Sự tái sinh trong ngưỡng vọng

Một phần của tài liệu Biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian việt nam (Trang 51 - 61)

Chương 2. BIỂU TƯỢNG ĐÁ VÀ HỆ THỐNG NGHĨA CỦA BIỂU TƯỢNG ĐÁ TRONG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VIỆT NAM

2.1. Biểu tượng đá và các lớp nghĩa của biểu tượng đá trong văn hóa thế giới và Việt Nam

2.2.2. Sự tái sinh trong ngưỡng vọng

Đá có tính chất bền vững với thời gian, trong khi đời người/ vật bị hạn định thì đời đá vô hạn. Do đó, sự gắn kết đời người/ vật vào đá chính là phương thức để bất tử hóa con người/ vật. Phần lớn những nhân vật hóa đá trong truyền thuyết đều có hành trạng xuất chúng/ công lao to lớn đối với cuộc sống no ấm, yên lành của người dân hoặc gần gũi với nhân vật lịch sử. Khi đời người/ vật của họ khép lại, hóa thân thành đá để “không thể hư hại, linh hồn người quá cố phải tồn tại mãi mãi mà không phân hủy” [21, tr. 971]. Hay sự vay mượn đặc trưng bền vững của đá trong truyền

46

thuyết chính là một cách ghi ơn của người đời dành cho nhân vật, một sự tái sinh trong ngưỡng vọng.

Ở lớp nghĩa tái sinh, đá là hóa thân của nhân vật truyền thuyết (người và vật) gồm hai dạng thức: núi đá và ngọc. Sắc thái nghĩa ở các dạng thức chỉ đậm nhạt khác nhau, rất ít những chuyển biến nghĩa. Với tiểu mục này, chúng tôi đi theo mạch hóa thân tái sinh như sau: núi đá - hóa thân của con người, núi đá – hóa thân của vật và ngọc – hóa thân của con người.

Thứ nhất, núi đá – hóa thân của con người xuất hiện trong 3 truyền thuyết:

Truyện cái khiên, Sự tích núi Sầm Sơn Núi Bà Đội Om.

Trong Truyện cái khiên, chàng Cả Lạn là người giỏi võ nghệ. Chàng vượt qua rất nhiều thử thách do các vị thần đưa ra: Thần Hành thiện chuyên đi cứu nhân độ thế đóng giả người suýt chết đuối, Đức Phật giả làm người ăn mày, Thần Núi bày binh bố trận với một đàn mười con hổ. Chàng Cả Lạn không nề hà đầm sâu, không khinh người nghèo, không nhát sợ trước bầy hổ và luôn luôn đặt sự quan tâm, thương người lên trên hết. Vì vậy, các vị thần đã ưu ái, ban thưởng cho chàng những báu vật. Nhờ đó, chàng có sức mạnh vô địch, trí tuệ hơn người và khiên quý để chiến thắng Thần Gió, Thần Mưa, giúp thiên nhiên thuận hòa, cuộc sống người dân no ấm hơn. Chàng còn giúp vua đẩy lùi giặc Hán. Tuy nhiên, chính bởi tính cách khẳng khái, quý người, chàng lại rơi vào bẫy của kẻ thù. Giận dữ trước sự phản trắc của người em kết nghĩa (do kẻ thù đóng giả để lấy lòng chàng), chàng vái trời nguyện rằng: “Nếu trời bắt ta chết, hãy để cho ta chết đứng thế này” [44, tr.563]. Lời khấn nguyện của chàng đã trở thành hiện thực, “chàng hóa thành một hòn núi lớn sừng sững giữa trời” [44, tr.563]. Hình thức “chết đứng” vừa là sự chứng giám của ông trời cho lòng trung kiên của Cả Lạn, vừa là một chứng tích lưu lại cho hậu thế về tinh thần quả cảm của chàng. Truyện cái khiên thuộc dạng truyền thuyết về các địa danh, và hòn núi do Cả Lạn hóa nên chính là núi Nhân ở Tây Nam làng Bồng Lạng. [Khi tìm hiểu thực tế thông qua địa danh cụ thể mà truyền thuyết đã giới thiệu, chúng tôi được biết thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghi, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam hiện nay là một thôn nhỏ với diện tích đất tự nhiên 1,1 km2.

