Chương 3. CẤU TRÚC TRẦN THUẬT CỦA DẠNG TRUYỆN KỂ SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG ĐÁ TRONG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VIỆT NAM
3.2. Đá trong motif hiển linh của truyền thuyết dân gian Việt Nam
3.2.3. Đá – thành tố cấu tạo nên không gian tâm linh
Biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam thật sự có quan hệ mật thiết với tín ngưỡng thờ đá, cũng như các hình thức thờ cúng (tín ngưỡng/ tôn giáo) khác, cho nên Đá giữ vai trò không gian tâm linh là điều dĩ nhiên. Trong mục 3.2.3, chúng tôi phân chia không gian tâm linh trong mối quan hệ với đá thành ba dạng sau: không gian thiêng, không gian thờ cúng và không gian giấc mơ.
Thứ nhất, không gian thiêng
Như chúng tôi đã giới thiệu trong chương 1, ở bài viết “Những biểu tượng không gian thiêng trong truyền thuyết dân gian người Việt” (1999) in trong Những vấn đề lí luận và lịch sử văn học của Viện Văn học, Trần Thị An đã đề cập đến đá - không gian thiêng (đá là một trong 5 biểu tượng không gian thiêng: núi, đá, cây, sông, nước và mây mù). Tác giả đã lý giải không gian thiêng của đá với ý nghĩa triết học “đá – sự sống trong trạng thái tĩnh”.
97
Từ những phân tích mang tính gợi mở của Trần Thị An, ở không gian thiêng, chúng tôi nối tiếp nhận định đã nêu ra ở mục 2, đá là hiện thân của các vị thần. Điều đó đồng nghĩa đá ngay trong nội tại của nó đã là một không gian thiêng, không gian được lựa chọn để an trú của không chỉ các vị thiên thần mà còn cả phần linh hồn/
tinh anh của các nhân vật lịch sử.
Với trường hợp các vị thần đá, các dạng đá xuất hiện trong truyền thuyết như tảng đá (trong Thai Dương phu nhân), hòn đá (trong Kì Thạch phu nhân, Truyền thuyết tượng nghè), theo chúng tôi, chính là “ngôi nhà an trú”. Tính linh thiêng của các vị thiên thần cũng được đồng nhất với đá – không gian thiêng của họ. Truyền thuyết Sự tích Thổ Thống và Nại Nương thời Hùng Vương ghi chép rằng sau khi đức Thánh Mẫu có thai, vào một đêm mưa gió, Đức Thánh phụ “lúc qua cửa chùa, ngài nhìn vào trong chùa lại thấy tượng đức Quan Âm bằng đá cũng đổ nằm ở đất” [44, tr.135]. Chi tiết dẫn đến một cách hiểu chung là “hẳn Phật xuất thế rồi” [44, tr.135], minh chứng cho sự đồng nhất tính thiêng của vị thần và không gian đá. Do vậy, vị thần trú ngụ rời bỏ không gian đá thì đá lại hóa vô tri và tính thiêng của đá tự nhiên biến mất. Tương tự hòn đá trên núi La Hán trong truyền thuyết Sự tích hòn đá núi La Hán, kể từ thời điểm ông Nguyễn Chí Diệu ra đời, sau giấc mơ của cha ông về người ở núi La Hán muốn xin làm con, “tiếng đọc sách ở hòn đá trên núi không còn nữa”
[45, tr.614]. Truyền thuyết không đề cập gì đến tính thiêng của hòn đá nữa.
