Chương 1. LÝ THUYẾT BIỂU TƯỢNG VÀ TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.2. Các công trình nghiên cứu đá ở Việt Nam
1.2.2. Công trình nghiên cứu Đá với tư cách biểu tượng
Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (2002, NXB Đà Nẵng) của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant có thể được xem là công trình nghiên cứu biểu tượng một cách hệ thống và khái quát nhất hiện nay. Trong đó, biểu tượng Đá trong văn hóa nhân loại đã được khảo sát chi tiết và tương đối đầy đủ.
Ngoài việc nêu ra các tiêu chí lựa chọn thông tin, cách trình bày hệ biểu tượng, phần giới thuyết sơ lược và tổng hợp những nghiên cứu về biểu tượng đã góp phần định hướng lý thuyết biểu tượng cho người đọc trước khi nghiên cứu các biểu tượng trong công trình. Riêng biểu tượng Đá, trước tiên, Jean Chevalier và Alain
20
Gheerbrant khẳng định: “Trong truyền thuyết, đá chiếm một vị trí trang trọng. Giữa linh hồn con người và đá có mối quan hệ chặt chẽ” [21, tr. 268]. Tác giả tập hợp những mối quan hệ và cách giải thích gắn với biểu tượng Đá của các dân tộc/ tôn giáo tín ngưỡng/… trên thế giới dựa vào hình thức/ xuất xứ/ màu sắc/ nét nghĩa chung/ mục đích sử dụng/ truyền thuyết,… Đá ở Việt Nam chỉ mới được Jean Chevalier và Alain Gheerbrant nhắc đến trong hai dạng thức “các tảng đá dựng đứng” [21, tr.269], và “đá chảy máu khi bị cuốc vào” [21, tr.269]. Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được thêm thông tin về hai trường hợp này.
Những mục liên quan đến đá trong công trình Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (2002) của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant đã trở thành một bảng tra cứu, giúp chúng tôi định hướng giải mã các nét nghĩa của biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam. Hơn thế nữa, thông qua công trình, chúng tôi có thể dễ dàng nhận ra những nét đồng điệu của đá trong truyền thuyết Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt nói chung với văn hóa thế giới.
Với công trình Đá và Người (2008, NXB Từ điển bách khoa), Trần Sỹ Huệ đã đem đến cho người đọc một cái nhìn mới về vai trò đa dạng của đá trong đời sống/
văn hóa Phú Yên. Bằng văn phong tùy bút-khoa học, tác giả phân loại, hệ thống sự xuất hiện và ý nghĩa của đá từ khung cảnh thiên nhiên, địa danh, tên các loại vật, trong đời sống vật chất đến sinh hoạt tâm linh, văn hóa nghệ thuật, văn học dân gian.
Ở phần viết Đá trong văn học dân gian, tác giả liệt kê sự xuất hiện của đá ở các thể loại ca dao, tục ngữ, thành ngữ và truyện kể. Đóng góp của Trần Sĩ Huệ là nghiên cứu vai trò của đá trong tất cả các khía cạnh của đời sống tại một địa bàn cư trú cụ thể. Dù không gọi tên thuật ngữ “biểu tượng đá” mà chỉ quan niệm “ghi chép qua nét nhìn dân gian, phân biệt một cách đơn giản nhưng rất rạch ròi, đá là đá, đất là đất, cát sạn là cát sạn” [46, tr.9] nên công trình không gọi tên đích danh đá là “biểu tượng”
nhưng những thống kê và phụ chú chi tiết trong công trình đã chứng tỏ sự gắn kết giữa người và đá, đồng thời cũng góp phần gợi ra lớp nghĩa riêng của đá trong văn hóa dân gian Phú Yên.
Trong Những đỉnh núi du ca – một lối tìm về cá tính H’Mông (2014, NXB Thế giới), Nguyễn Mạnh Tiến đã lấy dân ca nói riêng, văn học dân gian H’Mông nói chung làm đối tượng nghiên cứu nhằm khám phá tâm thức, cá tính H’Mông.
21
Nguyễn Mạnh Tiến cho thấy tâm thức mồ côi của người H’Mông hiển lộ khá rõ trong biểu tượng đá mồ côi. Biểu tượng này có thể được xem là kết quả của sự kết hợp giữa tâm thức tộc người và đặc trưng không gian sống (cao nguyên đá Đồng Văn). Mặc dù tác giả không đi sâu vào phân tích biểu tượng đá mồ côi nhưng sự tinh tế, sâu sắc trong quá trình nghiên cứu, nhận diện đã phần nào chỉ ra vai trò của đá trong văn hóa tộc người H’Mông. Công trình của Nguyễn Mạnh Tiến là gợi ý thú vị và hữu ích cho chúng tôi khi giải mã sự ảnh hưởng của các tín ngưỡng khác trong biểu tượng đá của truyền thuyết dân gian Việt Nam.