Xin xem phụ lục 3 – NTQH]. Dù truyền thuyết không chỉ rõ đặc thù núi đá của núi Nhân nhưng phía Tây Nam của thôn có một dãy núi đá vôi trải dài 3 km, khá tương

47

ứng cho vị trí mà truyền thuyết đề cập đến. Do đó, chúng tôi xếp sự hóa thân của nhân vật Cả Lạn thuộc lớp nghĩa này – NTQH].

Người con gái đứng đầu trong làng của Sự tích núi Sầm Sơn không quản ngại mưa gió dữ dội và đứa bé trong bụng, “quyết đội mưa, rẽ gió ra biển thăm dò tình hình” [45, tr.722], nhìn thấy “thần sóng như một dãy núi khổng lồ đang ập tới”. Nàng định quay về báo cho dân làng song không kịp, nên đành “nằm sấp xuống duỗi dài người ngăn sóng che chở cho dân làng” [45, tr.722]. Điều thần kỳ đã diễn ra, “nước dâng lên đến đâu thì thân thể nàng cũng dài ra và cao lên đến đó” [45, tr.722] và “chỗ người con gái nằm ngăn sóng thần đã biến thành dãy núi hùng vĩ” [45, tr.722]. Người con gái đã hóa thân thành dãy núi để bảo vệ, che chở cho xóm làng thân yêu của mình. Truyền thuyết kể rằng về sau, bãi biển dưới chân núi phát triển rất sầm uất, người dân đặt tên cho dãy núi là núi Sầm (tức là núi Sầm Sơn ngày nay).

Nhân vật người vợ trong Núi Bà Đội Om lại có hoàn cảnh rất khác. Người phụ nữ này có chồng ra chiến trận phải tránh giặc trong hang núi xa, một lòng một dạ nuôi con, nuôi mẹ, chờ chồng. Năm ấy hạn hán, mấy tháng trời không có một cơn mưa, khe suối đều cạn khô. Mọi việc trong làng đều phải trông nhờ vào mấy giếng nước nhỏ trên núi, mỗi gia đình chỉ có được một, hai cà om nước mỗi ngày. Chị nhường phần lớn nước cho mẹ và cho con. Rất nhiều ngày, cả ba người đều không có một giọt nước nào. Chị trở về làng để lấy nước nhưng lúc thì phải lủi vào lùm cây tránh giặc, khi thì bị giặc đuổi theo, phải vứt cả cà om. Thiếu nước dài ngày, ăn uống cũng không đủ, chị “nhẹ tênh như chiếc lá, lúc nào cũng chực quỵ xuống đường”, cuối cùng, khi cơn mưa đến, chị không còn sức để vui mừng, “niềm đau đớn cùng cực lan khắp thân người lạnh cứng như băng” [45, tr.760]. Chị cứ đứng mãi, tựa sát người vào vách đá, tay vẫn cố giữ cà om nước cho mẹ, cho con như thế cho đến tận bây giờ.

Hai người phụ nữ trong Sự tích núi Sầm Sơn Núi Bà Đội Om đã hóa thành núi bởi những nguyên nhân khác nhau. Người phụ nữ của Sự tích núi Sầm Sơn dùng chính thân thể của mình để “trị thủy” nhằm bảo vệ xóm làng và những người thân yêu. Phương thức trị thủy mang âm hưởng chiến thắng của Sơn Tinh trước Thủy Tinh (nước càng dâng cao thì núi lại càng cao hơn), biểu hiện rõ tinh thần đoàn kết của nhân dân và ước mơ chiếm lĩnh được tự nhiên. Trong Núi Bà Đội Om, người

48

phụ nữ chịu thương chịu khó, nhận phần thiệt thòi về mình để chăm lo đủ đầy cho con và mẹ. Cả một quá trình dài đằng đẵng với nhiều thử thách đã bào mòn tinh thần và sức khỏe của chị. Vì thế, cơn mưa mát lành, mong chờ bấy lâu cũng không đủ sức cứu rỗi cuộc sống của chị, thậm chí còn là giọt nước tràn ly, bung tỏa những mệt mỏi, đớn đau vốn được chị nén chặt, giấu kín. Trong bất kỳ cuộc chiến nào, mất mát không chỉ ở những người trực tiếp ra trận mà còn có sự hy sinh thầm lặng của người ở hậu phương. Người phụ nữ ở đây là một trong số đó. Cái chết đứng, hóa thành núi chính là hiện thân cho sự kiên cường của chị.

Điểm gặp gỡ của cả hai truyền thuyết là nhân vật hóa thân đều là phụ nữ và cùng hóa thân thành núi. Hình ảnh núi gắn kết chặt chẽ với sự kiên cường và hy sinh của họ, dù trong bất kỳ mối quan hệ gia đình hay dân tộc [Trường hợp núi trong hai truyền thuyết trên đều có nét giống với Truyện cái khiên, nghĩa là hai ngọn núi trong đời thực đều thuộc dạng núi đá. Do đó, sự hóa thân trong Sự tích núi Sầm Sơn Núi Bà Đội Om được chúng tôi đưa vào dạng thức núi đá. Xin xem thêm phụ lục 3 - NTQH]. Nếu chàng trai trong Truyện cái khiên còn có tên Cả Lạn thì việc không có tên riêng của hai người phụ nữ đã xóa mờ dấu vết cá nhân để nhân vật trở thành hình ảnh đại diện chung cho phụ nữ Việt. Có thể nói cả ba truyền thuyết cho thấy núi đá là sự hóa thân của con người để tạc nên dáng hình của xứ sở.

Mỗi ngọn núi đang “trơ gan cùng tuế nguyệt” đều ngầm chứa sức mạnh tinh thần của người dân Việt.

Thứ hai, núi đá – hóa thân của vật. Trong công trình Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, với Đá, Jean Chevalier và Alain Gheerbrant đã xác nhận có “huyền tích biến đá thành bánh mì được kể trong sách Phúc âm. Từ Beith-el (nhà của Chúa Trời) có lẽ sau này đã biến thành Beith-lehem (nhà của bánh mì), và cuối cùng bánh thánh đã thay cho đá như là nơi Chúa hiện diện trong thực tại” [21, tr.269]. Theo chúng tôi, lớp nghĩa núi đá là hóa thân của vật có thể chia làm hai tiểu dạng phụ thuộc vào vật được hóa núi đá: vật mang tính thiện và vật mang tính ác. Mục đích hóa đá tái sinh của các sự vật cũng hoàn toàn khác nhau: đối với vật mang tính thiện, đá như là một sự tôn vinh và tưởng vọng sự vật, còn đối với vật mang tính ác, đá là hình thức lưu lại chiến tích của người anh hùng.

49

Vật hóa núi đá mang tính thiện trong truyền thuyết dân gian Việt Nam gồm phượng hoàng (Núi Phượng Hoàng), ngựa và bộ yên ngựa (Mã Yên Sơn), chú voi què (Chú voi què hóa đá). Nét nghĩa của đá được hóa từ vật mang tính thiện là sự kéo dài, nối giãn đời sống tinh thần của sự vật bởi xuất phát từ niềm tưởng vọng mà quần chúng nhân dân dành cho sự vật. Cũng cần phải nhấn mạnh đến hành trạng/

công lao của những sự vật trong mối quan hệ với nhân vật lịch sử hoặc đời sống của người dân. Đây chính là điểm quan trọng đã tạo ra phần vĩ thanh – tái sinh trong

“đời đá” của sự vật.

Phượng hoàng trong truyền thuyết Núi Phượng Hoàng thường làm tổ trên đỉnh núi của Chi Lăng. Dưới thời nước ta bị nhà Đường đô hộ, tên quan khét tiếng tàn ác Lưu Diên Hựu trên đường đi kinh lý, nhìn thấy chim phượng hoàng bay về đỉnh núi.