Không chỉ các vị thần, đá cũng là lựa chọn của các nhân vật lịch sử khi họ muốn tìm một nơi trú ngụ cho linh hồn của mình. Nếu trường hợp hai mẹ con Chiêu Khanh và Đông Long (trong Thần miếu Độ Mi), hay Lương Thế Vinh (trong Lương Thế Vinh) chỉ là mượn đá để tạm trú linh hồn trong một thời gian ngắn phục vụ binh phù/ luân hồi tái sinh thì cũng có những nhân vật khác chọn đá để “nối dài” đời sống của mình. Ví dụ như motif người hóa đá và đá thiêng mà chúng tôi đã đề cập đến ở chương 2. Hoặc, trong Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian, nói về pho tượng đá cụt đầu ở hậu cung đền An Dương Vương, Trần Thị An đã nêu một dẫn chứng của tác giả Song Bân (bài viết “Nên hiểu truyện Mị Châu thế nào cho đúng”, tập san Nghiên cứu văn học, số 1/ 1961): “Khi Mỵ Châu bị chém chết, xác nàng hóa thành đá, trôi ngược dòng, tạt vào Cổ Loa, báo mộng cho dân làng ra khiêng về thờ. Khiêng đến chỗ có đền thờ hiện nay, tảng đá rơi xuống, không chịu
98
cho mang đi nơi khác. Nhân dân lập đền thờ nhưng tượng đá ngày càng to ra phải khấn mãi mới nguyên hình như ngày nay” [8, tr.97]. Nghĩa là ở trường hợp trên, linh hồn/ sự tinh anh của Mỵ Châu dường như đã trú ngụ ở trong đá và khiến cho tảng đá trở nên linh thiêng hơn, biết “báo mộng”, bày tỏ ý kiến về nơi thờ phụng,… Tương tự Nói về sự tích bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị, truyền thuyết kể về nguồn gốc, hành trạng hiển hách và sự linh thiêng của hai bà. Trưng Trắc và Trưng Nhị vốn là hai cô con gái có “bản tính anh hùng” [44, tr.315] của quan Lạc tướng. Sau khi quan Thái Thú Tô Định nghe tin Trưng Trắc nên duyên với Thi Sách, người dòng dõi vua Hùng Vương, đã lo sợ “có mưu phản, liền đem quân vây thành Chu Diên, giết Thi Sách” [44, tr.415 - 416]. Trước nỗi đau đó, Trưng Trắc đã cùng với em thu phục hơn mười vạn quân đuổi đánh Tô Định và tự tôn mình lên làm vua, lấy hiệu là Trưng Vương, đóng đô ở huyện Mê Linh. Ba năm sau, vua Quang Vũ nhà Đông Hán sai Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng tại hồ Lãng Bạc [nay là Tây Hồ - NTQH]. Thế giặc như chẻ tre, hai chị em Trưng Trắc lui quân về đất xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc [nay là huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây – NTQH] và “bức chí nhảy xuống sông Hát Giang tự trẫm, rồi hóa thành hai người bằng đá, nổi lên trôi đi” [44, tr.416]. Ở chi tiết trên, chúng tôi chú ý đến cụm từ
“hóa làm hai người bằng đá” [44, tr.416]. Sự hóa đá là kết tinh của nỗi phẫn uất trước quân thù và tình yêu dân tộc của Trưng Trắc, Trưng Nhị. Theo truyền thuyết, các làng hai bên sông đều ra khấn xin vớt để thờ nhưng cuối cùng chỉ có làng Đồng Nhân, huyện Thanh Trì vớt được, còn xã Hát Môn chỉ lập đền thờ vọng. Đến đời vua Anh Tông nhà Lê, vì bãi đất gần đền Hai Bà bị lở nên vua đã sai làng Hưng Viên, huyện Thọ Xương bên trong đê rước tượng bà về và lập đền thờ. Hiện nay, tại đền thờ Hai Bà, nhân dân vẫn hương khói và tế lễ tượng đá hai bà hàng năm. Chính hình dạng đặc biệt được truyền thuyết miêu tả “hai người bằng đá” và sự linh thiêng “ai đến cầu việc gì cũng được” [44, tr.416] đã khẳng định sự “an trú” của hai bà trong đá. Ngoài ra, trong văn bản Trưng Vương, chi tiết “hóa ra hai người bằng đá” [44, tr.418] cũng được ghi chép lại, giống như truyền thuyết Nói về sự tích bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị.
99
Dẫu trú ngụ tạm thời hay vĩnh viễn, tính thiêng của không gian đá luôn là sự đồng nhất/ ánh xạ từ các vị thiên thần/ nhân vật lịch sử. Và việc lựa chọn đá để an trú có thể bắt nguồn từ sự bền vững và “sự sống trong trạng thái tĩnh” của đá.
Thứ hai, không gian thờ cúng
Chúng tôi xem đá như là yếu tố để xây dựng nên không gian, và không gian đó được sử dụng với mục đích thờ cúng/ thờ tự. Vì vậy, bên cạnh mối liên hệ với tín ngưỡng thờ đá, đá trong truyền thuyết dân gian còn là sự xếp chồng các tín ngưỡng, tôn giáo khác.
Trong Sự tích Thổ Thống và Nại Nương thời Hùng Vương, đức phụ Hồ Quản và đức Thánh Mẫu Hùng Ái đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có con, nghe tiếng lành về chùa Thạch Nham, đã đến đó để cầu tự. Không gian của truyền thuyết chính là Thạch Nham tự, một ngôi chùa thiên tạo ở châu Hoàng Nham, có “một vị tượng đá gọi là Phật Quan âm rất linh ứng” [44, tr.134]. Không gian của chùa được tác giả dân gian miêu tả mang đậm chất linh thiêng và yên tịnh “Chốn ấy rất thanh vắng, mà xung quanh tuyền bằng đá cả. Duy mé cạnh chùa có một cây tùng cổ thụ trông già có ngoại một nghìn năm rất đẹp” [44, tr.134]. Thế nên, đá không chỉ là không gian chùa, mà còn là tượng Phật để thờ cúng.
Không gian trong truyền thuyết Sự tích suối Rắn cũng gắn liền với đá, tuy nhiên không phải là do thiên tạo hoàn toàn. Ông lão đánh cá trong truyện chỉ có duy nhất một người con gái, song cô gái ấy lại bị giao long bắt mất nên quyết tâm “giết hết loài giao long mới hả sự căm thù” [45, tr.570]. Ông giao toàn bộ gia tư điền địa cho bản xã để sau này lo việc cúng giỗ ông và cầm hai thanh gươm sắc, cùng đồ lấy lửa lặn xuống vực. Không những giết được giao long, ông mang được xác con gái về. Ông và con gái đều trở thành đại thần rất linh ứng của bản xã. Vì vậy, “dân làng nhân bên cạnh núi có một chỗ đá lõm sâu vào, bèn làm một ngôi đền ở chỗ ấy” [45, tr.571]. Không gian đá đã trở thành không gian thờ cúng của người dân xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, thuộc xứ Kinh Bắc.
Khác với không gian đá nhỏ hẹp trong hai truyền thuyết trên, Thần Độc Cước và đền Độc Cước lại mở rộng không gian ra cả một dãy núi Sầm Sơn. Những chiến tích của chàng trai bước ra từ khe núi đã giúp dân làng vùng Sầm Sơn thoát khỏi cảnh thủy quái càn quấy, “xua đuổi tôm cá, lật thuyền, nhai nuốt thịt người” [45,
100
tr.721], trở lại cuộc sống yên vui, ra khơi thuyền đầy tôm cá. Ghi nhớ công ơn của chàng tráng sĩ, dân làng lập đền thờ ngay trên đỉnh núi Sầm Sơn và gọi là đền Độc Cước. Có thể nói, trong tác phẩm, không gian linh thiêng, thờ cúng lại chính là đỉnh núi đá – nơi theo truyền thuyết là liên thông giữa con người và thần linh.
Động núi Linh Sơn trong truyền thuyết Sự tích công chúa Thượng Ngàn (Con gái thần Tản Viên) được đề cập đến như là một khu vực linh thiêng, được vua Lê Thái Tổ “đặt bàn thờ” để trả ơn âm phù của nàng công chúa La Bình, con gái của thần Tản Viên và Mỵ Nương [con gái vua Hùng – NTQH]. Giữa cuộc chiến với giặc Minh, công chúa đã hiển linh khuyên vua không nên ngủ quên trên chiến thắng, phải “khuya sớm cùng với các tướng bàn mưu tính kế” [45, tr.232], và chọn hang động núi Linh Sơn để ở, “gây dựng oai thanh vừa bồi dưỡng nhuệ khí ba quân, đánh kết hợp với giữ, chờ khi nào thắng thế rồi hãy tiến ra” [45, tr.232]. Vua bán tín bán nghi, chưa kịp hành động thì bị tên tù trưởng ở sách làm phản và quân Minh đánh úp. Khi đã tụ được quân ở Chí Linh, nghe Nguyễn Trãi nói về vị nữ thần – Thượng Ngàn công chúa “cai quản tám mươi mốt cửa rừng ở Nam Giao” [45, tr.233], Lê Thái Tổ đã lập bàn thờ tự bà tại động núi Linh Sơn, cho ghi tường tận sự việc vào động núi để lưu truyền mãi mãi.
Hay An Dương Vương trong truyền thuyết An Dương Vương lập cột đá thề cũng đã “lập đền thờ mẹ Tản Viên ở động Lăng Xương và ở núi Tản” [44, tr.386].
Động Lăng Xương và núi Tản trở thành những không gian thờ cúng hướng về đối tượng là mẹ Tản Viên. Truyền thuyết kể rằng Thục An Dương Vương, chủ bộ Ai Lao, sau hai lần cử binh đánh vua Hùng để cướp ngôi báu, đã bị Tản Viên Sơn Thánh đánh bại. Tuy nhiên, lúc Hùng Duệ Vương, vì không có con trai, muốn truyền ngôi cho Tản Viên, Tản Viên đã khuyên ông nên nhường ngôi cho An Dương Vương, bởi đây là con người “kiên dũng lại cùng trong tông phái họ nhà” [44, tr.386]. Việc An Dương Vương lập đền thờ là để “tỏ lòng kính trọng và biết ơn Tản Viên” [44, tr.386].
Ở truyền thuyết trên, ngoài vai trò không gian động/núi tâm linh rộng lớn, đá có một chi tiết thể hiện chức năng của một đối tượng tâm linh. An Dương Vương đã cho “lập cột đá trên núi Nghĩa” [44, tr.386]. Cột đá này là sự dung hòa của hình thức thờ đá với một ý niệm khác. Ý niệm đặc biệt của hình thức thờ đá trong truyền
101
thuyết chính là đá thề nguyền. Trước cột đá, An Dương Vương “nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám xét soi, xin đời đời giữ gìn non sông bền vững và trông nom miếu vũ họ Hùng, sai lời thể sẽ bị trăng vùi gió dập” [44, tr.386]. Đá - đối tượng tâm linh lại được dựng trên dạng thức của đá – núi thiêng, không gian tâm linh.
Trong truyền thuyết Truyện Tản Viên sơn thánh, Thục Vương lại là người được Hùng Duệ Vương truyền ngôi [theo kế sách của Sơn Thánh – NTQH]. Trước công đức của Sơn Thánh, Thục Vương đã “xa giá đến núi Nghĩa Lĩnh, lập miếu điện để làm nơi quốc gia tế lễ” [44, tr.176] và cũng “dựng hai phiến đá làm trụ cột ở trong núi” [44, tr.176]. Thục Vương đã đứng trước hai phiến đá, chỉ lên trời và nói rằng: “Xin thề nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám anh minh, thần là Thục An Dương Vương nhận lấy cơ đồ nhà Hùng này, nối nghiệp chính thống, ân đức cao dày còn mãi với trời đất. Nay lập 100 ngôi đền để làm nơi vạn thuở thờ phụng khói hương không dứt, mãi mãi nghiêm trang. Nếu như các đời vua sau kế trị, ai người trái với minh ước này thì đã có trời đất, núi sông chứng giám, kẻ đó đã phụ lời thề trên” [44, tr.176].
Do đó, giữa hai truyền thuyết có hai điểm liên quan đến đá giống nhau (lập đền thờ/ miếu điện ở núi thiêng và dựng đá thề), song sự khác biệt nằm ở chỗ: một cột đá trên núi (An Dương lập cột đá thề) và hai phiến đá trong núi (Truyện Tản Viên sơn thánh). Chúng tôi chưa thể lý giải sự khác biệt về số lượng và hình dáng của đá, kể cả địa điểm đặt đá. Mặc dù vậy, với các chi tiết trong hai truyền thuyết trên, theo chúng tôi, đá với bản nguyên bền vững sẽ là hiện thân cho trọng lượng và tính nghiêm trang của lời thề của một nhà vua. Điểm quan trọng hơn, đá thề có thể là một sự tiếp dẫn/nối không gian tâm linh từ núi lên trời để cả trời đất và núi non đều trở thành người chứng thực cho lời thề.