Như đã nói ở trên, người đầu tiên nghiên cứu về biểu tượng đá trong truyền thuyết là Trần Thị An với bài viết “Những biểu tượng không gian thiêng trong truyền thuyết dân gian người Việt” (1999) in trong Những vấn đề lí luận và lịch sử văn học của Viện Văn học. Nếu như các nhà nghiên cứu trong quá trình sưu tầm, biên soạn và định danh thể loại cho truyện cổ dân gian vẫn luôn cân nhắc ranh giới mong manh giữa thần thoại và truyền thuyết thì thông qua biểu tượng không gian thiêng - một trong những vấn đề chứa đựng nhiều ngộ nhận để xác lập thể loại, tác giả đã góp phần phân định các thể loại còn nhiều tranh cãi này. Trên cơ sở khảo sát truyền thuyết người Việt và tham khảo những giải mã ý nghĩa biểu tượng trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (J. Chevalier và A. Gheerbrant), Trần Thị An đưa ra năm biểu tượng không gian thiêng có tần số xuất hiện cao: núi, đá, cây, sông nước và mây mù. Trong đó, “núi – nơi trú ngụ của thần linh” và “đá – sự sống trong trạng thái tĩnh” là hai không gian trực tiếp liên quan đến biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam. Tác giả giải mã được vai trò, ý nghĩa của mỗi không gian trong trường so sánh giữa thần thoại và truyền thuyết nhằm minh chứng cho sự chuyển hóa thể loại và những nét đặc trưng của mỗi biểu tượng không gian thiêng.
Riêng với không gian đá, từ các trường hợp cụ thể được lưu giữ trong truyền thuyết, Trần Thị An gọi tên từng hình ảnh đá và giải mã ý nghĩa linh thiêng của chúng: đá thiêng (pho tượng đá cụt đầu, đá chứa linh hồn, đá thô mang sinh thể lưỡng tính, đá thô nguyên vẹn của vũ trụ, đá kết tinh mối quan hệ trời – đất), đá xếp thành đống,…
Theo tác giả, hầu hết các biểu tượng đá trên đều có tính cụ thể và tính cộng đồng cao – những đặc trưng cơ bản của thể loại truyền thuyết dân gian. Trần Thị An đã chứng minh “sự tương đồng trong những nấc thang tư duy của nhân loại” [4, tr.
22
741] từ dữ liệu truyền thuyết dân gian người Việt. Tiểu luận của Trần Thị An đã chỉ ra tính phổ quát và tính khu biệt của biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian người Việt, hỗ trợ cho chúng tôi trong việc triển khai nội dung luận án.
Hai bài viết khác nghiên cứu về biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam là của Nguyễn Huy Bỉnh: “Truyền thuyết dân gian xứ Bắc về các thần tự nhiên”
và “Truyền thuyết Thạch tướng quân trong mối quan hệ với tín ngưỡng thờ đá”.
Trong “Truyền thuyết dân gian xứ Bắc về các thần tự nhiên” (2009) đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học, Nguyễn Huy Bỉnh chỉ giới hạn hướng đến truyền thuyết về thần Nước, thần Núi, thần Đá. Kết hợp phương pháp điền dã và khảo sát văn bản, tác giả giới thiệu khái quát về truyền thuyết dân gian gắn liền với đời sống tâm linh của người dân tại các vùng xứ Bắc. Bằng những số liệu, địa danh, tên người cung cấp văn liệu cụ thể, Nguyễn Huy Bỉnh nghiên cứu theo khuynh hướng dân tộc học để tìm ra dấu vết của truyền thuyết trong dân gian: các dị bản, quá trình lưu truyền và tục thờ cúng. Về thần Đá, tác giả phân chia thành hai dạng truyền thuyết dựa trên sự liên kết thờ đá - truyền thuyết: truyền thuyết về thần Đá có nguồn gốc tự nhiên (Thạch Quang Phật, Thạch Tướng Quân, và ông Đổng ở vùng Bắc sông Đuống thuộc thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng ngày nay), và truyền thuyết về các nhân vật lịch sử có nguồn gốc từ tục thờ thần Đá (Cao Lỗ và Kỳ Nữ Thạch Biểu).
Nguyễn Huy Bỉnh nhận định: “Các nhân vật này [các nhân vật được thờ là thần Đá trong truyền thuyết xứ Bắc – NTQH] được biểu hiện dưới dạng tôn giáo hóa (Phật hóa) và biểu hiện dưới dạng lịch sử hóa trở thành các anh hùng chống giặc ngoại xâm” [16, tr. 97]. Từ kết quả điền dã, Nguyễn Huy Bỉnh góp phần làm rõ quá trình lưu truyền của văn bản, mối quan hệ biện chứng giữa truyền thuyết về đá thiêng và tín ngưỡng thờ đá của người dân xứ Bắc.
Với “Truyền thuyết Thạch tướng quân trong mối quan hệ với tín ngưỡng thờ đá” (2013) đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học, Nguyễn Huy Bỉnh tập trung vào duy nhất một truyền thuyết (Thạch Tướng Quân) của một địa phương (xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Tác giả đi từ bản kể và kết cấu truyền thuyết Thạch Tướng Quân đến mối tương quan truyền thuyết và tín ngưỡng thờ đá ở Tiên Lát. Bài viết khẳng định quan hệ chặt chẽ này thông qua việc liệt kê hàng hoạt các di vật đá thiêng/ đền miếu tại Tiên Lát. Khác với những bài nghiên cứu chúng tôi đã đề cập
23
đến, tiểu luận chỉ chuyên sâu vào trường hợp Thạch Tướng Quân cho nên tác giả thật sự khám phá cặn kẽ từ văn bản đến tín ngưỡng thờ cúng tại địa phương lưu truyền.
Tóm lại, công trình nghiên cứu đá với tư cách là biểu tượng chiếm số lượng khiêm tốn nhưng đã có những thành tựu bước đầu trong việc khẳng định giá trị văn hóa của biểu tượng đá và chỉ rõ mối quan hệ mật thiết giữa biểu tượng đá trong truyền thuyết với tục thờ đá ở các địa phương. Trong đó, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant là công trình quan trọng, mang tính chất định hướng đặc biệt cho chúng tôi nhận chân các nét nghĩa của biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam.