Về kĩ năng, dạy học LSĐP góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những kĩ năng, kĩ xảo, năng lực nhận thức, năng lực thực hành….Qua việc học tập LSĐP, các em được hình thành và bồi dưỡng kỹ năng sưu tầm và khảo cứu tài liệu, phát triển kỹ năng tri giác hiện vật thông qua tham quan học tập tại bảo tàng, di tích; rèn luyện và phát triển năng lực thực hành thông qua các trải nghiệm cá nhân như điền dã, tham gia lao động công ích, tham dự các lễ hội truyền thống, tìm hiểu và bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa ở nơi mình sinh sống…
Về thái độ, trên cơ sở những hiểu biết về LSĐP, học sinh sẽ hình thành tình yêu đất nước một cách cụ thể, biểu hiện qua tình yêu gia đình, làng xóm, yêu xứ sở, lòng tự hào về những truyền thống tốt đẹp của quê hương; trân trọng, yêu quý những thành quả lao động, những giá trị vật chất và tinh thần mà cha ông đã sáng tạo trong qúa trình xây dựng và bảo vệ quê hương. Qua đó, các em ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng và bảo vệ quê hương trong hiện tại.
2.1.2.2. Phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước
Đổi mới giáo dục là một nhu cầu nội tại nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kì hội nhập. Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Phương châm này được đề ra tại các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của
Đảng từ đại hội lần thứ VI đến nay. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII nêu: “Tăng cường giáo dục công dân, giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức và nhân văn, lịch sử dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình đào tạo; phát triển mạnh phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp.”[46;354, 356].Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương, gia đình và tự tôn dân tộc, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lòng nhân ái, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần hiếu học, chí tiến thủ lập nghiệp, không cam chịu nghèo hèn”[46;527-528] Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục chỉ rõ phương hướng: “nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lí tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội” [46;216 ]. Luật Giáo dục cũng đã xác định
“Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ”. [91;8]
Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, Luật Giáo dục cũng xác định nguyên lý giáo dục: “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. “Nội dung giáo dục phải đảm bảo tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại và có hệ thống”, “phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học, bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên”[91;9]
Tính nhất quán trong quan điểm giáo dục của Đảng và Nhà nước là đặc biệt coi trọng giáo dục lí tưởng đạo đức cách mạng, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu gia đình, lịch sử dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc, với nội dung và phương pháp dạy học hướng vào người học. Trong nhà trường, Lịch sử là môn học
có ưu thế trong việc thực hiện các mục tiêu đó. Dạy học LSĐP chính là góp phần giáo dục tình yêu quê hương, yêu gia đình, kế thừa và phát huy văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đặc trưng của bài học LSĐP là nội dung gần gũi với đời sống thực tế ở địa phương, gắn liền với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của quê hương. Dạy học LSĐP theo hướng phát huy tích tích cực, sáng tạo, phát triển tư duy độc lập của HS, gắn bài học LSĐP với đặc thù kinh tế- xã hội của địa phương chính là một phương thức gắn học với hành, gắn lý luận với thực tiễn, giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội.
2.1.2.3. Mối quan hệ giữa lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc
Chương trình Lịch sử ở trường phổ thông bao gồm nội dung kiến thức về lịch sử thế giới, LSDT và LSĐP. Lịch sử thế giới giúp HS có hiểu biết về bối cảnh chung của thời đại, qua đó các em nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề của LSDT.
LSĐP và LSDT lại có mối quan hệ gắn bó khăng khít, mật thiết với nhau, tạo nên sự thống nhất trong các nội dung kiến thức lịch sử trong toàn bộ chương trình. Mối quan hệ giữa LSDT và LSĐP là quan hệ giữa “cái chung” và “cái riêng”. LSDT là cái chung, LSĐP là cái riêng nằm trong cái chung đó. LSDT được làm nên bởi lịch sử của từng địa phương trong cả nước; đến lượt mình, LSĐP lại là biểu hiện của LSDT ở một địa phương cụ thể, LSĐP vừa là sự cụ thể hóa LSDT, đồng thời cũng góp phần làm phong phú cho LSDT.
Từ mối quan hệ giữa LSĐP với LSDT, các bài học LSĐP và bài học LSDT có mối quan hệ gắn bó với nhau. Bài học LSĐP phải tương ứng với các bài học LSDT, phù hợp về nội dung kiến thức được lựa chọn dạy học. Nội dung bài học LSDT cung cấp bối cảnh chung, làm sáng tỏ các sự kiện có trong bài học LSĐP.