Lưu Diên Hựu cho rằng chim phượng hoàng xây tổ trên núi là “mối họa đối với thiên triều, đối với mệnh ta đang ngồi cai trị đất này” [44, tr.679], mới ra lệnh cho quân lính giương cung bắn phượng hoàng. Chim phượng hoàng đầu đàn bị mũi tên độc cắm vào cánh phải, được hai chàng trai của bản rút tên, rịt lá thuốc vào vết thương. Truyền thuyết miêu tả con chim phượng hoàng bằng những câu văn nhân hóa: “Chim quý nghiêng đầu nhỏ hai giọt nước mắt lấp lánh như kim cương trong ánh đèn săn mờ ảo. Chim nén đau, không kêu xé lòng nữa” [44, tr.679]. Sáng hôm sau, “chim hóa đá trên đỉnh núi cao,… và mãi mãi ở lại trên đất này với người dân xứ này” [44, tr.679]. Người xưa quan niệm vùng đất chim phượng hoàng chọn là đất lành và mùa màng sẽ tốt tươi, cuộc sống sẽ no ấm. Chim phượng hoàng mang điềm thịnh vượng không chỉ cho vùng đất, mà còn cho cả vương triều đang trị vì.

Do vậy, sự xuất hiện của chim phượng hoàng ở Chi Lăng không chỉ ẩn tàng nguy cơ vị trí cai trị của Lưu Diên Hựu bị lung lay mà còn là nỗi e sợ của nhà Đường trước tiềm năng lớn mạnh cả vật chất và tinh thần của người dân Việt. Vì sức mạnh của quyền lợi/ lực, tên quan Lưu Diên Hựu bắt buộc phải tiêu diệt chim phượng hoàng để trừ hậu họa. Song, chim phượng hoàng có thể được xem như một sứ giả của thần linh. Nếu như trong truyện cổ tích Cây khế, chim phượng hoàng có khả năng thông hiểu được tiếng nói của con người, biết đền ơn trả nghĩa, luôn khách quan trước mọi sự vật thì ở truyền thuyết, chim mang dáng dấp và cách hành xử như con người. Ngoài việc đã lựa chọn vùng đất Chi Lăng [thiên định/ theo mệnh

50

trời – NTQH], chim phượng hoàng còn cảm cái ơn của người dân bản nên cuối cùng đã hóa đá để mãi trọn tình với vùng đất và người dân. Chim phượng hoàng dẫu chết đi thì tính linh thiêng vẫn tồn tại trong hiện thân núi đá [núi đá Phượng Hoàng – NTQH] và dường như núi đá cũng đem điềm lành gắn chặt mãi mãi với vùng Chi Lăng.

Truyền thuyết Mã Yên Sơn lại là câu chuyện về cuộc khởi nghĩa của đồng bào Tày – Nùng chống sự thống trị bóc lột và đàn áp nặng nề của nhà Đường. Họ có một đội kỵ binh tinh nhuệ với “những con tuấn mã được huấn luyện hết sức công phu, được trang bị những bộ yên cương bằng da thú rừng quý báu” [44, tr.680]. Đội kỵ binh mấy phen làm quân giặc khiếp sợ bởi tài phi ngựa và bắn cung. Chúng suy đoán “những kỵ sĩ tài giỏi kia sở dĩ chết không bao giờ ngã ngựa là nhờ có cỗ yên cương linh thiêng ấy” [44, tr.680 - 681]. Trong một trận đánh, có một nghĩa sĩ bị tử thương, con ngựa quỵ cả bốn vó vẫn quyết không cho bầy giặc lôi xác chàng kỵ sĩ xuống, cứ lồng lên đòi cắn cổ giặc. Quân giặc tức giận nên chém cụt đầu con ngựa và cố lột bằng được cái yên ngựa. Không hiểu vì sao “chúng không tài nào nhấc nổi bộ yên cương kỳ lạ đó. Bộ yên cương đã dính liền vào lưng ngựa” [44, tr.681]. Lúc quân giặc thất vọng bỏ đi, “đêm ấy, con tuấn mã trung thành và bộ yên cương quý giá đã hóa đá” [44, tr.681] và hai giọt nước mắt của ngựa thương người tử sĩ “biến thành giếng Mã Yên Sơn trong mát quanh năm, không bao giờ cạn” [44, tr.681]. Có thể khẳng định, núi đá Mã Yên Sơn và giếng Mã Yên Sơn là hai hình ảnh đẹp, đầy tính ẩn dụ, chưng cất tất cả lòng tưởng nhớ và ngưỡng vọng của nhân dân. Núi đá hiện thân cho sự trung thành của con tuấn mã, hay nói rộng hơn, chính xác hơn là của đội kỵ binh Tày - Nùng. Họ không chỉ muốn sống, chiến đấu cho vùng đất, mà nguyện chết cũng hóa thân vào vùng đất đó. Giọt nước mắt của ngựa là niềm tiếc thương của đồng bào dành cho đội kỵ binh mãi đầy vơi theo năm tháng như nước giếng trong mát, không bao giờ cạn. Tương tự như sự hóa đá của chim phượng hoàng, núi đá được hóa từ con ngựa và bộ yên cương trong truyền thuyết Mã Yên Sơn có hai lớp nghĩa: ghi dấu chiến tích của đội kỵ binh Tày – Nùng, và ngầm chứa sự tưởng vọng của đồng bào dành cho họ.