Thứ ba, không gian giấc mơ
Với không gian giấc mơ, đá cũng giữ vai trò là vật liệu để xây dựng nên không gian nhưng chúng tôi muốn đề cập đến hiện tượng không gian đá lồng ghép trong không gian giấc mơ. Phải chăng đá tồn tại và tác động đến con người cả trong vô thức?
Trong truyền thuyết Sự tích Thổ Thống và Nại Nương thời Hùng Vương chúng tôi đã giới thiệu ở phần trên, sau khi đến chùa Thạch Nham, lúc trở về nhà, bà Hùng
102
Ái nằm ngủ, mơ thấy “mình lại đến ở chùa Thạch Nham” [44, tr.134]. Mọi chi tiết trong giấc mơ, kể cả việc gặp gỡ ông lão đến báo tin mừng đều diễn ra trong “sân chùa” [44, tr.134]. Vì thế, không gian giấc mơ trong truyền thuyết lại cũng là không gian chùa Thạch Nham, ngôi “cổ tự danh lam” [44, tr.134] nổi tiếng của châu Hoàng Nham. Không gian chùa Thạch Nham “thanh vắng,… xung quanh tuyền bằng đá” [44, tr.134] xuất hiện hai lần trong tác phẩm: lần thứ nhất là không gian tâm linh của đời thực và lần thứ hai là không gian của giấc mộng báo điềm lành.
Chỉ có một điểm khác biệt, đó là trong không gian giấc mơ, ngoài ngôi chùa đá, còn có “đóa mây năm sắc sáng rực” [44, tr.134] và ông lão “mũ đai nhấp nhánh, mình mặc long bào, tay cầm kim bảng” [44, tr.134].
Hoặc là trong truyền thuyết Sự tích Tiên Lạp Thạch tướng quân, câu chuyện về Thạch tướng quân - chàng trai được sinh ra từ tảng đá, sau thời điểm tảng đá bị con rắn ngũ sắc quấn vòng quanh. Sự ra đời của chàng trai đã được thần báo mộng cho một ông lão nhà ở gần tảng đá [đây cũng chính là người đã nhận nuôi chàng trai – NTQH]. Không gian giấc mơ của ông lão lại ở ngay trên ngọn Phượng Hoàng, núi Bổ Đà (còn có tên khác là núi Tiên Lạp hoặc núi Ngũ Phúc và núi có bãi đá cổ cùng rất nhiều tảng đá khổng lồ), thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Ninh.
Nghĩa là trong tác phẩm, ngọn núi Phượng Hoàng bao trùm cả không gian giấc mơ lẫn không gian thực. Theo quan niệm của người xưa, núi thuộc về khu vực giao nhau, liên thông của con người và thần linh, vậy nên giấc mơ báo mộng xuất hiện trên ngọn núi là điều dễ hiểu.
Đá không chỉ còn gói gọn trong không gian thiêng, không gian thờ cúng, mà dường như đã trở thành một sự ám ảnh trong đời sống của người dân Việt từ cõi thực sang cõi mộng. Như cách lý giải của Jung về vô thức tập thể, có khả năng chính những giấc mơ cũng mang hàm nghĩa về sự di truyền kiến thức và điềm báo.
Không gian đá trong giấc mộng chắc chắn phải có những giá trị và vai trò riêng.
Tuy nhiên, quả thật, chúng tôi vẫn chưa thể giải mã được đầy đủ ý nghĩa của không gian đá này. Có thể nói đá là một dạng không gian tâm linh khá đa dạng, từ hẹp đến rộng, từ cõi thực đến cõi mộng trong truyền thuyết dân gian Việt Nam. Đồng thời, không gian nghệ thuật này còn là sự minh họa thiết thực cho đời sống tâm linh phong phú, đa dạng của người dân Việt.