Các bài học LSĐP một mặt làm sáng tỏ các nội dung kiến thức trong các bài học LSDT, mặt khác, khắc họa những nét riêng, có tính chất cá biệt, đặc thù của địa phương so với cái chung của LSDT.
So với LSDT, bài học LSĐP có nội dung kiến thức gần gũi với đời sống của HS hơn, có ưu thế hơn trong việc liên hệ kiến thức bài học với thực tiễn, khả năng thực hành và vận dụng kiến thức bài học LSĐP cao hơn những bài học LSDT. Nắm
vững mối quan hệ giữa bài học LSĐP và bài học LSDT là một cơ sở để xác định nội dung cũng như lựa chọn phương pháp dạy học LSĐP hiệu quả. Nội dung bài học LSĐP phải thể hiện được LSĐP là một bộ phận đóng góp vào tiến trình LSDT, góp phần làm nên cái chung của LSDT, tránh hiện tượng đánh giá không đúng vai trò của địa phương mình, đề quá cao hoặc không thấy được những đóng góp của địa phương mình đối với dân tộc. Ví như, Phú Thọ là nơi đóng đô của nhà nước Văn Lang, nơi đóng đô của vua Hùng, có khu di tích đền Hùng - nơi thiêng liêng nhất thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương. Điều đó cho thấy vị thế đất Tổ của Phú Thọ. Tuy vậy, đặt lịch sử Phú Thọ trong dòng chảy dân tộc thời kì dựng nước, chúng ta còn thấy dấu ấn của các địa phương khác qua các nền văn hóa (dùng với nghĩa khảo cổ học) như Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Đông Sơn (Thanh Hóa), Ngọc Lũ (Hà Nam)...Qua đó, HS thấy được mối quan hệ giữa lịch sử các địa phương khác trong vùng Bắc Trung Bộ với Phú Thọ trong thời đại Hùng Vương.
Do đặc điểm của kiến thức lịch sử và quá trình nhận thức lịch sử, bài học LSĐP và LSDT mang đặc trưng chung của bộ môn. Tuy nhiên, việc dạy học LSĐP có thể áp dụng những hình thức và phương pháp dạy học thích hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy học LSĐP ở trường phổ thông.
2.1.2.4. Đặc điểm kiến thức lịch sử địa phương
Đặc điểm kiến thức lịch sử nói chung, kiến thức LSĐP nói riêng có những đặc điểm khác biệt với kiến thức các môn khoa học khác. Đó là tính quá khứ, tính không lặp lại, tính cụ thể, tính hệ thống và sự thống nhất giữa “ sử” và “ luận”.
Những sự kiện, hiện tượng lịch sử đã xảy ra trong quá khứ, là hiện thực, không phụ thuộc vào việc chúng ta nhận thức được hay không. Sự kiện lịch sử nào cũng chỉ xảy ra một lần duy nhất, không lặp lại, tại một thời gian nhất định, trong một không gian xác định và bởi những con người cụ thể. Kiến thức LSĐP cụ thể hơn so với kiến thức LSDT, và chính đặc điểm đó tác động đến tâm lí HS trong khi học tập LSĐP. Các sự kiện LSĐP luôn gắn với những địa danh cụ thể, những con người cụ thể của địa phương. Di tích lịch sử đó có thể vẫn còn dấu vết, địa danh đó vẫn lưu truyền, câu chuyện về nhân vật còn kể lại, thậm chí nhân chứng đang sống...Những
yếu tố của sự kiện, ngoài thời gian đã qua, thì không gian và con người vẫn còn lưu lại xung quanh HS.
Tính cụ thể của kiến thức LSĐP tạo nên một ưu thế đặc biệt trong dạy học, nó không chỉ khiến cho HS nhận biết được nét riêng, đặc thù của quê mình với vùng khác, mà còn tạo ra một xúc cảm mãnh liệt khi nhắc đến tên đất, tên người thân thuộc trong bài học, đó là lòng tự hào, tự tôn; là tình cảm yêu mến, trân trọng; là mong muốn bảo vệ và gìn giữ các di sản của quê hương.
Ví như, khi dạy học về LSĐP Phú Thọ thời Hùng Vương, những địa danh như núi Nghĩa Lĩnh, xã Hi Cương, thôn Cổ Tích khiến cho HS ở Việt Trì thấy gắn bó, cảm nhận ngọn núi thân thuộc, tên làng đầy tự hào. Các em có thể hình dung ra khu di tích đền Hùng quê mình là trung tâm của lễ hội cội nguồn, nơi người Việt ở đâu cũng hướng về, du khách thế giới tìm đến. Những tên nôm của làng như kẻ Giầu (Trầu) gợi nhớ đến làng chuyên trồng trầu không (làng Dữu Lâu), tương truyền là nơi ra đời câu chuyện Sự tích Trầu cau ; kẻ Lú (Lúa) là nơi tương truyền vua Hùng dạy dân trồng lúa (làng Minh Nông)...là những kiến thức hết sức cụ thể, giúp các em hiểu biết hơn về nơi mình đang sống.