Khác núi Phượng hoàng và Mã Yên Sơn trong hai truyền thuyết trên, hình dáng của núi đá và chú voi một ngà trong truyền thuyết Chú voi què hóa đá có mối

51

quan hệ chặt chẽ, vì núi đá có dáng vẻ của một chú voi đang nằm. Sự đồng nhất về hình dáng đã giúp vua Quang Trung khi chiến thắng trở về nhận ra núi đá chính là hóa thân của voi một ngà. Điểm thú vị của núi đá, còn nằm ở chi tiết đỉnh núi hướng về phía Bắc, in đậm sự quy phục và bái vọng của chú voi đối với vua Quang Trung, hay cũng có thể nói là tinh thần một lòng một dạ muốn cùng ra Bắc chinh chiến bên cạnh vua của voi một ngà. Truyền thuyết Chú voi què hóa đá kể rằng chú voi cũng là một thành viên thuộc đoàn quân của Quang Trung tiến ra Bắc để dẹp giặc Mãn Thanh. Đây là “con voi đực to nhất, chỉ có một ngà, trước đây vô cùng hung dữ ở rừng Tây Nguyên, không ai có thể thuần hóa được” [45, tr.618], song khi nghe Nguyễn Huệ phất cờ khởi nghĩa, con voi đã tự nhiên theo về đàn voi của nhà vua,

“quỳ hai chân trước, đập vòi như tạ tội” [45, tr.618]. Từ đó, lúc nào vua Quang Trung cũng cưỡi voi một ngà này ra trận. Trên đường đi, đến đèo Ba Dội, voi một ngà trượt ngã, chân bị thương nặng nhưng “quỳ hai chân trước xuống để nghênh đón nhà vua…, như năn nỉ được tiếp tục đưa nhà vua đi đánh giặc” [45, tr.618].

Cảm kích trước tình cảm của chú voi, Quang Trung nói với voi như một bề tôi

“Ngươi đã theo ta đánh đông dẹp bắc, trên mình đầy chiến tích vinh quang. Ta rất lấy làm biết ơn. Nay không may nhà ngươi bị ngã què, không thể cùng ta ra trận được. Hãy nằm lại đây nghỉ ngơi, chờ ta đánh xong giặc xâm lăng sẽ quay về chữa cho ngươi khỏi rồi cùng ta trở về Phú Xuân” [45, tr.618]. Chú voi què hiểu ý nhà vua, “vô cùng cảm kích, lết theo đoàn quân một đoạn nữa rồi không thể nào đi được, hóa thành núi đá, hướng đầu về phía Thăng Long” [45, tr.618]. Trong những chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn không thể không nhắc đến sự giúp sức của những con tuấn mã của đội kỵ binh và đàn voi quý của đội tượng binh. Lối miêu tả của truyền thuyết thể hiện cách hành xử đầy tính người của con voi, đồng thời phản ánh tình cảm, cũng như sự luyến thương nhân dân dành tặng cho chú voi một ngà.

Như vậy, truyền thuyết không chỉ tôn vinh nhân vật lịch sử mà còn ghi chép những câu chuyện mang tính chất huyền thoại về các sự vật, con người xung quanh nhân vật lịch sử. Hay nói cách khác, sự xuất hiện của nhân vật lịch sử là ý/ mệnh trời nên đương nhiên chiếm được cảm tình của nhân dân, thậm chí tất cả các sự vật, hiện tượng khác.

Một phần của tài liệu Biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian việt nam (Trang 51 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)