Tính cụ thể của kiến thức LSĐP là cơ sở để GV lựa chọn nội dung dạy học LSĐP tiêu biểu, gần gũi với HS, tác động trực tiếp đến nhận thức HS từ cảm tính đến lí tính. Tính cụ thể của kiến thức LSĐP cũng là một thế mạnh trong công tác giáo dục HS từ thực tiễn cuộc sống, thông qua những liên hệ sinh động, những tấm gương gần gũi, tạo cơ hội cho HS quan sát, nghiên cứu các tranh ảnh, tư liệu địa phương; tham quan các hiện vật tại bảo tàng hay tham quan học tập tại di tích, trải nghiệm vốn sống ngay tại quê hương mình.
2.1.2.5. Đặc điểm tâm lí, nhận thức của HS trường THPT tỉnh Phú Thọ khi học tập lịch sử địa phương
Học sinh là một nhân tố quan trọng của quá trình dạy học, tìm hiểu đặc điểm nhận thức, tâm lý lứa tuổi của HS sẽ giúp giáo viên biên soạn nội dung bài học LSĐP, lựa chọn hình thức dạy học và thiết kế những hoạt động dạy học hiệu quả.
Như HS THPT trên cả nước, HS các trường THPT ở Phú Thọ có đặc điểm nhận thức và tâm, sinh lý ở độ tuổi từ 15 đến 18. Các em có mong muốn tự tìm
hiểu, tự khám phá, tự khẳng định mình trong học tập cũng như các hoạt động khác.
Trong quá trình nhận thức, các em đã hình thành những hứng thú học tập gắn liền với khuynh hướng nghề nghiệp và tính chủ động được phát triển. Ở lứa tuổi này, HS đã nhận thức được các vấn đề tương đối phức tạp, khả năng tư duy lý luận, tư duy trừu tượng một cách độc lập đã phát triển.
Đối với HS trường THPT tỉnh Phú Thọ, khi học LSĐP, các em sẽ có xúc cảm đặc biệt. Đó là tình cảm thân thuộc, gắn bó như làng mình, gia đình là một phần của lịch sử; tự trong tim gợi dậy cảm xúc thiêng liêng, trân trọng, tự hào, khao khát được trải nghiệm cảm xúc, muốn đến tham quan. Từ tình cảm yêu mến đó, HS xác định trách nhiệm, mong muốn gìn giữ, phát huy các giá trị của truyền thống hay di sản văn hóa địa phương.
Ví như, các em HS người Mường sẽ thích thú với bài mo gọi Vía Lúa của dân tộc mình trong bài giảng, các HS người Mông nhìn điệu múa khèn trong tài liệu, các em sẽ thấy như chính gia đình mình, chính bản thân mình đang là một phần của lịch sử, làm nên lịch sử. Đó là sự tự hào, sự hứng thú, sự rung động sâu sắc trong tình cảm của HS. Tâm lí đặc biệt này sẽ không thể có trong bất kì bài học lịch sử nào khác. Vì vậy, những bài học LSĐP thực sự có tác dụng giáo dục tình yêu quê hương một cách nhẹ nhàng và sống động.
Ngoài ra, nhận thức của HS trường THPT tỉnh Phú Thọ không đồng đều theo điều kiện kinh tế - xã hội. Đặc điểm kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi dân tộc khác nhau tạo cho học sinh Phú Thọ bên cạnh nét chung cơ bản còn có những nét đặc thù của địa phương.
Học sinh thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ hay vùng huyện Lâm Thao là nơi có điều kiện kinh tế tốt hơn cả trong tỉnh, lại có điều kiện tiếp xúc với các nguồn tài liệu, sách báo, Internet… nên đa số các em thích chủ động tìm kiếm kiến thức, thích các phương pháp dạy học tích cực, không ngại trình bày, trao đổi thảo luận trong giờ học. Học sinh các vùng như Phù Ninh, Hạ Hòa, Cẩm Khê… là những nơi sự đô thị hóa diễn ra chưa cấp tập, những dấu ấn lịch sử - văn hóa của địa phương còn in dấu khá rõ nét trong nhân dân, như các chiến khu cách mạng, các di